‘Hàng ngàn siêu thị mở cửa trở lại’? Truyền thông nhà nước bị cáo buộc tung tin giả

Alex Wu

Một nhân viên mặc đồ bảo hộ đứng giữa những con phố không bóng người trong một khu vực bị phong tỏa tại quận Tĩnh An, phía tây Thượng Hải hôm 04/04/2022. (Ảnh: Chen Si/AP Photo)

Tình trạng phong tỏa kéo dài gần ba tuần ở thành phố Thượng Hải 26 triệu dân đang đẩy người dân vào cảnh khốn cùng. Người dân địa phương đang chật vật tìm kiếm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, và quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế.

Mới đây, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đã đưa tin rằng hơn 1,000 siêu thị và cửa hàng ở Thượng Hải đã hoạt động trở lại và có “nguồn cung cấp đầy đủ” cho các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đăng bài trên mạng cho hay tin tức này là giả.

Hôm 16/04, chương trình “Tân Văn Liên Bố” (Network News Broadcast) của CCTV đã đưa một bản tin có tựa đề “Thượng Hải giữ vững chính sách xóa sổ dịch bệnh linh hoạt đồng thời bảo đảm nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu hàng ngày”, khi phát sóng một cảnh quay về “hàng hóa và thực phẩm đầy đủ trong các cửa hàng.” Bản tin khẳng định rằng tính đến ngày 15/04, “1,011 siêu thị và cửa hàng chính ở Thượng Hải đã mở cửa trở lại, 42 kho hàng không có ca nhiễm của các nền tảng thương mại điện tử đã hoạt động trở lại và 779 kho phân phối* không có ca nhiễm đã hoạt động trở lại.”

Tuy nhiên, trên mạng xã hội, cư dân mạng Trung Quốc đã phản bác tin tức thời sự này.

“Nhiếp ảnh gia Phí Địch Văn” đã đăng rằng “ba bức ảnh đầu tiên chụp cảnh người dân đang mua sắm tại một siêu thị” xuất hiện trong bản tin của CCTV được anh quay tại RT-Mart (cửa hàng quận Dương Phố) ở Dương Phố, Thượng Hải hôm 31/03 trước khi Dương Phố bị phong tỏa hồi đầu tháng Tư trong đợt phong tỏa hai giai đoạn của thành phố Thượng Hải. Anh cho biết thêm rằng đoạn phim này được quay cho một chương trình khác của CCTV là “30 phút Kinh tế”.

Cư dân mạng đã đăng ảnh chụp màn hình của bản tin đó, cho rằng đó là tin giả. Bức ảnh cho thấy cảnh rau cải chất đống trên quầy trước máy quay, trong khi các quầy còn lại vẫn trống trơn.

Cư dân mạng đã đăng trên mạng xã hội một ảnh chụp màn hình bản tin thời sự của CCTV trong tháng 04/2022. (Ảnh: Weibo)

Nhiều cư dân Thượng Hải đã phẫn nộ trước chương trình phát sóng này. Các bài đăng trên mạng xã hội cáo buộc kênh truyền hình nhà nước này tung tin đồn nhảm và yêu cầu CCTV phải chịu trách nhiệm về bản tin này.

Một cư dân mạng tự gọi mình là “Lão Thịnh Lại Nói Chuyện Hàng Hóa”, trên bài đăng của mình đã đặt ra những câu hỏi và yêu cầu câu trả lời:

  1. Khu vực nào của Thượng Hải xuất hiện trong đoạn phim này? Cụ thể đó là siêu thị nào? 
  2. Ai ở Thượng Hải đã làm tốt công việc cung cấp mặt hàng thiết yếu hàng ngày? Tôi có thể lấy những mặt hàng cung cấp này ở đâu?

Các bài đăng chất vấn về việc phát sóng bản tin của CCTV đã nhanh chóng bị nhà chức trách gỡ xuống. Các quan chức Thượng Hải cho biết thêm rằng các bài đăng trực tuyến nghi ngờ bản tin này là những tin đồn và đoạn phim phát trên CCTV “phản ánh tình hình tại siêu thị ở quận Kim Sơn hôm 15/04.”

Nhiều cư dân mạng đã phản ứng trước tuyên bố của các quan chức Thượng Hải bằng những nghi vấn sau: “Kim Sơn không thể đại diện cho toàn bộ thành phố Thượng Hải, phải không? Tại sao không đưa tin tình hình thực tế trong nội đô?” Kim Sơn là một quận ngoại thành của Thượng Hải.

Những cư dân mạng khác cho biết: “Độ tin cậy của chính quyền Thượng Hải là bằng không, độ tin cậy của CCTV là ở mức âm, và mức độ tung tin đồn của họ thực sự khiến mọi người phẫn nộ.”

Chú thích của dịch giả: (*) kho phân phối: ở Trung Quốc, lương thực thực phẩm, hàng hoá được bố trí đều trong kho dân dụng của thành phố, trên những khu đất riêng có những khoảng cách nhất định đối với khu ở và công cộng (trong bán kính 3km), khiến cho việc giao hàng trở nên nhanh chóng từ kho tới cửa hàng và tới tay người mua hàng.

Ông Alex Wu là một tác giả của The Epoch Times tại Hoa Kỳ, chuyên về xã hội Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, nhân quyền, và các mối quan hệ quốc tế.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts