Tạ Phong Tần
Hôm nay tôi không định nghĩa hai chữ hạnh phúc theo kiểu thông thường, theo tình cảm, mà theo nghĩa khác rộng hơn, là sự đau khổ hoặc niềm vui của một đời người, quan trọng đến mức quyết định sinh hoặc tử. Đọc tới đây, hẳn sẽ có quý độc giả nghĩ rằng tôi quá thổi phồng vấn đề. Xin thưa rằng, tôi vốn xưa nay không có thói quen tạo ra những thử thách khó khăn giả tạo, bởi cuộc sống của chúng ta vốn dĩ luôn có sẵn đầy dẫy những khó khăn thử thách bao trùm mọi lúc, mọi nơi rồi. Ai dám khẳng định rằng trong đời mình đã không có lần nào tuyệt vọng tới mức muốn buông xuôi tất cả? Và khi sự tuyệt vọng, mỏi mệt tới cực điểm thì người ta không ngại tung hê hết, muốn ra sao thì ra.
Sự việc thương tâm chưa kịp vơi thì ngày 4 Tháng Tư, một nam sinh khác sống cùng gia đình tại chung cư The Vesta (Hà Nội) nhảy lầu tự tử từ tầng 18 xuống đất tử vong. Một cư dân ở gần cho biết đã nhìn thấy nạn nhân chạy lên tầng 18 nhảy xuống. Nhiều người đang sống ở Việt Nam cho rằng chính tình trạng trẻ em ở Việt Nam bị đánh cắp tuổi thơ, chỉ biết cắm đầu học, không có thời gian nghỉ ngơi, không có thời gian vui chơi, đã tạo áp lực lên học sinh, mà cái gọi là “trường chuyên,” “lớp chọn” chương trình càng nặng nề hơn theo kiểu “luyện gà chọi đi thi.
Thật sự, có được bao nhiêu học sinh sau khi ra khỏi “trường luyện gà chọi” thì trở thành nhân tài sáng tạo ra sản phẩm gì đó phục vụ lợi ích xã hội? Tôi chưa thấy có thống kê nào hết nên tôi cho rằng ngoài tấm bằng để cha mẹ đứa trẻ “hãnh diện” thì không học sinh nào trở thành nhà sáng tạo theo kiểu các ông Tim Berners Lee hay Steve Jobs. Các bậc phụ huynh “mê tín” trường chuyên dù không biết trường chuyên thì phẩm chất giáo dục như thế nào, miễn có chữ “chuyên” để cha mẹ khoe với mọi người “Con tôi giỏi hơn con ông/bà.” Tuy nhiên, qua vụ việc đau lòng ở trên làm cho tôi tình cờ khám phá ra trình độ ngôn ngữ tiếng Việt của trường chuyên rất là không chuyên (nếu không muốn nói là dở tệ) khi họ dùng chữ “Kính Viếng” trên vòng hoa tang cho học trò vị thành niên của họ, mà không biết dùng chữ “Vô Cùng Thương Tiếc” hoặc “Thành Thật Chia Buồn Cùng Quý Quyến.”
Năm 2011, dư luận nước Mỹ dậy sóng khi bà Amy Chua – giáo sư tại Yale Law School cho ra mắt cuốn tự truyện về cách bà nuôi dạy hai con gái, tựa đề “Battle Hymn Of The Tiger Mother” với hàng loạt quy tắc độc tài, độc đoán không khác mấy kiểu “luyện gà chọi” ở Việt Nam, và bà tự hào rằng hai con gái bà xuất sắc, đạt thành tích cao trong trường học. Rất nhiều người Mỹ phản đối và cũng có nhiều người ủng hộ cách dạy con của bà Amy Chua. Tôi là đứa luôn ghét nghe tiếng đờn piano, càng ghét hơn âm thanh của violin và mandolin nên tôi thật sự không hiểu nổi bà Amy Chua bắt buộc con bà chỉ chơi đờn piano hoặc violin, thậm chí không chơi bất cứ nhạc cụ nào cũng không được, mà phải chơi piano hoặc violin mỗi ngày, mỗi lần liên tục 3 giờ đồng hồ với những bài nhạc khó để làm gì ??? Hơn 10 năm trôi qua, hai con gái bà Amy Chua có trở thành thiên tài gì không? Có trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn đờn piano hoặc violin không? Xin thưa rằng không, họ chỉ là hai cá nhân bình thường và không nghe ai nhắc tới tên hai con gái bà dù bà Amy Chua rất nổi tiếng. Vậy bà Amy Chua biến tuổi thơ con gái bà thành địa ngục để làm gì? Chỉ là để thỏa mãn cái tôi của bà mà thôi.
Không có gì ngạc nhiên khi ở tiểu bang Atlanta các trường học thường tổ chức đám tang giả nhằm ngăn ngừa những trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập và những áp lực khác trong cuộc sống. Không ít học sinh công khai thú nhận họ đã từng có ý định tự tử. May mắn hơn học sinh Việt Nam, thông qua hoạt động tổ chức đám tang giả, nhân viên xã hội đã giúp cho học sinh của trường hiểu hơn về giá trị bản thân.
Trang Amazon đang bán cuốn sách tựa đề “Don’t confuse schooling with education. I didn’t go to Harvard but the people that work for me did.” (Ðừng nhầm lẫn việc đi học với giáo dục. Tôi không học ở Harvard nhưng những người làm việc cho tôi đã học ở Harvard. Giá $4.96) của tỷ phú Elon Musk. Hẳn ông tỷ phú thích tự do này biết rõ có quá nhiều người Mỹ “mê tín” trường Harvard, “mê tín” những tấm bằng “danh giá,” và nhà sáng tạo tự đặt cho mình nhiệm vụ đập bỏ cái thành trì “mê tín” cho lớp trẻ được tự do.
Tôi không phủ nhận bằng cấp và những kiến thức trong trường học. Nó cũng như những viên gạch thô cho chúng ta xây nền móng tòa lâu đài, còn phần trên, kiểu dáng lâu đài phải do chính ta sáng tạo “độc bản” thì công trình đó mới có giá trị. Gò ép trái banh vô cái khung vuông thì một trong hai cái sẽ bị hư hại, hoặc cả hai đều bị hư hại, tổn thất, như hai vụ việc đau lòng phần thượng dẫn. Tôi cho rằng, đứa trẻ được học nghề nó thích, lớn lên được kiếm tiền bằng việc nó thích làm, được sáng tạo điều nó muốn, đó là hạnh phúc lớn nhứt mà cha mẹ có thể cho con mình. Ðược sống trong một xã hội tự do chọn nghề mình thích vì mình có khả năng, có tài năng thiên bẩm về nghề nghiệp đó (chớ không phải nghề chọn người qua lý lịch) thì mới thật sự là người hạnh phúc.
Tạ Phong Tần