Những người được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc có nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19 cao hơn 4,59 lần so với Pfizer

Văn Thiện

Những người được tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc có nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19 cao hơn 4,59 lần so với Pfizer
Lọ vắc xin CoronaVac, được phát triển bởi Sinovac Biotech của Trung Quốc, ở Bangkok, vào ngày 24/2/2021. (Lillian Suwanrumpha / AFP qua Getty Images)

Những người đã được tiêm vaccine CoronaVac của Sinovac có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19 cao hơn gần 5 lần so với những người được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech/Comirnaty, theo một nghiên cứu của Singapore.

CNA đưa tin, nghiên cứu, được công bố hôm thứ Ba (ngày 12/4), liên quan đến khoảng 2,7 triệu người từ 20 tuổi trở lên đã được tiêm hai liều vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore. Chương trình này thực hiện trong khoảng thời gian 7 tuần từ ngày 1/10/2021 đến ngày 21/11/2021, khi các ca bệnh ở Singapore tăng cao do biến thể Delta.

Nhóm nghiên cứu, bao gồm các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm từ Trung tâm Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCID) và Bộ Y tế (MOH) của Singapore, đã quan sát thấy hiệu quả tương đối thấp hơn của hai loại vaccine bất hoạt – Sinovac và Sinopharm – trong việc chống lại COVID-19 so với các vaccine mRNA – Pfizer-BioNTech và Moderna.

Theo đó, những người được tiêm vaccine Sinovac có nguy cơ bị COVID-19 nghiêm trọng cao hơn 4,59 lần và nguy cơ bị nhiễm bệnh cao hơn 2,37 lần so với những người được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech.

Các ca bệnh nặng được định nghĩa là những trường hợp cần sử dụng liệu pháp oxy khi nhập viện.

Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy vaccine Moderna có hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng tốt hơn vaccine Pfizer-BioNTech.

Những người được tiêm vaccine Moderna được phát hiện có nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng thấp hơn một nửa (0,42 lần) so với những người được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech và họ cũng ít có khả năng bị nhiễm bệnh hơn.

Theo một báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, vaccine Moderna có hiệu quả cao hơn có thể là do nó có hàm lượng mRNA cao hơn và khoảng thời gian giữa các lần tiêm lâu hơn.

Nghiên cứu cho biết: “Những người được tiêm hai liều vaccine bất hoạt được quan sát thấy có khả năng bảo vệ chống lại sự lây nhiễm COVID-19 thấp hơn so với những người được tiêm vaccine mRNA”.

Tính đến trưa thứ Ba, khoảng 96% dân số đủ điều kiện ở Singapore đã được tiêm chủng theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Khoảng 73% đã nhận được các mũi tiêm tăng cường.

Thông tin thêm về nghiên cứu

Các tác giả của nghiên cứu bao gồm giám đốc điều hành của NCID Leo Yee Sin, chủ tịch ủy ban chuyên gia về tiêm chủng COVID-19 Benjamin Ong, trợ lý cấp cao của MOH Wycliffe Wei, cũng như giám đốc MOH về các bệnh truyền nhiễm Vernon Lee.

Nghiên cứu nhằm so sánh hiệu quả của vaccine mRNA và vaccine bất hoạt trong cùng một quần thể. Bài báo cho biết, phát hiện này sẽ hữu ích trong việc đưa ra hướng dẫn các khuyến nghị về chính sách nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm bớt căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Trong số 2.709.899 cá nhân tham gia vào nghiên cứu, khoảng 74% được tiêm vaccine Pfizer-BioNTech, 23% tiêm vaccine Moderna, trong khi chỉ có 2% tiêm vaccine Sinovac và 1% tiêm vaccine Sinopharm.

Singapore đã phê duyệt việc sử dụng vaccine Pfizer-BioNTech trong chương trình tiêm chủng ở quốc gia vào ngày 30/12/2020, trong khi vaccine Moderna và Sinovac lần lượt vào ngày 3/2/2021 và 23/10/2021.

Từ ngày 30/8/2021, vaccine Sinopharm cũng đã có sẵn tại các cơ sở y tế tư nhân, nhưng không phải là một phần của chương trình quốc gia.

Nhóm thuần tập, tập hợp một nhóm người có cùng chung một đặc điểm nào đó, được giới hạn trong hai tuần sau khi hoàn thành hai liều vaccine, và những người đã nhận được liều thứ hai trong vòng 120 ngày kể từ ngày phân tích.

Trong thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được tổng cộng 107.220 người đã tiêm chủng mắc COVID-19 bằng các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR), và 644 người đã phát triển bệnh nặng.

Mặc dù nghiên cứu dựa trên “dữ liệu quốc gia toàn diện”, nhóm nghiên cứu cho biết nó vẫn có “một số hạn chế”. Điều đó bao gồm “nhiễu tồn dư” từ các bệnh nền đi kèm cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn vaccine hoặc nguy cơ phơi nhiễm của một người. Ngoài ra, cũng có những trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng chưa được ghi nhận là ca bệnh.

Văn Thiện

Related posts