Nhật Bản, New Zealand tăng cường hợp tác quốc phòng trước ‘những thách thức chưa từng có’

Aldgra Fredly

Thủ tướng Nhật Bản, ông Fumio Kishida (thứ hai bên phải), hội đàm cùng Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern (thứ ba bên trái), tại cuộc họp ở dinh thự chính thức của ông ở Tokyo, Nhật Bản hôm 21/04/2022. (Ảnh: Kimimasa Mayama/Getty Images)

Hôm thứ Ba (19/04), New Zealand và Nhật Bản đã đồng ý tăng cường hợp tác quốc phòng và bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức hướng tới một hiệp ước chia sẻ thông tin khi thế giới đang phải đối mặt với ‘những thách thức chưa từng có’ từ cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. 

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc gặp mặt với Thủ tướng New Zealand đang đến thăm nước này lần đầu tiên vào hôm thứ Ba (19/04) kể từ cuộc bầu cử năm ngoái của ông. 

Trong một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc đàm phán, hai nhà lãnh đạo cho biết họ đồng ý tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như quan hệ chính trị, quốc phòng và an ninh, cũng như thương mại và tăng trưởng kinh tế.

Họ cũng đồng ý bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn vào các vấn đề an ninh quốc tế. 

Bà Ardern đã mô tả Nhật Bản là một trong những “đối tác quan trọng nhất trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của New Zealand, mà nước này chia sẻ những giá trị và cách tiếp cận chung với những thách thức đối với khu vực. 

Bà nói trong một tuyên bố: “Nhật Bản và New Zealand sẽ cùng làm việc để hỗ trợ phục hồi kinh tế từ COVID-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như duy trì trật tự dựa trên luật lệ toàn cầu.”

Ông Kishida và bà Ardern đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược bất hợp pháp của Nga vào Ukraine, nói rằng hành động này tạo ra “một mối đe dọa nghiêm trọng” đối với trật tự thế giới dựa trên luật lệ, với hậu quả vượt xa Âu Châu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Họ đã yêu cầu quân đội Nga ở Ukraine lập tức rút quân và cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga. 

Những cuộc đàm phán này cũng bàn về Biển Hoa Nam và Biển Đông, nơi Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện quân sự. Hai nhà lãnh đạo cho biết họ phản đối mạnh mẽ các hành động đơn phương tìm cách thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và làm leo thang căng thẳng ở các vùng biển tranh chấp. 

Cả hai nhà lãnh đạo đã tái xác nhận tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp lãnh hải theo luật quốc tế, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ Phán quyết Trọng tài cuối cùng và có tính ràng buộc pháp lý hồi tháng 07/2016 về Biển Đông.

Ông Kishida cho biết Nhật Bản và New Zealand “sẽ không dung thứ cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và chống lại họ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông hoặc bất kỳ khu vực nào khác,” hãng truyền thông Kyodo News của Nhật Bản đưa tin.

Nhật Bản và New Zealand cũng đã cam kết hợp tác để hỗ trợ cho an ninh và sự phục hồi của các đảo quốc Thái Bình Dương, đồng thời lên án việc Bắc Hàn đang phát triển vũ khí hạt nhân.

Cuộc gặp này diễn ra sau khi Quốc đảo Solomon và Trung Quốc chính thức ký kết một hiệp ước an ninh cho phép Bắc Kinh đóng quân và cảnh sát có vũ trang trên đảo Thái Bình Dương này.

Hôm 18/04, Hoa Kỳ đã triệu tập một cuộc họp với giới chức Nhật Bản, Úc và New Zealand, trong đó họ thể hiện mối lo ngại về vấn đề Solomon-Trung Quốc. Tòa Bạch Ốc cho biết Hoa Thịnh Đốn lo ngại về sự thiếu minh bạch và “tính chất không xác định” của thỏa thuận này. 

Cô Aldgra Fredly là một nhà văn tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts