Giá lương thực tăng gần mức cao kỷ lục khi các vấn đề về nguồn cung tiếp diễn

Tom Ozimek

Người dân mua sắm hàng tạp hóa tại một siêu thị ở Glendale, California, hôm 12/01/2022. (Robyn Beck/AFP/Getty Images)

Theo một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, giá lương thực vẫn tăng trong tháng Tư, hầu như không giảm so với mức cao kỷ lục của tháng Ba và đặt ra thách thức đối với an ninh lương thực trong bối cảnh thị trường thắt chặt liên tục.

Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết chỉ số giá lương thực, chỉ số theo dõi các mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên toàn cầu, đã giảm 1.2 điểm so với tháng trước trong tháng Tư, sau khi có một “bước nhảy vọt” 18.6 điểm trong tháng Ba, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 159.7 điểm.

Nhà kinh tế trưởng của FAO Máximo Torero Cullen cho biết trong một tuyên bố: “Sự sụt giảm nhỏ của chỉ số này là một sự dịu bớt đáng hoan nghênh, đặc biệt đối với các quốc gia có thu nhập thấp bị thâm hụt lương thực, nhưng giá lương thực vẫn ở gần mức cao gần đây, phản ánh sự thắt chặt thị trường dai dẳng và đặt ra thách thức đối với an ninh lương thực toàn cầu đối với những người dễ bị tổn thương nhất.”

Chỉ số lương thực giảm nhẹ chủ yếu do giá dầu thực vật giảm đáng kể và giá ngũ cốc giảm nhẹ.

Chỉ số giá dầu thực vật của FAO giảm 14.3 điểm, tương đương 5.7%, so với mức cao kỷ lục trong tháng Ba. Sự sụt giảm này được thúc đẩy bởi giá dầu cọ, hướng dương, và đậu nành giảm.

Theo FAO, giá sữa, thịt, và đường đều tăng từ tháng Ba đến tháng Tư.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ S&P Global, tình trạng thiếu hụt nguồn cung lương thực đạt mức cao kỷ lục trong tháng Tư.

An ninh lương thực suy giảm

FAO cho biết việc tiếp tục phong tỏa các cảng ở Ukraine là một yếu tố khiến giá ngũ cốc tăng cao, nhưng xuất cảng lớn hơn dự kiến ​​từ Nga và Ấn Độ, kết hợp với nhu cầu giảm, đã đẩy chỉ số này xuống 0.7 điểm trong tháng Tư.

Trong tháng Ba, chỉ số giá ngũ cốc tăng vọt 17.1%, chạm 170.1 điểm, mức cao nhất từng được ghi nhận, với FAO quy kết một phần nguyên nhân là do xung đột Nga-Ukraine.

Cuộc chiến ở Ukraine đã làm gián đoạn dòng chảy thương mại ở khu vực Biển Đen, với tác động đáng kể đến nguồn cung cấp lương thực vì Nga và Ukraine đều là những nhà xuất cảng ròng của một số loại cây ngũ cốc hàng đầu: lúa mì, ngô, và lúa mạch.

Ngay cả trước khi chiến tranh bùng nổ, giá thực phẩm đã ở mức cao kỷ lục do các yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch và nhu cầu tăng sau thời kỳ phong tỏa.

Xung đột Nga-Ukraine đã làm cho những áp lực lạm phát đó trở nên tồi tệ hơn.

Trong một đánh giá gần đây về tình trạng mất an ninh lương thực (pdf), FAO cho biết: “Xung đột hiện nay giữa Ukraine và Liên bang Nga đang làm gia tăng nguy cơ tình hình mất an ninh lương thực ở cấp độ toàn cầu trở nên xấu hơn nữa.”

Theo AMIS Market Monitor (pdf), Nga và Ukraine là những nhà xuất cảng thực phẩm lớn, với hai quốc gia này chiếm khoảng 30% xuất cảng lúa mì và khoảng 80% thương mại sản phẩm hạt hướng dương.

Các cơ quan viện trợ đã cảnh báo rằng việc xuất cảng lương thực của Ukraine bị gián đoạn có nghĩa là các nước phụ thuộc nhiều vào họ — trong đó có Trung Quốc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, và Indonesia — sẽ phải tìm nguồn cung cấp thay thế hoặc đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.

Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’

Vân Du biên dịch

Related posts