Ấn Độ, quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới: Cấm xuất khẩu lúa mỳ vì lo ngại an ninh lương thực

Thanh Đoàn

Lúa mì tại một cánh đồng bên ngoài làng Maslovsky, cách thành phố Voronezh ở Nga khoảng 30 km, ngày 09/07/2020. (Ảnh: Kirill Kudryavtsev / Getty Images)

Lo ngại an ninh lương thực, Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới, chính thức phát lệnh cấm xuất khẩu lúa mỳ. Nguồn cung lúa mỳ toàn cầu trở nên khan hiếm không chỉ vì Covid-19 mà còn vì cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, nơi chiếm 1/3 kim ngạch xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Khủng hoảng lương thực toàn cầu trở nên rõ nét hơn trước động thái này của Ấn Độ.

Hôm thứ Sáu, ngày 13/5/2022, trên một công báo của Chính phủ Ấn Độ, được ký bởi Tổng cục trưởng Ngoại thương Santosh Kumar Sarangi, cho biết do giá lùa mì toàn cầu tăng đột biến, lo ngại an ninh lương thực quốc gia, Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì cho tới khi có thông báo mới.

Theo thông báo này, lúa mì chỉ được xuất khẩu trong trường hợp các lô hàng đã được đảm bảo thanh toán bằng Thư tín dụng không huỷ ngang ký vào hoặc trước ngày ra thông báo (tức là ngày 13/5/2022). Ngoài ra, lúa mì chỉ được phép xuất khẩu “trên cơ sở được Chính phủ Ấn Độ cho phép các nước khác đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực và dựa trên yêu cầu từ chính phủ của họ”. Tức là, hoạt động thương mại thông thường về xuất khẩu lúa mì hoàn toàn bị chặn lại tại Ấn Độ, nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai toàn cầu, sau Trung Quốc.

“Chính sách xuất khẩu lúa mì đối với các mã HS nêu trên là ‘Cấm’ có hiệu lực ngay lập tức ngoại trừ các lô hàng đáp ứng các điều kiện nêu trên”.

Mặc dù là nước sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới, nhưng Ấn Độ lại tiêu thụ hầu hết lượng lúa mì mà nước này sản xuất do dân số đông.

Quốc gia này đã đặt mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn lúa mì từ năm 2022 đến năm 2023, phần lớn trong số đó sẽ xuất khẩu sang các nước đang phát triển khác trong Châu Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Vụ thu hoạch lúa mì của Ấn Độ đã phải chịu nắng nóng kỷ lục và các kho dự trữ của nước này bị căng thẳng do việc phân phối ngũ cốc trong đại dịch COVID-19.

Các quốc gia khác cũng đang vật lộn với thu hoạch kém, làm giảm khả năng tự bù đắp nguồn lúa mì thiếu hụt bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Trước cuộc xâm lược, Ukraine và Nga chiếm một phần ba tổng lượng xuất khẩu lúa mì và lúa mạch toàn cầu. Giá lúa mì toàn cầu đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm.

Đầu tháng này, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã cắt giảm nhẹ dự báo sản lượng lúa mì thế giới năm 2022 xuống còn 782 triệu tấn, từ mức 784 triệu của tháng trước.

Thanh Đoàn 

(Theo Fox News)

Related posts