Bắc Kinh theo đuổi an ninh Thái Bình Dương và khối dữ liệu để củng cố ảnh hưởng

Daniel Y. Teng

Ảnh tư liệu: Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị được nhìn thấy trên một màn hình khi ông tham dự một cuộc họp báo thông qua liên kết video bên lề Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 07/03/2022. (Ảnh: Reuters/Ryan Woo)

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Thái Bình Dương sẽ diễn ra đồng thời với nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thúc đẩy một thỏa thuận trên toàn khu vực Nam Thái Bình Dương với 10 quốc đảo bao gồm các lĩnh vực như trị an, an ninh, và chia sẻ dữ liệu, theo một bản dự thảo hiệp định bị rò rỉ.

Hiệp ước mở rộng này là bước đi mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm củng cố ảnh hưởng và sự hiện diện của mình trong khu vực — một tình huống khiến các quốc gia dân chủ phải vội vã xây dựng các liên minh.

Một bản thông cáo dự thảo về Tầm Nhìn Phát Triển Chung cho các quốc đảo Thái Bình Dương và một kế hoạch hành động năm năm — bị rò rỉ cho Reuters — đã được gửi tới các nhà lãnh đạo của 10 quốc gia Thái Bình Dương, trước chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc tới tám quốc gia trong khu vực này.

Thông cáo đề nghị một Khu vực Mậu dịch Tự do Trung Quốc-Quần đảo Thái Bình Dương, trong đó có hỗ trợ biến đổi khí hậu. Trong khi đó, kế hoạch hành động bao gồm cuộc đối thoại cấp bộ trưởng về thực thi pháp luật và hợp tác về cảnh sát vào năm 2022.

“Trung Quốc sẽ tổ chức đào tạo cảnh sát trung cấp và cao cấp cho các Quốc đảo Thái Bình Dương thông qua các phương thức song phương và đa phương,” theo tài liệu trên.

Bức ảnh này chụp các lá cờ từ các quốc gia thuộc quần đảo Thái Bình Dương đang được trưng bày tại Yaren vào ngày cuối cùng của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) vào ngày 05/09/2018. (Ảnh: Mike Leyral/AFP qua Getty Images)

Về mặt an ninh, ĐCSTQ sẽ thúc đẩy hợp tác trong “các lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống,” bao gồm cam kết làm việc trên mạng dữ liệu, an ninh mạng, và hệ thống hải quan thông minh.

Trong những năm gần đây, các quốc gia dân chủ đã thực hiện các biện pháp đáng kể để tách cơ sở hạ tầng quan trọng khỏi các công ty viễn thông và công nghệ do Trung Quốc sở hữu như Huawei và TikTok, với lý do Bắc Kinh có thể dễ dàng tận dụng các lỗ hổng trong các hệ thống này.

Trên thực tế, Mỹ và Úc đã ngăn cản nhiều nỗ lực của các công ty Trung Quốc trong việc xây dựng cáp ngầm và kiểm soát các mạng di động trong khu vực này, bao gồm cả gói thầu tiếp quản trị giá 1.6 tỷ USD của Digicel hồi tháng 10/2021.

Trong khi đó, ông David Panuelo, tổng thống Liên bang Micronesia, đã viết thư cho 21 nhà lãnh đạo Thái Bình Dương lập luận chống lại hiệp ước khu vực nói trên vì lo ngại nó có thể châm ngòi cho một cuộc “Chiến Tranh Lạnh” mới giữa Bắc Kinh và các quốc gia dân chủ.

Ông cho rằng nó có thể thu hút các quốc gia Thái Bình Dương “rất gần quỹ đạo của Bắc Kinh, về bản chất là ràng buộc toàn bộ nền kinh tế và xã hội của chúng ta với họ,” theo bức thư được Reuters đưa tin.

Ông nói, “Tuy nhiên, những tác động thực tế của việc Trung Quốc kiểm soát cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, lãnh thổ đại dương của chúng ta và các nguồn tài nguyên bên trong, cũng như không gian an ninh của chúng ta, bên cạnh đó cũng tác động đến chủ quyền của chúng ta, đều làm tăng khả năng Trung Quốc xung đột với Úc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, và New Zealand.”

Bản đồ các nước láng giềng của Úc ở Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: Cao đẳng Á Châu và Thái Bình Dương/ANU/CartoGIS Services [CC BY-SA 4.0])

Ông Panuelo cũng cảnh báo rằng việc cung cấp hệ thống hải quan của Bắc Kinh có thể dẫn đến “việc thu thập dữ liệu sinh học và giám sát hàng loạt những người cư trú trong, và đang nhập cảnh cũng như xuất cảnh các hòn đảo của chúng ta.”

Ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết chính phủ Tổng thống Biden đã biết về kế hoạch này và đã bày tỏ lo ngại về “các thỏa thuận được đưa tin”, có thể đã được thương lượng trong một “quy trình gấp rút, và không minh bạch.”

“Cần lưu ý rằng [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] có một hình thức đưa ra các giao dịch mờ ám, mơ hồ với ít sự minh bạch hoặc tham vấn trong khu vực ở các lĩnh vực liên quan đến đánh bắt cá, quản lý tài nguyên, hỗ trợ phát triển, và gần đây thậm chí là cả các hoạt động an ninh,” ông nói. Tình trạng hối lộ và tham nhũng đang tràn lan trong các cấp cao của một số quốc gia Thái Bình Dương.

“Chúng tôi không tin rằng việc nhập cảnh lượng an ninh từ [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và các phương pháp của họ sẽ giúp ích cho bất kỳ Quốc đảo nào ở Thái Bình Dương,” ông nói. “Làm như vậy chỉ có thể gây khơi mào cho căng thẳng khu vực và quốc tế, đồng thời làm gia tăng lo ngại về việc Bắc Kinh mở rộng bộ máy nội bộ của mình sang Thái Bình Dương.”

Ngược lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết ông không đồng ý rằng “sự hợp tác” hơn nữa giữa Bắc Kinh và khu vực Nam Thái Bình Dương sẽ gây ra một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.

Trong khi đó, ngoại trưởng Trung Quốc sẽ thăm Quần đảo Solomon, Fiji, Kiribati, Samoa, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, và Timor Leste từ ngày 26/05 đến ngày 04/06. Ông cũng sẽ tổ chức các cuộc gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Micronesia, Quần đảo Cook, và Niue.

Chuyên gia Nam Thái Bình Dương Cleo Paskal lưu ý rằng Bắc Kinh chỉ tập trung vào các quốc gia Thái Bình Dương nào có liên hệ chặt chẽ với chế độ cộng sản này.

“Còn các [quốc đảo Thái Bình Dương] hoàn toàn độc lập mà ông ấy đang bỏ qua đều là những quốc gia công nhận Đài Loan hoặc có Hiệp ước với Hoa Kỳ,” bà viết trên Twitter hôm 25/05. “Ngay cả khi không có họ, thì các mảnh ghép đang được đặt vào vị trí để cố gắng xây dựng một ‘chuỗi đảo đầu tiên’ để kiềm chế [hoặc] cô lập Úc và New Zealand.”

Ông Vương cũng sẽ gặp Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon để ký “một số thỏa thuận song phương quan trọng.”

Quần đảo Solomon đã trở thành tâm điểm chú ý trong những tháng gần đây vì một hiệp ước an ninh với Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội cho Quân đội Giải phóng Nhân dân của họ đóng vũ khí, quân đội, và tàu hải quân trong khu vực này.

Một hành động như vậy có thể dẫn đến quân sự hóa và gây căng thẳng tương tự như Biển Đông. Quần đảo Solomon và khu vực xung quanh của quốc đảo này là một điểm nóng chiến lược có ảnh hưởng lớn đến các tuyến đường biển — đây từng là địa điểm của các cuộc giao tranh rộng lớn trong Đệ nhị Thế chiến giữa các lực lượng đồng minh và Đế quốc Nhật Bản.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã lên đường gặp Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama và ông Henry Puna, tổng thư ký của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương, ngay sau khi tin tức về chuyến thăm của ngoại trưởng Trung Quốc được đưa tin rầm rộ.

Bà nói trong một tuyên bố: “Úc sẽ lắng nghe các đối tác Thái Bình Dương của chúng ta khi chúng ta cùng nhau đối mặt với những thách thức chung và đạt được các mục tiêu chung — bao gồm giải quyết biến đổi khí hậu, phục hồi đại dịch, phát triển kinh tế và an ninh khu vực.”

“Những cam kết này bao gồm hành động thực sự đối với vấn đề biến đổi khí hậu ở trong nước và với khu vực của chúng ta, đồng thời tăng cường hỗ trợ phát triển và hợp tác an ninh, cũng như cải cách và mở rộng chương trình Dịch chuyển Lao động Úc Thái Bình Dương của chúng ta.”

Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại daniel.teng@epochtimes.com.au.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts