Texas: 100,000 bộ kit xét nghiệm COVID-19 bị lỗi, công ty Trung Quốc bị khởi kiện

Eva Fu

Hình ảnh chung về một người thực hiện một xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS CoV-2 ở Canberra, Úc, hôm 02/11/2021. (Ảnh: AAP Image/Lukas Coch) COVID-19 & VACCINE

Trong thời kỳ đầu phát sinh đại dịch COVID-19, khi các nhân viên y tế tuyến đầu ở Hoa Kỳ đang khao khát có được các thiết bị và vật tư y tế quan trọng, thì một công ty y tế điện tử có trụ sở tại Texas đã chi khoảng 500,000 USD cho 100,000 bộ kit xét nghiệm kháng thể từ Trung Quốc — nơi duy nhất bán các sản phẩm đang có nhu cầu cao này tại thời điểm đó.

Nhưng các bộ kit xét nghiệm này đã không được đưa ra khỏi kho, mặc dù đã được giao trước tháng 07/2020. Những sản phẩm này được cho là để đáp ứng các đơn đặt hàng từ các khách hàng quân đội và tiểu bang của Hoa Kỳ.

Sau nhiều tháng trì hoãn do một lượng kit xét nghiệm đáng lo ngại được xác định là bị lỗi, công ty AnyPlace MD có trụ sở tại Texas đã kiện bên bán có trụ sở tại Trung Quốc lên Tòa án Địa hạt Liên bang Khu vực Tây Texas tại Quận Austin với hy vọng bù đắp tổn thất.

Theo thỏa thuận trong hợp đồng ký kết hồi tháng 05/2020, ông Shane Stevens, Giám đốc điều hành kiêm chủ sở hữu công ty AnyPlace MD, phải đặt cọc trước 75% hợp đồng với tổng trị giá 481,125 USD cho công ty DeepBlue Medical Technology An Huy, nhà cung cấp bộ kit xét nghiệm Trung Quốc, với số tiền còn lại trị giá 118,875 USD sẽ đến hạn thanh toán một tháng sau. Ông Stevens cho biết, sau khi nhận được hàng và cho chạy kiểm tra mẫu, ông đã nhanh chóng phát hiện một số lượng lớn các bộ kit xét nghiệm này cho kết quả dương tính giả hoặc “vạch ảo” khó đọc và “có vẻ như cho thấy một kết quả dương tính.”

Trong một cuộc trao đổi qua thư điện tử hồi đầu tháng 07/2020 với một đối tác liên doanh, công ty Belieant Immune Diagnostics (nguyên đơn thứ hai trong vụ kiện), một ảnh chụp màn hình được chụp từ trang web của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã cho thấy công ty DeepBlue — cùng với bốn nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm COVID-19 khác có trụ sở tại Trung Quốc — đã bị cơ quan quản lý Hoa Kỳ này cảnh báo là có các sản phẩm “không nên được phân phối.”

Công ty AnyPlace rõ ràng không phải là công ty duy nhất nộp đơn kiện nhà cung cấp có trụ sở tại Trung Quốc này. Hồi tháng 04/2020, các hãng thông tấn địa phương tường thuật rằng tại Laredo, Texas, các nhà điều tra thuộc Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ đã thu giữ 20,000 bộ kit xét nghiệm DeepBlue sau khi các quan chức bộ y tế xác định rằng các bộ kit xét nghiệm này chỉ cho tỷ lệ chính xác 20%.

Vào khoảng thời gian đó, các nguồn cung cấp y tế bị lỗi từ Trung Quốc, chẳng hạn như khẩu trang và bộ kit xét nghiệm, đã hứng chịu phản ứng dữ dội từ các quốc gia như Phần Lan, Anh quốc, và Ireland, dẫn đến việc thu hồi hàng triệu sản phẩm. Hồi tháng 08/2020, Thụy Điển thông báo rằng 3,700 cư dân được thông báo nhầm rằng họ đã nhiễm virus do các bộ kit xét nghiệm bị lỗi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hôm 10/07/2020, hai công ty AnyPlace và Belieant Immune Diagnostics đã liên lạc với Rallo Holdings, công ty đã môi giới giao dịch với DeepBlue, để từ chối nhận hàng và yêu cầu hoàn lại tiền. Ông Stevens sẽ mất vài tháng tiếp theo tìm cách lấy lại gần 500,000 USD.

Cuối cùng, hồi tháng 09/2020, khi ông liên lạc được với ông Lý Trạch Vũ (Li Zeyu), đại diện của DeepBlue, ông Lý đã xin lỗi về sự chậm trễ trong việc hoàn tiền, trình bày rằng công ty đang nỗ lực bảo đảm doanh số bán sản phẩm ở Mexico hoặc các quốc gia Nam Mỹ khác, nhằm “không để xảy ra tổn thất hoặc chỉ xảy ra tổn thất nhỏ.”

Theo lịch sử tin nhắn được chia sẻ cho The Epoch Times, ông Steven đã phúc đáp: “Tại sao các ông lại cố gắng bán những bộ kit xét nghiệm này? Những sản phẩm này không tốt. [Vạch] ảo, dương tính giả… Những sản phẩm này không phải là kit xét nghiệm tốt.”

Ông Lý trả lời rằng các cáo buộc của công ty AnyPlace về kết quả phòng thí nghiệm là “không chính xác” và nói rằng công ty chỉ đồng ý hoàn lại tiền vì FDA đã hủy niêm yết.

“Nhân tiện, Deepblue đã bán được tổng cộng khoảng 10 triệu bộ kit xét nghiệm. Có không tới 50,000 bộ có kết quả không tốt và phải hoàn lại tiền … Vì vậy, chúng tôi không nghĩ rằng sản phẩm của chúng tôi có vấn đề nghiêm trọng,” ông Lý nói với ông Stevens trên nền tảng nhắn tin WeChat của Trung Quốc.

Các lãnh đạo công ty DeepBlue Medical Technology An Huy không phúc đáp cầu bình luận của The Epoch Times.

Mặc dù không bình luận cụ thể về các sản phẩm nhập cảng từ An Huy DeepBlue, FDA đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử rằng họ “dự định loại bỏ các bộ kit xét nghiệm mà FDA đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp (EUA) hoặc đã thông báo cho nhà phát triển bộ kit xét nghiệm qua thư điện tử rằng FDA từ chối xem xét, từ chối phát hành, hoặc quyết định không cấp phép cho kit xét nghiệm vì bất kỳ lý do gì.”

Trong một thông báo hồi tháng 04/2020, cơ quan này đã cảnh báo rằng một số nhà phát triển bộ kit xét nghiệm tại thời điểm đó đã “tuyên bố sai lệch rằng các bộ kit xét nghiệm huyết thanh của họ được FDA chấp thuận hoặc cho phép, hoặc tuyên bố sai lệch rằng các kit này có thể chẩn đoán COVID-19.”

Cơ quan này cho biết, “FDA sẽ có hành động thích hợp đối với các công ty đưa ra tuyên bố sai lệch hoặc tiếp thị các bộ kit xét nghiệm không chính xác và không đáng tin cậy.”

Theo đơn kiện, hai công ty Hoa Kỳ nói họ đã lầm tưởng rằng một tài liệu chứng nhận FDA do công ty DeepBlue chia sẻ, được cấp để đánh dấu ghi danh xét nghiệm kháng thể với FDA, sẽ dẫn đến việc FDA chấp thuận sản phẩm.

Khoản thanh toán trả trước mà công AnyPlace đã thực hiện tương ứng với 50% dự trữ tiền mặt của công ty.

Ông Stevens nói với The Epoch Times: “Việc này khiến chúng tôi bị tổn thất nặng nề. Chúng tôi đã phải ngừng mua các bộ kit xét nghiệm COVID với số lượng mà chúng tôi đã thực hiện trong một thời gian trong khi chúng tôi hồi phục và được bồi hoàn.”

Ông cho biết khởi kiện là “phương sách cuối cùng” của ông, và ông vẫn “tràn đầy hy vọng” là làm như vậy sẽ thành công.

“Nếu quý vị hỏi những người khác đã cố gắng giao dịch với các công ty ở Trung Quốc, họ có thể sẽ nói rằng khả năng thành công là nhỏ. Nhưng rất nhiều lần, tôi chỉ phải làm những gì tôi nghĩ là đúng. Và trong đầu, tôi đang nghĩ, điều gì sẽ xảy ra nếu một số công ty khác không có đủ nguồn lực? Điều gì sẽ xảy ra nếu một số công ty khác mạo hiểm tất cả để cố gắng mua thứ gì đó từ họ? Điều đó có thể khiến công ty đó phá sản,” ông nói.

“Thật nguy hiểm khi có những công ty như thế này. … Vì vậy tôi cảm thấy đối với tôi, đó là nghĩa vụ mà tôi phải làm, bất kể kết quả có như thế nào.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Khánh Ngọc biên dịch

Related posts