Mỹ khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương để chống lại Trung Quốc

Bảo Nguyên

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tham dự buổi họp trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng với các nhà lãnh đạo khu vực khác thông qua liên kết video tại Phòng trưng bày Vườn Izumi ở Tokyo vào ngày 23/05/2022. (Ảnh: Saul Loeb / AFP qua Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương trong chuyến công du tới châu Á. Dù bị chỉ trích là mang tính biểu tượng hơn là thực chất, khuôn khổ kinh tế thể hiện cam kết mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với khu vực nhằm cạnh tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc.

Mỹ khởi động IPEF nhằm chống lại Trung Quốc

CNBC đưa tin vào hôm 25/05, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo phát biểu: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương là cách Mỹ “cung cấp cho các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương một giải pháp thay thế cho cách tiếp cận của Trung Quốc”.

Joe Biden đã có chuyến công du đầu tiên đến châu Á vào ngày 20-24 tháng 5 kể từ khi nhậm chức tổng thống. Trong chuyến thăm này, ông Biden đã khởi động Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ – Thái Bình Dương vì Sự thịnh vượng (IPEF), động thái mới nhất trong chiến lược kinh tế châu Á – Thái Bình Dương của Washington. IPEF do Mỹ dẫn dắt không phải là một hiệp định thương mại tự do. Khuôn khổ kinh tế không cung cấp quyền tiếp cận thị trường hoặc cắt giảm thuế quan. Thay vào đó, nó được thiết kế để chống lại Trung Quốc.

Cho đến nay, các quốc gia thành viên bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Brunei. Danh sách này đáng chú ý vì nó bao gồm tất cả các thành viên của nhóm Quad, hầu hết các thành viên AUKUS và nhiều thành viên APEC.

Đài Loan đã bị loại ra, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại, mặc dù có 250 thành viên Quốc hội Mỹ đã ủng hộ việc Đài Loan tham gia. Miến Điện, còn được gọi là Myanmar, không được mời tham gia do cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đã lật đổ nhà lãnh đạo đắc cử hợp lệ và là người đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi.

Các quốc gia khác chưa tham gia IPEF là Lào và Campuchia. Cả hai nước này đều được coi là các quốc gia phụ thuộc vào chế độ Trung Quốc. Trung Quốc cũng không được mời tham gia.

Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ký hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với các nước Ấn Độ – Thái Bình Dương khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Đây là một trong nhiều lý do khiến việc Mỹ thành lập IPEF và tái khẳng định vai trò của mình ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là rất quan trọng.

Lãnh đạo các quốc gia thành viên chụp ảnh chung trong Hội nghị thượng đỉnh Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 tại Bangkok, Thái Lan, vào ngày 04/11/2019. (Ảnh: Manan Vatsyayana / AFP via Getty Images)

IPEF ra đời 5 năm sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một hiệp định thương mại được ký kết bởi 12 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Mỹ. Sau khi Mỹ rút lui, các đối tác còn lại tiếp tục tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Trung Quốc đã yêu cầu được tham gia vào hiệp định này.

Singapore đã cho thấy ý định tham gia IPEF trong khi ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập CPTPP. Đài Loan cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP, nhưng Singapore tuyên bố rằng các thành viên sẽ phải thảo luận chi tiết về vấn đề này.

Diễn biến gần đây của cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc

Cho đến nay, việc xoay trục của Mỹ hướng tới châu Á bao gồm việc củng cố nhóm Quad, cung cấp tàu ngầm hạt nhân của Mỹ cho Australia và tổ chức hội nghị thượng đỉnh để thảo luận về thương mại và an ninh với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại Tòa Bạch Ốc.

Vào ngày 17/05, Đại sứ Joseph Yun được bổ nhiệm làm đặc phái viên của tổng thống để đàm phán về việc tiếp tục Hiệp định Hiệp hội Tự do (COFA) với Cộng hòa Quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau. Thỏa thuận hiện tại với Quần đảo Marshall và Micronesia sẽ kết thúc vào năm tới và thỏa thuận với Palau sẽ kết thúc vào năm 2024.

Ngoài việc đóng vai trò quan trọng trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc do Mỹ lãnh đạo, Cộng hòa Quần đảo Marshall và Palau là hai trong số ít quốc gia chính thức còn công nhận Đài Loan. Vì lý do này, việc duy trì COFA là cần thiết.

Tòa Bạch Ốc ngày 20/5 thông báo Fiji sẽ tham gia IPEF, trở thành quốc gia thứ 14 và là quốc đảo Thái Bình Dương đầu tiên tham dự. Đây là một diễn biến quan trọng, đặc biệt là sau khi Quần đảo Solomon gần đây quyết định ký một hiệp ước an ninh với Trung Quốc.

Tin tức đáng hoan nghênh này về Fiji được đưa ra trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang trên đường đến Kiribati trong chuyến công du Quần đảo Thái Bình Dương. Các quốc đảo nhỏ trong Quần đảo Thái Bình Dương đang trở thành một trong những chiến trường nóng bỏng nhất mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh giành ảnh hưởng.

IPEF thể hiện Mỹ gia tăng cam kết với khu vực

Bốn trụ cột của IPEF là: nền kinh tế kết nối, nền kinh tế có sức đàn hồi, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng. Tất cả những trụ cột này đều có vẻ tốt đẹp, nhưng vẫn chưa rõ những mục tiêu này có ý nghĩa gì hoặc làm thế nào để đạt được chúng. Do đó, khuôn khổ này đã bị chỉ trích là mang tính biểu tượng hơn là thực chất. IPEF không phải là một thỏa thuận thương mại vì khi đó nó sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội. Là một khuôn khổ lỏng lẻo, IPEF sẽ linh hoạt hơn và có khả năng phản ứng với các tình huống phát sinh, đặc biệt là những tình huống do ĐCSTQ gây ra.

IPEF có thể không phải là sự thay thế cho một thỏa thuận thương mại tự do như CPTPP. Tuy nhiên nó thể hiện cam kết ngày càng tăng của Mỹ đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cũng như công nhận vai trò chiến lược của các quốc gia ở khu vực này trong việc kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ không tham gia CPTPP đã mở ra cơ hội cho Trung Quốc hợp tác với các quốc gia châu Á. IPEF ít nhất đã “phá vỡ lớp băng” [khuấy động bầu không khí], gửi đi một tín hiệu rằng Mỹ giờ đây sẽ là một nước có hiện diện lớn hơn trong khu vực.

Tác giả – Tiến sĩ Antonio Graceffo – đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times

Related posts