Hôm thứ Ba (7/6), các nhà lập pháp Thụy Điển sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với bộ trưởng tư pháp của nước này. Điều này có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng chính phủ chỉ sau vài tuần quốc gia này nộp đơn xin gia nhập NATO.
Cuộc khủng hoảng chính phủ lần này có khả năng xảy ra sau chưa đầy một năm kể từ khi chính phủ Thụy Điển bị bãi nhiệm, rồi lại được phục hồi chỉ sau đó vài tuần.
Cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, do Đảng Dân chủ Thụy Điển cực hữu khởi xướng, dự kiến sẽ được tổ chức tại Quốc hội Thụy Điển vào lúc 12 giờ trưa. Đảng này đã đổ lỗi cho Bộ trưởng Tư pháp Morgan Johansson vì không chặn được bạo lực băng đảng ngày càng gia tăng.
Tuần trước, phát biểu trước quốc hội, Nghị sĩ Henrik Vinge của Đảng Dân chủ Thụy Điển đề xuất: “Chúng tôi đã đạt đến điểm mà biện pháp quan trọng nhất đối với chính sách tội phạm là cho [Bộ trưởng] Morgan Johansson nghỉ hưu sớm.”
Đảng Ôn hòa bảo thủ cùng với Đảng Tự do và Đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo đã nhanh chóng tuyên bố, họ sẽ ủng hộ đề xuất này.
Bốn đảng này cùng nhau kiểm soát 174 ghế trong Quốc hội Thụy Điển, nhưng họ cần phải có thêm một phiếu nữa để đề xuất được thông qua.
Nếu Quốc hội Thụy Điển thông qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Johansson, điều đó có nghĩa ông sẽ bị bãi nhiệm chức vụ.
Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cảnh báo, điều đó cũng đồng nghĩa với việc bà sẽ từ chức. Điều này sẽ gây ra thêm một cuộc khủng hoảng chính phủ ở quốc gia Bắc Âu này.
Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Andersson giải thích, các quyết định của chính phủ được thực hiện mang tính tập thể, do đó một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Bộ trưởng Johansson do vấn đề chính sách sẽ là một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính phủ.
Hôm thứ Năm (2/6), với một thái độ khó chịu dễ nhận thấy, Thủ tướng Andersson than thở: “Có một cuộc chiến đang diễn ra ở một quốc gia lân cận chúng ta, chúng ta đang ở một vị trí rất nhạy cảm bởi vì chúng ta cùng với Phần Lan đang xin gia nhập NATO.”
Bà chỉ trích: “[Do đó] việc tạo ra một tình huống lộn xộn và mất an ninh về chính trị là hoàn toàn vô trách nhiệm.”
Do chỉ cần thêm một phiếu ủng hộ, nên cuộc bỏ phiếu có thể được quyết định bởi Nghị sĩ độc lập Amineh Kakabaveh, một cựu thành viên Đảng Cánh tả, nhưng kể từ năm 2019 đã trở thành một nghị sĩ độc lập tại Quốc hội Thụy Điển.
Bà Kakabaveh, gốc người Kurd ở Iran, đã trở thành tâm điểm trong chính trường Thụy Điển khi đơn xin nhập NATO của quốc gia này hiện đang bị Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản.
Ankara cáo buộc Thụy Điển cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho Đảng Công nhân Kurdistan (PKK), một tổ chức ngoài vòng pháp luật bị Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây coi là một tổ chức “khủng bố”.
Kể từ khi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được công bố vào tuần trước, Nghị sĩ Kakabaveh cho hay, bà đang tìm kiếm sự đảm bảo từ Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền rằng họ sẽ không nhượng bộ những đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ khi Thụy Điển nỗ lực tìm cách trở thành thành viên của NATO. Nếu không, bà có ý định sẽ bỏ phiếu chống lại Bộ trưởng Johansson.
Hôm thứ Hai (6/6), Nghị sĩ Kakabaveh nhấn mạnh với đài truyền hình SVT, bà vẫn chưa quyết định cách bà sẽ bỏ phiếu.
Tuy nhiên, các nhà phân tích chỉ ra rằng, ngay cả khi Thủ tướng Anderson từ chức, có khả năng bà vẫn sẽ là thủ tướng lãnh đạo chính phủ lâm thời bởi vì cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9 chỉ còn bốn tháng nữa là diễn ra.
Nhật Minh (Theo AFP)