ĐCSTQ gây áp lực buộc các quan chức Hoa Kỳ phải ủng hộ chính sách có lợi cho Bắc Kinh

Eva Fu

Một khách bộ hành đi ngang qua Tổng lãnh sự quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở San Francisco, California, vào ngày 23/07/2020. (Ảnh: Philip Pacheco/AFP via Getty Images)

Hồi cuối tháng 02/2020, khi đại dịch đang nóng lên ở Hoa Kỳ, một yêu cầu từ Trung Quốc đã thu hút sự chú ý của Thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin Roger Roth.

Đó là một thư điện tử từ bà Ngô Đình (Wu Ting), phu nhân của tổng lãnh sự Trung Quốc tại Chicago.

Bà Ngô muốn ông Roth giúp thông qua một nghị quyết “ủng hộ cuộc chiến chống lại virus corona chủng mới của Trung Quốc.”

“Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt chưa từng có để kiểm soát [virus corona], bao gồm cả việc phong tỏa Vũ Hán,” bà viết trong một thư điện tử ngày 26/02 được cung cấp cho The Epoch Times.

“Chúng tôi đã soạn thảo một dự thảo nghị quyết chỉ để ngài tham khảo,” bà viết, nói thêm rằng lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago đã cam kết thúc đẩy quan hệ Trung Quốc-Wisconsin, “đặc biệt là hợp tác cùng có lợi trong thương mại, nông nghiệp và các lĩnh vực khác cũng như giao lưu giữa hai dân tộc.”

Tổng lãnh sự Trung Quốc mong muốn được thăm “tiểu bang tráng lệ” của ông Roth và gặp thượng nghị sĩ để “thảo luận về cách thúc đẩy mối quan hệ của chúng ta”, thư điện tử này cho biết.

Về bản dự thảo nghị quyết, “Về bản chất, bản dự thảo này ca ngợi Trung Quốc vì sự cởi mở và minh bạch trong việc giải quyết đại dịch virus corona,” ông Roth nói với The Epoch Times.

Thượng nghị sĩ tiểu bang Wisconsin Roger Roth

“Tôi nghĩ đây hẳn là một trò đùa,” ông Roth nói. “Thư điện tử này đến từ một tài khoản Hotmail, thật ngạc nhiên. Nó thậm chí không phải là một thư điện tử chính thức.” Ông đã xóa thư điện tử này và không nghĩ về nó nữa, nhưng bà Ngô vẫn kiên trì. Vài tuần sau, bà tiếp tục sử dụng cùng một thư điện tử đó, đính kèm cùng một nghị quyết.

Ông đã yêu cầu nhân viên của mình xác minh địa chỉ thư điện tử với các nguồn tin từ chính quyền tiểu bang và biết rằng các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc thường sử dụng các tài khoản thư điện tử cá nhân. Bà Ngô, hóa ra, là phu nhân của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc Triệu Kiện (Zhao Jian).

Khi ông Roth nhận ra thư điện tử này là hợp pháp, ông trở nên “hết sức tức giận”.

“Tôi đọc to một câu trả lời ngắn gọn cho họ, nói: Kính gửi Tổng lãnh sự, thật lố bịch. Trân trọng đã ký, Roger Roth,” ông cho biết. “Chúng tôi không chỉ trả lời họ bằng từ ‘lố bịch’, chúng tôi thậm chí còn thảo bản nghị quyết của chính mình về Đảng Cộng sản Trung Quốc, vạch trần họ thực sự là ai.”

Câu trả lời ngắn ngủn đó, một cái gật đầu với phản ứng nổi tiếng của Chuẩn tướng Anthony McAuliffe đối với tối hậu thư đầu hàng của Đức trong Đệ nhị Thế chiến, là liên lạc cuối cùng mà ông Roth có với lãnh sự quán Trung Quốc ở Chicago. Bà Ngô sau đó đã viết một thư điện tử bày tỏ sự bàng hoàng trước phản ứng của ông, mà ông không bao giờ hồi đáp. Nhưng cuộc trao đổi đó đã đẩy ông vào cuộc tấn công ở Wisconsin.

Điều đó “đã đánh thức tôi về những mối đe dọa thực sự mà đất nước chúng ta phải đối mặt từ Đảng Cộng sản Trung Quốc”, ông Roth, một ứng cử viên cho vị trí phó thống đốc tiểu bang của mình, cho biết.

“Hầu hết mọi người trên thế giới có thể thậm chí không biết chúng ta đang ở đâu, ngay cả liệu chúng ta còn tồn tại, nhưng họ đang cố gắng vươn các xúc tu của mình cả vào Wisconsin,” ông nói.

‘Con tốt’ cho Bắc Kinh

Wisconsin không phải là tiểu bang duy nhất mà Bắc Kinh cố gắng gây ảnh hưởng.

Cùng khoảng thời gian với những bức thư điện tử gửi cho ông Roth, tiểu bang Utah đã thông qua một nghị quyết thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Trung Quốc. Bằng ngôn ngữ tương tự như những gì bà Ngô đã đưa ra, nghị quyết ghi nhận “một mối bang giao thân thiện và mối quan hệ bền vững về kinh tế, văn hóa và giao lưu nhân dân” mà Utah và Trung Quốc chia sẻ, và “mối quan hệ lập pháp duy nhất, kéo dài 14 năm giữa Utah và Liêu Ninh,” đề cập đến một chương trình trao đổi pháp luật giữa tiểu bang miền Tây này và một tỉnh của Trung Quốc.

Nghị quyết ngày 25/02/2020 cũng kêu gọi chống lại các hạn chế do virus “can thiệp không cần thiết vào du lịch và thương mại quốc tế và làm tăng nỗi sợ hãi và kỳ thị”. Vào thời điểm đó, chính phủ cựu Tổng thống Trump đã áp đặt lệnh cấm bay đến và đi từ Trung Quốc để ứng phó với sự bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán, một quyết định ban đầu khiến chính quyền Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới lên án, nhưng cuối cùng đã được phần lớn các quốc gia trên thế giới áp dụng khi đại dịch diễn biến phức tạp.

Các tiểu bang như Utah đã thông qua các nghị quyết như vậy không biết “điều gì đang thực sự xảy ra và họ bị sử dụng như những con tốt như thế nào,” ông Roth nói.

The Epoch Times đã liên lạc với người giới thiệu của dự luật này, Thượng nghị sĩ tiểu bang Jacob Anderegg, để yêu cầu bình luận. Một thư điện tử gửi đến người giới thiệu của dự luật tại Hạ viện tiểu bang, ông Eric Hutchings, người từng là một dân biểu cho đến tháng Một năm ngoái, là không thể gửi đi được.

Các tiểu bang Georgia và New York cũng đã thông qua một nghị quyết về “Ngày Trung Quốc”.

Phiên bản Georgia, được thông qua vào ngày 03/02/2020, nhằm “ca ngợi tình hữu nghị đặc biệt giữa tiểu bang Georgia và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “công nhận Tổng lãnh sự Thái Vĩ (Cai Wei) của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston.”

Trước khi nghị quyết được thông qua, ông Thái đã có bài diễn văn tại thượng viện tiểu bang ca ngợi vai trò lãnh đạo của Trung Quốc trong cuộc chiến chống virus. Năm tháng sau, Bộ Ngoại giao đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán này và Ngoại trưởng Hoa Kỳ lúc đó là ông Mike Pompeo gọi đây là “trung tâm gián điệp và đánh cắp tài sản trí tuệ.”

Ngoại trưởng Mike Pompeo (phải), lắng nghe câu hỏi từ Chủ tịch Thượng viện Wisconsin, Roger Roth, Cộng Hòa-Appleton, trong phiên hỏi đáp với các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa của tiểu bang tại phòng Thượng viện của Tòa nhà Quốc hội tiểu Bang Wisconsin ở Madison, Wisconsin, vào ngày 23/09/2020. (Ảnh: John Hart/Tạp chí Bang Wisconsin via AP)

Trong khi đó, nghị quyết của Thượng viện New York đã được thông qua vào tháng 06/2019, dường như là hành động đầu tiên của tiểu bang này để kỷ niệm ngày 01/10, ngày đánh dấu việc Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức tiếp quản Trung Quốc.

Người giới thiệu chính của nghị quyết, Thượng nghị sĩ tiểu bang James Sanders, đã không phúc đáp các câu hỏi từ The Epoch Times về việc liệu lãnh sự quán có bất kỳ vai trò nào trong việc thông qua nghị quyết cuối cùng hay không.

Ép buộc và đe dọa

Đối với những người đã chọn lập trường chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc, chế độ này đã trực tiếp hành động để ngăn cản nỗ lực của họ.

Lần đầu tiên cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang California Joel Anderson tận mắt chứng kiến áp lực của Trung Quốc là cách đây 15 năm, khi ông lần đầu tiên được bầu vào quốc hội tiểu bang California.

Hành động bị cáo buộc của ông là đưa ra một nghị quyết công nhận lễ kỷ niệm ngày Pháp Luân Công được hồng truyền, một môn tu luyện tinh thần mà nhà cầm quyền này đã muốn xóa bỏ kể từ năm 1999. Ông nói, nghị quyết này chỉ đơn thuần là để chào đón các học viên Pháp Luân Công “tới một đất nước mà công nhận quyền tự do tôn giáo.”

“Nghị quyết này không nói gì thêm. Nghị quyết không nói rằng họ là đức tin tốt nhất, hay rằng họ tốt hơn nhiều tôn giáo khác,” ông nói. “Tất cả những gì nghị quyết đó nêu là, quý vị biết đấy, chúng tôi hoan nghênh quý vị.”

Nghị quyết này đã đặt ông Anderson vào tầm ngắm của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngay sau đó, ông nhận được một bức thư dài 6 trang từ giới chức Trung Quốc gọi ông là “kẻ khủng bố”.

Ông Anderson nói với The Epoch Time: “Bức thư đó nói với tôi rằng nếu tôi đến Trung Quốc, tôi sẽ bị bắt và bị truy tố như là một kẻ khủng bố.”

Thượng nghị sĩ tiểu bang California Joel Anderson nói bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco trong một cuộc biểu tình phản đối sự can thiệp của chính quyền Trung Quốc vào cơ quan lập pháp tiểu bang, ngày 08/09/2017. (Ảnh: Lear Zhou/The Epoch Times)

Ông Anderson, người vào thời điểm đó biết rất ít về cuộc đàn áp Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc, cho biết rằng ông rất ngạc nhiên.

“Trung Quốc không có quyền sai khiến Hoa Kỳ. Chúng ta là một quốc gia tự do. Và chúng ta cho phép tự do tôn giáo,” ông nói. “Chúng ta cho phép tất cả các tôn giáo được thực hành ở đây tại Hoa Kỳ.”

Sự không hài lòng của chính quyền Trung Quốc đối với ông Anderson không hề thuyên giảm sau khi ông vào Thượng viện tiểu bang California nhiều năm sau đó. Với tư cách là một thượng nghị sĩ, ông đã được mời trong chuyến công du chính thức tới Trung Quốc để thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Nhớ lại những lời đe dọa trong bức thư, ông đã đề cập đến vấn đề này với văn phòng hậu cần của tiểu bang. Câu trả lời rất thẳng thừng: ông “sẽ không được chào đón,” ông Anderson nhớ lại.

“Vì vậy, tôi không thể đến Trung Quốc mà không sợ bị bắt và bị kết án.”

Những gì đã xảy ra với ông Anderson hoàn toàn không phải là một sự cố cá biệt.

Trong hơn một thập niên rưỡi sau đó, ông và các quan chức khác của Hoa Kỳ ở cấp địa phương và liên bang đã phải chịu áp lực thông qua các chuyến thăm, thư điện tử và cuộc điện đàm từ các quan chức Trung Quốc với ý định bẻ cong các chính sách của họ có lợi cho Trung Quốc.

Tổng thống Joe Biden hồi tháng Năm cáo buộc ĐCSTQ đang vận động hành lang chống lại một dự luật nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ trước Bắc Kinh.

Ông Anderson đã bị chế độ này chú ý lần thứ hai khi vào năm 2017 khi ông đưa ra một nghị quyết phơi bày cuộc bức hại Pháp Luân Công của Bắc Kinh.

Sau khi nghị quyết đó được Ủy ban Tư pháp Thượng viện tiểu bang thông qua với số phiếu 5–0, lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco đã gửi một loạt thư tới tất cả các đồng nghiệp của ông Anderson, cảnh báo rằng việc thông qua nghị quyết này có thể “gây tổn hại sâu sắc đến các mối quan hệ hợp tác giữa tiểu bang California và Trung Quốc đồng thời làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm của người dân Trung Quốc.” 

Quốc kỳ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bay sau hàng rào thép gai tại Tổng lãnh sự quán của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở San Francisco vào ngày 23/07/2020. (Ảnh: Philip Pacheco/AFP via Getty Images)

“Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc các đồng nghiệp của tôi bỏ phiếu sau đó,” ông Anderson nói. “Tất cả các đồng nghiệp của tôi đã bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này cho đến khi họ nhận được bức thư; lá thư này đã hoàn toàn xoay chuyển họ từ ủng hộ sang phản đối.”

“Họ không để nghị quyết đó được bỏ phiếu; những gì họ đã làm là họ trì hoãn nó. Và sau đó họ bỏ phiếu để hoãn nghị quyết này để nó không được đưa ra thảo luận.” 

Ông Anderson đã cố gắng ít nhất 18 lần trong tuần cuối cùng của phiên họp Thượng viện để đưa nghị quyết vào một cuộc bỏ phiếu.

“Điều đáng thất vọng là các thành viên Quốc hội của họ, những người có cùng cử tri, không chỉ bỏ phiếu ủng hộ cho nghị quyết đó trong Quốc hội, mà họ còn là đồng tác giả cho nghị quyết này,” ông nói, lưu ý rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là đồng tác giả của một dự luật vào năm 1999 lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công.

“Vì vậy, ở cấp liên bang, nghị quyết đó đã được ủng hộ, ở cấp tiểu bang thì không,” ông nói. Các đồng nghiệp của ông không muốn nói về điều đó. Nhưng “sự khác biệt duy nhất giữa việc ủng hộ hay không ủng hộ nghị quyết” là bức thư.

Một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở Minnesota hai năm trước đó, khi Thượng viện của tiểu bang giải quyết vấn đề thu hoạch nội tạng cưỡng bức, nhắm chủ yếu vào các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị Bắc Kinh đàn áp. Sau khi giới thiệu nghị quyết, Thượng nghị sĩ tiểu bang Alice Johnson đã nhận được một lá thư từ lãnh sự quán Trung Quốc tại Chicago. Các quan chức lãnh sự cũng đã đến thăm bà và Thượng nghị sĩ Dan Hall trong nỗ lực kêu gọi họ từ bỏ dự nghị quyết đó. Nghị quyết đã được đồng thuận thông qua vào tháng 05/2016.

Tống tiền thị thực

Về vấn đề nhức nhối của Đài Loan, một hòn đảo tự trị mà chính quyền Trung Quốc đã muốn kiểm soát từ lâu. Nhà cầm quyền này vẫn luôn tỏ ra hung hăng.

Vào tháng 08/2019, Thống đốc tiểu bang Mississippi đương thời Phil Bryant đã nhận được một lá thư từ lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, cảnh báo rằng tiểu bang của ông sẽ mất vốn đầu tư của Trung Quốc nếu ông chọn đi đến Đài Loan, ông Pompeo đã cho biết trong một bài diễn văn hồi tháng 09/2020 tại Tòa nhà Quốc hội của tiểu bang Wisconsin.

(Từ trái qua phải)) Thống đốc của Mississippi Phil Bryant hoan nghênh khi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Cindy Hyde-Smith (Cộng Hòa-Mississippi) chuẩn bị lên sân khấu cho bài diễn văn chiến thắng trong một sự kiện đêm bầu cử tại khách sạn The Westin, ở Jackson, Mississippi, vào ngày 27/11/2018 . (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Tương tự như trải nghiệm của ông Bryant, một phái đoàn quốc hội Hoa Kỳ nhiều tháng sau đó đã biết rằng Bắc Kinh đã từ chối đơn xin thị thực Trung Quốc của họ sau khi họ lên kế hoạch cho một chuyến đi đến Đài Loan, theo điều mà Dân biểu Sean Maloney (Dân Chủ-New York) mô tả là “tống tiền thị thực”.

“Các quan chức Trung Quốc đã liên tục nói với các nhân viên của tôi rằng nếu tôi hủy chuyến đi đến Đài Loan, tôi sẽ được cấp thị thực,” ông viết trong một bài xã luận vào tháng 10/2019.

Ông viết: “Đây là vụ tống tiền thị thực, nhằm ngăn chặn truyền thống gắn bó lâu dài của Quốc hội Hoa Kỳ với Đài Loan.”

Khi Utah thông qua nghị quyết ủng hộ Bắc Kinh trong giai đoạn đầu của đại dịch, một dự luật khác lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của chính quyền Trung Quốc dường như gặp trở ngại trong cơ quan lập pháp của tiểu bang.

Nghị quyết này được đưa ra vào cuối tháng 02/2020 bởi Dân biểu tiểu bang Steve Christiansen. Tuy nhiên, vài ngày sau, bác sĩ Weldon Gilcrease ở Utah, người đã làm việc với ông Christiansen về nghị quyết này, nhận được cuộc gọi rằng nhà lập pháp đang rút lui.

Đúng như vậy, ông Christiansen nói: “Tôi rút lui vì tôi được bảo rằng tôi cần phải nói chuyện với cộng đồng người Hoa,” theo ông Gilcrease, một giáo sư Khoa ung thư tại Đại học Y khoa Utah.

“Đối với tôi, điều đó có nghĩa là ông ấy đã bị áp lực,” ông nói với The Epoch Times. “Không phải ông ấy rút lui vì ông ấy không tin đó là sự thật, ông ấy rút lui vì ông ấy sợ không lắng nghe ‘cộng đồng người Hoa.’”

“Đối với tôi, đó là tiếng nói của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là những người rõ ràng đã gây áp lực cho các quan chức của chúng ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng các kênh của mình để gây áp lực buộc các nhà lập pháp của chúng ta không làm gì được.”

Trong khi đề nghị được thông qua lần thứ ba tại Thượng viện, bản cập nhật mới nhất, vào ngày 12/03/2020, cho thấy dự luật đã hết hiệu lực.

Ông Christianen, người đã rời nhiệm sở hồi tháng 10/2021, không thể liên lạc sau nhiều lần yêu cầu qua thư điện tử, điện thoại và mạng xã hội.

Giữ áp lực

California chưa chứng kiến bất kỳ hành động lập pháp lớn nào liên quan đến Pháp Luân Công kể từ khi ông Anderson rời Thượng viện tiểu bang vào năm 2018.

Nhà lập pháp của tiểu bang, người đã vận động cho các nạn nhân của cuộc đàn áp của Bắc Kinh trong nhiều năm, cho biết ông vẫn cảm thấy khó hiểu tại sao chế độ cộng sản lại coi nhóm môn tu luyện tinh thần này là một mối đe dọa.

“Môn tu luyện này là một tín ngưỡng rất ôn hòa, mang lại niềm vui lớn cho nhiều người. Tuy nhiên, nếu quý vị thực hành đức tin, quý vị sẽ bị bỏ tù, quý vị bị tra tấn, và trong một số trường hợp, quý vị bị thu hoạch các bộ phận cơ thể để phục vụ du lịch ghép tạng,” ông Anderson, hiện thuộc Hội đồng Giám sát của Quận San Diego, cho biết. “Do đó cần phải gây áp lực lên Trung Quốc.”

Kể từ đó, ông Roth, thượng nghị sĩ bang Wisconsin, đã đề nghị một loạt biện pháp nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở tiểu bang của mình, bao gồm cấm các thành viên quân đội Trung Quốc làm việc trong hệ thống Đại học Wisconsin và hạn chế các chương trình tuyển dụng hoặc tuyên truyền của Trung Quốc trong hệ thống trường đại học.

Ông nói: “Với tư cách là các nhà lập pháp trên khắp đất nước này, mọi thứ chúng tôi làm đều trở thành một câu chuyện lớn hơn. Và chúng tôi có một cơ hội, mặc dù có hạn… chúng tôi có cơ hội để bảo vệ tự do, và ủng hộ các dân tộc yêu tự do của Trung Quốc ngay bây giờ, hoặc những người đang bị chế độ tàn bạo này bắt làm con tin.”

Ông Roth cho biết, để đạt được mục tiêu đó, các nhà lập pháp Hoa Kỳ cần bảo đảm rằng họ không tạo điều kiện cho ĐCSTQ.

“Nếu tôi thông qua nghị quyết này, điều đó sẽ tạo điều kiện cho ĐCSTQ, và họ sẽ sử dụng điều này để tuyên truyền cho chính người dân của mình,” ông nói, nhớ lại nghị quyết do lãnh sự quán Trung Quốc soạn thảo. “Vì vậy, ngay bây giờ là cơ hội để người Mỹ nhận thức và công nhận cuộc chiến giành tự do này, điều mà đôi khi chúng ta coi đó là điều hiển nhiên ở Hoa Kỳ.

“Tự do là một thứ rất mong manh.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại eva.fu@epochtimes.com.

Nguyễn Lê biên dịch

Related posts