Vai trò gia tăng của vệ tinh thương mại trong chiến tranh

Nguồn: Erik Lin-Greenberg và Theo Milonopoulos, “Boots on the Ground, Eyes in the Sky”, Foreign Affairs, 30/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các vệ tinh thương mại đã làm đảo lộn xung đột như thế nào?

Vài ngày sau khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có một bài phát biểu đầy xúc động trước Nghị viện Châu Âu, kêu gọi sự ủng hộ của mọi người. Cùng ngày hôm đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, Mykhailo Fedorov, đã lên Twitter để đưa ra một lời cầu xin hướng đến nhóm đối tượng cụ thể hơn – nhưng không kém phần khẩn cấp — là các giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị của các công ty vệ tinh thương mại. Cụ thể, Fedorov đã kêu gọi một số công ty vệ tinh tư nhân hàng đầu cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao “theo thời gian thực” cho các lực lượng vũ trang Ukraine để hỗ trợ họ chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Như bài viết năm 2021 của chúng tôi, hình ảnh vệ tinh thương mại đang thay đổi đáng kể môi trường thông tin, đặc biệt là khi nói đến an ninh quốc gia. Đã qua rồi cái thời chỉ các chính phủ mới có thể thu thập thông tin tình báo cấp cao về các đối thủ của họ, và quân đội có thể che giấu thông tin diễn biến chiến trường khỏi công chúng. Ngày nay, công chúng có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại để tìm hiểu các hoạt động mà một số chính phủ muốn giấu kín. Các vệ tinh này đã ghi lại hình ảnh Triều Tiên mở rộng kho vũ khí hạt nhân, và phơi bày những vi phạm nhân quyền như việc Trung Quốc giam giữ người Duy Ngô Nhĩ trong các trại tù. Ở Ukraine, có vô số các nhân tố, bao gồm các công ty vệ tinh tư nhân, các viện chính sách, cánh nhà báo, và thám tử nghiệp dư, đã sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại cùng với các hình thức tình báo nguồn mở khác để tiết lộ và xác minh thông tin về chiến dịch quân sự, tổn thất trên chiến trường, và việc Nga nhắm mục tiêu vào thường dân.

Bằng cách công khai cung cấp các thông tin mà trước đây hầu như luôn được giữ bí mật, hình ảnh vệ tinh thương mại đã khơi dậy sự ủng hộ của công chúng đối với Ukraine, cung cấp thông tin cho kế hoạch và các chiến dịch quân sự của Ukraine, đồng thời chống lại thông tin sai lệch của Nga. Nhưng những lợi thế này luôn đi kèm với rủi ro: bạn bè cũng như kẻ thù của Mỹ sẽ tìm cách khai thác lượng thông tin vốn ngày càng sẵn có cho người dùng phi chính phủ. Mỹ, các đồng minh và các đối tác của họ có thể nhận ra các hoạt động nhạy cảm của riêng mình cũng bị giám sát. Các nhân tố thân Nga cũng có thể khai thác thông tin vệ tinh nguồn mở để chống lại lực lượng phòng thủ Ukraine. Sau cùng, chính các công ty vệ tinh thương mại thậm chí có thể thấy mình đang ở trong tầm ngắm của Moscow. Khi các vệ tinh tư nhân tiến vào cuộc chiến, chúng đang làm biến đổi đặc điểm của xung đột hiện đại. Dù các quốc gia chủ yếu vẫn dựa vào các phương pháp thu thập thông tin tình báo bí mật, các chính phủ phương Tây cũng cần phải tính đến các cơ hội và rủi ro của công nghệ mới này, khi họ xây dựng chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia.

Kiến thức là sức mạnh

Hình ảnh vệ tinh có thể dễ dàng truy cập đã có ảnh hưởng đến cách tiếp cận của chính phủ Mỹ ở Ukraine. Trong giai đoạn trước khi Nga xâm lược, chính quyền Biden đã tiết lộ thông tin tình báo về việc Nga triển khai quân ở biên giới Ukraine cho các đồng minh cũng như toàn thể công chúng, chỉ ngoại trừ việc xác nhận rằng Moscow đang lên kế hoạch tấn công nước láng giềng. Đây là một động thái bất thường: các chính phủ thường không thích chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm về kẻ thù, nhằm mục đích bảo vệ nguồn và phương pháp được sử dụng để thu thập thông tin. Nhưng trong trường hợp này, đã có nhiều thông tin nguồn mở về dự định quân sự và các động thái tiềm năng tiếp theo của Nga bị lan truyền trong công chúng.

Dù phần lớn những gì Nhà Trắng chia sẻ nhiều khả năng đến từ các nguồn tin mật, nhưng số lượng lớn thông tin thương mại sẵn có về các đợt triển khai quân sự của Nga có thể ảnh hưởng đến quyết định tiết lộ thông tin tình báo này của chính quyền, vì nó làm giảm lo ngại rằng việc tiết lộ như vậy sẽ gây nguy hiểm cho các nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin. Hình ảnh vệ tinh công khai đã hỗ trợ, thay vì phá hỏng, các nỗ lực của tình báo phương Tây: một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) gợi ý rằng “hình ảnh vệ tinh nguồn mở đã đưa đường đi nước bước của quân Nga ra ánh sáng.” Theo một cựu quan chức NSC, các nhà phân tích phi chính phủ và các thám tử nghiệp dư có thể “đang có cùng quan điểm” với cộng đồng tình báo Mỹ, bằng cách kết hợp hình ảnh vệ tinh thương mại với các bài đăng trên mạng xã hội. Những nỗ lực của chính quyền Biden trong việc củng cố và chia sẻ thông tin đã tạo điều kiện cho việc này: những tiết lộ của Nhà Trắng có lẽ đã thuyết phục các đồng minh châu Âu còn hoài nghi về độ tin cậy của các thông tin từ Washington trước đó, tạo cơ sở cho một phản ứng tập thể của phương Tây đối với cuộc xâm lược của Nga.

Ngoài việc buộc các quốc gia phải thích nghi trong một môi trường thông tin đang thay đổi, thông tin tình báo nguồn mở đã được chứng minh là một công cụ đắc lực cho Ukraine trên chiến trường. Ví dụ, thông tin từ các nguồn phi chính phủ đã tước mất yếu tố bất ngờ của Moscow vì chúng theo dõi các hoạt động chuyển quân của Nga, và gần như chắc chắn đã hỗ trợ Ukraine nhắm mục tiêu vào các lực lượng Nga. Theo lời của một quan chức tình báo Mỹ, hình ảnh vệ tinh thương mại đã giúp mang lại cho Ukraine “lợi thế thông tin trên chiến trường, mà cho đến nay đã giúp họ có thể kháng cự trước một lực lượng và thiết bị vượt trội”.

Phần lớn hình ảnh vệ tinh thương mại này nhiều khả năng đã đến tay Ukraine nhờ quan hệ đối tác giữa cộng đồng tình báo Mỹ và các công ty tư nhân như Maxar Technologies, BlackSky, và Planet. Chẳng hạn, vào tháng 04/2022, Cơ quan Tình báo-Không gian Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (NGA) – đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, phân tích, và phân phối hình ảnh vệ tinh – xác nhận rằng họ đã “bắt đầu tạo điều kiện và phối hợp với các nỗ lực tư nhân độc lập nhằm cung cấp trực tiếp các sản phẩm và dịch vụ của họ đến Ukraine.” Quan hệ đối tác mở rộng này kết hợp hình ảnh và dữ liệu nguồn mở vào các đường dây chia sẻ thông tin tình báo, cho phép các công ty tư nhân gửi thông tin trực tiếp đến các nhà phân tích Ukraine. Nó cũng bao gồm dữ liệu thời gian thực từ các vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp, cho phép người dùng theo dõi các chuyển động quân sự xảy ra dưới những tầng mây phủ hoặc xảy ra vào ban đêm. Công nghệ này dường như đã mang lại lợi ích cho các nỗ lực quốc phòng của Ukraine: khi các lực lượng của Nga tập trung ở biên giới Ukraine, NGA đã đẩy nhanh việc mua dữ liệu thương mại của radar khẩu độ tổng hợp, sau đó chia sẻ dữ liệu với các đồng minh và đối tác sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch ban đầu.

Dù sự phổ biến của dữ liệu nguồn mở đang làm xói mòn quyền kiểm soát của chính phủ đối với thông tin tình báo, các nhà lãnh đạo cộng đồng tình báo Mỹ vẫn lên tiếng ca ngợi những ưu điểm của loại thông tin này, và tin rằng nó mang lại lợi ích quân sự cho Ukraine. Theo lời của Phó Đô đốc Robert Sharp, Giám đốc NGA: “Hình ảnh công khai về Ukraine hiện đang cung cấp cho công chúng cái nhìn sâu sắc chưa từng có, những thông tin mà cho đến gần đây chỉ có thể được cung cấp thông qua các cơ quan và các quan chức chính phủ. Nó đang giúp một quốc gia dân chủ chiến đấu để tồn tại, và bảo tồn nền độc lập của mình.” Mỹ cũng có thể truyền thông tin nguồn mở này đến quân đội Ukraine một cách rộng rãi hơn so với những gì họ có thể làm nếu gặp phải hạn chế liên quan đến việc chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm và tuyệt mật. Hơn nữa, các chùm vệ tinh thương mại lớn có khả năng phủ sóng thường xuyên, rộng khắp phạm vi chiến trường, điều này rất quan trọng trong việc đảm bảo thông tin luôn được cập nhật trong lúc xung đột đang diễn ra.

Hình ảnh vệ tinh thương mại có thể sẽ tiếp tục xuất hiện trong việc lập kế hoạch và tiến hành các chiến dịch quân sự của Ukraine. Thật vậy, gói hỗ trợ an ninh trị giá 800 triệu USD của Mỹ được công bố vào tháng 04/2022 bao gồm việc cung cấp “dịch vụ hình ảnh vệ tinh thương mại” cùng với nhiều khí tài quân sự thông thường hơn như tên lửa Stinger và Javelin để hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực đẩy lùi lực lượng Nga. Khi thông tin tình báo nguồn mở ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong các nỗ lực lập kế hoạch thời chiến, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nên tận dụng tính khả dụng công khai của nó để cung cấp thông tin tình báo thời gian thực cho đồng minh và đối tác, những người có thể ‘bị mù’ nếu chỉ có một mình trên chiến trường hiện đại.

Công khai thông tin

Hình ảnh từ các vệ tinh thương mại cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại những thông tin sai lệch của Nga. Bằng chứng hình ảnh có thể phơi bày sự thật nơi chiến trường, khiến Moscow khó trốn tránh việc bị giám sát, cũng như khó né tránh trách nhiệm, và thêu dệt những câu chuyện xuyên tạc. Ví dụ, khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào giữa tháng 2 rằng Moscow đã bắt đầu kéo quân rời khỏi biên giới Ukraine, các quan chức Mỹ và châu Âu đã bác bỏ, nói rằng đó là tuyên bố sai sự thật, với việc Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg viện dẫn hình ảnh nguồn mở để củng cố khẳng định của mình.

Các hãng truyền thông và các viện chính sách cũng dựa vào hình ảnh vệ tinh thương mại để phản bác những tuyên bố sai trái của Nga, thường bằng cách sử dụng các báo cáo kết hợp hình ảnh vệ tinh với thông tin nguồn mở khác. Chẳng hạn, những dấu hiệu sớm nhất minh chứng cho cuộc xâm lược Ukraine của Nga không đến từ các đợt bắn pháo hay oanh tạc trên không, mà là do tắc đường. Theo dõi tình hình giao thông cập nhật trực tiếp trên Google Maps, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey đã quan sát thấy tình trạng tắc nghẽn bất thường dọc theo một con đường từ Belgorod, Nga, đến biên giới Ukraine. Vụ ùn tắc giao thông xảy ra ở gần địa điểm mà trước đó các nhà phân tích đã sử dụng dữ liệu vệ tinh thương mại để xác định khu vực bố trí tàu sân bay bọc thép, bệ phóng tên lửa, và các khí tài quân sự khác của Nga. Các mô hình giao thông màu vàng và màu đỏ ngày càng tăng trên Google Maps gợi ý cho các nhà nghiên cứu rằng lực lượng của Nga đang di chuyển. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp mà các nhà phân tích và quan sát độc lập sử dụng dữ liệu nguồn mở để đánh giá tình trạng của xung đột. Như Stacey Dixon, Phó Giám đốc Phụ trách Tình báo Quốc gia của chính quyền Biden, giải thích, hình ảnh vệ tinh thương mại “cho phép mọi người diễn giải các hình ảnh một cách độc lập, ghép nối chúng lại với các thông tin khác, và cho thế giới biết điều gì sắp xảy ra”.

Thông tin từ các vệ tinh do tư nhân vận hành và các nền tảng nguồn mở khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc minh chứng sức mạnh của hàng phòng thủ Ukraine. Hình ảnh vệ tinh thương mại đã xác nhận tuyên bố rằng lực lượng của Nga đã bị phân tán dưới hỏa lực dày đặc của Ukraine, củng cố nhận thức rằng quân đội Ukraine đã kháng cự ác liệt bất ngờ. Các công nghệ phổ biến rộng rãi cũng đã được chứng minh là phương pháp hữu ích để lưu trữ thông tin trong suốt cuộc xung đột: các công dân bình thường sử dụng mạng xã hội để ghi lại hình ảnh các đoàn xe Nga bị trì trệ, thiết bị của Nga bị chiếm dụng, và thường dân phải trú ẩn trong các ga tàu điện ngầm. Thông tin minh bạch và rõ ràng về trải nghiệm của dân thường trong cuộc chiến đã giúp nhấn mạnh nỗi kinh hoàng của cuộc xâm lược, cũng như lòng dũng cảm và sự hy sinh của người Ukraine – đồng thời thúc đẩy sự ủng hộ to lớn của quốc tế trong quá trình đó.

Khi chiến tranh tiến diễn, các nhà quan sát cả trong và ngoài chính phủ đã tiếp tục sử dụng loại thông tin tình báo nguồn mở này để phản bác nhiều tuyên bố của chính phủ Nga liên quan đến tiến độ của lực lượng, khiến Moscow khó che giấu những phí tổn nặng nề mà họ phải gánh chịu trên chiến trường. Ví dụ, sự kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh thương mại và hình ảnh được đăng trên Telegram đã giúp củng cố các tuyên bố của Ukraine về việc đánh chìm soái hạm Moskva của Nga vào giữa tháng 4, trái ngược với tuyên bố ban đầu của Bộ Quốc phòng Nga, rằng con tàu bị chìm sau khi kho đạn trên tàu bốc cháy.

Các hãng tin tức cũng đã sử dụng hình ảnh vệ tinh thương mại để thu thập bằng chứng cho hành động tàn bạo của Nga đối với dân thường Ukraine. Đầu tháng 4, Bộ Quốc phòng Nga đã phủ nhận những bức ảnh và đoạn phim ghi lại cảnh thường dân chết trên đường phố Bucha là một “trò lừa bịp” và “sản phẩm bị dàn dựng,” khẳng định các thi thể đã được đặt trên đường phố sau khi quân đội Nga rút khỏi thị trấn Ukraine. Các hãng tin tức phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại đã bác bỏ tuyên bố của Nga, xác nhận rằng các thi thể trên đường phố và các khu mộ tập thể đã xuất hiện từ trước khi lực lượng Nga rút đi. Hình ảnh này không chỉ vạch trần những hành động tàn bạo của Nga theo cách phản bác câu chuyện sai lầm của nước này, đồng thời huy động tình cảm công chúng ủng hộ Ukraine, mà còn có thể trở nên hữu ích nếu, trong tương lai, có bất kỳ hành động pháp lý quốc tế nào nhằm chống lại lực lượng Nga.

Mở mang tầm mắt

Các công ty vệ tinh thương mại có thể sẽ đóng một vai trò lớn hơn nữa trong các cuộc khủng hoảng tương lai. Nhóm này từ lâu đã hỗ trợ lĩnh vực tình báo và quốc phòng, nhưng xung đột Ukraine đã nhấn mạnh tầm quan trọng của họ trong việc định hình môi trường thông tin và chuẩn bị cho kế hoạch quân sự. Vai trò của họ trong cuộc chiến Ukraine nhiều khả năng sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác giữa các công ty tư nhân và các chính phủ đang tìm cách nâng cấp việc chia sẻ thông tin tình báo và cải thiện năng lực thu thập thông tin, đặc biệt là ở các quốc gia thiếu năng lực công nghệ tiên tiến. Trên thực tế, NATO đang xem xét việc mua hình ảnh trực tiếp từ các công ty thương mại, thay vì chỉ dựa vào hình ảnh cung cấp bởi các quốc gia thành viên.

Ngoài mục đích phục vụ chính phủ, các hãng truyền thông, các viện chính sách, và các nhà phân tích nguồn mở khác sẽ tiếp tục kết hợp hình ảnh vệ tinh thương mại với thông tin từ các nguồn khác, công bố chúng cho khán giả trên khắp thế giới, nâng cao tính minh bạch theo hướng thúc đẩy lợi ích nhà nước, bằng cách thu hút sự quan tâm của công chúng và kêu gọi ủng hộ các mục đích cụ thể. Tuy nhiên, việc tăng độ minh bạch có thể là một con dao hai lưỡi. Các quốc gia mong muốn giữ bí mật các hoạt động của mình có thể nhắm mục tiêu vào các công ty vệ tinh thương mại qua những cuộc tấn công mạng, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng hơn, là tấn công quân sự thông thường. Người Nga đã thử – nhưng không thành công – tấn công và làm nhiễu dịch vụ vệ tinh Starlink, vốn là nhà cung cấp Internet duy nhất ở nhiều vùng thuộc Ukraine. Trong trường hợp các vệ tinh thương mại bị tấn công, chính phủ Mỹ có thể sẽ do dự thực hiện các hành động trả đũa vì sợ làm leo thang khủng hoảng, vì thế các vệ tinh tư nhân càng dễ bị tấn công liên tục.

Việc phụ thuộc quá mức vào hình ảnh vệ tinh thương mại cũng có những rủi ro đáng kể, đặc biệt là do khả năng tiếp cận công chúng của nó. Hình ảnh nguồn mở có thể được sử dụng để truyền bá thông tin sai lệch, chứ không phải để chống lại nó: các đối thủ có thể cố gắng chỉnh sửa hình ảnh thương mại, hoặc sử dụng trí thông minh nhân tạo để tạo ra hình ảnh giả (deepfake) phù hợp với câu chuyện của họ. Hơn nữa, các vệ tinh thương mại thu thập thông tin tình báo về đối thủ của Mỹ cũng có thể dễ dàng được dùng để cung cấp thông tin về hoạt động quân sự của Mỹ cho những đối thủ đó. Dù Mỹ có thể điều chỉnh hoạt động của các công ty vệ tinh có trụ sở tại Mỹ, nhưng nước này sẽ bị hạn chế trong việc ngăn chặn các công ty nước ngoài tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Trong lúc cuộc chiến ở Ukraine ngày càng khốc liệt, các chính phủ, công ty tư nhân và người dân đều phải cân nhắc những đánh đổi liên quan đến kỷ nguyên mới về minh bạch thời chiến này. Các nhà lãnh đạo chính trị sẽ cần xem xét tác động của việc xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh, hoặc tự mâu thuẫn với tuyên bố của họ về tình hình chiến trường. Các quan chức tình báo sẽ cần xây dựng quy trình phù hợp nhất để tổng hợp thông tin tình báo mật và thông tin nguồn mở, cũng như để chia sẻ thông tin này với các đồng minh, đối tác, và công chúng. Các nhà hoạch định quân sự sẽ cần chuẩn bị cho một tương lai trong đó các chiến dịch của họ có thể bị phát hiện và tiết lộ gần như theo thời gian thực, bởi các công ty nước ngoài hoạt động ngoài thẩm quyền về mặt quy định của Mỹ. Còn bản thân nước Mỹ nên lập kế hoạch cho các cuộc xung đột tương lai, vốn sẽ diễn ra dưới sự giám sát của các vệ tinh tư nhân.

Erik Lin-Greenberg là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts.

Theo Milonopoulos là Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Perry World House thuộc Đại học Pennsylvania.

Related posts