Báo cáo: Trung Quốc thống trị nguồn cung cấp lithium toàn cầu gây rủi ro cho các công ty Mỹ

Kathleen Li

Một công nhân làm việc với ắc quy ô tô tại nhà máy của Xinwangda Electric Vehicle Battery Co., một công ty sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, tại Nam Kinh thuộc tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc, hôm 12/03/2021 (Ảnh:STR/AFP/Getty Images)

Tình trạng Trung Quốc kiểm soát chuỗi cung ứng lithium toàn cầu cho thấy những rủi ro gia tăng đối với các công ty Hoa Kỳ ở hạ nguồn, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc tiếp tục mở rộng dấu chân của họ tại các mỏ lithium ở ngoại quốc.

Ông Tim Karimov, chủ tịch của nhà sản xuất pin lithium của Hoa Kỳ OneCharge, cho biết trong một bài thuyết trình tại hội thảo MODEX 22: “Chúng tôi yêu các nhà cung cấp của mình, và chúng tôi có mối liên hệ rất bền chặt, nhưng chúng tôi rất phụ thuộc vào nguồn cung cấp đến từ Trung Quốc. … Chúng tôi nghĩ rằng có những rủi ro về sự ổn định nguồn cung cấp, trong bối cảnh mọi thứ diễn ra liên quan đến địa chính trị.”

MODEX là hội chợ sản xuất và chuỗi cung ứng lớn nhất được tổ chức ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ. MODEX 22 được tổ chức hôm 28-31/03 tại Trung tâm Đại hội Thế giới Georgia của Atlanta.

Hồi tháng Một, OneCharge đã phát hành một bạch thư đề cập đến vai trò của Hoa Kỳ trong sản xuất pin lithium toàn cầu và những rủi ro mà Trung Quốc gây ra cho chuỗi cung ứng này.

Báo cáo cho biết, “Trung Quốc hiện đang thống trị chuỗi cung ứng pin lithium toàn cầu. Hơn 70% tổng công suất sản xuất pin Li-ion toàn cầu là do Trung Quốc kiểm soát. … Nếu Trung Quốc quyết định giảm nguồn cung cấp hoặc tăng giá đột ngột, thì điều này sẽ gây phương hại đến lĩnh vực vận tải và hậu cần của Hoa Kỳ, vốn đang nhanh chóng sử dụng các loại xe điện chạy bằng pin lithium.”

Theo tờ báo kỹ thuật số Trung Quốc The Paper, BYD Co. Ltd. (01211.HK), một tập đoàn và là nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, hiện đang đàm phán để mua sáu mỏ lithium ở Phi Châu có chứa hơn 27 triệu tấn oxide lithium với cấp độ 2.5 % — đủ để cung cấp oxide lithium cho BYD trong 10 năm. 

Các nhà sản xuất xe điện đã phải chịu áp lực do giá pin lithium cho xe điện tăng vọt trong bối cảnh nhu cầu xe điện tăng cao. Do đó, nhiều công ty cũng đã bước vào cuộc đua toàn cầu để mua lại các mỏ lithium.

Các nguồn lithium của Trung Quốc chủ yếu đến từ các khu vực sinh thái mỏng manh, chẳng hạn như Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, với môi trường tự nhiên khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng yếu kém, và những thách thức kỹ thuật đáng kể. Bất chấp những thách thức đó, Bắc Kinh đã tích cực khuyến khích các công ty Trung Quốc được nhà nước hậu thuẫn giành được các mỏ lithium ở ngoại quốc để vượt qua Âu Châu và Hoa Kỳ trong ngành năng lượng mới này, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc Yicai.

Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với các tài nguyên lithium trọng yếu

Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Ngân hàng Thương gia Trung Quốc công bố hôm 04/03, ngành công nghiệp lithium có mức độ tập trung thị trường cao. Hồi năm 2020, năm công ty có công suất sản xuất lithium chiếm gần một nửa trên thế giới, đang sản xuất khoảng 75% nguồn cung cấp mặt hàng này trên toàn cầu.

Hai trong số năm công ty này — Công ty TNHH Lithium Cám Phong Giang Tây (Jiangxi Ganfeng Lithium Co. Ltd.) (01772.HK) và Công ty TNHH Lithium Thiên Tề (Tianqi Lithium Co. Ltd.) (02466.SZ) — là của Trung Quốc. Cả hai công ty đều chiếm thị phần đáng kể trong nguồn tài nguyên lithium toàn cầu, cho phép họ kiểm soát chuỗi cung ứng lithium.

Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Lithium Cám Phong, đại tập đoàn sản xuất pin này của Trung Quốc trải dài khắp Úc, Argentina, và Ireland.

Trong số đó, Dự án Mount Marion ở Úc là nguồn cung cấp lithium lớn nhất cho Cám Phong. Cám Phong có được nguồn cung cấp nguyên liệu thô ổn định bằng cách ký các thỏa thuận mua sắm dài hạn với các nhà cung cấp lithium thượng nguồn sau khi đầu tư vào họ.

Đại công ty Thiên Tề Lithium của Trung Quốc cũng đã có được nguồn cung cấp lithium của mình bằng cách mua lượng lớn cổ phần của các công ty hàng đầu trong chuỗi cung ứng lithium thượng nguồn. Năm 2014, Thiên Tề Lithium mua lại 51% cổ phần của Windfield Holdings, cổ đông của Talison Lithium, là công ty sở hữu mỏ lithium Greenbushes ở Tây Úc — mỏ lithium đá cứng lớn nhất thế giới.

Và vào năm 2018, Thiên Tề Lithium đã mua 23.77% cổ phần của SQM, một nhà sản xuất lithium nước muối hàng đầu thế giới. Công ty này đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của SQM.

Cô Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô là một kỹ sư chuyên về lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.

Vân Du biên dịch

Related posts