‘Sự tà ác chưa từng có’: Tòa án xác nhận các cáo buộc lâu nay về việc thu hoạch nội tạng của Trung Quốc

Cathy He

Trong một cuộc tập hợp có sự tham gia của hàng ngàn học viên Pháp Luân Công tại Đài Bắc hôm 23/04/2006, bốn người tái hiện lại tình huống gây chấn động để phản đối những gì mà họ nói là hoạt động sát hại các học viên Pháp Luân Công và cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ trong các trại tập trung của chính quyền cộng sản Trung Quốc. (Ảnh: Patrick Lin/AFP/Getty Images) Trung Quốc

Chính quyền Trung Quốc đang sát hại các tù nhân lương tâm và lấy nội tạng của họ cho phẫu thuật ghép tạng, một hội đồng xét xử gồm các luật sư và chuyên gia đã phát hiện ra sau một cuộc điều tra kéo dài một năm.

Trong phán quyết cuối cùng (pdf) được đưa ra tại London hôm 17/06/2019, tòa án độc lập này cho biết, có bằng chứng rõ ràng cho thấy hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên quy mô đáng kể.”

Từ năm 2015, mặc dù chính quyền Trung Quốc vẫn khẳng định là các ca cấy ghép tạng đến từ những người hiến tặng tự nguyện, nhưng tòa án cho biết họ kết luận rằng hoạt động này vẫn đang diễn ra.

Hội đồng này cho biết họ “chắc chắn” rằng nội tạng được lấy từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, khi lưu ý rằng các học viên “có thể là nguồn chính.”

Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập tĩnh tại và các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn, đã bị chính quyền Trung Quốc đàn áp tàn bạo trong hai thập niên qua.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng trăm ngàn học viên đã bị đưa vào các trại giam, trại lao động, và trung tâm tẩy não, nơi nhiều người đã bị tra tấn để buộc họ từ bỏ đức tin của mình.

Lấy tên là Tòa án Luận tội Trung Quốc (China Tribunal), hội đồng xét xử quốc tế nói trên đã đưa ra kết luận của mình sau khi xem xét nhiều bằng chứng bằng văn bản và bằng lời khai, gồm lời khai của hơn 50 nhân chứng được đưa ra trong hai phiên điều trần công khai.

“Kết luận cho thấy rất nhiều người đã thiệt mạng với những cái chết kinh hoàng mà không có lý do, [và] nhiều người hơn có thể đang bị hại theo những cách tương tự,” chủ tọa của tòa án, Sir Geoffrey Nice QC cho biết khi đưa ra phán quyết hôm 17/06.

Sir Geofrey Nice QC, chủ tọa của Tòa án Luận tội Trung Quốc, đọc phán quyết của tòa tại London hôm 17/06/2019. (Ảnh: Justin Palmer)

Trước đó, Sir Nice là người dẫn đầu vụ truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế. Tham gia cùng ông trong hội đồng còn có sáu chuyên gia quốc tế trong các lĩnh vực luật pháp, phẫu thuật cấy ghép, chính trị quốc tế, lịch sử Trung Quốc, và kinh doanh.

Tòa án cũng cho biết người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có “nguy cơ” bị cưỡng bức thu hoạch nội tạng khi bị giam giữ trong các “trại cải tạo” do chính quyền Trung Quốc thiết lập.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các chuyên gia ước tính có hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và thành viên của các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các trại tập trung như vậy, nơi mà tại đó họ buộc phải chịu sự truyền bá về chính trị và buộc phải từ bỏ tín ngưỡng của mình.

Hội đồng nhận thấy vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý rằng tội ác phản nhân loại đã được thực hiện đối với các học viên Pháp Luân Công và cả người Duy Ngô Nhĩ.

Hội đồng cho biết thêm rằng các hành động của nhà cầm quyền “cho thấy” tội ác diệt chủng, nhưng đã dừng lại và không tuyên bố rằng tội ác này đã được thực hiện, bởi định nghĩa nghiêm ngặt của tội này theo luật pháp quốc tế.

“Cưỡng bức thu hoạch nội tạng là một sự tà ác chưa từng có, thậm chí sánh ngang — trên cơ sở đối chiếu số người tử vong — với những tội ác sát nhân hàng loạt đã xảy ra trong thế kỷ trước,” Sir Nice nói trong bản án.

Các cáo buộc gây chấn động

Các bản tin chi tiết cáo buộc hoạt động cưỡng bức mổ lấy nội tạng vì lợi nhuận lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2006.

Năm đó, The Epoch Times lần đầu tiên đưa tin về lời kể của một người tố giác dùng bí danh Annie, vợ cũ của một bác sĩ giải phẫu thần kinh người Trung Quốc. Bà Annie cho biết chồng cũ của bà kể lại rằng ông đã tự tay bóc tách giác mạc của khoảng 2,000 tù nhân Pháp Luân Công bị gây mê tại một bệnh viện ở thành phố Thẩm Dương, đông bắc Trung Quốc, từ năm 2001 đến năm 2003.

Người tố giác với tên gọi Annie tại một cuộc họp báo ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn hôm 20/04/2006. Đây là lần đầu tiên bà làm chứng trước công chúng về hành vi tàn ác thu hoạch nội tạng quy mô lớn ở Trung Quốc. (Ảnh: The Epoch Times)

“Thật đau thương khi nhớ lại quá khứ. Nội tạng được lấy ra từ thân thể người sống có giá cao hơn nhiều so với từ một người đã qua đời,” bà Annie cho biết.

“Sau khi bị mổ lấy nội tạng sống, một số học viên Pháp Luân Công vẫn còn sống và còn hơi thở, nhưng thân thể của một vài người trong số họ bị đưa thẳng vào lò hỏa táng. Không có dấu vết nào của họ còn sót lại.”

Cùng năm đó, một cuộc điều tra độc lập của cựu Quốc vụ khanh Canada đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương David Kilgour và luật sư nhân quyền người Canada David Matas kết luận rằng, đã có “các vụ mổ cướp nội tạng trên quy mô lớn từ các học viên Pháp Luân Công không tự nguyện.”

Báo cáo chỉ ra sự gia tăng của các ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng được thực hiện ở Trung Quốc kể từ năm 2000, cũng như thời gian chờ đợi rút ngắn một cách bất thường được nhiều bệnh viện quảng cáo — vào thời điểm mà Trung Quốc chưa có hệ thống hiến tạng chính thức. Trước năm 2015, chính quyền Trung Quốc nói rằng nội tạng để cấy ghép được lấy từ các tù nhân bị hành quyết.

Trong bức ảnh ngày 01/10/2000 này, một đám đông đang vây xem cảnh công an mặc thường phục bắt giữ một học viên Pháp Luân Công kháng nghị ở Quảng trường Thiên An Môn, Bắc Kinh. Các học viên Pháp Luân Công đã cố gắng tiến hành gọi điện hàng loạt, biểu tình trên đường phố, và chiếm tín hiệu vệ tinh để phản đối cuộc bức hại đối với họ dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện họ đang thực hiện cách tiếp cận pháp lý, đệ trình ít nhất 12 vụ kiện ở các quốc gia như Hoa Kỳ, Phần Lan, và Úc, để chống lại các quan chức Trung Quốc mà họ cáo buộc là đã vi phạm nhân quyền, từ cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân trở xuống. (Ảnh: Chien-min Chung/AP Photo)

Điều này trùng khớp với cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Một chiến dịch toàn quốc bắt đầu diễn ra từ tháng 07/1999, với hàng ngàn học viên bị đưa vào các cơ sở giam giữ của Trung Quốc. Nhiều người trong số họ từ chối báo danh tính bản thân với chính quyền vì sợ gia đình họ có thể bị liên lụy, báo cáo cho biết.

Báo cáo cho biết, đã có một số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công không rõ danh tính — những người được cho là chỉ đơn giản đã biến mất — đã trở thành nguồn cung sẵn có cho hoạt động thu hoạch nội tạng.

Trong cuốn sách “Đại Thảm Sát” (“The Slaughter”) năm 2014 của mình, nhà phân tích và điều tra về Trung Quốc Ethan Gutmann ước tính rằng, nội tạng của 65,000 học viên Pháp Luân Công và của từ 2,000 cho đến 4,000 người Duy Ngô Nhĩ cùng người Tây Tạng, đã bị cưỡng bức thu hoạch từ năm 2000 đến năm 2008. Phát hiện này dựa trên bảy năm nghiên cứu và phỏng vấn thu thập thông tin.

Trong bối cảnh ngày càng gia tăng sự phản ứng mạnh mẽ về các cáo buộc mổ cướp nội tạng, năm 2015 chính quyền Trung Quốc đã thiết lập một hệ thống hiến tạng tự nguyện, tuyên bố rằng họ không còn sử dụng các tù nhân bị kết án tử hình làm nguồn cung cấp nội tạng nữa.

Một báo cáo điều tra chi tiết năm 2016 của phóng viên Matthew Robertson của The Epoch Times — người đã đạt giải thưởng của Hiệp hội Ký giả Chuyên nghiệp vào năm 2013 cho phóng sự về cùng chủ đề này — đã phân tích các tài liệu công khai liên quan đến Bệnh viện Trung ương Đệ nhất Thiên Tân. Dữ liệu tiết lộ rằng chỉ trong vài năm, hàng chục ngàn người tại cơ sở đó có thể đã thiệt mạng để tiến hành phẫu thuật cấy ghép vì lợi nhuận.

Năm 2016, ông Matas, ông Kilgour, và ông Gutmann đã công bố một báo cáo chuyên đề cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa số liệu cấy ghép chính thức của Trung Quốc và số lượng các ca cấy ghép được thực hiện tại các bệnh viện.

Thông qua việc phân tích hồ sơ công khai của 712 bệnh viện Trung Quốc thực hiện cấy ghép gan và thận, báo cáo cho thấy có khoảng 60,000 đến 100,000 ca cấy ghép đã được thực hiện mỗi năm, vượt xa con số được báo cáo chính thức là 10,000 đến 20,000 ca mỗi năm.

Báo cáo năm 2016 khẳng định lại những phát hiện trước đó cho rằng sự thiếu hụt chủ yếu là do nội tạng bị cưỡng bức thu hoạch từ các học viên Pháp Luân Công, dựa trên các cuộc điện thoại đóng vai người có nhu cầu ghép tạng đến các bệnh viện, lời kể của các học viên Pháp Luân Đại Pháp sống sót sau khi bị giam giữ, và các bằng chứng khác. Một báo cáo năm 2018 của Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc (COHRC), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại New York, đã cung cấp thêm bằng chứng hỗ trợ cho những tuyên bố này.

Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc.

Kết luận ‘không thể tránh khỏi’

Trong năm qua, tòa án do một tổ chức nhân đạo mang tên Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Ghép tạng ở Trung Quốc (ETAC) khởi xướng, đã tìm ra một loạt phát hiện liên quan đến hệ thống cấy ghép tạng ở Trung Quốc, đưa đến một kết luận cuối cùng “không thể tránh khỏi” rằng nạn mổ cướp nội tạng thực sự đang diễn ra bên trong đất nước này.

Sir Nice nhấn mạnh khung thời gian “ngắn bất thường” mà các bác sĩ và bệnh viện ở Trung Quốc hứa hẹn. Sir Nice nói: “Ý kiến nhận được rằng ​​chỉ mất một vài tuần [thời gian chờ đợi cho một cơ quan nội tạng] là hoàn toàn không thể.”

“Tuy nhiên, rất nhiều bằng chứng… cho thấy rằng thời gian chờ đợi rất ngắn đã được hứa hẹn hoặc cung cấp.”

Bằng chứng gồm các cuộc điện thoại đóng vai người có nhu cầu ghép tạng đến các bác sĩ Trung Quốc, cũng như lời khai của bác sĩ Israel Jacob Lavee, người đã kể lại việc bệnh nhân của mình được thông báo rằng anh này có thể được ghép tim ở Trung Quốc sau hai tuần.

“Bác sĩ Lavee nhận ra ngay điều đó có nghĩa là gì. Nghĩa là ai đó sẽ phải bị sát hại để bệnh nhân của ông ấy được phẫu thuật,” Sir Nice cho biết.

Sir Nice cho biết, bằng chứng thống kê cũng tiết lộ rằng số ca cấy ghép được thực hiện không khớp với số lượng do hệ thống hiến tạng tự nguyện của Trung Quốc cung cấp. Do đó, tòa án đã bác bỏ dữ liệu cấy ghép nội tạng được nhà cầm quyền này công bố gần đây là “giả mạo.”

Sir Nice nói rằng dựa trên phân tích cơ sở hạ tầng và năng lực tại các bệnh viện cấy ghép Trung Quốc, một ước tính thận trọng cho thấy có từ 60,000 đến 90,000 ca cấy ghép được tiến hành mỗi năm — lớn hơn rất nhiều so với số liệu mà chính quyền Trung Quốc báo cáo.

Tòa án cũng nhận được bằng chứng nhất quán từ những người sống sót, rằng họ đã được kiểm tra y tế, bao gồm cả xét nghiệm máu trong khi bị giam giữ. Các xét nghiệm này có đặc điểm phù hợp với xét nghiệm về tình trạng nội tạng, Sir Nice cho biết.

Các tù nhân không phải học viên Pháp Luân Công đã không bị kiểm tra. Bản án cho biết, kết quả kiểm tra y tế không bao giờ được giải thích cho các tù nhân.

“Tại sao các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ lại được khám sức khỏe một cách đặc biệt — bao gồm chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu — đồng thời bị tẩy não, lao động cưỡng bức, tra tấn, hoặc tử vong?” ông Trey Torsten, bác sĩ và giám đốc của tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), đặt nghi vấn trong các phiên điều trần hồi tháng 04/2019.

Sir Nice cho biết tòa án cũng nhận được bằng chứng trực tiếp về việc thu hoạch nội tạng, trong đó gồm cả bằng chứng từ một cựu bác sĩ phẫu thuật, người được hướng dẫn để thực hiện mổ lấy nội tạng vào thời điểm ngành công nghiệp này mới bắt đầu hoạt động.

(Ảnh: Guanqi/The Epoch Times)

Trong phiên điều trần hồi tháng 12/2018, ông Enver Tohti kể lại cách mà hồi năm 1995, ông đã cắt bỏ hai quả thận và một lá gan của một tử tù bị bắn vào ngực phải nhưng vẫn còn sống.

“Những gì tôi nhớ lại là, bằng con dao phẫu thuật của mình, tôi đã cố gắng cắt vào da thịt anh ấy, [và] có máu chảy ra. Điều đó cho thấy tim anh ấy vẫn đập. … Lúc đó anh ấy có cố gắng kháng cự khi tôi đưa con dao vào, nhưng anh ấy đã quá yếu,” ông kể lại.

Ông Tohti nói với NTD, một hãng thông tấn liên kết với The Epoch Times hôm 17/06 rằng, hành động đó của ông đã ám ảnh ông cho đến bây giờ.

“Tôi đến nhà thờ, tôi đến đền thờ Hồi giáo, tôi đến các ngôi chùa để cầu nguyện cho anh ấy, phòng khi anh ấy theo đạo Hồi, anh ấy theo đạo Thiên Chúa, anh ấy theo đạo Phật,” ông cho biết.

Sir Nice cho biết tòa án đã liên hệ với các đại diện của chính quyền Trung Quốc, bao gồm Đại sứ quán Trung Quốc tại London và các quan chức y tế, nhưng không nhận được phản hồi nào từ họ.

Ông Kilgour cho biết trong các phiên điều trần hồi tháng 04/2019 rằng, “[chính quyền Trung Quốc đã] không có nỗ lực nghiêm túc nào để phản bác hoặc bác bỏ những gì chúng tôi nói.”

Ông Kilgour cho biết: “Các bằng chứng cho thấy hoạt động buôn bán nội tạng kinh khủng này đang diễn ra và ngày càng gia tăng ở Trung Quốc.”

“Đôi khi họ cáo buộc chúng tôi chống Trung Quốc. Tôi hy vọng quý vị biết rằng, chúng tôi đang cố gắng cứu nhiều sinh mạng ở Trung Quốc. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn điều khủng khiếp này.”

Kêu gọi hành động

Tòa án cho rằng các chính phủ và các cơ quan quốc tế “phải thực thi nghĩa vụ của mình” về những phát hiện cho thấy chính quyền Trung Quốc đã đang phạm tội ác phản nhân loại. Tòa án nói thêm rằng “có một nghĩa vụ dành cho những người có quyền tiến hành điều tra và tố tụng tại các tòa án quốc tế hoặc tại Liên Hiệp Quốc để kiểm tra xem liệu tội ác diệt chủng đã được thực hiện hay chưa.”

Nếu điều đó không được thực hiện, tòa án kêu gọi các công dân cùng hành động để gây áp lực lên các chính phủ “để các cơ quan chính phủ và quốc tế này không thể không hành động.”

Cuối cùng, tòa án lưu ý rằng các chính phủ và những người tương tác với chính quyền Trung Quốc, bao gồm các y bác sĩ, các cơ sở y tế, doanh nghiệp, và cơ sở giáo dục, “nên nhận ra rằng, hiện họ đang, ở mức độ được tiết lộ [trong bản án], đang qua lại với một nhà nước tội phạm.”

Theo trang tin Sky News, Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết trong một tuyên bố: “Chính quyền Trung Quốc luôn tuân theo các nguyên tắc chỉ dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới về cấy ghép các bộ phận thân thể người và đã tăng cường quản lý về ghép tạng trong những năm gần đây.”

Ông Susie Hughes, giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của tổ chức ETAC, kêu gọi phản ứng khẩn cấp để chấm dứt những tội ác khủng khiếp này.

“Đây không còn là câu hỏi về việc hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc có đang diễn ra hay không, cuộc đối thoại đó thực sự đã kết thúc từ lâu. Chúng ta cần một phản ứng khẩn cấp để cứu sống những người này,” ông Hughes cho biết trong một tuyên bố.

“Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta phải buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm về tội ác phản nhân loại, ngừng ngay lập tức mọi hoạt động hợp tác liên quan đến việc cấy ghép với Trung Quốc, và ngăn cản công dân của chúng ta tham gia vào hoạt động du lịch đến Trung Quốc để ghép tạng.”

Ông Ethan Gutmann trả lời phỏng vấn sau khi tòa án đưa ra phán quyết ở London hôm 17/06/2019. (Ảnh: NTD)

Ông Gutmann, người đã điều tra vấn đề này hơn một thập niên qua, nói với NTD rằng phán quyết của tòa án là một khoảnh khắc vui buồn lẫn lộn đối với ông.

“Tòa án Luận tội Trung Quốc, theo một cách nào đó, đã quá muộn 5, 6, 7 hoặc 10 năm,” ông Gutmann nói. “Điều này lẽ ra phải xảy ra ngay từ đầu. Rất nhiều người đã thiệt mạng vì đánh giá sai lầm đó, và vì sự chùn bước ở phương Tây.”

Cô Annie Yang, một trong số các học viên Pháp Luân Công ra làm chứng về việc bị tra tấn và kiểm tra y tế khi bị giam giữ chỉ vì đức tin của mình, nói với NTD rằng bản án là một bước phát triển quan trọng có thể được sử dụng để buộc người dân và chính phủ phải hành động.

“Mọi người cần có can đảm để nói ra, nói về việc thu hoạch tạng, nói cho mọi người biết về điều này,” cô Yang nói. “Chỉ bằng cách này, quý vị mới có thể ngăn chặn cuộc bức hại, ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng này, ngăn chặn tội ác này.”

Bà Cathy He là một phóng viên tại New York, bà tập trung đưa tin về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Trước đây bà từng là một luật sư chính phủ ở Úc. Bà bắt đầu làm việc với The Epoch Times từ tháng 02/2018.

Doanh Doanh biên dịch

Related posts