Bế tắc với Úc: Trung Quốc từ chối dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại

Victoria Kelly-Clark

Một nhân viên đang sắp xếp rượu vang do Úc sản xuất (trên các kệ trưng bày bên phải) được bày bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh hôm 18/08/2020. Đó cũng chính là ngày Trung Quốc gia tăng căng thẳng với Úc sau khi nước này tiến hành điều tra nhập cảng rượu vang từ Úc, loạt đòn mới nhất trong cuộc tranh cãi gay gắt hơn giữa hai đối tác thương mại này. (Ảnh: NOEL CELIS/AFP/Getty Images)

Mối bang giao Úc-Trung dường như đã bị ngưng trệ sau khi chính phủ Úc tiếp tục giữ vững lập trường khi đối mặt với việc Bắc Kinh từ chối rút lại các biện pháp trừng phạt thương mại áp đặt lên Úc mà chính phủ Trung Quốc gọi là “không thể bị khiển trách.”

Trình bày tại cuộc họp báo hôm 22/06, phát ngôn viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Uông Văn Bân nói rằng các biện pháp của Bắc Kinh được thực hiện với “quan điểm bảo vệ các quyền hợp pháp.”

Ông Uông nói: “Các biện pháp này là hợp pháp, theo luật, và không có gì để khiển trách, nhắc lại rằng Úc cần làm việc với Trung Quốc để phát triển liên kết đối tác chiến lược toàn diện Úc-Trung”.

Tại Úc, chính phủ trung tả vẫn ôm giữ một lập trường cứng rắn đối với các biện pháp trừng phạt thương mại, thể hiện qua lời phát ngôn của Thủ tướng Úc Anthony Albanese rằng Bắc Kinh cần phải dỡ bỏ các loại thuế quan mang tính trừng phạt nếu chính phủ Trung Quốc muốn khôi phục mối bang giao song phương.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Trái) và Phó Thủ tướng Richard Marles (Phải) trong một cuộc họp báo tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 23/05/2022. (Ảnh: AAP Image/Lukas Coch)

Ông Albanese nói: “Trung Quốc cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thương mại. Và việc khôi phục mối bang giao hữu hảo hơn sẽ còn là một chặng đường rất dài.”

Khi nói chuyện với đài ABC lúc 7:30 hôm 23/06, ông Albanese cho hay mặc dù đã có một bước đột phá trong mối bang giao trong vài tuần qua, nhưng vẫn còn nhiều trở ngại giữa hai nước.

Ông Albanese nói: “Còn một chặng đường dài phía trước. Đó sẽ là một mối bang giao có vấn đề. Trung Quốc cần dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt chống lại Úc, những thứ vốn không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế và công ăn việc làm của Úc, mà còn gây thiệt hại cho chính nền kinh tế Trung Quốc.”

Hành động cưỡng chế kinh tế mang tính trừng phạt của Bắc Kinh đã quét sạch 8 mặt hàng xuất cảng chính của Úc — thịt bò, hải sản, rượu vang, mật ong, thịt cừu, lúa mì, than và gỗ — sau khi Bộ trưởng Ngoại giao tiền nhiệm Marise Payne kêu gọi điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 hồi tháng Tư năm 2020.

ĐCSTQ cũng đưa ra một danh sách gồm 14 điều “bất bình” mà Úc cần giải quyết trước khi bình thường hóa mối bang giao.

Danh sách này bao gồm yêu cầu chính phủ ngừng báo chí đưa tin tiêu cực về Trung Quốc; ngừng xây dựng liên minh với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; hủy bỏ lệnh cấm Huawei khỏi mạng 5G của Úc, và xóa bỏ luật can thiệp của ngoại quốc.

Đề nghị vụn vặt từ Bắc Kinh

Trung Quốc đã khởi động lại mối bang giao với Úc khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đón tiếp tân Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Richard Marles, trong tiệc tối nhà nước.

Ông Marles cho biết cuộc gặp diễn ra tại Singapore bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc phòng Đối thoại Shangri-La hôm 10/06, là một cuộc gặp được hoan nghênh và cho phép chính phủ ông Albanese mới của Úc có “một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và đầy đủ” giữa “hai quốc gia quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Tuy nhiên, mối bang giao hai nước đã không đạt được chuyển biến đáng kể nào trong cuộc gặp này vì Bắc Kinh không ngừng nói rằng Úc phải thay đổi nếu muốn các biện pháp cưỡng chế kinh tế kết thúc.

Bộ trưởng Quốc phòng đối lập Andrew Hastie trước đây đã nói rằng cuộc gặp giữa ông Marles và ông Ngụy Phượng Hòa không phải là “một khoảnh khắc Nixon đến thăm Trung Quốc.”

Ông Andrew Hastie, Nghị sĩ Đảng Tự Do, diễn thuyết trước Quốc hội Úc hồi tháng 05/2018. (Ảnh: Khối thịnh vượng chung Úc)

Đừng đánh đổi các giá trị hoặc chủ quyền của Úc

Ông Hastie nói: “Bài kiểm tra của bất kỳ cuộc gặp nào là kết quả mà nó mang lại. Và vì vậy tôi muốn biết liệu người Trung Quốc có rút lại 14 yêu cầu của họ hay không. Liệu họ có xin lỗi vì sự chậm chạp của phi hành đoàn P-8 của chúng ta ở Biển Arafura hồi tháng Hai hay không, và quả thực là, phi hành đoàn P-8 ở Biển Đông, đã bị một chiến đấu cơ Trung Quốc đánh chặn vào tháng trước.”

Ông cũng đã cảnh báo chính phủ Úc không nên đánh đổi các giá trị của Úc hoặc chủ quyền của nước này trong bất kỳ cuộc thảo luận nào với Trung Quốc.

Ông nói, “Chúng ta chắc chắn không thể đánh đổi các giá trị của mình hoặc chủ quyền của mình; chúng ta không phải là vấn đề ở đây. Chúng ta đã không đưa ra 14 yêu cầu như họ đã làm, bao gồm cả các yêu cầu rằng chúng ta kiềm chế tự do báo chí ở quốc gia này hoặc bãi bỏ luật can thiệp của ngoại quốc hoặc cho phép Huawei tham gia mạng 5G của chúng ta.”

Chiến thuật đe dọa

Một bay phản lực cơ quân sự J-16 của Trung Quốc đã phóng pháo sáng khi bay sát sườn phi cơ P-8 của Úc trong khi chiếc P-8 đang thực hiện chuyến bay giám sát hàng hải định kỳ trên không phận quốc tế hồi tháng Năm.

Phản lực cơ của Trung Quốc sau đó tăng tốc và cắt ngang mũi phi cơ Úc, trước khi thả một “dải kim loại gây nhiễu radar” chứa các mảnh nhôm nhỏ, mà một số trong đó đã “quấn” vào động cơ của P-8.

Ông Marles nói: “Rõ ràng là việc này rất nguy hiểm.” 

Nhưng ông nói rằng vụ va chạm này “sẽ không ngăn cản” Úc tham gia vào hoạt động giám sát sau khi ABC đưa tin rằng Úc đã cử một trinh sát cơ thứ hai đến khu vực trong vòng vài giờ sau khi vụ việc xảy ra.

Ông Marles nói: “Các quốc gia khác cũng làm như vậy. Chúng ta quyết tâm [bảo vệ] vào các quyền tự do hàng hải ở Biển Đông … Đây là vùng nước có liên quan sâu sắc với Úc vì hoạt động thương mại của chúng ta đều phải đi qua đó.”

Bà Victoria Kelly-Clark là một phóng viên người Úc tập trung vào chính trị quốc gia và môi trường địa chính trị ở khu vực Á Châu – Thái Bình Dương, Trung Đông và Trung Á.

Nhật Thăng biên dịch

Related posts