Kiều Mai
Nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn Việt Nam làm điểm đến sản xuất thay thế, hoặc thay thế một phần Trung Quốc. Thế nhưng, với Việt Nam, vượt qua Trung Quốc trong cuộc đua giành vị trí cao trên chuỗi giá trị vẫn là điều xa xôi và có nhiều rào cản.
Nhiều chi phí bị đội lên
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước hưởng lợi lớn nhất từ quá trình các nhà máy rời Trung Quốc. Tại đây, các nhà sản xuất có cơ hội tiếp cận tới thị trường ASEAN cũng như các thị trường lớn khác tại châu Á, EU nhờ các hiệp định thương mại tự do.
Trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu của Apple, số lượng công ty đặt nhà máy tại Việt Nam đã tăng từ 17 lên 23 giai đoạn 2018 – 2020, bao gồm 7 công ty của Trung Quốc, theo dữ liệu từ Everbright Securities.
Tuy nhiên, cho đến nay, các nhà máy điện tử của Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp cấp thấp. Đơn cử, công ty con của nhà sản xuất AirPods và iPhone Lixun Precision tại Việt Nam chủ yếu sản xuất các đầu nối và thiết bị ngoại vi máy tính, hay Lens Technology sản xuất kính iPhone tại nhà máy ở Việt Nam.
Trang Caixin dẫn ý kiến của ông Zhang Huafeng, Trưởng đại diện tại Los Angles của Công ty Transfar Shipping Pte., cho biết mặc dù nhiều đơn hàng đã chuyển đến Việt Nam, các khách hàng Mỹ vẫn đang thực sự làm ăn với doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo ông, năng lực xuất khẩu của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang quá tải và không còn nhiều dư địa để xử lý thêm đơn hàng trong ngắn hạn. Trong trung và dài hạn, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Việt Nam trong ba năm qua đã gần đạt đến giới hạn, với lợi thế về đất đai và chi phí lao động ngày càng giảm.
Vị này cho biết thêm, chi phí vận chuyển từ Việt Nam và Indonesia đến Mỹ cao hơn nhiều so với từ Trung Quốc, bởi các nước này có ít tàu vận chuyển trực tiếp hơn. Cùng với đó, thời gian vận chuyển từ TP.HCM đến Los Angeles dài hơn khoảng một tuần so với từ Thượng Hải.
Đáng chú ý, phí vận chuyển từ cảng Việt Nam cao hơn khoảng 300 USD/container so với từ cảng Trung Quốc nhưng trong vài tháng đầu năm nay, mức bù giá đã lên tới 3.000 USD/container.
Ông Deng Shengpeng – chủ một công ty sản xuất các chi tiết phần cứng cho đồ nội thất, như tay cầm, khóa, đã mở một nhà máy tại Việt Nam vào năm 2018, nhưng chi phí vận chuyển tăng vọt trong năm nay khiến doanh nghiệp này khó có đơn đặt hàng mới.
Cùng với đó, chi phí lao động tại Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với Trung Quốc, nhưng lợi thế về chi phí đất đai đang giảm dần.
Không chỉ vậy, các nhà máy của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô và các bộ phận từ phía Trung Quốc. Chuỗi cung ứng gián đoạn do đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất tại thị trường Đông Nam Á này.
Yang Zhongwei, Giám đốc sản xuất của một công ty con thuộc một doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất linh kiện bộ định tuyến tại Việt Nam, cho biết nhà máy phải nhập toàn bộ nguyên liệu từ Trung Quốc và thường chờ khoảng một tuần.
Thời gian gần đây, vận chuyển nguyên liệu đã bị kéo dài tới hơn một tháng, khiến đơn hàng có nguy cơ bị hủy cao.
Công ty này đang xem xét tìm nguồn cung thay thế từ nội địa, nhưng điều này không dễ dàng bởi nền công nghiệp tại Việt Nam còn khá yếu với mức chi phí cao hơn.
Sức cạnh tranh cao trên chuỗi giá trị của Trung Quốc
Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc những năm gần đây, cộng với chính sách kiểm soát dịch nghiêm ngặt khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ thị trường, Trung Quốc vẫn giữ được lợi thế lớn nhờ vị thế trung tâm sản xuất đã được xây dựng và duy trì trong nhiều thập kỷ, và thị trường nội địa khổng lồ tạo động lực mạnh mẽ cho quá trình tăng năng suất.
Điều này khiến các điểm đến mới thay thế cho Trung Quốc như ASEAN, hay Ấn Độ, phải phá vỡ nhiều rào cản trong quá trình cạnh tranh với Bắc Kinh trong chuỗi giá trị.
Ông Lý Hưng Càn, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc, trong cuộc họp thường kỳ đầu tháng này, đánh giá việc sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc là “phù hợp với quy luật kinh tế”, và nước này có thể kiểm soát cũng như hạn chế tác động từ việc này.
Theo ông, vị trí của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu vẫn ổn định, khi nước này sở hữu hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, và có sức cạnh tranh lớn về cơ sở hạ tầng, năng lực công nghiệp hỗ trợ và đội ngũ nhân tài.
Cùng với đó, môi trường kinh doanh của Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, trong khi quy mô khổng lồ của thị trường khiến nơi đây ngày càng trở nên hấp dẫn hơn.
Trang Caxin cho biết, theo ông He Xiaoqing, Giám đốc Công ty tư vấn Kearney Greater China, Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ là cơ sở sản xuất, mà còn là một thị trường rộng lớn.
Năm 2020, các công ty toàn cầu tại đây ghi nhận doanh thu nội địa 1,4 nghìn tỷ USD, nhiều hơn mức xuất khẩu 900 tỷ USD, cho thấy sức hấp dẫn của thị trường địa phương.