Trung Quốc cải tiến công nghệ AI dựa trên vi mạch điện tử của Hoa Kỳ

Lam Giang

Trung Quốc cải tiến công nghệ AI dựa trên vi mạch điện tử của Hoa Kỳ
Một robot AI với khuôn mặt người trong một buổi chụp hình đăng báo để quảng bá cho triển lãm sắp tới mang tên “AI: Hơn Cả Con Người,” tại Trung tâm Barbican ở London vào ngày 15/05/2019. (Ảnh: Ben Stansall/AFP/Getty Images)

Theo một báo cáo mới đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Georgetown, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang dựa vào công nghệ vi mạch điện tử do các công ty Hoa Kỳ thiết kế để nâng cao công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của mình.

Được công bố hồi tháng 6/2022, các tác giả của nghiên cứu đã phân tích 24 hợp đồng công khai do các đơn vị PLA và các doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước trao tặng vào năm 2020, đồng thời sàng lọc qua hàng ngàn hồ sơ mua bán để tìm hiểu chính xác cách thức quân đội Trung Quốc có được các vi mạch bán dẫn AI.

Họ phát hiện ra rằng, PLA đang đặt hàng các loại vi mạch AI được các công ty ở Hoa Kỳ thiết kế, được sản xuất ở Đài Loan và Hàn Quốc, bất chấp những nỗ lực của cả chính phủ ông Trump lẫn ông Biden nhằm hạn chế việc xuất cảng công nghệ cho quân đội Trung Quốc.

Những loại vi mạch AI đó trên thực thế có thể củng cố [vị thế của] ĐCSTQ trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo thế giới về AI.

Theo báo cáo trên, trong số 97 vi mạch AI riêng lẻ được xác định trong hồ sơ mua công khai của PLA, gần như tất cả đều được thiết kế bởi Nvidia (hiện đang thống trị thị trường vi mạch bán dẫn AI), Xilinx (nay là AMD), Intel, hoặc Microsemi.

Các tác giả này đã lưu ý, “Bằng cách so sánh, chúng tôi không thể tìm thấy bất kỳ hồ sơ công khai nào về các đơn vị PLA hoặc các doanh nghiệp quốc phòng thuộc sở hữu nhà nước đặt hàng các vi mạch AI cao cấp do các công ty Trung Quốc thiết kế, chẳng hạn như HiSilicon (Huawei), Sugon, Sunway, Hygon, hoặc Phytium”.

Báo cáo trên được đưa ra khi Trung Quốc tiếp tục đạt được những bước tiến lớn với các hệ thống học máy tân tiến, được hỗ trợ bởi vi mạch AI, và có kế hoạch trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về AI vào năm 2030.

Học máy (tiếng Anh: machine learning) là một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Lợi thế cạnh tranh

Công nghệ này có khả năng mang lại cho ĐCSTQ một lợi thế cạnh tranh ưu việt hơn so với Hoa Kỳ, đặc biệt là về mặt quân sự. Điều đó khiến cho Trung Quốc có khả năng trở thành một trong những cường quốc hàng đầu trên thế giới.

Theo một kế hoạch năm 2017 do Bắc Kinh công bố có tiêu đề “Kế Hoạch Phát Triển Trí Tuệ Nhân Tạo Thế Hệ Mới” (New Generation Artificial Intelligence Development Plan), Trung Quốc đang có những mục tiêu đầy tham vọng về phát triển AI, bao gồm cả việc đạt được “những đột phá lớn trong các lý thuyết căn bản cho AI” vào năm 2025.

Theo tài liệu trên, những đột phá này sẽ có ý nghĩa quan trọng đến mức “một số công nghệ và ứng dụng đạt được trình độ hàng đầu thế giới và AI trở thành động lực chính cho việc nâng cấp ngành công nghiệp và sự chuyển đổi kinh tế của Trung Quốc”.

Đến năm 2050, Trung Quốc cũng hy vọng rằng ngành công nghiệp AI sẽ “tham gia vào chuỗi giá trị cao cấp toàn cầu”.

“[Công nghệ] AI thế hệ mới này sẽ được sử dụng rộng rãi trong sản xuất thông minh, y học thông minh, thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh, xây dựng quốc phòng, và các lĩnh vực khác, trong khi quy mô của ngành công nghiệp cốt lõi của AI sẽ là hơn 400 tỷ RMB (59.8 tỷ USD) và quy mô của các ngành liên quan sẽ vượt quá 5 ngàn tỷ RMB (hơn 747 tỷ USD)”.

“Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ làm thay đổi sâu sắc xã hội và cuộc sống của con người cũng như cải biến thế giới”, kế hoạch năm 2017 nêu rõ. “Để nắm bắt cơ hội chiến lược lớn cho sự phát triển của AI, xây dựng lợi thế dẫn đầu của Trung Quốc trong việc phát triển AI, đẩy nhanh việc xây dựng một quốc gia đổi mới và cường quốc toàn cầu về khoa học và công nghệ, phù hợp với các yêu cầu của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện, kế hoạch này đã được xây dựng”.

Hạn chế gia tăng

Mặc dù tiến bộ của quân đội Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phần lớn đều phụ thuộc vào khả năng có được vi mạch AI, cả chính phủ ông Trump và ông Biden đều cố gắng hạn chế việc xuất cảng công nghệ cho người dùng cuối quân sự (military end-users) ở Trung Quốc thông qua các hạn chế và chính sách khác nhau.

Trong thời gian đương nhiệm, Tổng thống Donald Trump đã mở rộng quy tắc “người dùng cuối quân sự” dành riêng cho Trung Quốc để áp dụng cho các chất bán dẫn căn bản, thiết bị sản xuất chất bán dẫn, và các mặt hàng khác, đồng thời hạn chế xuất cảng những mặt hàng này sang Trung Quốc, và cấm người Mỹ làm kinh doanh với nhiều công ty công nghệ Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden đã gia tăng đáng kể các hạn chế đối với các khoản đầu tư của Mỹ vào một loạt công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty liên quan đến lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng.

Tuy nhiên, các tác giả của nghiên cứu của Đại học Georgetown lưu ý rằng các chính sách hiện hành của chính phủ Hoa Kỳ không đủ để hạn chế sự tiếp cận của quân đội Trung Quốc với các loại vi mạch AI.

Thay vào đó, họ đề nghị chính phủ ông Biden áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới nhằm nỗ lực giữ cho các loại vi mạch AI mạnh mẽ không rơi vào tay PLA.

“Cuối cùng, việc hạn chế hiệu quả tiến bộ quân sự của Trung Quốc trong công nghệ AI và các công nghệ tiên tiến khác sẽ đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ phải áp dụng các hình thức kiểm soát xuất cảng mới, không chỉ chú tâm vào mỗi mục đích sử dụng cuối cùng và người dùng cuối dễ thấy như hiện tại”, các tác giả này viết. “Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ nên tìm cách cải thiện nhận thức tình huống của chính mình bằng cách khai thác tốt hơn thông tin nguồn mở và chia sẻ thông tin xuất cảng có liên quan với các đồng minh và đối tác”.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts