Các công ty Nam Hàn đã bắt đầu đẩy nhanh mở rộng sang Bắc Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào khách hàng Trung Quốc do những khó khăn trong việc duy trì doanh số bán sản phẩm ở Trung Quốc theo chính sách zero COVID của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Thành công của Nam Hàn tại Hoa Kỳ, nơi các sản phẩm làm đẹp của họ nhanh chóng nổi tiếng, một phần được thúc đẩy bởi nhóm nhạc Nam Hàn BTS và loạt phim Netflix đạt được tiếng vang lớn “Squid Game”.
Công ty làm đẹp lớn nhất Nam Hàn, AmorePacific, báo cáo rằng doanh số bán hàng trong quý đầu tiên của họ đã tăng 60% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Công ty cho rằng sự tăng trưởng này là do sự mở rộng của mình tại Hoa Kỳ, với các thương hiệu bán chạy nhất như Sulwhasoo cho thị trường cao cấp, Laneige cho thị trường tầm trung, và Innisfree cho thị trường giá rẻ.
Kể từ năm nay, công ty tập trung phát triển kênh bán hàng trực tuyến và ngoại tuyến tại Hoa Kỳ.
Cả Laneige và Sulwhasoo đều mở rộng hoạt động bán hàng trực tuyến của mình thông qua danh sách trên Amazon, công ty thương mại điện tử lớn nhất tại Hoa Kỳ, lần lượt vào tháng Ba và tháng Tư vừa qua. Đối với bán hàng tại cửa hàng, Sulwhasoo đã có mặt trên 51 cửa hàng của nhà bán lẻ làm đẹp Sephora trong tháng Ba, và Innisfree đã mở rộng sự hiện diện của mình lên hơn 490 nhà bán lẻ, bao gồm cả Sephora và Kohl’s.
Công ty làm đẹp lớn thứ hai của Nam Hàn, LG Gia dụng & Chăm sóc Sức khỏe, đã thúc đẩy mở rộng sang Hoa Kỳ thông qua việc mua lại các nhà bán lẻ địa phương. Hồi tháng Tư, công ty đã mua lại 65% cổ phần của The Creme Shop với giá 120 triệu USD. Việc mua lại này mang lại cho LG Gia đình một vị thế vững chắc trong các sản phẩm nhắm vào thị trường giới trẻ của Mỹ.
Năm ngoái (2021), LG Gia dụng & Chăm sóc Sức khỏe đã mua lại 56% cổ phần của công ty Boinca của Hoa Kỳ với giá 100 triệu USD. Thương hiệu chăm sóc tóc cao cấp Arctic Fox của Boinca cũng rất được giới trẻ Mỹ ưa chuộng.
Trước khi có chính sách zero COVID của ĐCSTQ, các công ty làm đẹp Nam Hàn chủ yếu phụ thuộc vào việc bán sản phẩm ở Trung Quốc. Khoảng 70% doanh số bán hàng ở ngoại quốc của AmorePacific và 50% doanh số bán hàng của LG Gia dụng & Chăm sóc sức khỏe ở ngoại quốc là ở thị trường Trung Quốc.
AmorePacific dẫn đầu sự bùng nổ mỹ phẩm Nam Hàn tại Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016. Sau đó, công ty đạt lợi nhuận hoạt động xấp xỉ 780 triệu USD lần đầu tiên kể từ khi thành lập.
Chính sách zero COVID của Trung Quốc không phải là lý do duy nhất khiến các công ty làm đẹp Nam Hàn tập trung mở rộng sang Hoa Kỳ. Bắt đầu từ năm 2017, doanh số bán sản phẩm của Nam Hàn tại Trung Quốc bắt đầu giảm do ĐCSTQ áp đặt một cuộc tẩy chay đối với nước này để trả đũa việc Nam Hàn lắp đặt hệ thống THAAD (Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối) trên một căn cứ quân sự của Mỹ.
Do các hành động của ĐCSTQ, AmorePacific cho biết doanh số bán hàng quý đầu tiên của họ tại Trung Quốc trong năm 2022 đã giảm 10% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Kết quả là, so với năm trước, tổng doanh số bán hàng ở ngoại quốc của công ty giảm 6.1%, trong khi lợi nhuận hoạt động giảm 19.5%.
Đầu năm nay, AmorePacific thông báo họ sẽ đóng cửa một nửa trong số 280 cửa hàng của mình ở Trung Quốc, hãng truyền thông Nam Hàn Chosun đưa tin. Các công ty làm đẹp ETUDE HOUSE, Hera, và IOPE cũng đang tái cơ cấu và có kế hoạch rút khỏi hoạt động bán hàng tại các cửa hàng ở Trung Quốc.
LG Gia dụng & Chăm sóc sức khỏe cho biết doanh số bán hàng trong quý đầu tiên của họ giảm 19.2% và lợi nhuận hoạt động giảm 52.6% do doanh số bán hàng chậm chạp ở Trung Quốc.
Trong cuộc trò chuyện hôm 16/06 với Reuters, ông Nicholas Burns, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, cho biết ông dự tính chính sách zero COVID của Bắc Kinh sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2023.
Bằng cách nhanh chóng mở rộng sang các thị trường Bắc Mỹ, các công ty làm đẹp của Nam Hàn đang hy vọng sẽ phục hồi sau những khoản lỗ lớn ở Trung Quốc.
Cô Lisa Bian là một cây bút của The Epoch Times sinh sống tại Nam Hàn. Cô chuyên viết về xã hội Nam Hàn, văn hóa, và các mối quan hệ quốc tế của nước này.
Vân Du biên dịch