Phi cơ Trung Quốc bay gần biên giới tranh chấp nhằm gây ‘áp lực tâm lý’ lên Ấn Độ

Venus Upadhayaya

Một phi cơ vận tải quân sự Hercules của Không quân Ấn Độ chuẩn bị hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở Leh, thủ phủ chung của lãnh thổ liên hiệp Ladakh giáp với Trung Quốc, vào ngày 08/09/2020. (Ảnh: Mohd Arhaan Archer/AFP qua Getty Images)

NEW DELHI – Theo tin tức từ các hãng thông tấn Ấn Độ, một phi cơ Trung Quốc đã bay rất gần một vị trí quân sự của nước này trên khu vực biên giới tranh chấp ở phía đông Ladakh vào tuần cuối cùng của tháng Sáu.

Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ nên khẳng định bản thân và quyết đoán hơn để chống lại các chiến thuật bắt nạt của Trung Quốc và nên tham vấn phía Đài Loan, những người đã phải đối mặt với các cuộc xâm lược trên không liên tục từ nhà cầm quyền cộng sản.

Sự cố này là đáng chú ý vì nó xảy ra ngay sau lễ kỷ niệm hai năm ngày 15/06/2020, ngày diễn ra xung đột đẫm máu ở Galwan, làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Vài ngày trước lễ kỷ niệm, ông Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe), Bộ trưởng Quốc phòng của nhà cầm quyền Trung Quốc, tại một hội nghị thượng đỉnh tầm cỡ về an ninh ở Singapore, Đối thoại Shangri-La, đã đổ lỗi cho Ấn Độ về tình trạng bế tắc [ở biên giới].

Các nguồn tin nói với tờ Times of India hôm 08/07 rằng, vụ vi phạm trên không nói trên mặc dù “không quá nghiêm trọng hoặc đáng báo động” có thể dẫn đến leo thang hơn nữa khi xem xét thời điểm diễn ra vụ việc này. Vụ việc đã khiến Lực lượng Không quân của Ấn Độ lập tức kích hoạt các biện pháp phòng không và phòng thủ khác, đồng thời New Delhi đã nêu vấn đề với chính quyền Bắc Kinh, bài báo cho biết.

Ấn Độ và Trung Quốc đã chứng kiến ​​việc tăng cường quân đội mạnh mẽ ở hai bên biên giới sau cuộc xung đột Galwan năm 2020. Trong khi đó, hai nước đã thực hiện 15 vòng đàm phán quân sự, nhưng không đạt được bước tiến triển nào rõ rệt.

Bà Namrata Hasija, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc có trụ sở tại New Delhi, nói với The Epoch Times rằng mối đe dọa ở biên giới vẫn còn dai dẳng kể từ khi cuộc xung đột ở Galwan nổ ra.

Bà Hasija nói, “Chúng ta phải nhận thức được rằng mối đe dọa đó chưa từng biến mất. Đã hai năm đàm phán rồi. 15 vòng đàm phán cấp chỉ huy nhưng không đạt được kết quả gì. Không có sự giải tán [quân đội] nào. Trên thực tế, họ vừa thông báo rằng sẽ có vòng [đàm phán] thứ 16, nhưng theo tôi, nó vẫn sẽ lâm vào bế tắc.”

Đơn vị Ladakh của Bộ Quốc phòng Ấn Độ từ chối bình luận về bài báo trên.

Khung hình video này lấy từ cảnh được ghi vào giữa tháng 06/2020 và được Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) phát sóng vào ngày 20/02/2021, cho thấy các binh sĩ Trung Quốc (tiền cảnh) và Ấn Độ (Phải, hậu cảnh) trong một vụ va chạm khi quân đội của cả hai quốc gia đụng độ trên Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) ở Thung lũng Galwan, tại Dãy núi Karakoram trên dãy Himalaya. (Ảnh: AFP/Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV)

‘Áp lực tâm lý’

Theo các chuyên gia, quân đội của nhà cầm quyền Trung Quốc, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), đã thực hiện hành động này để gây áp lực tâm lý lên Ấn Độ, tương tự như những gì họ đã làm với các quốc gia khác trong khu vực. Họ cho biết, PLA nghiên cứu phản ứng của địch thủ thông qua những kế sách này.

Ông Frank Lehberger, chuyên gia nghiên cứu về Đại Trung Hoa ở Âu Châu, nói với The Epoch Times trong một email, “Bản sao sách lược mà Trung Quốc thực hiện ở đây, cũng đang được sử dụng để xâm nhập vào không phận của Đài Loan, Nam Hàn, và Nhật Bản: Lực lượng Không quân của PLA đang thăm dò thời gian phản ứng của các lực lượng không quân tương ứng và buộc họ phản ứng bằng cách cử các đội tuần tra trên không giám sát những phi cơ xâm nhập, vốn đòi hỏi sự tham gia của toàn bộ phi hành đoàn lẫn khí tài, và cũng có sự liên kết với các nguồn lực quân sự của các lực lượng không quân đó.”

Hôm 30/05, Đài Loan đã phải điều động đội chiến đấu cơ đến cảnh báo 30 chiến đấu cơ của Trung Quốc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo, phi vụ xâm nhập lớn thứ hai trong năm nay sau vụ xâm nhập vào vùng ADIZ của Đài Loan của 39 phản lực cơ Trung Quốc hôm 23/01.

Bà Hasija nói: “Đây có thể là một hành vi thể hiện cách mà họ đang làm với Đài Loan — cùng một loại áp lực tâm lý vì quân đội của chúng tôi đang túc trực ở vùng biên giới đó.”

Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ đạt được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có với tư cách Chủ tịch Đảng, dự kiến ​​diễn ra vào mùa thu này, và bà Hasija tin rằng trong hai đến ba năm tới nếu áp lực trong nước gia tăng đối với ông Tập, ông ấy “chắc chắn sẽ làm điều gì đó bên ngoài Trung Quốc để chứng thực bản thân.”

Bà Hasija cho hay, “Chỉ có ba khu vực mà ông ấy có thể làm điều đó: Biển Đông, Đài Loan, và Ấn Độ. Khi nói đến Đài Loan và Biển Đông, họ biết Hoa Kỳ sẽ can thiệp. Theo tôi, phía Trung Quốc đang theo dõi điều này và họ sẽ làm một số điều ở ngoài đó chỉ khi nào họ biết Hoa Kỳ sẽ không can thiệp, và họ biết rằng ở Ấn Độ, thì Hoa Kỳ sẽ không can thiệp.”

Với hành động gây hấn trong quá khứ của chính quyền Trung Quốc đối với Ấn Độ dưới sự cai trị của ông Tập, bà Hasija cho rằng có nhiều khả năng xảy ra một cuộc đối đầu khác giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ nếu nhà lãnh đạo này có được nhiệm kỳ thứ ba.

Phi cơ huấn luyện phản lực tân tiến mới của Đài Loan tại một căn cứ không quân, ở Đài Đông, Đài Loan, hôm 06/07/2022. (Ảnh: Ann Wang/Reuters)

Sự chuẩn bị của Ấn Độ

Các chuyên gia cho biết Ấn Độ đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn so với năm 2020 khi bị tấn công bất ngờ ở Galwan, và nên chủ động hơn trong việc khẳng định mình trước mưu sách của Trung Quốc.

Ông Lehberger nói, “Việc Ấn Độ đưa ra vấn đề này trong các cuộc họp thường xuyên với Trung Quốc, nhấn mạnh rằng Ấn Độ cư xử hòa nhã, tốt đẹp, và hòa bình hoặc thân thiện như thế nào, … và hy vọng [Trung Quốc] sẽ nhận ra sai sót trong đường lối của họ, chấm dứt các hành động và khiêu khích đơn phương của họ, tất cả những chuyện này đều hoài công vô ích. Cách duy nhất để Ấn Độ khiến Trung Quốc dừng lại là đáp trả tương tự: thăm dò thời gian phản ứng của họ và khiến cho Lực lượng Không quân-PLA của Trung Quốc luôn ở trong trạng thái bất an.”

Theo bà Hasija, nếu phía Trung Quốc lặp lại vụ Galwan ở biên giới Ấn Độ, thì cuộc giao tranh đó có thể sẽ trở nên “lâu dài và đẫm máu”.

“Người Trung Quốc đã đánh mất yếu tố bất ngờ. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng,” bà nói. “Người Trung Quốc muốn có một chiến thắng nhanh chóng vốn là điều xa tầm với.”

Ông Lehberger nói rằng cơ quan quốc phòng Ấn Độ nên tham vấn người Đài Loan, để tận dụng kinh nghiệm và kiến ​​thức quốc phòng của họ trước các vụ xâm nhập của Trung Quốc.

Ông Lehberger nói: “Người Đài Loan đã tìm ra đâu là gót chân Achilles của Không quân PLA Trung Quốc và khi nào họ dễ bị tấn công nhất.”

Năm ngoái, Trung Quốc được cho là đã sử dụng các chiến đấu cơ cũ kỹ được chuyển thành phi cơ không người lái cho “cuộc tập trận bao vây đảo” nhằm vào Đài Loan. Tờ Nam Hoa Tảo Báo đưa tin rằng Trung Quốc sử dụng chiến đấu cơ đã qua sử dụng như một phương án tiết kiệm chi phí, không có quan hệ nhân quả nhằm gây nhầm lẫn cho hệ thống phòng không của Đài Loan, trau dồi kỹ năng chiến đấu, và kiểm tra phản ứng của Đài Loan.

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã viết bài đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Hồng Ân biên dịch

Related posts