Trịnh Châu bạo loạn: Đụng độ đổ máu giữa cảnh sát và người dân

Trần Phong

Đụng độ đổ máu giữa cảnh sát cùng nhóm người áo phông trắng với 3.000 người phản đối việc đóng băng tiền gửi (Ảnh cắt từ clip)

Theo Apple Daily, 3.000 người gửi tiền bị phong tỏa tiền gửi đã tập trung tại tp.Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam, Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi của họ. Họ đã bị cảnh sát và những người không rõ danh tính bao vây và đánh đập. Các cuộc đụng độ đẫm máu đã xảy ra giữa cảnh sát và người dân.

Cư dân mạng Weibo liên tục đăng lại tin Trịnh Châu đánh người, tuy nhiên, hình ảnh và bài đăng không bao giờ có thể được tìm thấy, vì chúng liên tục bị gỡ bỏ. Một số cư dân mạng thở dài, “Đây thực sự là sự chèn ép tàn bạo, nhưng lại không thể tìm thấy nó trên mục tìm kiếm nóng”.

Theo Fox News, những người biểu tình nằm trong số hàng nghìn khách hàng mở tài khoản tại sáu ngân hàng nông thôn ở Hà Nam và tỉnh An Huy lân cận đã đưa ra mức lãi suất cao hơn. Sau đó, họ phát hiện ra rằng họ không thể rút tiền sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin rằng người đứng đầu công ty mẹ của các ngân hàng đang bỏ trốn và bị truy nã vì tội phạm tài chính.

Những người gửi tiền đã không thể rút tiền mặt trong tháng 4 và họ muốn đến Trịnh Châu để nhận lại tiền gửi vào tháng 6. 

Theo Apple Daily, nhóm người bao gồm cả trẻ em và người tàn tật, đã tụ tập bên ngoài chi nhánh Trịnh Châu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vào khoảng 5 giờ sáng 10/7 để phản đối việc họ bị mất tiền.

Các khẩu hiệu và biểu ngữ mà những người gửi tiền cầm trên tay có nội dung: “Phản đối quyền lực tuỳ hứng, và phản đối việc chính quyền tỉnh Hà Nam kết hợp với thế lực ngầm đánh đập bạo lực người gửi tiền”, “Phản đối sự tham nhũng và bạo lực của chính quyền Hà Nam, 400.000 người gửi tiền đã bị tiêu tan giấc mơ Trung Quốc ở Hà Nam”. “Phản đối chính sách ba không của Lâu Dương Sinh: Không khiếu nại, không sự cố và không vụ án”.

Một người phụ nữ họ Zhang đến từ Sơn Đông nói với phóng viên của Fox News rằng: “Chúng tôi đến hôm nay và muốn lấy lại tiền tiết kiệm, vì tôi có người già và trẻ em ở nhà, và việc không thể rút tiền tiết kiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi”. 

Cũng theo Fox News, một nhà quản lý ngân hàng và một quan chức chính quyền địa phương đã đến, nhưng nỗ lực nói chuyện với đám đông của họ đã bị la hét. Zhang và một người biểu tình khác, một người đàn ông từ Bắc Kinh họ Yang, nói với AP rằng những người biểu tình đã nghe các quan chức từ trước và không tin những gì họ nói. Yang và Zhang từ chối tiết lộ họ tên vì sợ áp lực từ chính quyền.

Apple Daily cho biết, cơ quan chức năng đã điều động thêm lực lượng cảnh sát tại hiện trường, ngoài cảnh sát còn có những người mặc đồ trắng, nhóm thanh niên mặc đồ trắng này đã đứng trước cảnh sát, ngăn cản cuộc biểu tình của những người gửi tiền bảo vệ quyền lợi và tấn công họ một cách thô bạo.

Những người gửi tiền đã bị bao vây, và xe cứu thương đã được điều động đến hiện trường, dường như để chuẩn bị cho một cuộc đối đầu lớn.

Sau khi những người gửi tiền bị cảnh sát bao vây, đã xảy ra xô xát nghiêm trọng giữa hai bên. Nhiều videos trực tuyến cho thấy những người đàn ông mặc áo phông trắng đấm, đá và kéo thô bạo những người gửi tiền. Những người gửi tiền liên tục hét lên với các nhân viên chính quyền xung quanh: “Trả tiền, trả lại tiền, trả lại tiền …” và những nhân viên chính phủ này đã chụp ảnh những người biểu tình bằng máy ảnh, dấy lên lo ngại về việc nhận diện để trả thù.

Các bức ảnh lan truyền trên Weibo cho thấy những người gửi tiền bị đánh chảy máu mắt, phụ nữ cũng bị đánh hộc máu mồm và người khuyết tật bị đánh đến mức hôn mê. Nhiều người mặc áo trắng đã hợp lực để bắt quần chúng phải khuất phục, đấm, đá và đánh đập các nhà hoạt động nhân quyền trên đường đi.

Một người gửi tiền đã trèo lên cây để treo cổ tự tử. Những người xung quanh la hét ngăn cản.

Phóng viên Sound of Hope nhận thấy, sáng ngày 10, người gửi tiền cũng có thể đăng ảnh, video trên Weibo để kịp thời phản ánh tình hình tại điểm biểu tình. Đến gần trưa, các bài viết liên quan trên Weibo đã bị xóa hoàn toàn, thậm chí các mục liên quan cũng bị xóa.

Video mới nhất quay cảnh người gửi tiền bị bắt lên một chiếc xe buýt lớn và đưa đi. 

Chính quyền Trung Quốc đã chặn tin tức. Chủ đề “Hàng nghìn người gửi tiền bị bao vây trước cổng Ngân hàng Nhân dân Hà Nam” đã bị xóa khỏi Weibo, vụ đánh đập ở Trịnh Châu không thể tìm thấy và tin nhắn trên WeChat cũng bị chặn. Apple Daily đã tổng hợp một số bình luận của người dân trước khi bài đăng bị xóa:

“Điều này còn đáng sợ hơn cả vụ đánh đập ở Đường Sơn. Việc đánh đập ở Đường Sơn là một hành động cá nhân, và khi nó xảy ra, chúng tôi ít nhất có thể tìm kiếm sự bảo vệ từ chính phủ, nhưng khi chúng tôi phát hiện ra rằng chúng tôi sẽ bị đánh đập nếu chúng tôi đi đến chính phủ, chúng tôi thực sự không biết phải làm sao?”

“Mong rằng các bạn trẻ ở Trung Quốc thoát khỏi sự lạnh lẽo và bước ra, đừng nghe những người nói chuyện tự hạ thấp bản thân mình. Có thể làm việc thì hãy làm việc, có thể nói ra thì hãy nói ra. Ngay cả một con đom đóm cũng có thể tỏa sáng một chút trong bóng tối mà không cần đợi đến ngọn đuốc.”

“Ớn lạnh sống lưng, đây là một xã hội không thể nhìn thấy ánh sáng.”

“Mọi loại hỗn loạn đang ngày càng đến gần, ai cũng không thoát ra được.”

Related posts