Lam Giang
Bà Kennedy, người con duy nhất còn sống của cố Tổng thống John F. Kennedy, tiếp nhận vị trí đại sứ Úc trong bối cảnh Washington đẩy mạnh nỗ lực tiếp cận ngoại giao xuyên suốt khu vực Nam Thái Bình Dương nhằm đối phó ảnh hưởng ngày càng lớn hơn của Trung Quốc.
Đại sứ mới của Hoa Kỳ tại Úc, Caroline Kennedy, đã đến Sydney, nơi bà sẽ bắt đầu nhiệm kỳ đại sứ của mình với trọng tâm là an ninh khu vực và biến đổi khí hậu.
Bà Kennedy, 64 tuổi, đã được Thượng viện Hoa Kỳ nhất trí xác nhận vào tháng Năm và tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10/6.
“Mọi người đều rất hào hứng với việc cùng nhau hợp tác trong Bộ Tứ Quad và ở khu vực Thái Bình Dương”, bà nói với các phóng viên vào ngày 22/7, theo tờ AAP.
“Trung Quốc chắc chắn có sự hiện diện lớn trong khu vực, nhưng Hoa Kỳ chỉ tập trung vào quan hệ đối tác. Nghị trình làm việc rất nhiều và tôi muốn bắt tay thực hiện ngay”.
Bà Kennedy, con gái của cựu Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản từ năm 2013 đến năm 2017 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Bà Kennedy chỉ mới 3 tuổi khi người cha nổi tiếng trở thành tổng thống Mỹ năm 1961. Bà lên 5 tuổi khi cha bà bị ám sát ở Dallas vào tháng 11/1963. Cùng với em trai John Jr, bà Kennedy chinh phục công chúng Mỹ trên con đường trở thành chính khách.
Bà từ lâu đã được coi là một ứng cử viên cho vai trò cao cấp sau khi thể hiện sự ủng hộ đối với việc ông Joe Biden tranh cử tổng thống.
“Ông Biden đã làm rạng rỡ tinh thần lạc quan và tinh thần hào phóng của người Mỹ. Ông ấy nói rõ rằng Mỹ sẽ luôn đứng về phía các đồng minh và cam kết giữ cho khu vực này hòa bình và thịnh vượng”, bà viết trong một bài xã luận của tờ Boston Globe vào ngày 4/2/2020.
Trung Quốc là một trọng tâm chính
Bà Kennedy nói với các phóng viên rằng khu vực Thái Bình Dương là “trọng tâm lớn” của chính quyền ông Biden.
“Mỹ cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng tôi đang đưa các đại sứ quán của chúng tôi trở lại và Quân đoàn Hòa bình đang đến, và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sẽ hiện diện trở lại”.
“Chúng tôi đã không ở đó một thời gian, nhưng tất cả đều rất tích cực. Sự hợp tác của Mỹ và Úc sẽ tạo ra tác động rất lớn”.
Vào giữa tháng 7, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã công bố một loạt các sáng kiến nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước này ở Thái Bình Dương trong bối cảnh cạnh tranh với Bắc Kinh ngày càng gia tăng.
Mỹ sẽ cử Quân đoàn Hòa bình tới khu vực, thành lập các đại sứ quán ở Kiribati và Tonga, bổ nhiệm Đặc phái viên đầu tiên của Hoa Kỳ tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương và xem xét việc thành lập lại Cơ quan Hoa Kỳ về Phái bộ Phát triển Quốc tế tại Thái Bình Dương để đối phó với thiên tai và viện trợ nhân đạo.
Tuy nhiên, bà Cleo Paskal, một chuyên gia về Nam Thái Bình Dương, nói rằng trọng tâm của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương sẽ chỉ tập trung vào công việc đã được thực hiện ở các cơ quan khu vực hiện có.
“Nếu quý vị muốn tiếp cận tất cả các đảo Thái Bình Dương để nghiên cứu khoa học và thực tiễn cũng như đưa ra giải pháp cho một số thách thức quan trọng của khu vực, thì các chuyên gia tại tổ chức Cộng đồng Thái Bình Dương và Ban Thư ký của Chương trình Môi trường Khu vực Thái Bình Dương sẽ giúp quý vị hoàn thành công việc”, bà viết trên tờ Sunday Guardian Live.
“Khu vực khẩn cấp cần các giải pháp thiết thực cho các vấn đề trong thế giới thực, để các quốc gia không bị mất ổn định và trở thành con mồi ngon cho Bắc Kinh. Điều đó có nghĩa là phải hiểu môi trường hoạt động đơn lẻ của từng quốc gia, và sau đó làm việc cùng nhau để hoàn thành công việc (không phải dựa trên giấy tờ chính sách)”.
Trong khi đó, cựu Đô đốc Michael Rogers cho biết Mỹ có động lực thúc đẩy việc Úc mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân theo thỏa thuận AUKUS.
“Tin tốt là rõ ràng đó là ý định của cả chính phủ Hoa Kỳ, chính phủ Úc, chúng tôi muốn tích cực đáp ứng tiến trình thời gian”, ông nói với Australian Broadcasting Corporation. Ông Rogers đứng đầu Bộ Tư lệnh Không gian mạng Hoa Kỳ dưới thời các cựu Tổng thống Barack Obama và Donald Trump.Lam GiangTheo The Epoch Times