Bộ Trưởng Thương mại cảnh báo: Hoa Kỳ sẽ đối mặt với ‘suy thoái sâu và tức thì’ nếu vi mạch Đài Loan ngừng lưu chuyển

Bryan Jung

Những vi mạch MediaTek trong một bảng phát triển ở gian hàng của MediaTek trong cuộc triển lãm 2015 Computex ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/06/2015. (Ảnh: Pichi Chuang/Reuters) Mỹ – Trung

Hôm 21/07, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nói với CNBC rằng Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với một “cuộc suy thoái sâu và tức thì” nếu khả năng tiếp cận các nhà máy sản xuất vi mạch máy điện toán của Đài Loan bị cắt đứt.

Lời bình luận trên của bộ trưởng được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội đang thu thập những lá phiếu quan trọng về một dự luật tài trợ cho sản xuất chất bán dẫn trong nước, được gọi là Đạo luật về Vi Mạch Bán Dẫn

Hôm 20/07, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 64-34, để thúc đẩy dự luật trị giá 50 tỷ USD này vượt qua được rào cản thủ tục nhằm đẩy mạnh ngành sản xuất vi mạch nội địa của Hoa Kỳ. 

Mặc dù nhiều vi mạch đang sử dụng được thiết kế trong nước, nhưng các công ty Hoa Kỳ, chính phủ, và quân đội lại mua 90% vi mạch bán dẫn tiên tiến đang được sử dụng từ Đài Loan, chủ yếu từ Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan là công ty sản xuất vi mạch lớn nhất thế giới.

Hoa Kỳ đã thuê ngoài phần lớn quá trình sản xuất của mình tại quốc đảo dễ bị tấn công này, gây ra rủi ro về an ninh quốc gia, vì các vi mạch như vậy được sử dụng trong nhiều ứng dụng, chẳng hạn như xe hơi, điện thoại thông minh, công nghệ y tế, và quân sự.

Bà Raimondo nói: “Nếu quý vị cho phép mình nghĩ đến một tình huống mà Hoa Kỳ không còn có thể tiếp cận các vi mạch hiện đang được sản xuất tại Đài Loan, thì đó là một tình huống thật đáng sợ.”

Bà nói: “[Hoa Kỳ sẽ] không thể phòng vệ cho bản thân bằng cách chế tạo thiết bị quân sự. Chúng ta cần sản xuất thứ này ngay tại Hoa Kỳ.” 

“Chúng ta cần một cơ sở sản xuất để chế tạo những vi mạch này, ít nhất là đủ số lượng những vi mạch này, ở đây ngay tại đất nước của chúng ta vì nếu không, chúng ta sẽ quá phụ thuộc vào các quốc gia khác.” 

Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo điều trần trước Tiểu ban Phân bổ Ngân sách của Thương viện về Thương mại, Tư pháp, Khoa học, và Các cơ quan Liên quan trong phiên điều trần về việc mở rộng truy cập băng thông rộng tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn hôm 01/02/2022. (Ảnh: Sarah Silbiger/Pool qua Reuters)

Bà Raimondo cho rằng việc các nguồn cung cấp và linh kiện then chốt phụ thuộc vào ngoại quốc đang tạo ra một nguy cơ an ninh quốc gia, đặc biệt liên quan đến mối bang giao căng thẳng với Nga và Trung Quốc.

Bà Raimondo tiếp tục: “Quý vị không thể có ngành công nghệ sinh học, hoặc trí tuệ nhân tạo, hoặc máy điện toán lượng tử, hoặc bất kỳ sự đổi mới thực sự nào mà không có chất bán dẫn.”

“Chất bán dẫn là công nghệ nền tảng cần thiết để chống đỡ cho mọi ngành công nghiệp dựa trên sự đổi mới khác.” 

Mối bang giao Trung-Mỹ

Chế độ cộng sản ở Bắc Kinh hiện đang gia tăng căng thẳng khi không ngừng tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh “ly khai” và không loại trừ việc sử dụng vũ lực quân sự để thôn tính hòn đảo này.

Tổng thống Joe Biden đang đương đầu với một trong những giai đoạn tồi tệ hơn trong mối bang giao Trung-Mỹ sau khi ông tuyên bố hồi tháng Năm rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quân sự cho Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công hòn đảo này.

Điều này diễn ra khi nền kinh tế Hoa Kỳ đang đối mặt với một cuộc suy thoái do tỷ lệ lạm phát tăng vọt, Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất, và cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến các mặt hàng như điện tử và xe hơi. 

Đạo luật về Vi Mạch Bán Dẫn

Đạo luật về Vi Mạch Bán Dẫn sẽ giúp trợ cấp cho việc thành lập các nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở Hoa Kỳ và đưa hoạt động sản xuất quan trọng này về nước.

Sau khi được ủy ban Thượng viện thông qua, dự luật này, vốn giành được sự ủng hộ của cả hai đảng, hiện phải được lưỡng viện thông qua.

Sau khi một số nhà lập pháp chất vấn rằng liệu có cần thiết phải trợ cấp cho các công ty được cho là đã tham gia vào hoạt động mua lại cổ phiếu hay không, thì một lệnh cấm đã được bổ sung đối với việc sử dụng tiền để mua lại cổ phiếu hoặc cổ tức. 

Các công ty bán dẫn của Hoa Kỳ như Intel, đã cảnh báo các nhà lập pháp ở Capitol Hill rằng bất kỳ sự chậm trễ nào đối với nhà máy sản xuất theo kế hoạch trị giá 20 tỷ USD của họ ở Ohio, sẽ dẫn đến nguy cơ tiếp tục bị Quốc hội trì hoãn. 

Bà Raimondo lên án những lời chỉ trích về dự luật bán dẫn này, bằng cách gọi những vi mạch này là “công nghệ nền tảng cần thiết để chống đỡ mọi ngành công nghiệp dựa trên sự đổi mới khác.”

Vị Bộ trưởng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích các công ty vi mạch mở rộng sản xuất trong nước, thay vì chuyển sang các nước khác mà đưa ra lợi ích hấp dẫn.

Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với kiến ​​thức nền tảng về chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.

Thanh Nhã biên dịch

Related posts