Tin thế giới trưa thứ Tư: HSBC trở thành ngân hàng ngoại quốc đầu tiên thành lập chi bộ ĐCSTQ

Lê Minh

Một phụ nữ đứng bên ngoài chi nhánh HSBC ở Hong Kong hôm 08/07/2014. (Ảnh: Philippe Lopez / AFP / Getty Images)

Theo tin từ Financial Times, HSBC đã trở thành ngân hàng ngoại quốc đầu tiên có hoạt động kinh doanh đầu tư ở Trung Quốc đại lục thành lập chi bộ Đảng trong công ty.

HSBC Qianhai là liên doanh giữa HSBC và Qianhai Financial Holdings. Sau khi cổ phần của HSBC trong liên doanh tăng từ 51% lên 90%, ngân hàng này đã thành lập một chi bộ Đảng, tờ Financial Times đưa tin, trích dẫn 2 người quen thuộc với vấn đề này.

Financial Times lưu ý rằng tập đoàn đa quốc gia của Anh chưa đưa ra bình luận về vấn đề này, nhưng những người có quan hệ mật thiết với ngân hàng nhấn mạnh rằng HSBC sẽ không có bất kỳ Đảng viên nào trong chi bộ giữ vai trò quản lý như tại các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Là ngân hàng lớn nhất ở Hong Kong, phần lớn lợi nhuận của HSBC đến từ Hong Kong. Hoạt động kinh doanh của ngân hàng này đã bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Trung Quốc và phương Tây.

Có 7 ngân hàng đầu tư ngoại quốc ở Trung Quốc, bao gồm HSBC. Hành động của HSBC có thể buộc các ngân hàng ngoại quốc khác phải làm theo.

Một số ngân hàng đã kiểm tra xem liệu họ có bắt buộc phải làm như vậy hay không sau khi nắm toàn quyền sở hữu các hoạt động môi giới và chứng khoán đại lục của họ trong 2 năm qua, Financial Times cho biết, trích dẫn một số nhân sự cấp cao tại các tổ chức đó.

Ở Trung Quốc, ĐCSTQ tìm cách kiểm soát mọi khía cạnh của người dân, bao gồm cả các hoạt động kinh tế. Tất cả doanh nghiệp Trung Quốc bắt buộc phải có chi bộ Đảng và Đảng viên thường nắm giữ những vị trí cao trong công ty.

Lê Minh

Anh mua điện với giá kỷ lục hơn 50 lần bình thường để tránh mất điện

Cao Dương

Một bốt điện thoại trong ánh đèn đêm tại London, Anh. (NegativeSpace / StockSnap / CC0 1.0)

Tuần trước, Anh đã trả mức giá cao kỷ lục để mua điện từ Bỉ, nhằm cung cấp cho London khi thủ đô suýt mất điện.

20/7/2022, nhu cầu điện tăng cao trong đợt nóng kỷ lục tại Anh đã gây ra sự cố tắc nghẽn lưới điện, khiến khu vực phía đông thủ đô London bị suýt lâm vào cảnh mất điện. 

Nhiệt độ tăng trên 40°C gây ra hàng trăm vụ hỏa hoạn khắp London. Đội Cứu hỏa London cho biết đó là ngày bận rộn nhất của mình kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. 

Nhu cầu năng lượng gia tăng trên khắp châu Âu, kết hợp với tắc nghẽn lưới điện, đã buộc Nhà điều hành hệ thống điện lưới quốc gia của Anh (ESO) — một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn lưới điện quốc gia (National Grid) — phải mua điện từ Bỉ với mức giá kỷ lục 9.724,54 bảng Anh/megawatt giờ để duy trì dòng điện. Mức giá này cao hơn 50 lần mức giá thông thường là 178 bảng Anh/megawatt giờ. 

“Đây là một cú sốc thật sự”, Phil Hewitt — giám đốc điều hành công ty tư vấn năng lượng EnAppSys — nhận xét. “Đó là cái giá phải trả để giữ cho đèn sáng. An ninh nguồn cung đã bị đe dọa”.

Anh chỉ mua một lượng điện nhỏ ở mức giá kỷ lục đó, đủ cho 8 hộ gia đình trong một năm. Họ đã đạt được mức giá thấp hơn một chút cho một một lượng điện lớn hơn. Tuy nhiên, Javier Blas — người phụ trách chuyên mục Năng lượng và hàng hóa tại Bloomberg — cho rằng, cái giá này đã cho thấy rõ sự tuyệt vọng của Anh. 

Nếu không có điện từ Bỉ, thì các hộ gia đình sẽ phải bị ngắt điện, người phát ngôn của Nhà điều hành hệ thống điện lưới quốc gia của Anh cho biết. Chúng tôi đã đấu thầu trong một thị trường khan hiếm, và giá thị trường là cao vào ngày hôm đó vì châu Âu cũng muốn có năng lượng đó”.

Cao Dương

Anh thay Ukraine đăng cai tổ chức cuộc thi ‘Eurovision’ 2023

Huyền Anh

Anh sẽ tổ chức cuộc thi âm nhạc Eurovision 2023 thay cho Ukraine do xung đột đang diễn ra, các nhà tổ chức cuộc thi xác nhận hôm 25/7, theo Reuters.

Ukraine đã giành được quyền đăng cai cuộc thi vào năm 2023 sau khi ban nhạc Kalush của nước này giành chiến thắng tại cuộc thi năm nay được tổ chức tại Ý vào tháng 5. Tuy nhiên, Liên minh Phát thanh Truyền hình châu Âu (EBU) đã cho biết vì lý do an toàn và an ninh nên á quân đến từ nước Anh được mời đăng cai.

Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 25/7, EBU cho biết đài BBC sẽ tổ chức sự kiện, thu hút gần 200 triệu khán giả truyền hình và được tổ chức lần cuối tại Anh vào năm 1998. Ukraine vẫn đủ điều kiện để lọt vào vòng chung kết cuộc thi, đại diện EBU cho biết.

Ông Martin Osterdahl, giám sát điều hành của Eurovision, cho biết: “Chúng tôi đặc biệt biết ơn vì đài BBC đã chấp nhận tổ chức Cuộc thi Eurovision tại Vương quốc Anh vào năm 2023″.

Ông cho biết cuộc thi “sẽ thể hiện sự sáng tạo và kỹ năng của một trong những đài truyền hình công cộng có kinh nghiệm nhất châu Âu đồng thời đảm bảo người chiến thắng năm nay, Ukraine, được tôn vinh và đại diện xuyên suốt sự kiện”.

‘Một đặc ân tuyệt vời’

Tháng trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ông tin rằng Ukraine có thể và nên tổ chức cuộc thi Eurovision 2023.

Thủ tướng Johnson viết trên Twitter hồi tuần trước ông đã đồng ý với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy rằng “bất cứ nơi nào tổ chức Eurovision 2023 thì phải tôn vinh đất nước và con người Ukraine”.

“Vì chúng tôi hiện là chủ nhà nên Vương quốc Anh sẽ tôn trọng cam kết đó, tổ chức một cuộc thi âm nhạc tuyệt vời thay mặt cho những người Ukraine”, Thủ tướng Johnson nói thêm.

Anh tham dự cuộc thi Eurovision năm nay tại Ý vào tháng 5 và đứng thứ hai sau ban nhạc Kalush của Ukraine. BBC cho biết ngay từ bây giờ họ sẽ bắt đầu quá trình tìm kiếm một thành phố để tổ chức sự kiện này.

Downing Street cho biết đó là “mong muốn mạnh mẽ” của ông Boris Johnson để Ukraine tổ chức cuộc thi Eurovision.

Người phát ngôn chính thức của Thủ tướng cho biết: “Thật đáng tiếc khi một cuộc thi Eurovision do Ukraine tổ chức sẽ không thể thực hiện được. Nhưng chúng tôi tin rằng đài BBC và Vương quốc Anh sẽ tìm ra mọi điểm dừng để đảm bảo đây là một sự kiện tôn vinh đất nước, con người và sự sáng tạo của Ukraine”.

Tổng giám đốc BBC Tim Davie cho biết đây là “một đặc ân lớn” khi được yêu cầu tổ chức “cuộc thi âm nhạc lớn nhất và phức tạp nhất trên thế giới”.

“Rất tiếc là các đồng nghiệp và bạn bè của chúng tôi ở Ukraine không thể tổ chức cuộc thi Eurovision 2023”, Tổng giám đốc BBC Tim Davie tuyên bố. “BBC cam kết biến sự kiện trở thành nơi phản ánh chân thực nền văn hóa Ukraine cùng với việc giới thiệu nét đa dạng của âm nhạc và sự sáng tạo của Anh”.

Một số thành phố của Anh, bao gồm London, Manchester và Sheffield đã đề nghị tổ chức Eurovision.

Bất kỳ người chiến thắng nào cũng yêu cầu một không gian tổ chức sự kiện lớn, chỗ ở phù hợp và kết nối giao thông quốc tế thuận tiện cho các quốc gia tham dự.

Ukraine sẽ tự động đủ điều kiện tham dự trận chung kết cùng với năm quốc gia lớn — Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha — mỗi quốc gia đều nhận được vé vào cửa miễn phí vì những đóng góp tài chính của họ cho sự kiện này.

Lam Giang

TT Zelensky thay thế chỉ huy chiến trường tại miền đông Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thay thế một chỉ huy quân sự hàng đầu ở miền đông Ukraine sau những tổn thất lớn về mặt lãnh thổ.

Trong một sắc lệnh, ông Zelensky đã cách chức Thiếu tướng Hryhoriy Halahan và bổ nhiệm thay thế ông “Viktor Horenko làm chỉ huy các lực lượng hoạt động đặc biệt của Quân đội Ukraine”.

Thiếu tướng Halahan, 44 tuổi, đã lãnh đạo đơn vị ở các khu vực phía đông Donetsk và Luhansk kể từ tháng 8 năm 2020. Ông được chuyển đến cơ quan tình báo SBU và sẽ giữ chức vụ phó giám đốc trung tâm chống khủng bố.

Sau cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2, Ukraine đã hoàn toàn mất quyền kiểm soát khu vực Luhansk.

Khoảng 50% khu vực Donetsk lân cận đã bị quân đội Nga chiếm giữ, trong bối cảnh Ukraine ngày càng lo ngại một số nhân viên của mình đã bắt tay với kẻ thù.

Bộ tổng tham mưu ở Kyiv báo cáo rằng các đơn vị Nga đã đạt được thành công tại nhà máy nhiệt điện than Vuhlehirsk ở Donetsk, nơi đã bị tấn công trong nhiều ngày.

Tuy nhiên, ở mặt trận gần đó, các cuộc tấn công của Nga theo hướng các thị trấn Bakhmut và Siversk đã bị đẩy lùi, Kyiv nói.

Quân đội Nga cũng tiến hành các cuộc tấn công sâu hơn vào khu vực Slovyansk-Kramatorsk ở Donetsk, theo Ukraine, nhưng hầu hết các cuộc tấn công đã bị đẩy lùi.

Ở phía nam, bộ tổng tham mưu Ukraine báo cáo về các trận địa pháo hạng nặng và các cuộc không kích của Nga ở Kherson.

Trong báo cáo hàng ngày về Ukraine hôm thứ Hai, tình báo Anh cho biết ngoài “các vấn đề về nhân sự, Nga có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc khai thác và sửa chữa hàng nghìn phương tiện chiến đấu đã bị hư hỏng khi hoạt động ở Ukraine”.

Một người thân cận với Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vấn đề chính là trong khi Ukraine có được nhiều vũ khí hiện đại hơn để chiến đấu, Nga đang phải chuyển sang sử dụng các loại xe tăng, súng và tên lửa cũ hơn bao giờ hết.

Igor Girkin, một người theo chủ nghĩa dân tộc với 410.000 người theo dõi trên Telegram, người đã chỉ trích dữ dội giới lãnh đạo quân sự của Nga là vô tổ chức và không hiệu quả trong chiến dịch chống lại Ukraine, cho biết trong một bài đăng gần đây rằng, việc biên chế các đơn vị tiền tuyến rất tùy tiện, trong khi tinh thần của binh lính rất kém và nhiều người từ chối chiến đấu.

Ông mô tả những bước tiến gần đây của các lực lượng Nga ở Ukraine “giống như một con rùa”.

Girkin đang bị xét xử vắng mặt ở Hà Lan do bị buộc tội giết người trong vụ bắn rơi chuyến bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia năm 2014 ở miền đông Ukraine, khiến tất cả 298 người trên máy bay thiệt mạng.

Nỗ lực của Ukraine nhằm lật đổ lực lượng của Điện Kremlin đã được hỗ trợ bởi các vũ khí phương Tây tầm xa hơn, cho phép Kyiv nhắm mục tiêu vào các đường tiếp tế của Nga sâu hơn trong các khu vực bị chiếm đóng.

Ukraine hôm thứ Hai cho biết các lực lượng của họ đã sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga kể từ khi nhận vũ khí vào tháng trước.

Nga không đưa ra bình luận nhưng Bộ Quốc phòng nước này cho biết lực lượng của họ đã phá hủy một kho đạn dành cho các hệ thống HIMARS.

Hôm Chủ nhật, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết trong báo cáo hàng ngày của mình rằng một cuộc phản công của Ukraine ở khu vực phía nam Kherson có thể đã bắt đầu.

Thương vong trên chiến trường của Ukraine đã giảm xuống còn khoảng 30 người mỗi ngày, từ mức cao nhất là 100-200 người mỗi ngày trong tháng 5-6, TT Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal được công bố hôm thứ Sáu.

Lê Vy (t/h)

TT Erdogan sẽ gặp ông Putin khi Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa ngăn chặn NATO mở rộng

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tehran, Iran vào ngày 19/7 vừa qua (Ảnh: Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã công bố kế hoạch gặp nhau vào tháng tới, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa phản đối tư cách thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan.

Sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Tehran vào ngày 19/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ông sẽ gặp lại nhà lãnh đạo Nga tại Sochi, Nga vào ngày 5/8, theo Reuters.

Ông Erdogan đã tự định vị mình là người hòa giải trong Chiến tranh Nga-Ukraine vì đất nước của ông có quan hệ tốt với cả Kyiv và Moscow. Ông đã giúp thúc đẩy thỏa thuận gần đây cho phép các chuyến hàng ngũ cốc thiết yếu của Ukraine rời cảng Odesa. Theo nhận định của ông Iliya Kusa từ Wilson Center, Thổ Nhĩ Kỳ đang tận dụng chiến tranh để gia tăng ảnh hưởng bằng cách thiết lập mình như một bên liên quan quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng quyền lực rộng lớn hơn.

New York Times cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ bản thân quốc gia này là rào cản chính đối với việc mở rộng NATO, với sự gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Để chấp nhận một thành viên mới cần có sự đồng thuận nhất trí của các thành viên liên minh, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại lên tiếng bảo lưu quan điểm của các nước Bắc Âu đối với lực lượng ly khai người Kurd. Mặc dù đã “bật đèn xanh” cho việc mở rộng NATO vào tháng trước, nhưng ông Erdogan gần đây lại ám chỉ việc đảo ngược quyết định của mình.

“Tôi muốn nhắc lại một lần nữa rằng nếu các quốc gia này không thực hiện các bước cần thiết để đáp ứng các điều kiện của chúng tôi, chúng tôi sẽ đóng băng quá trình (gia nhập). Lập trường của chúng tôi về vấn đề này rất rõ ràng. Phần còn lại là tùy thuộc vào họ,” Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, theo hãng tin AP.

Không rõ Thổ Nhĩ Kỳ có thảo luận về nỗ lực gia nhập NATO của các nước Bắc Âu trong hội nghị thượng đỉnh Tehran với Nga và Iran vào ngày 19/7 vừa qua, hay chủ đề này sẽ được lên kế hoạch thảo luận vào ngày 5/8 sắp tới hay không.

Minh Ngọc (T/h)

Lavrov: Mục tiêu tại Ukraine của Nga là loại bỏ ông Zelensky

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cuối tuần qua đã nói rằng mục tiêu bao quát của Moscow là lật đổ chính phủ Volodymyr Zelensky của Ukraine.

Phát biểu với các quan chức ngoại giao quốc tế tại hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập tại Cairo, Ai Cập hôm Chủ Nhật (24/7), ông Lavrov nói Moscow quyết tâm giúp người dân Ukraine “tự giải phóng khỏi gánh nặng của chế độ cực kỳ không thể chấp nhận hiện nay”.

Ông Lavrov cáo buộc Kyiv và “các quốc gia đồng minh phương Tây” đang gieo rắc tuyên truyền với ý định đảm bảo rằng Ukraine sẽ “trở thành kẻ thù vĩnh viễn của Nga”.

“Người dân Nga và Ukraine sẽ tiếp tục sinh sống cùng nhau, chúng tôi nhất định sẽ giúp người dân Ukraine loại bỏ được chế độ hiện nay vốn cực kỳ chống lại nhân dân, chống lại lịch sử”, ông Lavrov nói.

Những phát biểu nêu trên của ông Lavrov là đi ngược hẳn với đường lối của Điện Kremlin trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Khi đó, các quan chức Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ sẽ không tìm cách lật đổ chính phủ của ông Zelensky.

Ông Lavrov lập luận rằng Nga đã sẵn sàng đạt thỏa thuận hòa bình để kết thúc thù địch với Ukraine từ tháng Ba, nhưng chính quyền Zelensky đã từ chối.

Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng phương Tây đã đang khuyến khích Ukraine tiếp tục chiến đấu. “Phương Tây khẳng định rằng Ukraine không nên bắt đầu đàm phán cho đến khi Nga bị đánh bại trên chiến trường”, ông Lavrov nói.

Như Ngọc (Theo AP)

Kyiv: Quân đội Ukraine bắn rơi trực thăng chiến đấu trị giá 16 triệu đô la của Nga

Hôm thứ Hai (25/7), Bộ Quốc phòng Ukraine tuyên bố, lực lượng vũ trang của nước này đã bắn rơi một trực thăng chiến đấu trị giá 16 triệu đô la của Nga.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 25/7, quân đội nước này đã bắn hạ thành công một máy bay trực thăng Ka-52 của Nga. Trực thăng Ka-52 được coi là một trong những máy bay trực thăng mạnh mẽ nhất của Nga bởi vì nó hỗ trợ trực tiếp cho quân đội trên chiến trường và có khả năng phát hiện và tấn công bất kỳ mục tiêu nào. Bắn rơi một trong những máy bay trực thăng hiện đại nhất của Nga là một thắng lợi mới nhất của Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra ác liệt.

Trong một bài đăng trên Twitter, Bộ Quốc phòng Ukraine thông báo: “Các chiến binh Ukraine thuộc Lữ đoàn Nhảy dù số 25 đã bắn hạ một máy bay trực thăng chiến đấu Ka-52 của Nga bằng ‘Igla’ MANPADS. Ka-52 trị giá khoảng 16 triệu đô la.” Tuy nhiên, bài đăng không nói rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng để bắn hạ chiếc trực thăng này hoặc nơi xảy ra vụ việc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2 với hy vọng sẽ đạt được thắng lợi quyết định nhanh chóng, trong đó bao gồm mục tiêu “giải phóng” khu vực Donbass, nơi có hai nước cộng hòa ly khai được Nga hậu thuẫn. Tuy nhiên, cuộc chiến hiện đã kéo dài qua tháng thứ năm và các lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn đang tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Nga. Cuộc xung đột hiện đang diễn ra chủ yếu ở khu vực phía đông của Ukraine. Cho đến nay, Nga phần lớn vẫn chưa đạt được bất kỳ thắng lợi quyết định nào.

Quân đội Nga cũng đã tổn thất một số máy bay trực thăng Ka-52 trong cuộc xâm lượng Ukraine. Vào cuối tháng 6, quân đội Kyiv cũng đã bắn rơi một chiếc trực thăng loại này. Các máy băng trực thăng Ka-52 đã chứng tỏ hữu ích đối với quân đội Nga khi giúp họ tiêu diệt các mục tiêu quan trọng ở Ukraine.
Tổn thất của Nga ngày càng tăng

Nga đã chứng kiến làn sóng tổn thất cả về nhân sự và thiết bị kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu, đặc biệt trong những ngày gần đây. Moscow không công bố các tổn thất của họ, nhưng Kyiv đã đưa ra ước tính của mình về những tổn thất của Nga.

Theo Bộ Quốc Ukraine, tính đến Chủ nhật (24/7), Nga đã tổn thất:

Tổn thất của Nga còn bao gồm 50 kho đạn đã bị quân đội Ukraine phá hủy bằng Hệ thống Rocket Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) do Hoa Kỳ cung Cấp. Hệ thống HIMARS đã tăng cường đáng kể sức mạnh tấn công cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Hôm thứ Hai (25/7), Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov đã thông báo về thắng lợi của Ukraine trong việc phá hủy 50 kho đạn của Nga, đồng thời ông nhận định rằng hệ thống HIMARS là một công cụ để tăng cường vị thế của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Khoảng 39.000 binh sĩ 1.704 xe tăng 3.920 xe bọc thép 863 hệ thống pháo 251 hệ thống phóng đa rocket 113 hệ thống tác chiến phòng không 221 máy bay và 188 trực thăng 15 tàu thuyền 2.803 phương tiện vận chuyển và bồn nhiên liệu

Thứ Sáu tuần trước (22/7), Ukraine tuyên bố đã phá hủy một sư đoàn pháo binh của Nga bao gồm bích kích pháo và các thiết bị khác, một đoạn video do các lực lượng vũ trang thuộc Bộ Tư lệnh Lực lượng Tấn công Đường không của Ukraine đăng tải cho thấy, sư đoàn pháo binh của Nga đã bị tiêu diệt bởi một cuộc tấn công do lực lượng trên không và trên bộ của Ukraine thực hiện.

Nhật Minh (Theo Newsweek)

Ukraine phá hủy 50 kho đạn của Nga bằng hệ thống HIMARS do Mỹ cung cấp

Hệ thống Rocket Cơ động cao (HIMARS) của Mỹ. (Ảnh: Wikipedia)

Hôm thứ Hai (25/7), Ukraine tuyên bố, quân đội của họ đã sử dụng hệ thống tên lửa pháo cơ động HIMARS do Washington cung cấp để phá hủy 50 kho đạn của Nga. Loại vũ khí hiện đại này của Hoa Kỳ đã tăng cường sức mạnh đáng kể cho các lực lượng Ukraine trong việc chống lại quân đội Nga với ưu thế vượt trội hơn.

Thông báo của Kyiv được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine đã bước sang tháng thứ năm. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát động cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2 với hy vọng sẽ đạt được một thắng lợi quyết định nhanh chóng và “giải phóng” vùng Donbass nằm ở phía Đông Ukraine, nơi có hai nước cộng hòa ly khai do Nga hậu thuẫn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ quân sự to lớn của phương Tây, quân đội Ukraine đã đáp trả Nga mạnh mẽ hơn dự kiến. Các loại vũ khí hiện đại của phương Tây, bao gồm hệ thống HIMARS của Mỹ, được cho là đã giúp Ukraine gây ra nhiều tổn thất cho các lực lượng lớn hơn nhiều của Nga.

Reuters đưa tin, hôm 25/7, phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho hay, HIMARS, hệ thống rocket pháo binh cơ động cao, đang có ảnh hưởng ngày càng lớn đến cuộc kháng chiến của đất nước ông chống lại quân đội của Moscow.

Ông giải thích: “Vũ khí này cắt đứt các chuỗi cung ứng hậu cần của họ [Nga], đồng thời làm cho họ mất đi khả năng tiến hành chiến đấu và tấn công các lực lượng vũ trang của chúng ta bằng các cuộc pháo kích dữ dội.”

Ông cho biết thêm, Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công “chính xác” vào một số cây cầu. Có vẻ như ông đang đề cập đến các cây cầu bắc qua con sông ở khu vực Kherson đang bị Nga chiếm đóng.

Hiệu quả của hệ thống rocket HIMARS

Hệ thống tên lửa HIMARS đã nổi lên là một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến Nga – Ukraine khi tăng cường đáng kể năng lực tấn công cho quân đội Ukraine.

Theo quân đội Hoa Kỳ, hệ thống HIMARS có thể phóng chính xác cả rocket tầm gần và tầm xa để hỗ trợ hỏa lực tên lửa cho các lực lượng. Hệ thống này có thể được sử dụng trong mọi thời tiết hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nó có thể “đạt được tầm bắn lên đến 70km và giúp tăng cường nhanh chóng hiệu quả chiến đấu” của quân đội.

Hôm thứ Tư tuần trước (20/7), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo, Hoa Kỳ sẽ gửi thêm bốn hệ thống HIMARS cho Ukraine. Chính phủ Kyiv đã ca ngợi tính hiệu quả của các hệ thống này trong việc chống lại quân đội Nga. Hôm 23/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhận xét, vũ khí này đã giúp Ukraine “đẩy nhanh quá trình giải phóng” các vùng bị Nga chiếm đóng.

Các chuyên gia quân sự Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống HIMARS đối với Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Hôm 23/7, Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling, cựu chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ châu Âu và Tập đoàn quân số 7 của Mỹ, đã đăng bài trên Twitter nói về tầm quan trọng của hệ thống HIMARS đối với Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Về hệ thống HIMARS – ít đạn hơn, tầm bắn lớn hơn, độ chính xác cao – đó là yếu tố thay đổi cuộc chơi.”

Trong bối cảnh các tổn thất quân sự của Nga tiếp tục gia tăng, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ đã nói với các phóng viên vào tuần trước rằng Ukraine đã sử dụng hệ thống HIMARS để loại bỏ hơn 100 mục tiêu “giá trị cao” của Nga.

Đầu tháng này khi phát biểu với tờ Newsweek, Thống đốc Serhiy Haidai của khu vực Luhansk thuộc Ukraine nhận định, quân đội Nga đã rơi vào “trạng thái hoảng loạn” kể từ khi Washington bắt đầu cung cấp các hệ thống rocket HIMARS cho Kyiv.

Gia Huy (Theo Newsweek)

Related posts