Chiến tranh Nga-Ukraine có thể kết thúc như thế nào?

Phong Vân

Các cuộc chiến tranh vốn dĩ rất hỗn loạn và không thể đoán trước. Cố gắng dự đoán diễn tiến hay kết quả chiến tranh là một nhiệm vụ dường như bất khả thi với bất kỳ ai, vì có rất nhiều yếu tố có thể đột ngột thay đổi theo thời gian, và mỗi yếu tố đều có khả năng tác động đảo ngược diễn biến của cuộc xung đột.

Trong cuộc chiến Nga-Ukraine, rất nhiều những dự đoán phổ biến và được nhiều người tin tưởng rốt cuộc đã không trở thành hiện thực; ví dụ như các lực lượng Nga sẽ nhanh chóng chiếm được thủ đô Kyiv trong giai đoạn mở màn cuộc chiến, hay quân đội Ukraine sẽ thủ vững tại Mariupol và tiến hành phản công v.v…

Thế nhưng, theo cựu đại tá quân lực Hoa Kỳ Daniel Davies, thành viên cao cấp của Defense Priorities, như vậy không có nghĩa là hoàn toàn không thể đưa ra được các đánh giá một cách hợp lý và tự tin. Nếu xem xét kỹ lưỡng các nguyên tắc cơ bản quan trọng nhất ở tất cả các bên của cuộc xung đột, thì với cách đó, chúng ta có thể lập ra biểu đồ một số cách kết thúc hợp lý cho chiến tranh.

Sau đây là 4 kịch bản cho cái kết của cuộc chiến Nga-Ukraine theo dự đoán của Daniel Davies, được đăng trên trang phân tích quân sự 19FortyFive.

Có kịch bản sẽ khiến Nga phật ý, và cũng có kịch bản sẽ khiến Ukraine không hài lòng.

Kịch bản thứ nhất: Đi vào Bế tắc

Trong kịch bản này, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài qua mùa đông năm nay và trở nên Bế tắc. Như trong cờ vua, tình huống này được gọi là đã Hết nước đi.

Theo kịch bản, sức mạnh tấn công của các lực lượng Nga sau cùng sẽ giảm sút đến mức họ không thể tiếp tục duy trì nhịp độ cuộc chiến, bất chấp những tiến bộ đạt được ngày càng tăng vốn là đặc trưng của cuộc tấn công Xuân Hè.

Bằng chứng hình ảnh được thu thập bởi Oryx, một trang web mã nguồn mở chuyên theo dõi tổn thất thiết bị quân sự trên khắp thế giới, báo cáo rằng kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào cuối tháng Hai, quân Nga đã mất tổng cộng hơn 5.150 phương tiện quân sự; gồm các phương tiện bị phá hủy, hư hại, bị bỏ lại trên chiến trường hay bị phía Ukraine bắt giữ. Trong số đó có khoảng 939 xe tăng, với 572 chiếc được cho là đã bị phá hủy.

Trước chiến tranh, quân đội Nga ước tính có hơn 12.000 xe tăng và khoảng 20.000 chiến xa thiết giáp trong kho vũ khí. Như vậy, con số thiệt hại là không hề nhỏ.

Bên cạnh những tổn thất về vũ khí, còn là những mất mát lớn về nhân mạng. Cuộc chiến tại Ukraine đã cho thấy thực sự là một cuộc chiến tàn khốc và đẫm máu. Thương vong với cả 2 bên đều rất tồi tệ.

Về phía Nga, đây có thể là thiệt hại quân sự lớn nhất đối với họ kể từ thời điểm rút quân khỏi Afghanistan hơn 30 năm về trước.

Theo kịch bản thứ nhất, Điện Kremlin dự kiến sẽ hoàn thành việc đánh chiếm các thành phố Sloviansk, Kramatorsk và Bakhmut ở phía bắc của Donbass; nhưng do tổn thất tích lũy trước sức kháng cự gay gắt của quân đội Ukraine, Moscow sẽ không thể kết thúc việc đánh chiếm vùng Donetsk Oblast; và cũng sẽ không thể tiến hành các cuộc tấn công vào thành phố Kharkiv hay Odessa.

Khi các nhà lãnh đạo Điện Kremlin nhận ra khả năng sẽ không thể duy trì được năng lực tấn công để đánh chiếm hoàn toàn Donbass, họ sẽ ra lệnh cho quân đội đang chiếm đóng ở tất cả những vùng lãnh thổ của Ukraine bắt đầu triển khai xây dựng các hệ thống phòng thủ công phu dọc theo tiền tuyến, bao gồm: về phía bắc và đông bắc của Kharkiv, các vị trí tiền phương ở Donbass, và hướng mặt trận Kherson ở phía nam.

Tương tự về phía Ukraine, quân đội nước này cũng sẽ tiến hành xây dựng các công trình phòng thủ đối ứng trên cả ba mặt trận; đồng thời tuyển mộ và đào tạo lực lượng quân đội thay thế cho những tổn thất đáng kể mà họ đã phải gặp phải kể từ tháng Hai.

Chính phủ của Tổng thống Zelensky cũng sẽ tích cực làm việc với các đối tác phương Tây nhằm tăng tốc mở rộng số lượng vũ khí hạng nặng và khí tài hiện đại cần thiết, trang bị cho các nhóm tác chiến cấp tiểu đoàn (BTG) mới, tiềm lực đủ để tiến hành các hoạt động chống lại quân Nga.

Ở phía bên kia chiến tuyến, quân đội của Tổng thống Putin cũng sẽ tiếp tục bổ sung và đào tạo thêm binh sĩ, lấy từ lực lượng phục vụ hiện có trong vệ binh quốc gia, hải quân, không quân…, hay thậm chí là tuyển mộ thêm tân binh.

Moscow sẽ cố gắng tối đa hóa sản lượng công nghiệp của đất nước để sản xuất và hiện đại hóa những vũ khí mới, tìm cách sửa chữa xe tăng cũng như các phương tiện bọc thép khác đã bị hư hỏng trong chiến tranh…; nhằm cho phép binh lính quay trở lại chiến trường vào năm 2023. Khi ấy, chiến tranh dự kiến sẽ lại một lần nữa trở nên khốc liệt.

Song song với tất cả sự chuẩn bị và tái thiết quân sự này, cả Ukraine và Nga sẽ tham gia vào một số cuộc đàm phán ngoại giao nhằm tìm kiếm khả năng về một giải pháp chính trị có thể kết thúc cuộc chiến. Không bên nào muốn tiếp tục chiến đấu, bởi vì cái giá phải trả bằng máu và tiền của là quá đắt đỏ.

Tuy vậy, trừ phi một bên tính toán và nhận thấy rằng khả năng để giành chiến thắng trước đối phương là không thể, thì cho đến khi đó, một cuộc dàn xếp thương lượng trong giai đoạn Bế tắc này vẫn sẽ khó mà có thể xảy ra được.

Lộ trình khả dĩ hơn theo Kịch bản thứ Nhất này, ấy là mỗi bên sẽ tiếp tục tái trang bị và huấn luyện quân đội để chuẩn bị cho đợt tấn công mới vào thời điểm sớm nhất trong năm 2023, khi mà họ thấy rằng lực lượng của mình đã đạt được đủ sức mạnh cần thiết.

Như vậy trong giai đoạn này, chúng ta có thể thấy các cuộc đấu pháo cấp thấp diễn ra cùng với hỏa lực bắn tỉa nhỏ giọt …như để nhắc nhở rằng cuộc chiến vẫn còn chưa kết thúc; tuy vậy sẽ không có hoạt động quân sự lớn nào được triển khai trong thời gian tới.

Kịch bản thứ hai: Nga chiếm được Kharkiv & Odessa

Theo kịch bản này, từ nay đến đầu mùa thu, các lực lượng Nga sẽ không chỉ chiếm được thành phố Sloviansk, Kramatorsk hay Bakhmut, mà còn là toàn bộ vùng Donbass rộng lớn.

Tuy thế, quân đội Ukraine vẫn còn là một lực lượng đáng kể, và có thể ngăn chặn được bất kỳ cuộc xuyên phá tức thời nào của quân Nga vào các khu vực hậu phương của Ukraine bên ngoài Donbass.

Lực lượng của Tổng thống Zelensky tuy tránh được một sự sụp đổ toàn lực lượng, nhưng họ không còn đủ năng lực để tạo ra được thế Bế tắc, hay cân bằng như ở kịch bản thứ nhất.

Trong kịch bản mới, một khi quân Nga kết liễu được Donbass, mục tiêu tiếp theo của họ rất có thể sẽ là Kharkiv.

Kharkiv là thành phố lớn thứ 2 của Ukraine, với dân số khoảng gần 1,5 triệu người vào thời điểm trước chiến tranh. Đây là một trong những thành phố có lịch sử lâu đời và đẹp nhất Đông Âu.

Để chiếm được Kharkiv, Điện Kremlin dự kiến sẽ phải điều động quân số nhiều hơn đáng kể so với những gì họ đã triển khai cho đến nay.

Như đã được thể hiện trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, nếu Moscow cố gắng tấn công Kharkiv mà không đủ lực lượng, họ có thể sẽ nhận phải thương vong rất lớn và gánh chịu thất bại.

Để có cơ hội thực sự chiếm được Kharkiv, Nga sẽ phải huy động một lượng quân bổ sung đáng kể, ít nhất là 100.000 lính mới; và nhiều khả năng sẽ còn tăng gấp đôi con số này.

Nhưng để điều đó xảy ra, Tổng thống Putin có thể sẽ phải có một sự mạo hiểm lớn về mặt chính trị: Thay vì đặt tên cho cuộc tấn công vào nước láng giềng là “chiến dịch quân sự đặc biệt”, có thể ông Putin sẽ tuyên bố đó là “chiến tranh”, nhằm có thể tiến hành một cuộc huy động quân đội lớn hơn.

Theo kịch bản thứ 2, giống như tình huống đã diễn ra trong các đợt mở màn, việc chiến đấu trong các thành phố một lần nữa sẽ mang lại lợi thế khá lớn cho quân phòng vệ Ukraine.

Tuy nhiên, không giống như lần các trận đánh hồi tháng 2, trong kịch bản mới, các lực lượng Nga đã rút ra được bài học từ và không mắc phải những sai lầm tương tự nữa; đặc biệt là trong việc sử dụng thiết giáp mà không có sự hỗ trợ của bộ binh, hay cố gắng tiến vào thành phố mà không cần lực lượng pháo binh liên tục yểm trợ.

Quân đội Nga khi ấy dự kiến sẽ tấn công từ vị trí yếu điểm của Ukraine, và có thể sẽ triển khai đánh vào Kharkiv từ cả 3 phía (nam, đông và bắc).

Cũng như trong chiến dịch vây hãm Mariupol, Moscow sẽ thu thập thông tin tình báo từ nhiều nguồn để cố gắng xác định vị trí của phần lớn quân trú phòng Ukraine và sau đó nhắm vào khu vực đó bằng một chiến dịch ném bom ồ ạt không ngừng, có thể kéo dài hàng tuần lễ.

Các lực lượng Nga dự kiến sẽ lựa chọn phong tỏa cửa phía tây của Kharkiv nhằm cắt đứt thành phố với sự hỗ trợ từ bên ngoài, ngăn cản vật tư và vũ khí thay thế được đưa vào nội đô. Moscow có thể sẽ phong tỏa chặt chẽ, nhưng cũng có thể để một lối mở cho các các lực lượng phòng vệ Ukraine thoát ra ngoài, như trường hợp đã xảy ra ở Severodonetsk.

Nếu binh sĩ Ukraine chọn ở lại và chiến đấu như tình huống tại tổ hợp nhà máy thép khổng lồ Azovstal ở Mariupol, thì trận chiến sẽ dần trở nên khốc liệt và tồi tệ hơn.

Quân đội Nga đã cho thấy rõ ràng rằng, họ không hề e ngại trong việc san bằng cả một thành phố bằng hỏa lực pháo binh và tên lửa áp đảo, cùng với các cuộc không kích và tấn công bằng máy bay không người lái.

Một khi Kharkiv bị cắt đứt với mọi sự hỗ trợ từ bên ngoài, quân Nga sẽ bắt đầu siết vòng vây, từng vòng từng vòng một, cho đến khi chiếm trọn được thành phố.

Trong bối cảnh trận Donbass đang diễn ra, các tổn thất của Ukraine không chỉ là mất các thành phố vào tay Nga, mà còn là tổn thất về quân số đang được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng đất này. Ukraine đã mất rất nhiều quân, lên tới hàng chục nghìn người.

Nếu phần còn lại của Donbass cũng thất thủ, Kyiv sẽ còn ít binh sĩ thiện chiến hơn để bảo vệ phần còn lại của đất nước. Và nếu Moscow hoàn thành việc phá hủy Kharkiv, họ cũng sẽ loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn binh lính nữa của Ukraine. Chính phủ Zelensky khi ấy sẽ còn ít quân hơn nữa để bảo vệ Odessa.

Điều quan trọng cần lưu ý là trong một cuộc chiến tranh tiêu hao (mà kịch bản này dường như đang chắc chắn sẽ xảy ra), miễn là phía Nga vẫn giữ được lợi thế về nhân lực, nếu họ thực sự có thể huy động đủ quân số, có thể tưởng tượng được khả năng rằng Moscow thậm chí sẽ tấn công Odessa ngay cả trước khi chiếm được hoàn toàn Kharkiv.

Nhưng dù diễn tiến là thế nào, nếu quân Nga quyết định tiến vào Odessa, họ gần như chắc chắn sẽ sử dụng cùng một chiến lược đã sử dụng vô số lần trong cuộc chiến này: đó là bao vây, cô lập quân phòng vệ Ukraine và sau đó từng bước phá hủy thành phố bằng hỏa lực áp đảo.

Nếu Nga chiếm thành công cả Kharkiv và Odessa (sau khi đã chiếm trọn vùng Donbass trước đó), thì Moscow về cơ bản sẽ kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Ukraine ở phía đông sông Dnepr.

Theo kịch bản này, có khả năng vào thời điểm đó, Tổng thống Putin sẽ tìm cách thiết lập một cuộc dàn xếp đối với chính phủ hiện tại của Ukraine, tuyên bố rằng Moscow sẽ giữ tất cả lãnh thổ miền Đông mà họ đã chiếm được cho đến sông Dnepr; nhưng sẽ đồng ý để các nhà lãnh đạo ở Kyiv giữ quyền kiểm soát thủ đô và tất cả lãnh thổ miền tây Ukraine.

Nếu Tổng thống Zelensky vẫn từ chối, khi đó ông Putin sẽ phải đối mặt với một số lựa chọn phức tạp đáng lo ngại, bao gồm cả khả năng điều quân một lần nữa đến Kyiv, và lần này có thể là toàn bộ lực lượng.

Dù cuộc giao tranh sau đó có thể diễn ra như thế nào, cơ hội để Ukraine lấy lại các phần lãnh thổ đã mất sẽ là vô cùng nhỏ.

Kịch bản thứ ba: Sự sụp đổ của quân đội Ukraine & Chiến thắng chung cuộc của Nga

Trong kịch bản này, Moscow sẽ tiếp tục cuộc hành quân bài bản và không ngừng qua phía bắc Donbass; trước tiên hoàn thành việc đánh sập tuyến phòng thủ từ Bắc xuống Nam chạy qua Seversk-Soledar-Bahkmut, sau đó tiếp tục tiến về phía Tây để đánh chiếm Slovyansk và Kramatorsk.

Sau khi chiếm được các thành phố này, mục tiêu tiếp theo của Nga rất có thể sẽ là Kharkiv, như chúng ta đã tìm hiểu trong Kịch bản ở trên.

Bước tiến quan trọng nhất của Điện Kremlin trong giai đoạn này không chỉ là chiếm được lãnh thổ của nước láng giềng, mà đó còn là sự sụp đổ của quân đội Ukraine.

Kể từ giữa tháng 4, các Lực lượng vũ trang Ukraine (gọi tắt là UAF) đã hứng chịu tổng số thương vong lên tới 1.000 người mỗi ngày ở Donbass; và hầu hết đó là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm và thiện chiến nhất của Kyiv.

Những binh sĩ Ukraine được tuyển mộ mới và thay thế thường sẽ không có được quá trình đào tạo bài bản và thời gian kinh nghiệm cần thiết để phục vụ cho các trận đánh khắc nghiệt.

Một nghiên cứu của Viện Chiến tranh Hiện đại (Modern War Institute) ước tính rằng, “chỉ có 20% (binh sĩ Ukraine trong các đơn vị thay thế được gửi đến mặt trận) đã từng được sử dụng vũ khí trước khi tham chiến”.

Theo Daniel Davies, lực lượng còn lại của quân đội Ukraine được huấn luyện không đầy đủ và thiếu kinh nghiệm này sẽ có nguy cơ sụp đổ cao hơn.

Lý do là: thành công hay thất bại trong chiến tranh hiện đại không chỉ phụ thuộc vào việc huấn luyện cụ thể từng người lính và số lượng vũ khí quân trang phù hợp, mà còn vào các đơn vị quân đội có kinh nghiệm và được huấn luyện tốt.

Để thiết lập được một tổ chức quân sự ở cấp đại đội hoặc tiểu đoàn có thể chiến đấu như một thực thể gắn kết, đòi hỏi một quá trình rèn luyện đáng kể trong nhiều tháng. Đồng thời, không thể “tạo ra” được những sĩ quan quân đội giàu kinh nghiệm [chỉ trong thời gian ngắn], tất cả phải trưởng thành theo thời gian và không hề có con đường tắt.

Do vậy, khi quân đội Ukraine càng mất nhiều chỉ huy giàu kinh nghiệm, thì lực lượng tổng thể của họ sẽ càng suy yếu hơn và các tiểu đoàn tác chiến (BTG) mới của Kyiv sẽ càng khó khăn hơn trong việc bổ sung nhân sự cao cấp.

Rủi ro trong kịch bản này là vào một thời điểm nào đó, kết cấu của UAF sẽ trở nên quá mỏng manh để có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến, và quân đội Nga cuối cùng cũng huy động được đủ năng lực quân sự cần thiết; bao gồm cả quân số và lực lượng thiết giáp, xe tăng, pháo binh và tên lửa… Khi đó, Moscow có thể tấn công mạnh mẽ vào các khu vực hậu phương của Ukraine, làm suy giảm khả năng duy trì các hoạt động chiến đấu của chính phủ Kyiv.

Nếu bị tấn công vượt quá năng lực phòng vệ, các lực lượng Ukraine trong cả một khu vực có thể sụp đổ hoàn toàn.

Mặt khác, trong trường hợp mà tổn thất về phía Nga chồng chất nhanh hơn mức Moscow có thể thay thế, thì kịch bản đã được mô tả trong Kịch bản thứ Nhất có thể xảy ra và quân đội của ông Putin sẽ buộc phải lựa chọn phương án Bế tắc, hay là phương án Hết nước đi.

Tuy nhiên, rủi ro đối với chính phủ Ukraine sẽ tăng lên mức cao đặc biệt nguy hiểm nếu Điện Kremlin có thể duy trì được đủ lực lượng, trang thiết bị và hỗ trợ hậu cần để liên tục triển khai các đòn đánh quân sự, từng bước khiến quân đội Ukraine gia tăng tổn thất đến mức tan vỡ.

Khi thời gian trôi qua, việc hỗ trợ quân sự cho Kyiv từ phương Tây, dù là bao nhiêu pháo hay hệ thống tên lửa cũng sẽ khó có thể xoay chuyển được tình thế, bởi nếu kịch bản này diễn ra, Ukraine sẽ không còn đủ lực lượng về người để sử dụng chúng.

Kịch bản thứ tư: Chiến thắng dành cho Ukraine

Cựu Trung tướng Quân lực Hoa Kỳ, ông Ben Hodges lập luận rằng, nếu phương Tây “gắn kết với nhau trong năm [2022] này”, ông tin rằng chiến tranh “sẽ kết thúc”.

Tổng thống Zelensky và các quan chức Ukraine cấp cao khác cũng thường tuyên bố rằng, cuối cùng họ sẽ giành lại tất cả lãnh thổ đất nước, bao gồm cả bán đảo Crimea đã bị Nga thâu tóm hồi năm 2014.

Tuy vậy vào thời điểm hiện tại, cơ sở cho những hy vọng như vậy là chưa rõ ràng.

Để điều đó thay đổi, theo Daniel Davies, chính phủ Ukraine sẽ phải đảo ngược nhiều tình trạng chênh lệch giữa hai bên tham chiến và bổ sung thêm năng lực quân sự của mình.

Đầu tiên, Kyiv sẽ cần phải có được một số lượng đáng kể các hệ thống phòng không hiện đại bậc nhất của NATO, gồm khả năng cả về tầm ngắn và tầm xa, nhằm có thể kháng cự lại các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Moscow có khả năng tấn công các mục tiêu ở Ukraine tại tiền tuyến, cũng như từ sâu trong lãnh thổ Nga.

Thứ hai, lực lượng của Zelensky sẽ phải tiếp tục kìm chân quân đội Nga tại Donbass hoặc ít nhất là ngăn chặn việc để mất Kharkiv hay Odessa; đồng thời xây dựng được năng lực tấn công mặt đất khả thi.

Yêu cầu này bao gồm việc Kyiv cần phải có được hàng nghìn xe bọc thép, xe tăng và pháo, cũng như hơn 100.000 quân bổ sung.

Thứ ba, Ukraine cần đảm bảo các cam kết chắc chắn từ các nước phương Tây để sản xuất và vận chuyển an toàn quân trang vũ khí, số lượng lớn đạn pháo và lương thực cùng nước uống để duy trì quân đội trên đường hành quân.

Khi đó, sẽ cần đến năng lực vận tải nội bộ dưới dạng một đội xe bánh lốp để đảm bảo tất cả các nguồn cung cấp có thể được vận chuyển thông suốt từ biên giới phía Tây của Ukraine đến tiền tuyến.

Và thứ tư, Kyiv sẽ cần phải sở hữu một khả năng tấn công đáng tin cậy trên không.

Hiện tại đã có những úp mở và tin đồn về việc Không quân Hoa Kỳ sẽ cung cấp máy bay chiến đấu của họ cho phía Ukraine; tuy vậy các máy bay MiG từ thời Liên Xô có thể sẽ được đưa vào chiến trận nhanh hơn.

Một khi toàn bộ lực lượng này, bao gồm trên bộ, trên không, hệ thống phòng không và vận tải hậu cần đã được tập hợp, quân đội Ukraine sẽ còn cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để chiến đấu với một lực lượng Nga cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc phản công của Kyiv.

Có rất nhiều thách thức đối với viễn cảnh này. Ukraine đã mất đi khá nhiều lực lượng được đào tạo bài bản và dày dạn kinh nghiệm.

Ngay cả khi Kyiv tuyển mộ thêm 100.000 lính mới, họ cũng sẽ không thể có được những năng lực và kinh nghiệm chiến trường của các sĩ quan đã thiệt mạng trong cuộc chiến. Rất khó để điều động toàn bộ đội hình mà không có sự hiện diện với số lượng đáng kể các chỉ huy quân đội được đào tạo ở cấp chiến thuật.

Đồng thời, để đáp ứng kịch bản này, nhiều quốc gia NATO sẽ phải cung cấp liên tục cho Ukraine một lượng lớn xe tăng, pháo tự hành, máy bay chiến đấu và số lượng đáng kể hệ thống phòng không chất lượng cao.

Nếu không có tất cả những yếu tố này, dường như không có nhiều cơ hội để Ukraine có thể tiến hành một cuộc phản công đủ sức mạnh để đánh bật lực lượng Nga khỏi các vùng lãnh thổ bị xâm chiếm. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào tiến gần đến việc cung cấp đầy đủ những thiết bị mà Kyiv sẽ cần đến.

Nếu chính phủ của Tổng thống Zelensky cố gắng đốt cháy giai đoạn, đánh liều bằng cách chỉ lấy một phần những vũ khí trang bị cần thiết hoặc lấp đầy quân số của họ với những chiến binh chưa được huấn luyện đầy đủ, thì theo cây viết Daniel Davies, cơ hội chiến thắng dành cho phía Ukraine là rất nhỏ và khả năng thất bại sẽ cao hơn nếu họ vẫn cố gắng phát động một cuộc phản công; đồng thời các lựa chọn cho một chiến thắng của Ukraine có thể sẽ tiếp tục giảm dần theo thời gian.

Phong Vân (biên dịch)

Related posts