Tin Việt Nam sáng thứ Năm: Việt – Trung cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng tại Campuchia

Việt – Trung cạnh tranh gay gắt để giành ảnh hưởng tại Campuchia

Theo RFI, năm 2021, trao đổi mậu dịch giữa Campuchia với Việt Nam đã tăng 75% lên đến 9,3 tỷ đôla, chỉ thua chưa tới 2 tỷ đôla so với trao đổi mậu dịch giữa Campuchia với Trung Quốc. Những con số này đủ để phản ánh sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Việt Nam và Trung Quốc để giành ảnh hưởng tại Campuchia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Campuchia, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, Campuchia đã xuất khẩu khoảng hơn 1 tỷ đôla hàng hóa sang Việt Nam, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, Việt Nam đã là thị trường xuất khẩu đứng thứ hai của Campuchia, chỉ sau Hoa Kỳ. 

Việt Nam hiện cũng là nhà đầu tư lớn nhất của Campuchia trong số các nước ASEAN, theo lời thủ tướng Phạm Minh Chính, phát biểu tại một ngôi làng ở tỉnh Tboung Khmum, ngày 20/06.

Tuy nhiên, trên trang mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 29/04 , ông Nguyễn Khắc Giang, một nhà phân tích tại Đại học Victoria Wellington, nhận định:  

“Sự gia tăng thương mại gần đây phản ánh sự hội nhập kinh tế khu vực và mức độ phát triển của Campuchia –  Việt Nam, nhưng tôi không nghĩ rằng nó có thể thay đổi tiến trình liên kết hiện tại của Campuchia với Bắc Kinh”. Ông nói thêm rằng, khả năng gia tăng ảnh hưởng của Việt Nam là có, với một số tập đoàn lớn nhất của Việt Nam, chẳng hạn như tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Campuchia. Nhà phân tích này nhấn mạnh: “Nhưng tôi không tin là Hà Nội có thể thắng thế so với Trung Quốc ở Campuchia.”

Chính trong bối cảnh Trung Quốc và Việt Nam gia tăng cạnh tranh ảnh hưởng, báo chí Campuchia đưa tin ngày 08/06, bộ trưởng Quốc Phòng Campuchia Tea Banh và đại sứ Trung Quốc tại Phnom Penh, Vương Văn Thiên đã đến căn cứ hải quân Ream ở tỉnh Sihanoukville để dự lễ động thổ công trình cải tạo căn cứ này. 

Về sự kiện này, trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ghi nhận:

“Rõ ràng đây là một minh chứng cho thấy Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng ở Campuchia, và sự mở rộng này tác động tiêu cực đến vị thế và an ninh của Việt Nam ít nhiều ở một mức độ nào đó. Trong khoảng 10-15 năm qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng của mình thông qua các biện pháp kinh tế, và từ các biện pháp đó mở rộng sang cách tiếp cận về chính trị, chiến lược và ngoại giao. Việt Nam mặc dù là quốc gia có ảnh hưởng truyền thống ở Campuchia, đặc biệt dưới thời chính quyền Hun Sen, nhưng trong thời điểm hiện tại, Việt Nam gặp một số bất lợi, đặc biệt là tiềm lực kinh tế của Việt Nam để có thể chi ra để “mua” ảnh hưởng của Campuchia thì không lớn bằng tiềm lực kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc có thể chi rất nhiều tiền thông qua đầu tư, viện trợ, thương mại, để “mua” ảnh hưởng của họ. Việt Nam khó có thể cạnh tranh được về mặt này”.

Song bên cạnh đó, về mặt vị trí địa lý, thì Việt Nam cũng có lợi thế nhất định so với Trung Quốc. Nếu như quan hệ với Việt Nam xấu đi thì cũng sẽ ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh, thịnh vượng của Campuchia.

Hơn nữa, Việt Nam trong thời gian qua đã gây ảnh hưởng tích cực ở Campuchia, thông qua đầu tư, thương mại, viện trợ, giúp hạn chế phần nào ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. 

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục tích cực giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, đặc biệt là vấn đề cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, hay vấn đề người Việt Nam định cư ở Campuchia. Nếu như những vấn đề này được giải quyết thì tôi nghĩ rằng quan hệ song phương trong thời gian tới sẽ được cải thiện.” 

Ngoài ra, theo ông Lê Hồng Hiệp, có một biến số mà chúng ta cũng cần quan sát, đó là trong thời gian tới sẽ có sự chuyển giao quyền lực giữa ông Hun Sen và người được cho là sẽ kế nhiệm ông, đó là con trai Hun Manet.

“Ông Hun Manet từng được đào tạo ở phương Tây, cụ thể là đã từng học tại học viện quốc phòng West Point của Hoa Kỳ. Cho nên, chúng ta cũng cần thời gian để đánh giá xu hướng, tư duy chiến lược của ông. Chúng ta có quyền hy vọng ông Hun Manet sẽ theo đuổi chính sách có phần khác biệt, thể hiện sự cân bằng và sự cẩn trọng lớn hơn trong quan hệ giữa Campuchia với các nước khác, trong đó có Việt Nam và Trung Quốc.”

Hội An

Hàng chục nhà dân ở Đà Nẵng bị đổ keo 502 vào ổ khóa, vẽ bậy lên tường

Nam thanh niên đổ keo lên ổ khóa từng nhà và dán những mẩu giấy nhỏ, đề nghị người dân đăng ký kênh YouTube của mình nhằm tăng lượt xem. (Ảnh: congan.danang.gov.vn)

Nam thanh niên đổ keo lên ổ khóa từng nhà và dán những mẩu giấy nhỏ, đề nghị người dân đăng ký kênh YouTube của mình nhằm tăng lượt xem.

Trước đó, rạng sáng ngày 16/8, 17 gia đình ở Kiệt 89 (đường Lê Văn Hưu, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) tá hỏa khi ngủ dậy thấy ổ khóa cổng cửa nhà bị đổ keo 502. Người bị hại buộc phải cưa khóa mới mở được cửa ra khỏi nhà.

Kèm theo ổ khóa bị đổ keo đó là một mẩu giấy nhỏ ghi nội dung chỉ dẫn truy cập đến một kênh YouTube. Cụ thể, trên mảnh giấy nhỏ chứa nội dung kêu gọi truy cập vào nền tảng YouTube, đăng ký kênh có tên “hv domino ****”.

13h cùng ngày, công an phường Mỹ An cho biết đã truy xét được nam thanh niên N.N.K (SN 2006, ngụ quận Liên Chiểu), là người thực hiện hành vi trên. Công an sẽ xem xét hành vi hủy hoại tài sản của K.

Tại cơ quan công an, bước đầu K. khai nhận đã thực hiện hành vi nhỏ keo và dán tờ giấy ở tổng cộng 45 gia đình trên đường đi từ Hòa Khánh Bắc đến Mỹ An và một số phường khác tại thành phố.

K. cho biết mục đích làm vậy là để mọi người đăng ký kênh YouTube của mình nhằm tăng lượng xem.

Đáng chú ý, khi vụ việc này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người cho biết tình trạng bị xịt sơn, dán giấy quảng cáo cho kênh YouTube trên đã xuất hiện hơn một năm, ở nhiều khu vực của TP. Đà Nẵng, như đường Trần Cao Vân, Phạm Như Xương, Tôn Đản… hay ở nhiều khu vực như Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn…

Hiện tại, kênh hv domino **** của K. vẫn tồn tại trên YouTube. Tài khoản này đăng tải video từ tháng 2/2022, có 39 người đăng ký và gần 10.000 lượt xem. Dưới phần bình luận của các clip, có nhiều bình luận bức xúc từ những người bị chủ kênh vẽ bậy, đổ keo vào ổ khóa từ nhiều tháng trước.

Phạm Toàn

Chủ tịch xã: Muốn được cấp sổ đỏ phải nộp 20 triệu đồng/ha

Bị cáo Hồ Xuân Hoàng (trái ảnh) và Hoàng Đình tại phiên tòa ngày 16/8. (Ảnh: Dân Việt).

Lúc còn đương chức, Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính ở tỉnh Quảng Trị ra điều kiện với các hộ dân, muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) phải nộp 20 triệu đồng/ha.

Ngày 17/8, HĐXX TAND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị xác nhận, ngày 25/8 sẽ tiếp tục xét xử vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông.

Theo báo Lao Động, bị cáo là ông Hồ Xuân Hoàng (47 tuổi, trú tại thôn 5, xã Ba Lòng, huyện Đakrông) – nguyên là Chủ tịch UBND xã Hải Phúc (hiện đã sáp nhập thành xã Ba Lòng) và ông Hoàng Đình (41 tuổi, trú thôn Hà Lương, xã Ba Lòng) – nguyên là cán bộ địa chính xã Hải Phúc.

Cụ thể, vào khoảng giữa tháng 11/2019, tại buổi hội ý công việc đầu tuần của UBND xã, Hoàng thông báo chủ trương thu tiền của các hộ dân xã Ba Lòng có đất trồng rừng ở xã Hải Phúc rồi mới xác lập hồ sơ cấp sổ đỏ cho họ, mặc dù các thửa đất này đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.

Ngày 21/11/2019, Hồ Xuân Hoàng chủ trì tổ chức cuộc họp với các hộ dân xã Ba Lòng, có sự tham gia của Hoàng Đình – lúc đó là cán bộ địa chính xã và ông Hồ Văn Phơ – Phó Chủ tịch HĐND xã.

Tại cuộc họp, Hồ Xuân Hoàng nêu điều kiện với các hộ dân nếu muốn được cấp sổ đỏ phải nộp 20 triệu đồng/ha. Sau khi trao đổi, ông Nguyễn Ngọc Thành đại diện cho các hộ dân đưa ra mức nộp 15 triệu đồng/ha. Hoàng đồng ý.

Sau đó, Hồ Xuân Hoàng chỉ đạo Hoàng Đình trực tiếp thu tiền của các hộ dân. Khoảng 10 ngày sau, Hoàng Đình thu được 213 triệu đồng từ 15 hộ dân, rồi giao cho bà Phạm Thị Hà (công chức tư pháp kiêm thủ quỹ xã) cất giữ nhưng không nói rõ nguồn tiền thu từ các hộ dân mà có.

Sau khi nộp đủ số tiền theo yêu cầu của Hồ Xuân Hoàng, hồ sơ xin cấp sổ đỏ của các hộ dân được UBND xã lập và được cấp có thẩm quyền cấp sổ đỏ.

Ngoài ra, Hoàng còn chỉ đạo xác lập hồ sơ cấp “sổ đỏ” đối với 4 thửa đất dự án trồng rừng vay vốn JBIC, tổng diện tích 58.941m2 và 11 thửa đất thuộc chương trình dự án 327, tổng diện tích 145.415m2, trái quy định của pháp luật về đất đai. Các thửa đất này có trị giá 686 triệu đồng, theo Tiền Phong.

Hội An

Thừa Thiên Huế: Cháy lớn tại di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn

Vụ cháy lớn xảy ra bên trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (TP. Huế), nơi hiện đang trưng bày nhiều hiện vật và là trụ sở của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Vụ cháy lớn xảy ra bên trong di tích Quốc Tử Giám triều Nguyễn (TP. Huế), nơi hiện đang trưng bày nhiều hiện vật và là trụ sở của Bảo tàng lịch sử Thừa Thiên – Huế.

Theo báo chí nhà nước, khoảng 14h30 chiều 17/8, tòa nhà bên phải cạnh Di Luân đường (nằm trong di tích Quốc Tử Giám ở phường Đông Ba, TP. Huế), bốc cháy dữ dội, cột khói cao hàng chục mét.

Tòa nhà là nơi trưng bày các hiện vật thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế.

Khi phát hiện lửa, nhân viên bảo tàng đã có mặt và hô hoán, nhanh chóng đưa các hiện vật trưng bày bên trong khu nhà ra bên ngoài.

Lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đã huy động 6 xe chữa cháy và hàng chục người đến hiện trường để dập lửa.

Sau hơn 1 giờ, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Tuy nhiên do hệ thống mái, kèo chịu lực của dãy nhà làm bằng gỗ bị lửa thiêu cháy khiến một phần khu nhà của di tích này sụp đổ.

Theo báo Vnexpress, nhiều vật dụng trưng bày bên trong bị thiêu rụi.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên – Huế, nói nguyên nhân ban đầu của vụ cháy có thể là do chập điện, theo báo Tuổi Trẻ. Hiện lực lượng chức năng đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Di tích Quốc Tử Giám dưới triều Nguyễn nằm ở đường 23 Tháng 8 (TP. Huế). Đây là di tích trường đại học duy nhất thời Nguyễn còn tồn tại ở Việt Nam và là một di tích lịch sử, văn hóa có giá trị cao. Di tích Quốc Tử Giám cùng với hệ thống di tích cung đình triều Nguyễn đã được ghi tên vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO vào năm 1993.

Minh Long

Related posts