Các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng góp phần vào suy thoái kinh tế như thế nào

Andrew Moran

Các tờ bạc 20 USD được đếm ở North Andover, Massachuset, trong một bức ảnh hôm 15/06/2018. (Ảnh: Elise Amendola/Ảnh AP)

Các cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng góp phần vào suy thoái kinh tế như thế nào 

Nếu có nhiều gia đình hơn đang chi tiêu cho thực phẩm và năng lượng, liệu họ có điều chỉnh cách tiêu dùng của mình không?

Với nhu cầu tiêu dùng đang suy yếu dần và hoạt động kinh doanh đang chậm lại, hậu quả của lạm phát giá thực phẩm và năng lượng tăng cao có thể đang đè nặng lên nền kinh tế nói chung.

Nhưng dữ liệu đang cho thấy điều gì và giá thực phẩm và năng lượng cao hơn đang thúc đẩy suy thoái kinh tế như thế nào?

Chi nhiều hơn cho thực phẩm

Hồi tháng Bảy, lạm phát thực phẩm đạt 10.9%, mức cao nhất kể từ tháng 05/1979. Trên tổng thể, mọi mặt hàng thực phẩm và đồ uống được liệt kê trong chỉ số giá tiêu dùng của Cục Thống kê Lao động (BLS) đã tăng trên cơ sở hàng năm, từ bánh mì đến thịt đến cà phê.

Giá thực phẩm có thể đã không giảm trong một thời gian dài sau khi Bộ Lao động báo cáo rằng giá trả cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ đối với hàng tiêu dùng thành phẩm đã tăng gần 16% trong năm tính đến tháng Bảy. Đây là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1974.

Mặc dù thị trường hàng hóa đã hạ nhiệt trong những tháng gần đây, nhưng nhiều mặt hàng nông sản giá đang tăng trở lại, kể cả đậu tương, lúa mì, bắp, thịt lợn nạc, và cà phê.

Ví dụ, Hoa Kỳ đang sẵn sàng thu hoạch vụ mùa bắp sản lượng thấp nhất trong ba năm.

Đây là một tin xấu đối với các gia đình đang gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí hóa đơn tại cửa hàng thực phẩm.

Theo một nghiên cứu mới của Lending Tree, các gia đình Hoa Kỳ đang phải chi tiêu thêm 28% cho thực phẩm so với một năm trước đây – khi họ chi trung bình 407 USD một tuần cho thực phẩm hồi tháng Bảy, tăng từ 318 USD hồi tháng 05/2021. Ngoài ra, tỷ lệ người Mỹ báo cáo tình trạng thiếu lương thực — không đủ ăn — và dựa vào thẻ tín dụng để trả tiền mua thực phẩm đã tăng lên.

Thắp sáng tốn kém hơn

Mặc dù giá dầu thô và giá xăng giảm nhưng chỉ số giá năng lượng vẫn tăng 32.9% trên cơ sở hàng năm. Dầu nhiên liệu tăng 75.6%, xăng tăng 44%, và chi phí điện tăng 15.2%.

Giá năng lượng tăng nhanh như vũ bão buộc người lái xe phải thay đổi thói quen của họ.

Các cuộc khảo sát trong ngành cho thấy người lái xe đang ít lái xe hơn, kết hợp làm việc vặt, và ít hoạt động giải trí hơn vì giá xăng quá cao. Ngoài ra, dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho thấy nhu cầu xăng đã ở mức 8.434 triệu thùng trong tuần kết thúc hôm 19/08.

Chi phí điện đã trở nên quá đắt đỏ đến mức 20 triệu gia đình không đủ khả năng thanh toán hóa đơn điện hàng tháng. Chi phí điện năng ngày càng tăng đã dẫn đến tổng hóa đơn tiền điện khoảng 16 tỷ USD hồi tháng Sáu, gấp đôi mức 8 tỷ USD vào tháng 12/2019.

Các doanh nghiệp cũng đang phải chịu đựng sự khổ sở của chi phí tiện ích cao hơn.

Hồi tháng Sáu, Century Aluminium Co., nhà máy nhôm lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, chiếm 1/5 nguồn cung trong nước, đã phải ngừng hoạt động nhà máy của họ ở Kentucky vì không đủ khả năng thanh toán tiền điện.

Ảnh hưởng rộng hơn đến nền kinh tế

Theo các số liệu khác nhau, nhu cầu tiêu dùng giảm đang ảnh hưởng nghiêm trọng các hoạt động kinh doanh.

Chỉ số nhà Quản lý Thu mua Sản xuất (PMI) của S&P Global đã giảm xuống 51.3 trong tháng Tám. Chỉ số PMI dịch vụ giảm xuống 44.1, trong khi PMI tổng hợp giảm xuống 45. Bất kỳ con số nào dưới mức 50 của chỉ số này đều cho thấy sự co lại [của nền kinh tế].

Các nhà kinh tế tại S&P Global lưu ý rằng giá đầu vào cao hơn đã làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng, với nhiều công ty báo cáo rằng khách hàng đang tập trung cao hơn vào hàng tồn kho và chi tiêu thiết yếu.

Ông Siân Jones, nhà kinh tế cao cấp của S&P Global Market Intelligence, giải thích rằng các con số PMI tháng Tám đã cho thấy bức tranh đáng lo ngại về tình trạng của khu vực tư nhân Hoa Kỳ. Ông Jones lưu ý rằng, nhu cầu đang suy yếu khi lãi suất tăng và lạm phát leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu của khách hàng.

Tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa khi tổng sản lượng sụt giảm ở mức có thể so sánh với mức đã xảy ra trong cuộc Đại Suy thoái.

2/3 nền kinh tế Hoa Kỳ được thúc đẩy bởi chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu người Mỹ không mua hàng hóa và dịch vụ bởi trọng tâm chính của họ là duy trì cuộc sống, dù đó là việc đổ đầy bình xăng hoặc thực phẩm, hoạt động kinh doanh thu hẹp và tổng sản phẩm quốc nội bị ảnh hưởng.

Thật vậy, các nhà phân tích thị trường đã theo dõi sát sao dữ liệu về nhu cầu của người tiêu dùng trong những tháng gần đây để tìm ra dấu hiệu về sự chậm lại.

Trong tháng Bảy, doanh số bán lẻ không đổi ở mức 0%, trong khi chi tiêu cá nhân tăng với tốc độ thấp hơn mức dự kiến là ​​0.1%. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân cũng giảm xuống chỉ còn 5%, mức thấp nhất kể từ năm 2008.

Theo một báo cáo mới của First Insight, một nền tảng theo dõi trải nghiệm của người tiêu dùng, mọi người đang thay đổi cách họ tiêu tiền. Báo cáo có nhan đề “Tình trạng Chi tiêu của Người tiêu dùng: Lạm phát Thúc đẩy Nỗi lo Suy thoái”, đã cho biết rằng giá thực phẩm tăng là mối quan tâm lớn nhất đối với 68% người tiêu dùng. Giá thực phẩm tăng khiến họ cắt giảm chi tiêu trong các lĩnh vực khác, bao gồm ăn uống bên ngoài, các dịch vụ trực tuyến, trò chơi điện tử, và tư cách thành viên phòng tập thể dục.

Ông Greg Petro, Giám đốc điều hành của First Insight cho biết, ngay cả những ưu tiên và hành vi trong ngân sách thực phẩm của người tiêu dùng cũng đang thay đổi.

Ông Petro cho biết trong một tuyên bố: “Khi lạm phát vẫn ở mức cao nhất được chứng kiến ở Hoa Kỳ kể từ năm 1981, người tiêu dùng tiếp tục tìm ra những cách khác nhau để có đủ khả năng chi trả. Có đủ lương thực vẫn là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng. Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự phân phối lại ngân sách dành cho thực phẩm, với việc nhiều người tiêu dùng cắt giảm sản phẩm tươi sống và chi tiêu ít hơn cho các sản phẩm có thương hiệu.”

Về mặt năng lượng, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo trong một bài đăng trên blog hồi tháng Sáu rằng “cú sốc giá năng lượng” có thể gây ra “hậu quả tức thì” đối với hoạt động kinh tế và sau đó dẫn đến những hậu quả rộng lớn hơn, từ chính sách tài khóa và tiền tệ đến sự không chắc chắn trong đầu tư.

Cô Tara Sharma, một chiến lược gia đầu tư tại Viện đầu tư BlackRock, cho biết: “Việc khởi động lại [nền kinh tế] đang bị đình trệ ở Hoa Kỳ vì nó gặp phải những hạn chế về sản xuất và cung ứng lao động, và chúng tôi tin rằng hiện tại kinh tế Hoa Kỳ sẽ thu hẹp lại.”

Hoa Kỳ sẽ trở thành Âu Châu?

Trong khi Hoa Kỳ có thể đang trong các giai đoạn đầu của sự suy giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh giữa áp lực lạm phát đối với thực phẩm và năng lượng, thì Âu Châu đã ở trong chu kỳ này trong nhiều tháng qua.

Tăng trưởng của khu vực đồng Euro đã chậm lại đáng kể, với các nhà máy trong khu vực này báo cáo nhu cầu sụt giảm đáng kể do hóa đơn năng lượng tăng và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt rộng lớn hơn đã ảnh hưởng đến tài chính của khách hàng. Chỉ số Sản xuất, Dịch vụ, và PMI Tổng hợp của Eurozone S&P lần lượt giảm xuống 49.7, 50.2, và 49.2 trong tháng Tám.

Ngày càng có nhiều nhà kinh tế tin rằng khu vực đồng euro và Vương quốc Anh sẽ rơi vào suy thoái gần như là điều không thể tránh khỏi.

Ông Peter Vanden Houte, nhà kinh tế trưởng của khu vực đồng euro tại ING, viết trong một lưu ý: “Chỉ báo tâm lý kinh tế của Ủy ban Âu Châu đã giảm trong tháng Bảy, với các chỉ báo hướng tới tương lai cho thấy kinh tế sẽ suy giảm trong nửa cuối năm. Trong khi đó, áp lực lạm phát đang bắt đầu dịu đi, mặc dù chỉ dần dần.”

Với GDPNow tại Ngân hàng Fed Atlanta đã cắt giảm từ 2.5% xuống 1.6% trong quý thứ ba, lạm phát thực phẩm và năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng đến nền kinh tế khi người tiêu dùng tiêu hết tiền và các doanh nghiệp hoạt động chậm lại.

Điểm sáng duy nhất là nhu cầu đang dịu đi có thể là yếu tố khắc phục được lạm phát, vốn sẽ tác động bất lợi đến nền kinh tế.

Andrew Moran

Ông Andrew Moran đưa tin về kinh doanh, kinh tế, và tài chính. Ông từng là một nhà văn và phóng viên trong hơn một thập niên ở Toronto, với các bài viết trên Liberty Nation, Digital Journal, và Career Addict. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The War on Cash” (“Cuộc Chiến Tiền Mặt”).

Vân Du biên dịch

Related posts