Đông Timor ‘nói không’ với căn cứ quân sự của Trung Quốc

Lam Giang

(Từ trái sang) Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta bắt tay Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc, hôm 07/9/2022. (Ảnh: AFP/Getty Images)

Tổng thống Đông Timor Jose Ramos-Horta tuyên bố ông sẽ không cho phép một quốc gia thù địch hoặc có khả năng thù địch thiết lập căn cứ quân sự ở Đông Timor, đồng thời khẳng định rằng “quan hệ chặt chẽ” của nước này với Bắc Kinh không gây ra mối đe dọa an ninh nào đối với Úc.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi bộ trưởng quốc phòng của Úc và Đông Timor ký kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng (Defence Cooperation Agreement – DCA) hôm 07/9, sẽ chứng kiến ​​hai quốc gia tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Thỏa thuận cũng nhằm mục đích tăng cường sự hợp tác của các lực lượng vũ trang trong các cuộc tập trận, huấn luyện, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

“Chúng tôi có trách nhiệm với các nước láng giềng, với Úc, với Indonesia, với các nước Đông Nam Á khác là không cho phép Timor-Leste (Đông Timor) trở thành cơ sở cho bất kỳ thế lực thù địch nào bị các nước láng giềng coi là có khả năng thù địch”, ông Ramos-Horta nói với đài ABC của Úc.

“Một Đông Timor thịnh vượng, ổn định mang lại lợi ích cao nhất cho Úc vì Đông Timor nên nằm trong vùng địa lý của những lợi ích chiến lược lớn hơn của Úc”.

Phát biểu về thỏa thuận này, Thủ tướng Úc Anthony Albanese cho biết hai nước “có mối quan hệ đặc biệt như láng giềng” với bề dày lịch sử và mối quan hệ sâu sắc.

“Chúng tôi đã nỗ lực để hướng tới Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng trong hơn một thập kỷ và việc ký kết hôm nay là một bước tiến quan trọng trong quan hệ đối tác của chúng tôi”, ông Albanese cho biết trong một tuyên bố.

Ông Ramos-Horta đến Úc với tư cách khách mời chính thức vào ngày 06/9 trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày để hội đàm với các nhà lãnh đạo chính trị và cộng đồng, trong bối cảnh đất nước của ông đang tìm cách phát triển kinh tế và đóng một vai trò quan trọng trong sự ổn định của khu vực.

Lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương có liên quan đến Úc, dựa trên một thỏa thuận an ninh gần đây được thực hiện giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc.

Trước đó vào tháng 8, ông Ramos-Horta nói với tờ The Guardian rằng đất nước của ông sẽ “xem xét quan hệ đối tác với các nhà đầu tư Trung Quốc” nếu chính phủ Úc từ chối xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Biển Timor đến bờ biển phía nam của đất nước.

Điều này đã thúc đẩy chuyến thăm Dili vào ngày 01/9 của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong, người đã kêu gọi những người đồng cấp của mình tham gia vào chính sách ngoại giao trong im lặng.

Biển Timor có nhiều tài nguyên và đường ống dẫn khí đốt liên tục là điểm gây tranh cãi giữa hai nước kể từ năm 2004.

Bà Wong nói: “Tất cả chúng ta đều quan tâm đến một trật tự ổn định, thịnh vượng, nơi chủ quyền được tôn trọng và các tranh chấp được giải quyết bằng các chuẩn mực”.

Ông Ramos-Horta nói với đài ABC rằng, việc phát triển các mỏ khí đốt Greater Sunrise, nằm cách Darwin 450 km về phía tây bắc và cách Timor-Leste 150 km về phía nam, cũng giống như mọi khoản đầu tư kinh doanh khác.

“Nó chỉ là một đường ống, và Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư giống như Úc, giống như Hàn Quốc, và nó cũng không hoàn toàn là một lựa chọn của Trung Quốc. Chúng ta có Indonesia. Indonesia là một đối tác tiềm năng nghiêm túc trong sự phát triển của dự án Greater Sunrise”, ông nói.

“Úc là đối tác chiến lược của Đông Timor, nhưng có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc, đặc biệt trong việc tạo điều kiện cho sự phát triển của dự án Greater Sunrise. Đây không phải là mối đe dọa an ninh đối với Úc, không phải là căn cứ hải quân trên biển của Trung Quốc ở Đông Timor”.

Ông nói thêm rằng Đông Timor là một trong số ít quốc gia trên thế giới “không nợ” Bắc Kinh.

“Chúng tôi không nợ Trung Quốc một xu nào, nhưng chúng tôi có mối quan hệ tuyệt vời với nước này”.

“Có nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc ở Đông Timor, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại. Điều đó đã giúp ích rất nhiều cho nền kinh tế của chúng tôi vì vật liệu xây dựng và các mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép, xe đạp… đều trở nên rẻ hơn và phù hợp với người dân của chúng tôi”.

Ngày 3/6, Đông Timor đã ký một loạt thỏa thuận với Bắc Kinh trong các lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, y tế và truyền thông.

Đông Timor kêu gọi giải quyết khẩn cấp dự án năng lượng

Đối với dự án Greater Sunrise, Đông Timor kiểm soát 57% và được hưởng ít nhất 70% tiền bản quyền, còn công ty năng lượng Úc Woodside kiểm soát 33% và Osaka Gas của Nhật Bản 10%. Tuy nhiên, ông Ramos-Horta nói rằng đất nước của ông sẽ cạn kiệt tiền trong một thập kỷ nếu dự án này không được đưa vào hoạt động.

“Đây có thể là một thảm họa”, ông nói với đài ABC. “Chúng tôi cần phải đưa dự án Greater Sunrise đi vào hoạt động thương mại, tối đa trong vòng bảy, tám năm tới. Vì vậy, chúng ta phải đưa ra quyết định vào cuối năm nay”.

Lựa chọn ưu tiên của Woodside là trung tâm đã được thành lập ở Darwin, nhưng Đông Timor muốn khí đốt được chuyển đến một địa điểm mới trên bờ biển phía nam của nước này.

Ông Ramos-Horta nói với Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Canberra vào ngày 07/9: “Chúng tôi có một người hàng xóm là Úc, họ có thể làm nên điều kỳ diệu”.

“Bằng cách này, họ sẽ góp phần tạo nên một nền kinh tế Đông Timor rất năng động… rồi quý vị sẽ thấy Đông Timor sẽ phát triển như một Dubai hoặc Singapore”.

Khi được hỏi liệu dự án khí đốt Greater Sunrise có ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu hay không, ông Ramos-Horta cho biết nếu các nước phát triển cung cấp cho đất nước của ông 100 tỷ USD, thì ông sẽ “từ bỏ sự phát triển của dự án Greater Sunrise”.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Anthony Albanese, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về an ninh, hợp tác kinh tế, dịch chuyển lao động và kỹ năng cũng như việc Đông Timor trở thành thành viên ASEAN.

Lam Giang

Related posts