Trung Quốc: Trẻ em Tây Tạng là mục tiêu của chiến dịch thu thập DNA hàng loạt

Mary Hong

Các Phật tử trẻ mới theo học Phật giáo Tây Tạng đứng trên đồng cỏ của trại du mục trên Cao nguyên Tây Tạng ở huyện Mã Đa, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc, vào ngày 24/07/2015. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Bằng chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang thu thập DNA một cách có hệ thống trên khắp Khu tự trị Tây Tạng. Hôm 05/09, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho biết, đối tượng thu thập là trẻ em, bao gồm cả học sinh mẫu giáo, đặc biệt là các bé trai từ năm tuổi trở lên.

Báo cáo cho biết, hoạt động thu thập DNA quy mô lớn này đang diễn ra ở 14 địa phương khác nhau trong toàn bộ bảy khu hành chính cấp tỉnh của Khu tự trị Tây Tạng, mà không cần sự đồng thuận [của người dân].

Như một trong những tài liệu chính thức của chính quyền cộng sản đã tuyên bố, việc thu thập hàng loạt này là cần thiết trong việc tạo cơ sở cho “cơ quan an ninh công cộng phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật khác nhau, và trấn áp hiệu quả các phần tử bất hợp pháp và tội phạm,” Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

“Chính quyền Trung Quốc đã biến người Tây Tạng thành nạn nhân của hành động trấn áp trắng trợn,” bà Sophie Richardson, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tại Trung Quốc nói. “Hiện nay, chính quyền còn đang lấy máu của người dân, theo đúng nghĩa đen, mà không có sự đồng thuận từ họ, nhằm mục đích tăng cường khả năng giám sát của mình.”

Cơ sở dữ liệu hạ tầng 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền tuyên bố rằng việc thu thập như vậy là có chọn lọc ở các khu vực khác của Trung Quốc nhưng phổ biến ở Tây Tạng và Tân Cương, cho thấy chính sách xâm nhập của chế độ này rõ ràng là nhắm mục tiêu vào quần thể dân cư trong hai khu tự trị này.

Một cuộc điều tra trước đó tiết lộ rằng hồi tháng 09/2016, Sở Công an Khu tự trị Tân Cương đã công bố hai gói thầu — với số tiền 8.69 triệu USD và 2.9 triệu USD — cho tổng số 12 bộ trình tự DNA, 30 bộ khuếch đại phản ứng chuỗi polymerase (PCR), và 1,000 lô bộ dụng cụ định dạng gene. Theo một báo cáo năm 2017 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, thương vụ mua bán này cho thấy các nhà chức trách có ý định xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn để lập hồ sơ một số lượng lớn các cá nhân.

Một báo cáo của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI) có nhan đề “Giám Sát Bộ Gene—Bên Trong Chiếc Lưới DNA Của Trung Quốc” (Genomic Surveillance—Inside China’s DNA Dragnet), cũng cho biết bắt đầu từ cuối năm 2017, Bộ Công an đã mở rộng điều tra kiểu giăng lưới này trên khắp Trung Quốc, nhắm mục tiêu vào hàng triệu nam giới và bé trai ở lứa tuổi mầm non.

Báo cáo cho biết, chương trình thu thập dữ liệu DNA hàng loạt này, với mục đích xây dựng việc kiểm soát xã hội toàn diện, “vi phạm luật nội địa Trung Quốc và các chuẩn tắc nhân quyền toàn cầu.”

Trẻ em trong trang phục truyền thống của Tây Tạng và công an theo dõi các tăng nhân Phật giáo Tây Tạng đi ngang qua trong lễ hội Monlam, còn được gọi là Truyền Chiêu Pháp Hội hay Đại lễ cầu nguyện Losar, Tết Tây Tạng, tại Long Vũ Tự, huyện Đồng Nhân, thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Hoàng Nam, trên Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, vào ngày 01/03/2018. (Ảnh: Johannes Eisele/AFP qua Getty Images)

Người ta cũng nói rằng nhiều công ty công nghệ sinh học đang hỗ trợ cảnh sát Trung Quốc xây dựng cơ sở dữ liệu này và có thể thấy chính họ đồng lõa với những vi phạm này. “Họ bao gồm các công ty đa quốc gia như Thermo Fisher Scientific có trụ sở tại Hoa Kỳ và các công ty lớn của Trung Quốc như AGCU Scientific và Microread Genetics.

Theo báo cáo của ASPI, “Tất cả các công ty này có trách nhiệm đạo đức trong việc bảo đảm rằng các sản phẩm và quy trình của họ không vi phạm nhân quyền và quyền tự do dân sự căn bản của công dân Trung Quốc.”

Giám sát tại cấp cơ sở

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền báo cáo rằng việc thu thập DNA ở làng mạc là một phần trong chiến dịch trị an của Trung Quốc trong khu tự trị này, nhấn mạnh “ba hoạt động lớn” trong nỗ lực “củng cố hệ thống quản trị xã hội cấp cơ sở.”

Ba hoạt động lớn là  — thanh tra, điều tra, và hoà giải — yêu cầu công an đến từng hộ gia đình, hỏi người dân về quan điểm của họ, thực hiện điều tram và tiến hành hoà giải tranh chấp.

Sinh viên Tây Tạng phản ứng bên trong xe cảnh sát sau khi bị giam giữ trong cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình gần khách sạn ITC Grand Chola ở Chennai hôm 11/10/2019. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Kể từ ít nhất là năm 2018, nhà cầm quyền Trung Quốc đã cấm tất cả mọi người, ngoại trừ chính quyền và các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thực hiện hòa giải tranh chấp không chính thức, một chức năng dân sự quan trọng ở Tây Tạng mà các Lạt Ma, già làng, hoặc các nhân vật được kính trọng khác ở địa phương trước giờ vẫn là người thường tiến hành, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

Quyền riêng tư của trẻ em

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết việc thu thập DNA của trẻ em đã được thực hiện mà không không cung cấp kiến thức cho các em, cũng như người chăm sóc các em để họ có hiểu biết, thấy hoạt động đó là có ý nghĩa và sẵn lòng đồng ý, đồng thời bị lấy mẫu máu trong các cơ sở giáo dục nơi các em không có sự lựa chọn hay từ chối cung cấp dữ liệu sức khỏe cá nhân của mình.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền lập luận, “Việc sử dụng dữ liệu phát hiện tội phạm này dường như không phải là một mục tiêu chính đáng, tương xứng với mục đích nhằm phục vụ lợi ích tốt nhất của trẻ em.”

Một số báo cáo cho thấy rằng trẻ em dưới năm tuổi đã được đưa vào một số ổ thu thập DNA. Các bức ảnh trong một báo cáo từ thị trấn Thanh Trân thuộc Châu tự trị dân tộc Tạng Quả Lạc (Golok) hồi tháng 04/2021 cho thấy công an đang thu thập mẫu DNA từ các bé trai lớp một của trường tiểu học.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cảnh báo: “Việc thu thập, xử lý, và sử dụng thông tin di truyền tạo ra những rủi ro cao đối với quyền riêng tư của trẻ em. DNA chứa thông tin nhạy cảm cao sẽ ấn định duy nhất và vĩnh viễn một đứa trẻ, thân nhân của các em cũng như tình trạng bệnh lý di truyền có thể dẫn đến khuyết tật và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.”

Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Quyền Trẻ em, việc sử dụng và tiếp xúc với dữ liệu này “có thể gây ra những hậu quả bất lợi cho trẻ em, có thể tiếp tục ảnh hưởng đến các em ở những giai đoạn sau của cuộc đời.”


Mary Hong

Tịnh Nhi  biên dịch

Related posts