Sophia Lam
Hôm 05/09, một trận động đất mạnh 6.8 độ Richter đã tấn công tỉnh Tứ Xuyên, ở phía tây nam của Trung Quốc, với số thương vong tính đến ngày 08/09 đã tăng lên 86 người và 35 người mất tích.
Tâm chấn của trận động đất nằm trong Công viên Rừng băng hà Hải Loa Câu, là một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia ở khu vực miền núi xa xôi thuộc huyện Lô Định, gần Núi Gongga.
Trận động đất làm rung chuyển thủ phủ Thành Đô, cách tâm chấn 125 dặm về phía đông bắc. Hiện thành phố này chưa ghi nhận thương vong về người.
Người dân địa phương ở huyện Lô Định nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng trận động đất đã tấn công những ngôi nhà của họ gây hư hại nặng nề. Nhà cửa bị nứt, có nhà bị sập. Đá từ sườn núi rơi xuống chắn ngang các con đường. Có nơi bị mất điện, đường truyền liên lạc cũng chập chờn không ổn định do tín hiệu bị gián đoạn. Họ rất cần sự cứu trợ và giúp đỡ từ bên ngoài.
Tuy nhiên, chính quyền địa phương tại Châu tự trị dân tộc Cam Tư Tạng, nơi giám sát huyện Lô Định, đã đưa ra thông báo hôm thứ Hai (05/09), áp đặt các biện pháp phong tỏa hà khắc hơn ngay sau trận động đất, giam hãm nạn nhân của trận động đất ở trong nhà của họ và từ chối không cho các đội cứu hộ dân sự vào khu vực.
Theo một thông báo trực tuyến được cho là của Ban chỉ huy ứng phó dịch bệnh và trường hợp khẩn cấp của châu tự trị Cam Tư Tạng, người và phương tiện chỉ được phép đi ra ngoài; đội cứu hộ dân sự không được tiến vào khu vực; đội cứu hộ được chính quyền địa phương cho phép phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 24 giờ; người dân và đội cứu hộ phải thực hiện xét nghiệm PCR hàng ngày.
Thương vong thực tế có thể cao hơn nhiều so với số liệu chính thức, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường xuyên thay đổi dữ liệu và thông tin về thảm họa.
‘Thương vong nặng nề ở thị trấn Ma Tây’
Thị trấn Ma Tây nằm ở ngay lối vào của khu danh lam thắng cảnh rừng băng Hải Loa Câu.
“Nhiều ngôi nhà trong thị trấn đã bị sập, và nhiều người thiệt mạng trong trận động đất này. Rất thương tâm,” bà La Na (Luo Na, hóa danh), một cư dân sống tại Hải Loa Câu, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 05/09.
Bà nói thêm rằng nhiều người vẫn đang bị vùi lấp trong đống đổ nát, nhưng hoạt động cứu hộ diễn ra chậm chạp do chính quyết siết chặt các biện pháp phong tỏa và đường xá khó đi.
Bà La nói: “Chính quyền địa phương chỉ cho phép các đội cứu hộ được cho phép chính thức vào trong, còn nhân viên cứu hộ dân sự không ai được phép vào.”
Theo bà La, thương vong ở quận Thạch Miên lân cận nghiêm trọng hơn, nhưng bà không đưa ra con số chính xác về số người bị thương và tử vong.
Bà nói rằng người dân không được chuẩn bị vì chính quyền không cảnh báo trước cho dân chúng về trận động đất. Kể từ khi có động đất, kết nối Internet cũng không còn hoạt động, và những người mắc kẹt trong tâm chấn không biết chuyện gì đang xảy ra.
Một cư dân mạng đã lên mạng cầu cứu, nói rằng em gái của anh ấy đã đi du lịch ở Hải Loa Câu vào ngày 05/09, tới hôm 06/09 thì anh đã mất liên lạc với em gái, hy vọng ai đó có thể cung cấp cho anh thông tin của cô.
‘Ngọn núi như tách làm hai’
Cư dân huyện Lô Định tên Lâm Lỗi (Lin Lei, hóa danh) nói với ấn phẩm Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 06/09 rằng hai khách sạn ở danh tích Hải Loa Câu đã bị sập, trong đó nhiều người bị mắc kẹt trong đống đổ nát.
Huyện Lô Định cách Hải Loa Câu khoảng 50 dặm về phía đông bắc. Cô Lâm nói rằng người dân đã nghe thấy một tiếng động cực lớn khi trận động đất xảy ra và mọi người ngay lập tức chạy ra ngoài.
Cô Lâm Lỗi nói: “Chúng tôi trở nên cảnh giác hơn sau trận động đất ở Mân Xuyên.”
Vào ngày 12/05/2008, một trận động đất có cường độ 8.0 độ richter tấn công thành phố Mân Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, và gây thiệt hại nghiêm trọng, khiến 22,000 người thiệt mạng.
Cô Lâm nói rằng trước trận động đất vừa rồi, thời tiết rất thất thường. “Bình thường ở đây sau tháng Mười mới có tuyết. Nhưng giờ này năm nay tuyết đã rơi rồi. Trời có vừa có mưa vừa có tuyết, sau đó lại có nắng, điều này là khá hiếm gặp.”
“Tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh núi sập. Tôi nhìn thấy ngọn núi nứt ra và khói cuộn xung quanh, đó là một cảnh tượng khá đáng sợ. Ngọn núi như chuẩn bị tách làm hai”, cô Lâm nói rằng cảm giác sợ hãi ấy vẫn còn ám ảnh cô.
Cô ấy nói rằng hoạt động cứu hộ diễn ra rất chậm do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa.
“Nếu không vì biện pháp kiểm soát dịch bệnh này, thì đã có rất nhiều nhân viên và phương tiện cứu hộ từ những nơi khác đến,” cô nói. “Nhưng hiện tại hoạt động cứu hộ diễn ra chậm chạp, và khoảng thời gian vàng [72 giờ] có thể bị bỏ lỡ,” cô nói.
Vì tâm chấn nằm trong một khu vực có địa hình đồi núi, nên trận động đất đã gây ra lở đất, khiến các ngôi làng trôi dạt theo sườn núi. Cô Lâm nói rằng có những người dân bị chôn vùi dưới bùn và đá. Cô nói thêm, khi thời gian vàng trôi qua, sẽ có thêm nhiều người thiệt mạng.
Cô cảm thấy rằng người dân Trung Quốc đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong năm nay.
“Giờ đây vừa bị đại dịch kiểm soát, chúng tôi lại có thêm trận động đất này. Các hàng quán đều đóng cửa; chúng tôi không biết khi nào thì cuộc sống mới quay trở lại bình thường,” cô Lâm nói. “Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta vẫn còn bình an vô sự thế này đã là tốt lắm rồi.”
Việc ĐCSTQ từ chối người cứu hộ là ‘lãng phí sinh mạng’
Nhà bình luận các vấn đề thời sự Đường Tĩnh Viễn (Tang Jingyuan) nói rằng việc nhà cầm quyền cộng sản từ chối giải cứu dân thường cho thấy rằng chính quyền không hề quan tâm đến tính mạng của người dân Trung Quốc.
Khi nói chuyện với ấn phẩm Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 06/09, ông Đường nói rằng yêu cầu xét nghiệm PCR của quan chức địa phương đối với các nhân viên cứu hộ chính thức là một yêu cầu chính trị, một nỗ lực phục tùng đường lối của đảng về chính sách zero COVID.
“Ở Trung Quốc, phải mất ít nhất bốn đến sáu giờ, đôi khi hơn mười hai giờ, trước khi có kết quả xét nghiệm PCR,” ông Đường cho hay, “Quy định này là lãng phí thời gian và lãng phí sinh mạng vì thời gian vàng để cứu hộ chỉ có 72 giờ.”
Ông Đường nói rằng chính quyền địa phương không cho phép các đội cứu hộ dân sự đi vào khu vực xảy ra tâm chấn vì chính quyền không muốn mọi người biết tình hình thực sự trong khu vực.
Năm 2008, sau trận động đất ở Mân Xuyên, “nhân viên cứu hộ dân sự đã phơi bày chất lượng xây dựng trường học tồi tệ, hay còn gọi là “xây dựng bằng bã đậu”, dẫn đến việc các tòa nhà của trường học bị sập, khiến nhiều em học sinh tuổi thiếu thời thiệt mạng. Ông Đường cho biết, “Trên thực tế, rất có thể việc chính quyền huyện Lô Định từ chối giải cứu thường dân là một nỗ lực để ngăn không cho những người cứu hộ dân sự có cơ hội phơi bày những vụ bê bối tương tự.”
Ông Đường nói thêm rằng, “Tôi không biết có bao nhiêu người có cơ hội được cứu đã mất mạng vì thói che đậy sự thật của nhà cầm quyền.”
Sophia Lam
Hồng Ân biên dịch