Tin VN sáng thứ Ba: Hộp cơm thịt chuột nguyên đuôi của học sinh gây xôn xao dư luận Quảng Nam

Hộp cơm thịt chuột nguyên đuôi của học sinh gây xôn xao dư luận Quảng Nam

Bức ảnh về hộp cơm thịt chuột nguyên đuôi đang gây xôn xao dư luận ở tỉnh Quảng Nam. (ảnh chụp màn hình NĐT).

Hình ảnh chụp hộp cơm trắng kèm ‘con chuột nguyên đuôi’ được đăng trên mạng xã hội với nội dung ‘bữa cơm’ của học sinh vùng cao huyện Nam Giang (Quảng Nam) đã gây xôn xao dư luận.

Tờ Dân Trí đưa tin, những ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh hộp cơm trắng với duy nhất món thịt chuột được cho là của các em học sinh ở huyện vùng cao Nam Giang, Quảng Nam.

Theo hình ảnh, món thịt chuột chế biến sơ sài được các em học sinh tranh thủ ăn vội lúc ở trường đã khiến nhiều người nhói lòng.

Nội dung đăng tải trên mạng xã hội nêu: “Không phải một bữa cơm đầy đủ thịt cá, không phải hộp cơm đẹp đẽ được mẹ chuẩn bị cẩn thận mỗi buổi sớm trước khi đến lớp. Dưới đây là hình ảnh hộp cơm của một em học sinh vùng cao tại Nam Giang, Quảng Nam khiến nhiều người phải xót xa, không khỏi chạnh lòng”.

Sau khi hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ sự xót thương với bữa ăn đạm bạc của học sinh ở vùng cao tỉnh Quảng Nam. Cũng không ít ý kiến cho rằng đây là món ăn rất đỗi bình thường của bà con địa phương.

Ngày 12/9, trao đổi với PV Người Đưa Tin về thông tin trên, ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho biết, chính quyền đã nắm được thông tin vụ việc “hộp cơm thịt chuột” mà dư luận đang xôn xao.

Theo ông Sơn, cơ quan chức năng huyện là Phòng Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp các đơn vị khác vào cuộc kiểm tra thông tin nêu trên.

Tuy nhiên, ban đầu có thể nhận định những thông tin lan truyền là sai sự thật. Tất cả học sinh thuộc diện bán trú trên địa bàn huyện đều được hỗ trợ tiền ăn trưa. Mỗi bữa ăn đều có đầy đủ rau, cá, thịt chứ không phải chỉ món thịt chuột chế biến sơ sài như bài đăng.

Hội An

Việt Nam mong Úc tăng hạn ngạch Chương trình Lao động Kỳ nghỉ

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Úc tăng hạn ngạch cho người Việt theo Chương trình Lao động Kỳ nghỉ, khi gặp người đồng cấp Penny Wong.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Úc ngày 11-13/9 theo lời mời của Ngoại trưởng Penny Wong và đồng chủ trì Hội nghị Ngoại trưởng Việt Nam – Úc lần thứ 4, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.

Hai bên nhất trí xem xét điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chương trình thị thực nông nghiệp phù hợp với tình hình mới. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị phía Úc tăng hạn ngạch cho công dân Việt Nam sang Úc theo Chương trình Lao động Kỳ nghỉ, quan tâm và tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam tại Úc sinh sống và hội nhập.

Ngoại trưởng Wong (trái) và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trước hội nghị hôm 12/9. Ảnh: TTXVN.
Ngoại trưởng Wong (trái) và Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trước hội nghị hôm 12/9. Ảnh: TTXVN.

Visa lao động kết hợp kỳ nghỉ là loại thị thực dành cho công dân trẻ tuổi của một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, được phép đến Úc làm việc kết hợp với du lịch trong khoảng thời gian một năm.

Chương trình Lao động Kỳ nghỉ bắt đầu ngày 1/7 hàng năm và kết thúc ngày 30/6 của năm kế tiếp. Số lượng visa lao động kết hợp kỳ nghỉ cấp lần đầu cho đương đơn mang hộ chiếu Việt Nam có giới hạn là 1.500 chỉ tiêu/năm. Chính phủ Úc trước đó thông báo tăng giới hạn thêm 30% trong chương trình 2022-2023, cấp cho 1.950 chỉ tiêu.

Ngoại trưởng Wong nhất trí tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư và kinh doanh tại Úc, cũng như đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở cùng có lợi trong các lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu và Australia có kinh nghiệm và nguồn lực như nông nghiệp, năng lượng sạch, viện trợ phát triển (ODA)…

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Úc duy trì và mở rộng ODA cho Việt Nam sang các lĩnh vực mới mà Việt Nam đang có nhu cầu, tăng cường đầu tư hai chiều, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng nông, thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Úc, như chanh leo, bưởi và tôm tươi nguyên con.

Ngoại trưởng Wong khẳng định Úc đánh giá cao quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN và coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, cam kết đẩy mạnh hợp tác vì sự phát triển bền vững của khu vực tiểu vùng Mekong trong khuôn khổ Đối tác Mekong – Úc. Hai bộ trưởng cũng nhất trí tăng cường hợp tác biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và ở Biển Đông.

Kim ngạch thương mại Việt Nam – Úc năm 2021 đạt 12,4 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt 9.6 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Vũ Anh

Buộc thôi việc thẩm phán nhận hối lộ

TAND TP. Kon Tum, nơi ông Tuấn công tác (Ảnh: Thanh Niên).

Ngày 12/9, Toán án nhân dân (TAND) tỉnh Kon Tum đã có quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với ông Nguyễn Văn Tuấn, cựu thẩm phán sơ cấp TAND TP Kon Tum vì nhận hối lộ.

Theo Zing, trước đó, ngày 13/5/2020, thẩm phán Nguyễn Văn Tuấn được Chánh án TAND TP. Kon Tum phân công thụ lý giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình “Tranh chấp ly hôn, nuôi con, cấp dưỡng và chia tài sản khi ly hôn” giữa bà D. và ông B (trú tại TP. Kon Tum).

Ngày 30/7/2020, ông Tuấn gọi điện thoại cho bà D. đặt vấn đề hứa hẹn sẽ giúp đỡ để giải quyết nhanh, thực hiện theo nội dung đơn khởi kiện. Ông Tuấn đưa ra điều kiện sau khi xét xử xong vụ án, bà D. phải đưa cho Tuấn ít nhất 20 triệu đồng.

Chiều 29/9/2020, bà D. mang 20 triệu đồng đưa cho ông Tuấn. Một ngày sau, người phụ nữ gửi đơn tố cáo Tuấn về hành vi nhận hối lộ. Ông Tuấn sau đó bị tuyên phạt 4 năm tù về tội nhận hối lộ.

Mỹ An

Bắt Phó tổng giám đốc FLC Faros Nguyễn Thiện Phú

Ông Nguyễn Thiện Phú. (Ảnh: Bộ Công an)

Ông Nguyễn Thiện Phú – Phó tổng giám đốc Công ty FLC Faros bị cáo buộc giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Ngày 12/9, trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng kiêm phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và khám xét đối với ông Nguyễn Thiện Phú để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, theo Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Ông Phú từng đảm nhận các chức vụ: Phó tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng FLC Faros và kế toán trưởng của công ty này.

Các quyết định nêu trên đã được Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phê chuẩn.

Theo kết quả điều tra, trong thời gian từ 2015 – 2016, ông Phú đã có hành vi giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hình thức các bị can áp dụng là thông qua việc tăng khống vốn điều lệ từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần của Công ty CP Xây dựng Faros, niêm yết trên sàn chứng khoán rồi bán để chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Bộ Công an bước đầu xác định tính đến ngày 24/2/2021, ông Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái ruột là Trịnh Thị Minh Huế bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên ông Quyết và cổ phiếu ROS mang tên 5 cá nhân khác (do ông Quyết nhờ đứng tên). Qua đó, các bị can thu được tổng số tiền hơn 6.400 tỷ đồng rồi rút tiền mặt để chiếm đoạt.

Hiện, vụ án đang được cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ.

Trần Duy

Quảng Trị: Sáp nhập 2 đơn vị vì nợ lương, cán bộ bỏ việc

Trại sản xuất giống của Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: CĐ/laodong.vn)

Hơn 1 năm tự chủ hoàn toàn về chi thường xuyên, Trung tâm Giống Thủy sản tỉnh Quảng Trị đã nợ lương và các chế độ của người lao động.

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị vừa đề xuất sáp nhập hai Trung tâm là Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi và Trung tâm Giống thủy sản.

Lý do, Sở này muốn nhằm tinh gọn bộ máy, giảm bớt khó khăn về tài chính.

Theo Sở, hơn 1 năm thực hiện tự chủ 100% về chi thường xuyên (bắt đầu từ năm 2021), việc tổ chức sản xuất tạo nguồn thu tại Trung tâm Giống thủy sản còn hạn chế, chưa phát huy có hiệu quả cơ sở hạ tầng được đầu tư, một số mô hình triển khai chậm so với kế hoạch.

Đặc biệt, tình trạng chậm trả lương và các chế độ, khiến đời sống cán bộ viên chức gặp khó khăn. Từ tháng 2/2022, có 15 cán bộ viên chức của Trung tâm Giống thủy sản bị nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Từ đầu năm 2022 đến nay, một số cán bộ viên chức ở đơn vị này xin chuyển công tác, tìm việc làm mới.

Ngược lại, Trung tâm Giống Cây trồng – Vật nuôi đang hoạt động hiệu quả. Do đó, Sở đề xuất sáp nhập hai Trung tâm này, với tên mới là “Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Quảng Trị” hoặc “Trung tâm Giống cây trồng – vật nuôi và thủy sản tỉnh Quảng Trị”.

Hiện UBND tỉnh Quảng Trị đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu phương án giải quyết đề xuất về việc sáp nhập 2 trung tâm của Sở NN-PTNT tỉnh.

Minh Long

Mỹ yêu cầu hộ chiếu mới của Việt Nam bổ sung bị chú nơi sinh

Hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam (Ảnh: Đai sứ quán Mỹ).

Thông tin từ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam ngày 12/9 cho biết, kể từ ngày 3/10, tất cả các đương đơn xin thị thực có hộ chiếu mới bìa màu xanh tím than phải có bị chú về nơi sinh trước buổi phỏng vấn.

Các đương đơn không có bị chú trong hộ chiếu bìa màu xanh tím than sẽ không được phép phỏng vấn, và phải đặt lại lịch hẹn khác.

Nếu hộ chiếu mới của đương đơn không có bị chú, cần mang theo bản gốc giấy khai sinh đến buổi phỏng vấn. Nếu đương đơn không có giấy khai sinh nhưng có hộ chiếu cũ bìa xanh lá cây có thông tin nơi sinh, cần mang theo cả hộ chiếu cũ cùng với hộ chiếu mới.

Đại sứ quán khuyến cáo mọi người đã có lịch hẹn phỏng vấn trong thời gian tới cần bổ sung bị chú trước ngày hẹn. Do những bất tiện nhất định của yêu cầu này, Đại sứ quán Mỹ sẽ tiếp tục phỏng vấn các đương đơn mà không có bị chú trong hộ chiếu từ giờ đến hết ngày 29/9.

Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới bìa màu xanh tím than được Bộ Công an triển khai cấp cho người dân từ ngày 1/7/2022.

Huệ Liên

Related posts