Tin thế giới sáng thứ Sáu: Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Trung Quốc ‘ngừng hoạt động’ một tuần: Putin ‘giáo huấn’ Tập Cận Bình?

Đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Trung Quốc ‘ngừng hoạt động’ một tuần: Putin ‘giáo huấn’ Tập Cận Bình?

Đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” (Ảnh: Wikipedia)

Tập đoàn năng lượng nhà nước của Nga Gazprom đã thông báo vào ngày 20 rằng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên có tên “Sức mạnh Siberia” vận chuyển khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc sẽ ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên trong một tuần vì lý do “đại tu”.

Mặc dù Gazprom khẳng định việc ngừng cung cấp một tuần đã nằm trong lịch trình bảo dưỡng dự kiến, nhưng báo chí phương Tây phân tích rằng động thái của Gazprom có ​​thể bị ảnh hưởng bởi căng thẳng gần đây giữa hai nước, và nó có ý nghĩa “giáo huấn” ông Tập Cận Bình.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Uzbekistan vào ngày 15 vừa qua. Nga đã công khai thừa nhận rằng Trung Quốc có “câu hỏi và lo ngại” về tình hình ở Ukraine, tạo thêm biến số cho quan hệ Nga-Trung.

Vào thời điểm đó, ông Tập Cận Bình nói: “ủng hộ ‘lợi ích cốt lõi’” của Nga, nhưng cũng bày tỏ mong muốn kết thúc chiến tranh, ông nói:”Trung Quốc với tư cách là một cường quốc sẽ nỗ lực khôi phục sự ổn định cho một thế giới đầy sóng gió”.

Ông Putin đáp lại: “Đối với cuộc khủng hoảng Ukraine, tôi đánh giá cao lập trường công bằng của những người bạn Trung Quốc của tôi. Chúng tôi hiểu những nghi ngờ và lo ngại của bạn về vấn đề này. Tôi sẽ làm rõ lập trường của chúng tôi trong cuộc hội đàm hôm nay”.

Điều này được các nhà quan sát cho rằng đã có một mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và Nga về cuộc chiến Ukraine.

Sau khi ông Tập trở về Trung Quốc, Nga đã ngay lập tức thông báo về việc đại tu đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Sức mạnh Siberia”, và thông tin rằng nguồn cung cấp khí đốt bị đình chỉ trong một tuần từ ngày 22 đến 29 tháng 9.

Điều này khiến các chuyên gia liên tưởng tới việc Gazprom cũng đã cắt nguồn cung khí đốt cho Đức với lý do “đại tu” Đường ống “Dòng chảy phương Bắc 1”. Do đó, họ nghi ngờ rằng ông Putin đã lợi dụng việc này để “dạy dỗ” ông Tập Cận Bình, đồng thời cũng nhằm mục đích để Trung Quốc nhận ra rằng, về vấn đề năng lượng, Trung Quốc vẫn phải dựa vào Nga, và quyền thống trị chủ chốt vẫn nằm trong tay Nga.

Trần Phong

Thủ tướng Liz Truss: Anh có thể theo chân Mỹ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem

Bà Liz Truss, khi đó là Ngoại trưởng Vương quốc Anh, tại sự kiện tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ, ở London, Anh, ngày 21/07/2022. (Ảnh: Dan Kitwood / Getty Images)

Thủ tướng Anh Liz Truss đã nói với Thủ tướng Israel Yair Lapid rằng bà đang xem xét chuyển Đại sứ quán Anh từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Bà Truss đã gặp ông Lapid tại một hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ) vào thứ 4 (21/09) theo giờ địa phương. Tại đây, bà Truss nói với Thủ tướng Israel rằng bà đang xem xét khả năng đi theo sự dẫn dắt của Mỹ trong vấn đề Đại sứ quán, theo PA Media.

Kể từ khi thành lập Israel năm 1948, Anh đã đặt Đại sứ quán ở Tel Aviv, mặc dù Jerusalem là thủ đô chính thức.

Ngay sau khi đến Tòa Bạch Ốc năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã hứa sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem.

Ông đã thực hiện cam kết đó, bất chấp rất nhiều lời chỉ trích. Đại sứ quán Mỹ đã mở cửa tại Jerusalem vào tháng 05/2018.

Một thủ đô không thể chia cắt

Người Palestine luôn tìm cách tuyên bố rằng Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước mà họ muốn thành lập ở Bờ Tây. Tuy nhiên, Israel coi toàn bộ Jerusalem, bao gồm cả khu vực phía đông mà họ đã sáp nhập trong cuộc Chiến tranh 6 ngày diễn ra năm 1967, là “thủ đô trường tồn và không thể chia cắt”.

Trong cuộc chạy đua vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ của Anh vào mùa hè này, bà Truss, người khi đó là Ngoại trưởng dưới thời ông Boris Johnson, đã viết một lá thư gửi đến Những người bạn Bảo thủ của Israel, trong đó bà hứa sẽ chuyển Đại sứ quán Anh đến Jerusalem.

Trong thư, bà viết: “Tôi hiểu tầm quan trọng và sự nhạy cảm của vị trí đặt Đại sứ quán Anh tại Israel. Tôi đã có nhiều cuộc trò chuyện với người bạn tốt của tôi … – ông Lapid – về chủ đề này. Tôi sẽ cân nhắc một bước đi để đảm bảo chúng tôi hoạt động trên vị trí vững chắc nhất trong lãnh thổ Israel”.

Khi ông Trump công bố kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ, người đại diện của Palestine ở Vương quốc Anh, ông Manuel Hassassian, đã nói với BBC rằng điều ấy giống như “tuyên chiến” với Trung Đông. Tuy nhiên, giọng điệu của ông Hassassian đã bị các quốc gia Ả Rập phản đối.

Vào tháng 9/2020, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Vương quốc Bahrain bình thường hóa quan hệ với Israel. Tháng 10/2020, Sudan bình thường hóa quan hệ với Israel, và sau đó, vào tháng 12/2020, Morocco bình thường hóa quan hệ với Israel.

Xuân Hoa

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lên 2.25% – mức cao nhất kể từ năm 2008

Người dân đi bộ ở Chợ Brixton, phía nam London, ngày 29/12/2021. (Ảnh: Hollie Adams / AFP qua Getty Images)

Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BOE) vừa thông báo họ sẽ tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn 13 năm, đồng thời cho biết họ tin rằng nền kinh tế Anh đã rơi vào suy thoái.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của BOE đã quyết định tăng lãi suất từ ​​1,75% lên 2,25% – mức cao nhất kể từ tháng 11/2008. Đây được cho là nỗ lực của MPC trong việc kiểm soát lạm phát, hiện ở mức 9,9%.

MPC cho biết “thị trường lao động thắt chặt với tăng trưởng tiền lương và lạm phát trong nước” hiện ở mức cao hơn các mục tiêu; những yếu tố này đặt ra yêu cầu cần phải có một “phản ứng mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, mức tăng này của Anh ít quyết liệt hơn mức tăng 0,75 điểm phần trăm được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố vào thứ 4 (21/09).

BOE cũng đã bỏ phiếu nhất trí giảm nới lỏng định lượng đi một khoản 80 tỷ GBP (bảng Anh) – tương đương 90 tỷ USD – trong 12 tháng tới, xuống 758 tỷ GBP (855 tỷ USD).

Kiểm soát lạm phát

Mức tăng 0,5 điểm phần trăm được quyết định sau khi 5 trong số 9 thành viên MPC bỏ phiếu ủng hộ, bao gồm cả Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh – ông Andrew Bailey.

Ba thành viên — ông Jonathan Haskel, bà Catherine Mann và ông Dave Ramsden — đã bỏ phiếu ủng hộ mức tăng 0,75 điểm phần trăm giống như quyết định của Fed, trong khi thành viên còn lại — bà Swati Dhingra — kêu gọi tăng 0,25 điểm phần trăm.

Theo phân tích của tổ chức Institute of Directors, BOE quyết định tăng lãi suất vì hóa đơn năng lượng sẽ tăng vào tháng tới, bất chấp sự hỗ trợ đáng kể của chính phủ dành cho các hộ gia đình.

Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng Kitty Ussher của Institute of Directors cho rằng hầu hết các thành viên MPC đã chọn tăng lãi suất ở mức thấp hơn kỳ vọng của thị trường vì “dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Vương quốc Anh đã đứng yên trong mùa hè và những dấu hiệu ban đầu chỉ ra rằng các vị trí cần tuyển dụng lao động có thể đã đạt đến đỉnh điểm”.

Tại cuộc họp, MPC cho biết lạm phát hiện được dự kiến sẽ không tăng cao như dự đoán ​​trước đó sau khi chính phủ Anh vào hồi đầu tháng này công bố kế hoạch đóng băng giá năng lượng cho các hộ gia đình.

MPC cho biết lạm phát Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hiện sắp sửa đạt đỉnh ở mức “chỉ dưới 11%”, thay vì mức 13,3% được dự đoán tại cuộc họp của MPC vào tháng 8.

Suy thoái kinh tế

Trước đây, Ngân hàng Trung ương Anh dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong quý tài chính hiện tại; tuy nhiên hiện nay, họ cho biết họ tin rằng GDP sẽ giảm 0,1%.

Điều này diễn ra sau khi GDP được báo cáo giảm 0,2% trong quý II. Điều này có nghĩa là nền kinh tế Anh hiện đang suy thoái.

Đáp lại dự báo của BOE, một phát ngôn viên của chính phủ Anh phát biểu: “Vương quốc Anh không đơn độc khi đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm; việc [Tổng thống Nga Vladimir Putin] xâm lược Ukraine và vũ khí hóa năng lượng đang là thách thức toàn cầu đối với các nền kinh tế trên toàn thế giới”.

“Một vài yếu tố chỉ xảy ra một lần cũng đang tác động đến triển vọng trong nước, chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải hành động. Chúng tôi sẽ hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp có hóa đơn năng lượng cao; đồng thời chúng tôi cam kết thực hiện một kế hoạch vì tăng trưởng, điều mà Thủ tướng [Anh] sẽ trình bày chi tiết trong Kế hoạch tăng trưởng vào ngày mai”.

Bảo Nguyên

Thượng viện Mỹ kêu gọi cải cách các cơ quan tình báo để ứng phó với các mối đe dọa

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio (Florida) phát biểu trong phiên điều trần xác nhận của Ủy ban Thượng viện về Thương mại, Khoa học và Giao thông vận tải trên Đồi Capitol ở Washington, vào ngày 21/4/2021. (ARnh: Graeme Jennings/AFP/Getty Images)

Một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã khuyến nghị rằng các cơ quan tình báo của quốc gia cần phải tiến hành cải cách để chống lại các đối thủ của Hoa Kỳ, đặc biệt là Trung Quốc.

Ủy ban Chọn lọc về Tình báo Thượng viện Mỹ (United States Senate Select Committee on Intelligence – SSCI) đã ban hành báo cáo được biên soạn lại (pdf) vào ngày 20/9.

Tài liệu dựa trên hai năm nghiên cứu độc lập và phi đảng phái về các mối đe dọa tình báo nước ngoài mà Mỹ phải đối mặt, trong đó xác định những thách thức và đưa ra một loạt các giải pháp để đảm bảo định vị Trung tâm Phản gián và An ninh Quốc gia (NCSC) để ứng phó với các mối đe dọa tình báo nước ngoài. Cuộc điều tra nhằm đánh giá sứ mệnh, nhiệm vụ và quyền hạn, nguồn lực và cấu trúc của NCSC.

NCSC là một bộ phận của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, cung cấp hỗ trợ phản gián cho Cộng đồng Tình báo Hoa Kỳ, chính phủ liên bang và các tổ chức tư nhân.

Phó Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng hòa-Florida) và Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) đưa ra đánh giá của lưỡng đảng, được biên soạn lại về các mối đe dọa tình báo nước ngoài mà Mỹ đang phải đối mặt

Ông Rubio cho biết, các quốc gia bên ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, đang nhanh chóng phát triển các khả năng mới để nhắm mục tiêu vào Hoa Kỳ.

“Các chính phủ đối địch nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc, hiện đang nhắm mục tiêu vào tất cả các lĩnh vực của xã hội Hoa Kỳ”, ông Rubio nói.

“Ủy ban này nhằm mục đích đảm bảo rằng công chúng, ngành công nghiệp và giới học giả Hoa Kỳ nhận thức được điểm này và đảm bảo rằng Cộng đồng Tình báo có các cơ quan chức năng và nguồn lực cần thiết để đối đầu hiệu quả với những mối đe dọa phản gián mới này”.

Chủ tịch Ủy ban, Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân chủ-Virginia) cho biết, Mỹ cần phải thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với vị thế phản gián của quốc gia nếu muốn bảo vệ an ninh và kinh tế của đất nước.

“Ngày nay Hoa Kỳ phải đối mặt với một bối cảnh đe dọa hoàn toàn khác so với cách đây vài thập kỷ. Các mối đe dọa mới và công nghệ mới có nghĩa là Mỹ phải thực hiện những điều chỉnh đáng kể đối với vị thế phản gián của mình nếu chúng ta muốn bảo vệ an ninh quốc gia và kinh tế của đất nước mình”, Chủ tịch Warner cho hay.

Báo cáo nói rằng, NCSC đã không được đảm bảo để đối đầu hiệu quả với các mối đe dọa mà toàn xã hội hiện đang phải đối mặt. Báo cáo lưu ý rằng cần phải làm rõ hơn về nhiệm vụ, cơ cấu và trách nhiệm của NCSC.

Báo cáo cũng khuyến nghị rằng cần phải phát triển một định nghĩa mới trong toàn chính phủ về phản gián để định vị và ứng phó tốt hơn với bối cảnh mối đe dọa hiện đại, các cuộc tấn công mạng và các hoạt động gây ảnh hưởng nhắm vào người dân Mỹ.

Hoa Kỳ phải đối mặt với các mối đe dọa từ nhiều đối thủ khác nhau, bao gồm các tổ chức nhà nước quyền lực như Trung Quốc và Nga, các đối thủ trong khu vực, các quốc gia nhỏ liên kết với các đối thủ của Hoa Kỳ, các thực thể có động cơ tư tưởng và các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, báo cáo cho hay.

Theo đó, các tổ chức tình báo nước ngoài đang nhắm mục tiêu vào các khu vực công và tư như nhau, bao gồm khu vực tài chính, cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ, các tổ chức học thuật, các cơ quan và bộ phận của chính phủ Hoa Kỳ không thuộc cộng đồng tình báo và các phòng thí nghiệm quốc gia.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, những đối thủ ngày nay có quyền truy cập vào nhiều loại công cụ khác nhau để đánh cắp thông tin, gây ảnh hưởng đến các quan chức Hoa Kỳ hoặc gây căng thẳng chính trị và xã hội so với trước đây. Các hoạt động đó bao gồm cả hoạt động tình báo phi truyền thống, an ninh mạng, áp dụng kỹ thuật tiên tiến và mã nguồn mở để thu thập thông tin chống lại các kế hoạch và chính sách của Hoa Kỳ, sử dụng công nghệ nhạy cảm, thông tin nhận dạng cá nhân và tài sản trí tuệ, cũng như ảnh hưởng đến việc ra quyết định và quan điểm của công chúng Hoa Kỳ;

Báo cáo khuyến nghị rằng Quốc hội Mỹ, cùng với Chi nhánh điều hành và Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, cần xây dựng một định nghĩa nhất quán trong toàn chính phủ Hoa Kỳ về phản gián, phản ánh bối cảnh mối đe dọa ngày nay, đồng thời ban hành các cải cách để làm rõ sứ mệnh, cơ cấu và trách nhiệm của NCSC và xác định vai trò của cơ quan này trong các hoạt động phản gián.

Trong số các kết luận của báo cáo là các cơ quan gián điệp Hoa Kỳ thường xuyên bị cản trở trong nỗ lực thực hiện phản gián vì thông tin sai lệch, các vấn đề kinh phí và sự không phối hợp giữa các cơ quan.

Báo cáo của Ủy ban được ban hành sau một năm đầy tranh cãi trong quan hệ Trung – Mỹ. Bộ Tư pháp trước đây đã liên kết với các cơ quan tình báo của Trung Quốc để âm mưu do thám, sách nhiễu, đe dọa, và thậm chí tấn công các công dân Hoa Kỳ chỉ trích chế độ.

Bất chấp áp lực liên tục từ ĐCSTQ, chính quyền ông Biden đã chấm dứt Sáng kiến chống gián điệp ​​Trung Quốc của Bộ Tư pháp vào tháng Hai và đến nay không thay thế nó bằng một chương trình mới.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Nhật Bản lần đầu can thiệp cứu đồng yen kể từ năm 1998

Bộ Tài chính Nhật Bản chiều nay can thiệp vào thị trường tiền tệ để đẩy giá yen lên, khi đồng tiền này liên tục mất giá so với USD.

Quyết định trên được đưa ra sau khi giá yen rơi xuống dưới ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng tại 145 yen đổi một USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998 giới chức Nhật Bản phải kéo giá nội tệ lên.

Yen vốn đã yếu đi so với USD vài tháng qua, tổng cộng giảm 20% từ đầu năm. Tuy nhiên, giá đồng tiền này chiều nay tiếp tục giảm mạnh sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định giữ nguyên chính sách lãi suất âm, bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm qua nâng lãi suất mạnh tay để ghìm lạm phát. BOJ cho biết không có ý định nâng lãi trong tương lai gần.

Diễn biến tỷ giá USD - yen hôm nay: Yen tăng giá mạnh sau thông báo can thiệp của giới chức. Biểu đồ: Bloomberg
Diễn biến tỷ giá USD – yen hôm nay: Yen tăng giá mạnh sau thông báo can thiệp của giới chức. Biểu đồ: Bloomberg

Sự chênh lệch về lãi suất đã khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm liên tục bán khống đồng yen thời gian qua. “Trên thị trường ngoại hối đang có diễn biến một chiều và rất nhanh, theo hướng đầu cơ”, Thứ trưởng Tài chính chịu trách nhiệm các vấn đề quốc tế Masato Kanda cho biết trước báo giới hôm nay, “Chính phủ lo ngại về các biến động quá lớn này và đã có động thái kiên quyết”.

Sau thông báo của Bộ Tài chính Nhật Bản, giá yen chiều nay đã tăng 2,3% so với USD, lên 140 yen đổi một USD.

Dù vậy, giới phân tích nghi ngờ hiệu quả của hành động mang tính đơn phương này. “Động thái của họ có thể làm chậm lại đà giảm của yen”, Christopher Wong – chiến lược gia tiền tệ tại ngân hàng OCBC nhận định, “Nhưng chỉ một cách đó thôi là không đủ thay đổi xu hướng nền tảng của yen, trừ phi USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm, hoặc BOJ thay đổi chính sách tiền tệ”.

Can thiệp vào thị trường tiền tệ là động thái hiếm hoi với Nhật Bản. Lần cuối cùng Nhật Bản phải kéo giá yen lên là trong khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998. Khi đó, tỷ giá cũng quanh 146 yen đổi một USD, đe dọa nền kinh tế Nhật Bản còn mong manh.

Đến năm 2011, nước này cũng phải can thiệp, nhưng là để ghìm giá yen xuống khi tỷ giá lên khoảng 130 yen một USD.

Hà Thu

Related posts