Thanh Hải
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un mới đây đã gửi lời chúc mừng sinh nhật tới Tổng thống Nga Vladimir Putin, chúc mừng ông đã “phá tan những thách thức và mối đe dọa của Hoa Kỳ”, đánh dấu tín hiệu mới nhất cho thấy mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa hai nước trong bối cảnh cùng bị cô lập.
Trong bối cảnh bị cô lập trong cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã ít nhiều cảm nhận được ”hơi ấm” trong mối quan hệ với Triều Tiên. Về phần Triều Tiên, mối bang giao với Nga không phải lúc nào cũng nồng ấm như những ngày đầu của thời Liên Xô cũ, nhưng giờ đây nước này đang gặt hái những lợi ích rõ ràng từ việc thắt chặt mối quan hệ với Moscow.
Dưới đây là cách mối bang giao Triều Tiên-Nga hình thành và phát triển cho đến nay.
Về phương diện chính trị
Mối bang giao Triều Tiên và Nga được hình thành từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh với sự hậu thuẫn của Liên Xô cũ. Triều Tiên sau đó đã chiến đấu với Hàn Quốc và đẩy các đồng minh của Hoa Kỳ cùng Liên Hợp Quốc rơi vào bế tắc trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, khi nhận được viện trợ to lớn từ Trung Quốc và Liên Xô, theo tờ Reuters.
Triều Tiên phụ thuộc rất nhiều vào viện trợ của Liên Xô cũ trong nhiều thập kỷ. Do đó, việc Liên bang Xô viết sụp đổ vào những năm 1990 đã góp phần châm ngòi cho một nạn đói chết người ở nước này.
Các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng có xu hướng cân bằng lợi ích giữa Bắc Kinh và Moscow. Ông Kim Jong Un ban đầu có mối quan hệ tương đối lạnh nhạt với cả hai quốc gia, bởi cả hai nước này đều bắt tay với Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với Bình Nhưỡng vì các vụ thử hạt nhân.
Nhưng sau vụ thử hạt nhân cuối cùng của Triều Tiên vào năm 2017, ông Kim đã thực hiện các bước để “hâm nóng” mối quan hệ với hai quốc gia này.
Năm 2019, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Nga gặp nhau lần đầu tiên trong một hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Vladivostok của Nga. Kể từ đó, Nga đã bắt tay với Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt mới.
Hôm 26/05, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu do Hoa Kỳ thúc đẩy nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, khiến lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (UNSC) xảy ra sự chia rẽ kể từ năm 2006.
Cuộc bỏ phiếu trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên này với kết quả là 13–2, diễn ra sau một loạt vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
“Chúng tôi không nghĩ rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ hữu ích trong việc ứng phó với tình hình hiện tại. Nó chỉ có thể làm cho tình hình tồi tệ hơn”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm (26/05) trước cuộc bỏ phiếu.
Thay vào đó, Trung Quốc đã đề nghị hội đồng nên thông qua một tuyên bố chính thức thay vì một nghị quyết trừng phạt.
Viện trợ cho nỗ lực chiến tranh của Nga ở Ukraine
Triều Tiên đã đáp lại bằng sự ủng hộ công khai đối với Moscow sau khi Nga xâm lược Ukraine. Đây là một trong những quốc gia duy nhất công nhận nền độc lập của các khu vực Ukraine ly khai. Trong tuần này, Bình Nhưỡng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nga tuyên bố sáp nhập bốn tỉnh của Ukraine: Kherson, Donetsk, Luhansk và Zaporizhzhia.
“Hoạt động quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine đã mở ra một thực tế địa chính trị mới, có thể thắt chặt mối bang giao giữa Điện Kremlin và Triều Tiên, thậm chí có thể phục hồi mối quan hệ bán liên minh từng tồn tại trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh”, ông Artyom Lukin, một giáo sư tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông ở Vladivostok, đã viết trong một báo cáo gần đây của tờ 38 North.
Đáng chú ý là Bình Nhưỡng đã bắt đầu sử dụng cụm từ mới “hợp tác chiến thuật và chiến lược” để mô tả mối quan hệ của họ với Nga, ông nói thêm.
Hoa Kỳ cho biết, Nga đã tìm đến Triều Tiên để ngỏ ý mua hàng triệu viên đạn dược và các loại vũ khí khác để bổ sung vào kho dự trữ đã cạn kiệt do chiến tranh Ukraine. Đương nhiên, cả Nga và Triều Tiên đều bác bỏ tuyên bố này.
Về phương diện kinh tế
Các chuyên gia nhận định, phần lớn thương mại của Triều Tiên đều đến từ việc làm ăn với Trung Quốc, nhưng Nga cũng là một đối tác quan trọng tiềm năng, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.
Moscow cũng phủ nhận việc vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp quốc, nhưng các tàu chở dầu của Nga bị cáo buộc đã giúp trốn tránh việc xuất khẩu dầu sang Triều Tiên. Trong khi đó, các nhà giám sát lệnh trừng phạt cũng báo cáo rằng các lao động vẫn ở lại Nga bất chấp lệnh cấm.
Giao thương và du lịch giữa hai nước gần như đóng băng hoàn toàn sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, khiến Triều Tiên áp đặt các lệnh phong tỏa biên giới nghiêm ngặt. Có thời điểm, Bình Nhưỡng buộc các nhà ngoại giao Nga phải tự đẩy hành lý của họ lên xe đẩy đường sắt để trở về nhà, theo Reuters.
“Có nhiều lý do để tin rằng ít nhất một số hạn chế biên giới của phía Triều Tiên sẽ sớm được dỡ bỏ”, ông Lukin nói và trích dẫn các báo cáo của chính quyền địa phương cho biết, các hoạt động thương mại bằng tàu hỏa sẽ sớm được Bình Nhưỡng tiến hành.
Trong khi đó, các quan chức Nga cũng thảo luận công khai về việc “hợp tác về các thỏa thuận chính trị”, trong đó sử dụng 20.000 đến 50.000 lao động Triều Tiên, bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc cấm vận các thỏa thuận như vậy.
Các quan chức và lãnh đạo Nga tại các khu vực ly khai ở Ukraine cũng thảo luận về khả năng nhờ công nhân Triều Tiên giúp tái thiết những khu vực bị chiến tranh tàn phá.
Thanh Hải