Tin thế giới sáng thứ Năm: Ông Putin ban bố thiết quân luật ở 4 vùng mới sáp nhập

Ông Putin ban bố thiết quân luật ở 4 vùng mới sáp nhập

Tổng thống Vladimir Putin chủ trì cuộc họp trực tuyến của Hội đồng An ninh Nga tại dinh thự ở khu Novo-Ogaryovo, phía tây thủ đô Moscow, Nga, ngày 19/10/2022. (Ảnh: Sergei Ilyin / Sputnik / AFP qua Getty Images)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành lệnh thiết quân luật vào thứ Tư (19/10) tại 4 khu vực của Ukraine mà ông nói là một phần của Nga. Đây được xem là động thái giúp Nga củng cố vị thế tại 4 vùng mới sáp nhập.

Theo luật pháp Nga, thiết quân luật cho phép tăng cường quân đội, áp đặt giờ giới nghiêm, hạn chế di chuyển, kiểm tra và giám sát các đối tượng khả nghi.

Trước khi lệnh thiết quân luật được ban bố, truyền hình nhà nước Nga đã phát sóng hình ảnh những người dân chạy trốn khỏi Kherson. Nga mô tả cuộc di dân – từ bờ phải sang bờ trái của sông Rover Dnipro – như một nỗ lực sơ tán dân thường ra khỏi thành phố trước khi nó trở thành chiến trường.

Ông Kirill Stremousov, phó lãnh đạo tỉnh Kherson do Nga hậu thuẫn, đã đưa ra lời kêu gọi sơ tán bằng video sau khi các lực lượng Nga trong khu vực bị đánh lui 20–30 km trong vài tuần qua. 

Người đứng đầu văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, cáo buộc Nga dàn dựng chương trình tuyên truyền ở Kherson.

Ông Yermak viết trên Telegram: “Nga đang cố gắng hù dọa người dân Kherson bằng tin tức giả về việc quân đội chúng tôi pháo kích vào thành phố; người Nga cũng dàn dựng chương trình tuyên truyền về việc sơ tán”.

Phản ứng sau khi ông Putin tuyên bố thiết quân luật tại 4 địa phương của Ukraine, Cố vấn Tổng thống Ukraine – ông Mykhailo Podolyak – viết trên Twitter rằng hành động này của Nga “không có giá trị” trên lãnh thổ Ukraine. “Nó sẽ không làm thay đổi điều gì với Ukraine, chúng tôi sẽ tiếp tục tái chiếm lãnh thổ của mình”.

8 tháng sau khi bị xâm lược, Ukraine đang tích cực phản công ở phía đông và phía nam để cố gắng chiếm lại nhiều lãnh thổ nhất có thể trước khi mùa đông đến.

Ông Putin cũng ban hành một sắc lệnh hạn chế di chuyển tại 8 khu vực tiếp giáp với Ukraine – bao gồm Cộng hòa Crimea, thành phố Sevastopol, Krasnodar, Belgorod, Bryansk, Voronezh, Kursk và Rostov. 

Tháng trước, Tổng thống Nga tuyên bố rằng các vùng lãnh thổ sáp nhập sẽ “mãi mãi” là một phần của nước này. Nga kiểm soát hầu hết Lugansk và Kherson, 60% Donetsk và 73% Zaporizhzhia. Động thái sáp nhập của Nga đã vấp phải chỉ trích gay gắt từ Ukraine, phương Tây và đa số thành viên trong Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Xuân Hoa

Đồng bảng Anh gần như sụp đổ – một lời cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu

Đồng bảng Anh gần như sụp đổ — một lời cảnh báo về khủng hoảng toàn cầu
Ảnh minh họa về một người phụ nữ cầm các tờ bảng Anh, chụp vào ngày 30/05/2022. (Ảnh: Dado Ruvic/Reuters)

Sự sụt giảm của đồng bảng Anh có những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Tình trạng gần như sụp đổ của đồng bảng Anh hồi tháng trước chỉ là một trong nhiều câu chuyện như vậy về các đồng tiền đang suy giảm và sự can thiệp của ngân hàng trung ương đang diễn ra trên toàn cầu. Sự việc này như một điềm báo đáng sợ về một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn sắp xảy ra.

Đồng USD đã đạt mức cao nhất trong 20 năm. Gần như tất cả các loại tiền tệ khác đều đang mất giá, và các bước mà các chính phủ đang thực hiện để bảo vệ đồng tiền của họ đang gây ra lạm phát. Các quốc gia đang giảm dự trữ bằng đồng dollar của họ và mua vào tiền tệ riêng của nước họ, nhưng hàng hóa, dầu mỏ, và năng lượng đều được định giá bằng dollar. Nợ ngoại quốc cũng phải trả bằng dollar. Do đó, việc cạn kiệt nguồn dự trữ USD sẽ làm cho các khoản thanh toán quốc tế này trở nên đắt đỏ hơn.

Để giải cứu đồng bảng Anh, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đã can thiệp và mua lại số bảng Anh trị giá 73 tỷ USD. Kết quả là dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh sụt giảm với mức kỷ lục là 54 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của Vương quốc Anh đã giảm liên tục trong 12 tháng qua, chỉ đạt mức 171 tỷ USD trong tháng Chín.

Nhưng không chỉ có Vương quốc Anh thực hiện các bước như vậy. Chính phủ Nhật Bản đã chi gần 20 tỷ USD trong tháng Chín để hỗ trợ đồng yên. Ấn Độ đã chi 75 tỷ USD để hỗ trợ đồng rupee. Và Bắc Kinh đã cảnh báo các ngân hàng nhà nước chuẩn bị tiếp tục mua vào hàng loạt để cứu một đồng nhân dân tệ gặp khó khăn. Để chống lại lạm phát, vốn đã ở mức 18%, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cấm tăng giá. Vì lệnh cấm tăng giá không tác động được đến chi phí, nên các nhà cung cấp sẽ từ chối bán với giá thấp hơn, và đất nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng khan hàng.

Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) đang lên kế hoạch chi tiêu hỗ trợ 388 tỷ USD để chống lại giá năng lượng tăng ở Liên minh Âu Châu. Biện pháp này sẽ làm tăng lạm phát đồng thời tăng nợ.

Cuộc khủng hoảng gần đây xảy ra hôm 26/09 khi đồng bảng Anh mất gần 5% giá trị chỉ qua một đêm, chạm mức thấp nhất trong 37 năm. Đồng bảng Anh, thường có giá trị cao hơn một chút so với đồng dollar, gần như ngang bằng ở mức 1.035 USD so với đồng bạc xanh. Sau nhiều tháng mất giá, đồng bảng Anh có giá trị thấp hơn 21% so với hồi tháng Một. Sự lao dốc này đã diễn ra sau khi Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố một kế hoạch tài khóa ứng phó mới chưa qua đánh giá tác động (mini budget) — nhằm thúc đẩy nền kinh tế — chống lại lạm phát bằng cách thực hiện cắt giảm thuế lớn nhất trong 50 năm. Chính phủ cũng đã thông báo giảm thuế đối với việc bán địa ốc và giới hạn giá năng lượng. Đồng thời, Vương quốc Anh có kế hoạch tăng chi tiêu quốc phòng.

Trong sáu tháng tới, việc cắt giảm thuế dự kiến ​​sẽ tiêu tốn của chính phủ 48.17 tỷ USD, trong khi hỗ trợ năng lượng dự kiến ​​sẽ tiêu tốn 64.12 tỷ USD. Chênh lệch giữa chi phí năng lượng thực tế và giới hạn giá của chính phủ sẽ được chính phủ trả cho các công ty sản xuất năng lượng. Và những khoản thanh toán này sẽ được tài trợ bằng nợ chính phủ tăng lên. Kết quả là, chính phủ buộc phải tăng trần nợ, cho phép họ vay nhiều hơn.

Trong khi đó, chi phí đi vay của chính phủ Vương quốc Anh đã tăng đáng kể do lãi suất tăng và sự hoài nghi do cam kết tăng chi tiêu và tăng nợ chính phủ của Vương quốc Anh gây ra. Nợ công của nước này vốn đã vượt quá 85% tổng sản phẩm quốc nội.

Cắt giảm thuế trong khi tăng chi tiêu chính phủ và nợ công đều là những chính sách nới rộng làm tăng thêm lạm phát. Hồi tháng Chín, kỳ vọng lạm phát giá tiêu dùng đã tăng lên 9.5%. Lạm phát cao sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Vương quốc Anh là hơn 9%. Ngoài ra, 39.8% thanh niên được xem là không hoạt động, có nghĩa là họ không còn tìm kiếm việc làm. Tổng số thanh niên từ 18 đến 24 tuổi “không đi học, không có việc làm, hoặc không được đào tạo” (NEET) là 12.5%. Lạm phát cao kết hợp cùng với thất nghiệp phù hợp với định nghĩa của lạm phát đình trệ.

Các nhà đầu tư đang bỏ phiếu bằng hành động. Trong 16 tháng qua, tiền đã liên tục chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Vương quốc Anh. Chỉ riêng trong tháng Chín, các nhà đầu tư đã rút 2.7 tỷ USD khỏi các quỹ đầu tư của Vương quốc Anh như một kết quả của việc công bố mini budget. Đầu tư chảy ra khỏi một quốc gia sẽ khiến đồng tiền mất giá. Phần lớn đầu tư rời khỏi các quốc gia khác đang chảy vào Hoa Kỳ, tình trạng này lại đang thúc đẩy đồng dollar tăng giá.

Các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Vương quốc Anh, đang vướng vào một vòng luẩn quẩn của lạm phát, giá trị tiền tệ thấp, khó khăn thanh toán quốc tế, chi phí vay nợ cao, nợ tăng, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, đồng USD tăng giá, và nỗi sợ công dân chết cóng vào mùa đông này.

Antonio Graceffo

Nhật Thăng biên dịch

Lockheed Martin tăng hơn 50% sản lượng tên lửa HIMARS do nhu cầu tăng cao ở Ukraine

Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS). (Ảnh: Wikipedia)

Hãng sản xuất Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS) sẽ tăng trên 50% sản lượng loại vũ khí này do nhu cầu tăng cao tại Ukraine và khắp châu Âu, theo tờ Politico.

Cụ thể, hãng vũ khí Mỹ là Lockheed Martin có kế hoạch tăng cường sản xuất HIMARS, loại vũ khí đang có nhu cầu cao ở Ukraine và khắp châu Âu trong bối cảnh cuộc xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Phát biểu với các nhà đầu tư hôm 18/10 vừa qua trong cuộc họp về thu nhập quý 3/2022, Giám đốc điều hành Jim Taiclet cho hay rằng Lockheed Martin đang sẵn sàng tăng sản lượng HIMARS lên 96 bệ phóng hàng năm, tăng từ mức 60 bệ phóng hiện tại.

Được biết, 20 hệ thống HIMARS được Mỹ gửi đến Ukraine kể từ mùa hè đã có tác dụng vượt trội trên chiến trường, cho phép các lực lượng Ukraine tiếp cận xa hàng chục kilomet phía sau chiến tuyến của Nga ở khu vực Donbas và xung quanh Kherson.

Trước khi tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng ở miền đông vào tháng 9, Ukraine đã dành khoảng thời gian hơn một tháng để nhắm vào các cây cầu và kho đạn bằng những loại đạn chính xác từ bệ phóng HIMARS, gieo rắc sự bất ổn cho các lực lượng Nga và khiến công tác hậu cần, tiếp tế của họ rơi vào tình trạng hỗn loạn.

Thông báo đưa ra hôm 18/10 của lãnh đạo Lockheed Martin được đưa ra vài giờ sau khi tờ Politico đưa tin rằng nhà sản xuất này đã bắt đầu cam kết với các khách hàng quốc tế rằng họ đang chuẩn bị đẩy mạnh sản xuất, qua đó trấn an một phần lo ngại của chính phủ Estonia, Ba Lan và Ukraine, những nước gần đây đã đặt hàng hàng chục bệ phóng HIMARS.

Để đón đầu các yêu cầu, công ty đã đầu tư 65 triệu USD khoảng sáu tháng trước để rút ngắn thời gian sản xuất HIMARS trước khi nhận được hợp đồng từ Lầu Năm Góc, theo Giám đốc Taiclet.

Lockheed Martin cũng đang xem xét mở rộng cơ sở của mình ở Camden, bang Arkansas vì nhu cầu tiếp tục tăng.

Ông Taiclet nói: “Chúng tôi đang đào tạo chéo lực lượng lao động lành nghề của mình trên nhiều dòng sản phẩm, để khi nhu cầu về HIMARS hay Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt tăng lên, mọi người có thể được điều động tham gia việc chế tạo các loại vũ khí khác nhau”.

Tuy nhiên, Lockheed Martin có thể sẽ mất nhiều tháng để tăng cường sản xuất từ ​​5 lên 8 hệ thống HIMARS mỗi tháng, và tốc độ này có thể không đủ nhanh để Estonia, Ba Lan và Ukraine củng cố quân đội khi đối mặt với nguy cơ xung đột.

Phan Anh

Related posts