Con trai bà Nguyễn Phương Hằng xin đặt 10 tỷ đồng để mẹ được tại ngoại

Bà Nguyễn Phương Hằng (áo đen). Ảnh: Thanh Niên

Con trai bà Nguyễn Phương Hằng có đơn gửi cơ quan điều tra, VKS xin được đặt số tiền bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn cho mẹ mình đến khi kết thúc vụ án.

Ngày 24/10, ông Nguyễn Quang Tuấn (SN 1990, quận 7, TP.HCM) đã có đơn gửi công an TP.HCM và VKSND TP.HCM, xin đặt tiền để bảo đảm cho mẹ là bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại chữa bệnh.

Trong đơn, ông Tuấn cho biết “Theo hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-BCA-BQP-BTC-VKSNDTC-TANDTC ngày 7/8/2018, có hiệu lực kể từ ngày 20/9/2018 về các điều kiện được áp dụng biện pháp ngăn chặn “Đặt tiền để bảo đảm” để thay thế biện pháp “Tạm giam” quy định tại Điều 122 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2018, tôi nhận thấy mẹ tôi có hội đủ các điều kiện như sau: Mẹ tôi phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, chưa có tiền án gì; Có địa chỉ cư trú rõ ràng; Trước khi bị bắt có nhiều bằng khen, giấy khen của nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức xã hội về hoạt động từ thiện.

Từ khi bị bắt đến nay, mẹ tôi cũng đã thành khẩn nhận sai và cam kết không vi phạm, nhiều lần tự viết đơn xin được tại ngoại để điều trị bệnh và cam kết không tái diễn hành vi livestream trên mạng xã hội…; Hành vi của mẹ tôi không thuộc các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm. Ngoài ra, hiện tại mẹ tôi cũng đang phải điều trị nhiều bệnh như: cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loạn lipid máu, mất ngủ kéo dài, u xơ tử cung… phải thường xuyên uống thuốc điều trị gần chục năm nay. Đồng thời, mẹ tôi còn phải chăm sóc mẹ già hơn 80 tuổi, con nhỏ và là người điều hành hoạt động doanh nghiệp với rất nhiều người lao động”.

Theo đó, ông Tuấn có đơn xin được đặt tiền để bảo đảm là 10 tỷ đồng để thay thế biện pháp ngăn chặn tạm giam cho bà Nguyễn Phương Hằng cho đến khi kết thúc vụ án.

Hồi đầu tháng 10, ông Tuấn cũng có đơn gửi các cơ quan tố tụng ở TP.HCM xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho mẹ và xin được bảo lãnh cho bà Phương Hằng tại ngoại để điều trị bệnh.

Trước đó, hôm 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng. Đến ngày 21/6, bà Hằng bị gia hạn tạm giam thêm 2 tháng.

Ngày 18/8, VKSND TP.HCM nhận kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Hằng từ cơ quan cảnh sát điều tra công an TP.HCM.

Theo kết luận điều tra, bà Hằng đã thông qua 12 tài khoản mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi phát sóng trực tiếp (livestream) qua mạng Internet để xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều người.

Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định các buổi livestream của bà Hằng còn có sự hỗ trợ, giúp sức của các ông H.C.T., bà L.T.T.H, bà N.T.M.N, ông Đ.A.Q, ông N.Đ.K.

Đối với những cá nhân liên quan, tham gia giúp sức, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả.

Ngày 6/9, bà Hằng tiếp tục bị gia hạn tạm giam. Cùng ngày, VKSND TP.HCM trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi đồng phạm của những người liên quan, tham gia giúp sức cho hoạt động của bà Hằng.

Minh Long

Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bị cảnh cáo

Nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Phùng Xuân Nhạ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, bị cảnh cáo vì sai phạm nghiêm trọng.

Tại buổi họp hôm 24/10, Ban Bí thư nhận định Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, khiến Bộ GD&ĐT và một số tập thể, cá nhân sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ; xây dựng, ban hành thể chế, chính sách; thực hiện một số dự án đầu tư công; xây dựng chương trình, biên soạn, thẩm định, xuất bản, phát hành sách giáo khoa; tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 và 2021 xảy ra nhiều vi phạm. Một số cán bộ ngành giáo dục bị kỷ luật, xử lý hình sự.

Ông Phùng Xuân Nhạ thời điểm giữ chức Bộ trưởng GD&ĐT chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu đối với những vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021; chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Theo Ban Bí thư, vi phạm của Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016-2021 và ông Phùng Xuân Nhạ “đã gây hậu quả nghiêm trọng, gây nguy cơ gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước, nguồn lực xã hội, gây bức xúc trong dư luận”.

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Phùng Xuân Nhạ.

4 ngày trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo ông Mai Văn Trinh (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Cục trưởng Cơ sở vật chất, nguyên Cục trưởng Quản lý chất lượng, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018 và năm 2021); Nguyễn Huy Bằng (nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ, nguyên Chánh Thanh tra Bộ); Trần Thanh Khiết (Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Giám đốc Ban Quản lý các dự án); và Trần Tú Khánh (nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, nguyên Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT).

Ông Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng GD&ĐT, bị khiển trách.

Phạm Toàn

Related posts