Huyền Anh
Ngày 27/10, tổ chức tư vấn về tài chính toàn cầu của Mỹ (Global Financial Integrity) tiết lộ rằng, Trung Quốc là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tội phạm xuyên quốc gia do chính phủ dẫn đầu. Theo đó, Trung Quốc đã thu lợi hàng chục tỷ USD mỗi năm từ hoạt động buôn bán ma túy, buôn bán người và động vật cũng như trộm cắp tài sản trí tuệ.
Các cựu quan chức Mỹ đã chỉ trích chính phủ Trung Quốc vì đã “làm ngơ” trước những lo ngại về nạn buôn bán ma túy xuyên biên giới, trong khi vẫn duy trì sự kiểm duyệt gắt gao trong nước và hưởng lợi như một đồng phạm.
ĐCSTQ dẫn đầu trong các giao dịch bất hợp pháp xuyên quốc gia
Báo cáo có tiêu đề “Made in China: China’s Role in Transnational Crime & Illicit Financial Flows” (tạm dịch: Vai trò của Trung Quốc trong hoạt động tội phạm xuyên quốc gia và dòng tài chính bất hợp pháp) cho biết, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cầm đầu các tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, buôn bán người và động vật, buôn bán hàng giả, trộm cắp tài sản trí tuệ, lao động cưỡng bức và dòng tiền bất hợp pháp.
Ông Channing Mavrellis, tác giả của báo cáo và là người đứng đầu Nghiên cứu các giao dịch bất hợp pháp tại Global Financial Integrity, đã tuyên bố trong một hội thảo hôm thứ Năm (26/10) rằng, các băng nhóm Trung Quốc không đơn độc trong việc buôn bán ma túy.
Ông Mafez nói rằng, có khoảng 5.000 hiệu thuốc và 160.000 cơ sở hóa chất ở Trung Quốc có thể bán fentanyl và các dược phẩm khác. Phần lớn các loại thuốc này được xuất khẩu qua Mexico và cuối cùng tuồn vào thị trường Mỹ, gây nguy hiểm cho sức khỏe của người dân Mỹ.
“ĐCSTQ đang trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những tội ác quốc tế này”, ông John Cassara, một cựu điều tra viên của Bộ Tài chính Mỹ cho hay.
“Bởi vì Trung Quốc là một quốc gia độc tài, cho nên chỉ cần ĐCSTQ muốn trấn áp các hoạt động sản xuất fentanyl và buôn bán ma túy thì dễ như trở bàn tay”.
Ông Mafez cũng cho hay, chính phủ Trung Quốc kiểm soát nghiêm ngặt xã hội nước này, do đó việc các tổ chức tội phạm quốc tế này chưa bị tiêu diệt chứng tỏ rằng, chính phủ Trung Quốc đang “nhắm mắt làm ngơ”. Những tội ác xuyên quốc gia này rất có thể là một phần trong chính sách của ĐCSTQ vì chúng mang lại lợi ích cho Trung Quốc, ông nhận định.
ĐCSTQ dẫn đầu trộm cắp tài sản trí tuệ, buôn người và cưỡng bức lao động
Theo báo cáo, ĐCSTQ cũng đánh cắp tài sản trí tuệ từ khắp nơi trên thế giới. Chính phủ Trung Quốc không những khuyến khích Hoa kiều hoạt động như gián điệp thương mại ở nước ngoài, mà còn đánh cắp tài sản trí tuệ của nước ngoài thông qua đầu tư, hợp tác nghiên cứu và phát triển, và soạn thảo luật yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc và Hong Kong đã sản xuất 86% các mặt hàng nhái trên thế giới, mang về cho Trung Quốc 438 tỷ USD mỗi năm. Trung Quốc chiếm từ 50% đến 80% tổng số vụ trộm cắp tài sản trí tuệ trên toàn thế giới.
Ông David Luna, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ, cũng phát biểu tại hội thảo: “Chính phủ Trung Quốc ủng hộ tin tặc và tội phạm tiếp tục đánh cắp tài sản trí tuệ từ chính phủ và các công ty Mỹ, điều này đã làm tổn hại đến sự đổi mới, khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế của Mỹ”.
Ông tin rằng, tồi tệ hơn nữa là: “Trung Quốc không có ý định hợp tác với cộng đồng quốc tế để chống lại các tội phạm xuyên quốc gia nêu trên, mà ĐCSTQ làm ngơ trước những tội ác này. Bởi vì những tội ác đó mang đến những khoản lợi kếch xù cho Trung Quốc”.
Một tội ác khác do chính phủ Trung Quốc dẫn đầu là cưỡng bức lao động. Theo báo cáo, lao động cưỡng bức chủ yếu xảy ra trong các ngành sản xuất, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp. Nạn nhân chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đến từ Tân Cương, nơi bị chính quyền Trung Quốc đàn áp.
Theo nghiên cứu, hoạt động buôn người mang về cho Trung Quốc 19 tỷ USD mỗi năm. Theo ông Mafez, chính sách một con và quan niệm gia trưởng của Trung Quốc đã khiến nạn buôn người tràn lan với các tội danh chính như: cưỡng bức mại dâm và buôn bán cô dâu. Hơn nữa, Trung Quốc nhập khẩu và nuôi dưỡng bất hợp pháp các loài động vật hoang dã, sau đó dùng chúng làm nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc cổ truyền. Loại mặt hàng này đã mang lại cho Trung Quốc khoảng 7 tỷ USD mỗi năm.
Huyền Anh