Tin thế giới chiều thứ Bảy: Nga phá huỷ hoàn toàn hệ thống năng lượng của Kherson

Nga đã phá huỷ hoàn toàn hệ thống năng lượng của Kherson

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào các vị trí của quân đội Nga tại mặt trận Kherson

Ukraina cho biết Nga đã phá hủy toàn bộ hệ thống năng lượng của Kherson và họ dự định sẽ khôi phục lại trong 1 tháng.

Dmitry Sakharuk – Giám đốc điều hành của DTEK – nhà đầu tư năng lượng tư nhân lớn nhất của Ukraina – đã nói về điều này trên chương trình phát sóng của kênh ‘Suspіlny’. Ông lưu ý công ty đã sẵn sàng cung cấp cho Kherson những thiết bị cần thiết cho ‘lần phục hồi đầu tiên’ hệ thống năng lượng của khu vực.

Ông Sakharuk nói ‘bọn phát xít Nga đã phá hủy toàn bộ hệ thống năng lượng’ và ở đó không có điện. Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng, sau khi tỉnh Kyiv được giải phóng, việc khôi phục hệ thống năng lượng ở đó mất 30 ngày. Dự kiến, khôi phục lại hệ thống năng lượng ở Kherson cũng sẽ mất một khoảng thời gian như thế.

Trong khi đó, theo nguồn tin từ RBC, Nga tuyên bố ‘cởi mở cho các cuộc đàm phán’ với chính quyền Ukraina. Matxcova, được cho là không đưa ra điều kiện ‘tiên quyết’ như những lần trước cho cuộc hội đàm.

Thông tin này được tờ RBC-Ukraina loan báo hôm 11 tháng 11, dựa theo lời phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergei Ryabkov.

Thứ trưởng Nga nói: “Tôi chỉ có thể xác nhận lập trường là chúng tôi sẵn sàng đối thoại, không có điều kiện tiên quyết. Chúng tôi đã sẵn sàng cho điều này trước đây. Kyiv, theo lệnh của phương Tây, đã làm gián đoạn cuộc đối thoại, mà nói chung đã có bước tiến, đã soạn thảo một tài liệu nào đó, bây giờ tất cả đã là quá khứ. Điều gì tiếp theo? Không phụ thuộc vào chúng tôi”.

Trước đó một ngày, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Ukraina. Đáng chú ý là tất cả những điều này đang diễn ra trong bối cảnh cuộc phản công thành công của lực lượng vũ trang Ukraina, bao gồm cả việc Nga tuyên bố rút lui khỏi thành phố Kherson sang bờ Đông sông Dnipro.

Hiện lập trường đàm phán của Kyiv là Matxcova phải rút lui hoàn toàn khỏi lãnh thổ của Ukraina. Tuy nhiên, Nga sẽ không bao giờ thực hiện bước đi này nếu như hoàn toàn thất bại trên chiến trường. Kyiv cho rằng việc Matxcova bắn tín hiệu đàm phán là là nhằm mua thời gian, tăng cường huấn luyện binh sĩ, chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới vào Ukraina.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy đã tuyên bố, Ukraina sẵn sàng đàm phán với Liên bang Nga, nhưng với chính quyền khác, vì khi Vladimir Putin vẫn còn lãnh đạo Điện Kremlin, thì nói chuyện với người Nga không có ý nghĩa gì.

Trần Phong

New York Times: Washington chia rẽ về việc thúc đẩy Ukraina đàm phán với Nga

Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ. (Ảnh: AFP)

Báo New York Times dẫn các nguồn tin cho biết Chính phủ Mỹ đang chia rẽ về việc có nên gây áp lực buộc Ukraina ngồi vào bàn đàm phán với Nga hay không.

Theo New York Times, Đại tướng Mark Milley – chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ – trong các cuộc họp nội bộ đã cho rằng sau các thắng lợi gần đây, Ukraina nên củng cố lợi thế trên bàn đàm phán với Nga.

Tướng Milley dường như đề cập đến các diễn biến gần đây như việc Nga rút quân khỏi bờ Tây sông Dnipro, bao gồm cả thành phố Kherson, nhằm bảo toàn tính mạng của binh sĩ.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao khác của Mỹ được cho là phản đối lối suy nghĩ của tướng Milley. Họ cho rằng cả Matxcơva và Kyiv đều không sẵn sàng cho các cuộc đàm phán vào lúc này.

Mặc dù các quan chức này tin rằng xung đột cuối cùng sẽ được giải quyết thông qua ngoại giao, nhưng đều nhất trí đây chưa phải là thời điểm đàm phán.

Thông tin do New York Times đăng tải ngày 10 tháng 11. Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông ‘không nghĩ rằng xung đột sẽ được giải quyết cho đến khi lực lượng Nga rời khỏi Ukraina’.

Cũng trong ngày 10 tháng 11, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington ‘không gây áp lực với Ukraina’ trong việc tham gia đàm phán với Nga, đồng thời nhấn mạnh rằng họ đang ‘tham vấn’ cho Kyiv với tư cách là một đối tác.

Trần Phong

Quan chức Liên Hợp Quốc: Hơn 50 nước đang phát triển trên thế giới có nguy cơ vỡ nợ và phá sản

Ông Achim Steiner – giám đốc Chương trình phát triển toàn cầu của Liên Hiệp Quốc

Ông Achim Steiner – giám đốc Chương trình phát triển toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, cảnh báo hơn 50 nước đang phát triển trên thế giới có nguy cơ vỡ nợ và phá sản, trừ khi các quốc gia giàu có hỗ trợ khẩn cấp.

Nhật báo Anh The Guardian số ra ngày 11 tháng 11 dẫn lời ông Steiner nói: “Hiện trong danh sách của chúng tôi, 54 quốc gia có khả năng vỡ nợ. Nếu thêm cú sốc lãi suất tăng hơn nữa, việc vay mượn trở nên đắt đỏ hơn, đồng thời với giá năng lượng, giá thực phẩm cao – một số quốc gia sẽ không có khả năng thanh toán nợ”.

Ông Steiner đã đưa ra phát biểu này tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc – COP27. Theo quan chức này, bất kỳ sự vỡ nợ nào như vậy sẽ tạo thêm nhiều vấn đề cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Ông Steiner nói một số nước đang phát triển có nguy cơ từ bỏ các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc, nếu chính phủ các nước phát triển không thực hiện được lời hứa từ lâu với các quốc gia nghèo. Theo ông, đó là hỗ trợ 100 tỉ USD/năm để giúp họ cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và thích ứng với tác động của thời tiết khắc nghiệt.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc – ông Antonio Guterres cũng đã lặp lại lời kêu gọi trên và nói rằng các quốc gia có thu nhập cao phải đi đầu để hỗ trợ các quốc gia nghèo.

Trần Phong

Cựu Thủ tướng Pakistan tiếp tục kêu gọi biểu tình sau khi bị ám sát hụt

Cựu Thủ tướng Pakistan tiếp tục kêu gọi biểu tình sau khi bị ám sát hụt
Cựu thủ tướng Pakistan Imran Khan phát biểu trước giới truyền thông tại một bệnh viện ở Lahore, Pakistan, hôm 4/11/2022, một ngày sau khi ông bị ám sát hụt. (Ảnh: Arif Ali/AFP/Getty Images)

Cựu Thủ tướng Pakistan Imran Khan hôm thứ Năm (10/11) đã kêu gọi những người ủng hộ ông tiếp tục ‘hành trình dài’ tới thủ đô Islamabad để đấu tranh cho ‘tự do’. Ông vừa hồi phục sau khi bị ám sát hụt trong một cuộc biểu tình hồi tuần trước.

Trong thông điệp qua video, ông Khan cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh cho “tự do thực sự” và kêu gọi những người ủng hộ ông dỡ bỏ lệnh phong tỏa trong khi đảng Phong trào Công lý Pakistan (PTI) của ông tiếp tục các cuộc biểu tình ở Wazirabad, nơi xảy ra vụ xả súng hồi tuần trước.

“Tôi sẽ đến Rawalpindi và tôi mời tất cả các bạn đến và diễu hành cùng chúng tôi, vì đó là tương lai của đất nước các bạn và tương lai của con cái các bạn”, hãng tin địa phương The Nations dẫn lời ông.

Ông Khan phủ nhận tuyên bố của cảnh sát

Ông Khan bị ám sát vào ngày 3/11 trong một cuộc biểu tình kêu gọi bầu cử nhanh chóng. Hồi tháng Tư, ông đã bị cách chức trong một cuộc bỏ phiếu quốc hội. Một người đã thiệt mạng trong vụ việc và ông Khan khẳng định rằng, đây là một “âm mưu ám sát” của các đối thủ của ông.

Vụ ám sát diễn ra ở Wazirabad, cách thủ đô Islamabad của Pakistan gần 200 km, khi ông Khan dẫn đầu một cuộc tuần hành từ Lahore đến Islamabad vào ngày 28/10 để yêu cầu chính phủ tổ chức bầu cử nhanh chóng. Có hàng trăm người trong đoàn xe đó.

Ông Raoof Hasan, một phụ tá của Khan, cho biết một nghi phạm trong vụ xả súng đã bị bắn. Hiện vẫn chưa rõ ai đã bắn hạ người đàn ông này. Các nghi phạm khác đã bị bắt. “Họ muốn ám sát ông ấy”, ông Hasan nói.

Một báo cáo của cảnh sát được công bố vào tuần trước cho biết, một người đàn ông được xác định là Mohammad Naveed đã hành động một mình trong vụ xả súng ở Wazirabad. Nghi phạm xả súng đã bị bắt sau khi bị những người ủng hộ Khan chặn lại tại hiện trường.

Ông Khan bác bỏ tuyên bố của cảnh sát, nói rằng có ít nhất hai tay súng đã thực hiện các cuộc tấn công “có hệ thống” vào tuần trước. Ông không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho tuyên bố này. Tuy nhiên, ông trích dẫn về một âm mưu đáng ngờ trong các cuộc biểu tình vào tháng Chín.

Ông Khan cáo buộc Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif, Bộ trưởng Nội vụ Rana Sanaullah và Thiếu tướng Faisal Naseer về âm mưu giết người và đổ lỗi cho một kẻ cuồng tín tôn giáo.

“Vào ngày 24/9, tôi đã phát biểu công khai trong một cuộc biểu tình rằng, âm mưu này đã được hình thành và họ sẽ đổ tội cho một kẻ cuồng tín tôn giáo”, ông nói trong video. “Họ đã lên kế hoạch rằng nếu một kẻ cuồng tín tôn giáo sát hại Imran, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm về vụ việc”.

Các cáo buộc đã bị chính phủ và quân đội Pakistan dứt khoát phủ nhận. Theo ông Sanaullah, tay súng là một “người đàn ông có động cơ và quyết tâm”, đã thực hiện vụ tấn công vì lý do tôn giáo.

Ông Sharif cho biết hôm thứ Tư (9/11) rằng, ông đã yêu cầu các thẩm phán Pakistan triệu tập một ủy ban tư pháp để điều tra vụ ám sát ông Khan và vụ sát hại nhà báo Pakistan Arshad Sharif ở Kenya vào tháng trước.

“Những sự cố đáng tiếc này đang được sử dụng để đưa ra những cáo buộc sai trái, lan truyền sự hỗn loạn [và] phá hoại các thể chế. Hãy để [sự thật] được xác minh”, Thủ tướng nói trong một tweet.

Lam Giang

Theo The Epoch Times

Related posts