600 học sinh trường iSchool Nha Trang ngộ độc, 1 em tử vong

Trước phiên xét xử cựu Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang, một bị cáo tử vong

Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang. (Ảnh: vov.vn)

Ông Nguyễn Thanh Tòng (SN 1959), cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Cửu Long (Công ty Dược Cửu Long), đã tử vong vì bệnh mãn tính.

Báo chí nhà nước ngày 20/11 cho biết ngày mai (21/11), TAND TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Cao Minh Quang (SN 1956, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, cựu Trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu, nguyên liệu và thuốc Oseltamivir) và 8 bị cáo khác trong vụ án gây thất thoát hơn 3,8 triệu USD mua nguyên liệu thuốc để phòng dịch cúm A (H5N1) xảy ra tại Bộ Y tế và Công ty Dược Cửu Long.

Thẩm phán Vũ Quang Huy được phân công làm chủ tọa phiên tòa. Ba kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP. Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử tại phiên tòa.

15 luật sư đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa. Bị cáo Cao Minh Quang có hai luật sư bào chữa.

HĐXX đã triệu tập một số tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng đến phiên tòa, trong đó có triệu tập đại diện Bộ Y tế, đại diện Công ty Dược Cửu Long…

Trong số 9 bị cáo hầu tòa, 5 bị cáo nguyên là cán bộ, lãnh đạo của Bộ Y tế, gồm: ông Cao Minh Quang; Dương Huy Liệu (SN 1948, cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế); Nguyễn Nam Liên (SN 1970, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, Phó trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế); Phạm Thị Minh Nga (SN 1972, cựu chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban Quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế); Nguyễn Việt Hùng (SN 1956, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

4 bị cáo còn lại gồm: Lương Văn Hóa (SN 1957, cựu Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long); Nguyễn Thanh Tòng (SN 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Dược Cửu Long); Nguyễn Văn Thanh Hải (SN 1967, cựu Kế toán trưởng Công ty Dược Cửu Long); Ngô Hữu Hiếu Nghĩa (SN 1952, cựu Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, kiêm Giám đốc điều hành phòng xuất nhập khẩu thuộc Công ty Dược Cửu Long) bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Thanh Tòng đã tử vong do mắc bệnh mãn tính trước khi đưa ra xét xử. Theo truyền thông nhà nước, ông Tòng mắc bệnh gout lâu năm.

Theo cáo trạng, Công ty Dược Cửu Long được thành lập năm 2004, Nhà nước nắm 51,07% vốn nhưng đến năm 2019, doanh nghiệp này trở thành công ty tư nhân.

Giai đoạn năm 2005, dịch H5N1 diễn biến phức tạp nên Chính phủ phê duyệt kế hoạch dự trữ thuốc Tamiflu và sản xuất thuốc Oseltamivir dùng trong phòng, chống cúm A H5N1.

Năm 2006, Bộ Y tế đặt hàng Công ty Dược Cửu Long sản xuất 5 triệu viên Oseltamivir với giá gần 146 tỷ đồng. Để sản xuất, bị can Lương Văn Hóa và cấp dưới mua từ Công ty Mambo (Singapore) 525kg nguyên liệu, giá gần 9 triệu USD.

Sau đó, Công ty Mambo đã giảm 3,8 triệu USD cho Công ty Dược Cửu Long vì giá nguyên liệu giảm. Tuy nhiên, bị can Lương Văn Hóa đã “không báo cho Bộ Y tế biết” mà dùng số tiền này để “bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh”.

Năm 2010, Thanh tra Chính phủ phát hiện Công ty Dược Cửu Long “để ngoài sổ sách” hơn 3,8 triệu USD nên yêu cầu nộp lại. Tuy nhiên, bị cáo Hóa chỉ đạo cấp dưới chuyển số tiền này ra nước ngoài, thanh toán cho 11 hợp đồng mua nguyên liệu khác, không phải để sản xuất Oseltamivir.

VKS cáo buộc bị cáo Hóa đã “nhiều lần làm việc với Bộ Y tế” nhưng không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về việc được giảm giá mua nguyên liệu. Khi bị phát hiện, người này còn chỉ đạo cấp dưới làm các thủ tục hợp thức hồ sơ thanh toán, gây thiệt hại hơn 3,8 triệu USD (tương đương 61 tỷ đồng).

Cáo trạng xác định các bị can tại Bộ Y tế được giao nhiệm vụ ký kết hợp đồng, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng và định kỳ kiểm tra, đánh giá việc mua bán nguyên liệu sản xuất thuốc giữa Dược Cửu Long và nhà cung cấp.

Tuy nhiên, các bị can đã thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không xem xét, đánh giá việc thực hiện điều khiển đàm phán giá mua nguyên liệu…

Cựu Thứ trưởng Cao Minh Quang bị xác định giữ vị trí Trưởng ban chỉ đạo giải quyết việc liên quan thuốc Tamiflu và Oseltamivir nên có trách nhiệm kiểm tra các vấn đề phát sinh.

Ông Quang từng phát hiện số tiền 3,8 triệu USD trên nhưng không chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, làm rõ. Quá trình điều tra vụ án, ông Quang đã nộp 1,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

Phạm Toàn

600 HS Trường iSchool Nha Trang ngộ độc, 1 em tử vong: Đang xác định nguyên nhân

Các bác sĩ tại Bệnh viện 22-12 đang điều trị cho các em học sinh bị ngộ độc. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Các mẫu thức ăn tại Trường iSchool Nha Trang hiện đã được niêm phong, gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Dự kiến đến ngày 23/11, Viện Pasteur Nha Trang sẽ thông báo kết quả.

Theo thông cáo báo chí từ UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 20/11, trước đó ngày 17/11, Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa) đã tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh.

Tính đến 11h ngày 20/11, có 600 em học sinh bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện.

Đáng chú ý, trong số này, có 21 trường hợp nặng phải theo dõi và một trường hợp tử vong – là em L.Z.X (SN 2016, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) đang học lớp 1.

Em X. được đưa tới Bệnh viện 22-12 lúc 1h32 ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng; chẩn đoán ban đầu là viêm dạ dày ruột cấp, hạ K máu.

Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim. Sau khi được hồi sức, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh; chẩn đoán lúc này là sốc nhiễm trùng/ngộ độc thực phẩm.

Sau thời gian điều trị thấy càng nặng, 8h30 ngày 20/11, em X. được chuyển tuyến Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng lúc chuyển sốt li bì, sốt 39 độ C, huyết áp 80/60mmHg, nhịp tim 180l/p, phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản. Em X. tử vong trên đường đi.

Hiệu trưởng Trường khóc, xin lỗi phụ huynh

Tại buổi làm việc giữa nhà trường và phụ huynh vào chiều 20/11, một phụ huynh cho biết gần 2 tháng nay đã nhiều lần phản ánh về chất lượng đồ ăn nhưng không thấy nhà trường phản hồi. Mỗi suất ăn 70.000 đồng nhưng chất lượng không đảm bảo.

“Tại sao một trường quốc tế mà khi xảy ra vụ việc thì xử lý quá chậm. Đến giờ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân để có phác đồ điều trị cho các cháu thì không thể chấp nhận được”, một phụ huynh bức xúc nói, báo VTC dẫn lời.

Vị phụ huynh này cũng yêu cầu nhà trường không chỉ kiểm tra nguồn thực phẩm mà cả nguồn nước, tìm nguyên nhân ngộ độc.

Trước ý kiến của phụ huynh, ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường iSchool Nha Trang khóc và liên tục gửi lời xin lỗi đến các phụ huynh.

“Trường sẽ đề xuất ngành y tế sớm xác định virus gây bệnh và sớm tìm ra phác đồ điều trị bệnh. Trường sẽ phối hợp với Công an sớm tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc”, ông Bình khẳng định.

Hiện các mẫu thức ăn hôm 17/11 đã được niêm phong, gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Dự kiến đến ngày 23/11, Viện Pasteur Nha Trang sẽ thông báo kết quả.

Trước vụ việc trên, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Khánh Hòa đã tổ chức Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm kết hợp với địa phương, Ban Giám hiệu trường học kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại Trường iSchool Nha Trang, do hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (trú phường Xương Huân, TP. Nha Trang) ký hợp đồng với nhà trường.

Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm.

Minh Long

Related posts