Tin VN sáng thứ Năm: TP.HCM: Hơn 50,000 người lao động bị giảm, mất thu nhập

TP.HCM: Hơn 50,000 người lao động bị giảm, mất thu nhập

Ảnh minh hoạ.

Theo thống kê mới nhất, trên địa bàn TP.HCM có 155 doanh nghiệp giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, kéo theo 50.157 người lao động bị ảnh hưởng.

Cụ thể, báo Dân Trí đưa tin, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM vừa có báo cáo tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TP.HCM.

Trong báo cáo, LĐLĐ TP.HCM cho biết, những tháng gần đây có tình trạng nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng. Chủ yếu tập trung vào các ngành chế biến gỗ, da, giày, dệt, may… Nguyên nhân là do ảnh hưởng của lạm phát, xung đột, giá cả nhiên liệu và một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng.

Việc giảm đơn hàng khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo LĐLĐ TP.HCM thống kê, đến ngày 15/11 đã có 155 doanh nghiệp với hơn 50.000 người lao động ảnh hưởng, thu nhập của người lao động bị giảm sâu.

Do doanh nghiệp khó khăn, LĐLĐ TP.HCM dự báo tết năm nay sẽ có những doanh nghiệp không có tiền thưởng Tết, lương tháng 13.

Báo cáo nêu: “Tình trạng nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố nhiều. Theo báo cáo của BHXH thành phố, số đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên là 48.699 đơn vị, ảnh hưởng đến người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động sẽ không chốt sổ BHXH được cho người lao động…”.

Trước tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, LĐLĐ TP.HCM dự báo tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố từ nay cho đến hết quý I/2023 tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Huệ Liên

Bắt 14 người trong đường dây đánh bạc 30.000 tỷ đồng

Cảnh sát khám xét, lấy lời khai các nghi can (ảnh: Zing).

Hàng trăm công an đồng loạt ập vào 15 điểm tại TP.HCM và Đồng Nai hôm 22/11, bắt 14 người trong đường dây đánh bạc với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng.

Trên tờ Zing, theo cảnh sát, đường dây đánh bạc này do các nghi phạm người Việt Nam cầm đầu, đặt máy chủ tại Campuchia. Việc đánh bạc được tổ chức tại TP.HCM và một số tỉnh thành phố phía nam với hình thức đánh bạc truyền thống, cá cược bóng đá trên các trang web như Bong88.com, Agbong88.com. Số tiền ăn thua rất lớn, mỗi tuần giao dịch lên đến hơn 100 tỷ đồng.

Những người trong băng nhóm được phân công nhiệm vụ cấu kết chặt chẽ: đảm bảo kỹ thuật nhà mạng, xử lý khiếu nại của người chơi, giao nhận tiền thắng thu…

Trước khi khai mạc World Cup 2022, những nghi can cầm đầu tại TP.HCM lánh mặt đi các tỉnh, điều hành đường dây từ xa. Nhóm này hoạt động trong khoảng 3 năm qua. Tính đến thời điểm bị bắt, số tiền thể hiện ăn thua ước tính gần 30.000 tỷ đồng.

Hiện Bộ Công an đang mở rộng điều tra, truy bắt các “mắt xích” khác trong đường dây này.

Hội An

Hà Nội sẽ xây dựng 2 thành phố trong thủ đô

Thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này. (Ảnh: noibaiairport.vn)

Hai thành phố dự kiến được xây dựng gồm Bắc sông Hồng (Mê Linh – Sóc Sơn – Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc – Xuân Mai).

Đây là một trong những nội dung được Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói tại buổi bế mạc hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội, ngày 23/11.

Theo ông Dũng, thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ là thành phố dịch vụ, hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của thành phố này.

Thành phố ở phía Tây sẽ là thành phố khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Ông Dũng cho hay nền móng của thành phố này đã có sẵn như Khu công nghệ cao Hoà Lạc và Đại học Quốc gia. Thời gian tới, Chính phủ sẽ bàn giao Khu công nghệ cao Hoà Lạc về TP. Hà Nội. Cơ quan chức năng cũng đưa ra định hướng di dời các trường đại học trong nội thành lên khu vực này.

Ông Dũng cũng cho biết thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có 3-5 huyện lên quận, nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công. Vì thế, TP. Hà Nội đã chọn huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận trước các huyện còn lại.

“Lãnh đạo thành phố đang cùng các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cấp thẩm quyền, cố gắng năm 2023 hai huyện sẽ lên quận”, ông Dũng nói.

Theo chương trình Thành ủy Hà Nội ban hành trước đó, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021-2025 gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.

TP. Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã. Theo đó, 12 quận của TP. Hà Nội gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân.

Trước đây, tỉnh Hà Tây (cũ) có 2 thành phố trực thuộc là thành phố Hà Đông và Sơn Tây. Năm 2008, khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, 2 thành phố này thành thị xã, hiện Hà Đông đã lên quận.

Minh Long

Vụ hàng trăm HS trường iSchool Nha Trang ngộ độc: Khởi tố vụ án

Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18/11 đến ngày 23/11, tổng số ca ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang nhập viện điều trị là 665 ca. (Ảnh: baokhanhhoa.vn)

Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18/11 đến ngày 23/11, tổng số ca ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang nhập viện điều trị là 665 ca. Đến 11h ngày 23/11, còn 86 ca đang điều trị tại các bệnh viện.

Báo chí nhà nước tối ngày 23/11 đồng loạt đưa tin cơ quan CSĐT công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật hình sự, xảy ra tại Trường iSchool Nha Trang (đơn vị thành viên của Tập Đoàn Nguyễn Hoàng).

Quyết định khởi tố được ban hành sau khi cơ quan công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm liên quan vụ ngộ độc thực phẩm tại trường iSchool Nha Trang.

Việc khởi tố vụ án là bước tố tụng đầu tiên để cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu tội phạm của vụ việc, đồng thời làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan do có hậu quả nghiêm trọng.

Công an tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Khánh Hòa chỉ đạo các cơ sở y tế gồm : Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang, Bệnh viện 22-12, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn – Nha Trang, Bệnh viện Quân y 87, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang rà soát, tổng hợp số liệu học sinh Trường iSchool Nha Trang đến khám, điều trị do ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, những cơ sở nào đã và đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân liên quan vụ việc cần thông báo cho cơ quan điều tra.

Bên cạnh đó, công an tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu các cơ sở y tể phải lưu giữ, bảo quản hồ sơ bệnh án, mẫu máu của bệnh nhân để cung cấp, phục vụ công tác điều tra khi có yêu cầu.

Trước đó, hôm 17/11, trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh. Bữa ăn chia làm 2 suất, suất 1 ăn lúc 10h30, suất 2 lúc 11h30, gồm các món: cơm gà; gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm); cánh gà chiên; canh (xương, cà rốt, cải thảo); dưa leo. Bữa ăn xế lúc 13h30 với bánh ngọt, uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.

Nhiều giờ sau, các em triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần. Đến khoảng 22h, các em xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn, được người nhà đưa đến các bệnh viện trong thành phố. Ngày 20/11, một học sinh lớp 1 tử vong do sốc nhiễm trùng, là em Lee Zhe X. (có bố là người Malaysia, mẹ Việt Nam).

Kết quả xét nghiệm công bố ngày 22/11 của Viện Pasteur Nha Trang đã phát hiện vi khuẩn Salmonella spp trong mẫu cánh gà chiên, vi khuẩn Bacillus cerus trong mẫu cánh gà chiên và mẫu nước mắm. Chủng Bacillus cerus trong hai mẫu trên là chủng sinh độc tố ly giải hồng cầu và độc tố ruột không ly giải hồng cầu. Ngoài ra, vi khuẩn Escherichia coli cũng được phát hiện trong mẫu cánh gà chiên.

Theo báo cáo của Phòng Y tế TP. Nha Trang, trường iSchool Nha Trang đã hợp đồng với ông Bùi Phúc Lam (SN 1982, ở TP. Nha Trang) để tổ chức bếp ăn bán trú cho 930 học sinh và giáo viên (trong đó có 50 giáo viên). Quá trình chế biến được thực hiện tại bếp ở trường. Ông Lam có giấy phép hộ kinh doanh cấp năm 2015 với ngành nghề bán hàng ăn uống, giải khát, hải sản tại gian hàng của trường iSchool Nha Trang. Ông Lam cũng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Phòng Y tế TP. Nha Trang cấp lần 3 vào tháng 10/2022.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, từ ngày 18/11 đến ngày 23/11, tổng số ca ngộ độc tại trường iSchool Nha Trang nhập viện điều trị là 665 ca.

Đến 11h ngày 23/11, còn 86 ca đang điều trị tại các bệnh viện. Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn 25 ca, Bệnh viện 22-12 còn 36 ca, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec 18 ca, Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang 4 ca, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Nha Trang 3 ca. Hiện không có ca nặng cần theo dõi.

Minh Long

Related posts