Các cuộc biểu tình ở Trung Quốc có thể báo trước một kỷ nguyên mới đầy sóng gió
Ian Johnson
Xi Versus the Street: Why the Protests in China Could Herald a Turbulent New Era, Foreign Affairs, November 30, 2022
Bauxite Việt Nam dịch
Đây là câu hỏi hóc búa dành cho ông Tập. Ngay cả khi ông ấy dỡ bỏ các hạn chế zero COVID, thì nền kinh tế có thể chỉ phục hồi tạm thời. Nếu không chuyển đổi đột ngột sang cải cách, Tập Cận Bình có khả năng nhận thấy rằng quyền lực trong 5, 10 hoặc nhiều năm tiếp theo của ông ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bất an gia tăng trong dân chúng và các cuộc phản đối bùng phát hơn nữa do các cuộc khủng hoảng khác chắc chắn sẽ phát sinh. Mới tháng trước, ông Tập dường như sẵn sàng để cai trị không bị thách thức trong nhiều năm tới. Nhưng việc ông ấy lãng phí thập kỷ đầu tiên nắm quyền vào các biện pháp kiểm soát thay vì cải cách hướng tới tương lai có nghĩa là các vấn đề của Trung Quốc đã trở nên hữu hình đối với người dân thường. Đây là ý nghĩa thực sự của các cuộc biểu tình vì COVID: chúng không chỉ đơn giản là kêu gọi tự do cá nhân mà còn báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên hỗn loạn hơn trong nền chính trị Trung Quốc.
Trong tuần qua, khi hơn chục thành phố chìm trong các cuộc biểu tình lớn, Trung Quốc dường như bất ổn hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong 10 năm cầm quyền của Tập Cận Bình. Đến ngày 29 tháng 11, sau một ngày cuối tuần, khi người dân đôi khi công khai hướng sự tức giận của họ vào lãnh đạo đất nước, ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố khác, chính quyền đã cử một đội quân cảnh sát nhỏ để lập lại trật tự, bắt giữ những người biểu tình và cố gắng dập tắt phong trào.
Nhưng khi chính phủ tái khẳng định quyền kiểm soát, thì chính phủ cũng phải đối mặt với thực tế rằng một bộ phận lớn công chúng đã bắt đầu tỏ ý ngờ vực về sự khôn ngoan không chỉ của các quan chức địa phương mà còn của lãnh đạo Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Điều đó đặt ra một câu hỏi từng không thể tưởng tượng được: Tập Cận Bình, người mới được bổ nhiệm cho nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, liệu có thua các cuộc xuống đường của dân Trung Quốc không?
Cho đến mùa thu năm 2022, chuyện đó dường như là không thể tin được. Rốt cuộc, trong suốt thập kỷ đầu tiên tại vị của Tập Cận Bình, khi ông đóng cửa các liên hoan phim độc lập, đóng cửa các tạp chí lịch sử và nói chung là gây khó khăn cho cuộc sống của những người có tư tưởng tự do, các nhà quan sát thường phải thừa nhận rằng ông Tập có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của những người Trung Quốc bình thường. Tất nhiên không thể chứng minh xu thế hỗ trợ đó, do không thể có sự thăm dò ý kiến độc lập ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy rõ ràng rằng ông ta nổi tiếng trong tầng lớp dân có thu nhập trung bình và thấp. Nhiều người trong số này đã chán ngấy với tình trạng tham nhũng tràn lan và bất bình đẳng ngày càng gia tăng dưới thời của những người tiền nhiệm của ông Tập.
Ông Tập, ngược với những người tiền nhiệm đó, đã chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nạn tham nhũng trong đảng và tầng lớp cướp bóc cấp cao trục lợi từ tham nhũng. Ông Tập có một giọng nói khàn khàn và có vợ là một ca sĩ nổi tiếng, ông thúc đẩy mạnh mẽ lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế. Khi lệnh phong tỏa COVID-19 bắt đầu cách đây gần ba năm ở Vũ Hán, một vài cuộc biểu tình đã nổ ra, nhưng hầu hết người dân cho rằng các chính sách phong tỏa nghiêm ngặt “zero COVID” của Bắc Kinh là hợp lý, đặc biệt là khi họ thấy Hoa Kỳ và các nước phát triển khác mà người Trung Quốc cho là có điều kiện y tế tốt hơn đã không chịu nổi những đợt quá tải liên tiếp của các bệnh viện và số người chết tăng cao.
Nhưng khi phần còn lại của thế giới dường như đã để đại dịch lại phía sau, nhiều người Trung Quốc bắt đầu thể hiện sự tức giận trước những biện pháp từng được khen ngợi này. Đối với nhiều người Trung Quốc, phong tỏa và xét nghiệm gần như hàng ngày đã trở thành một cuộc chiến không hồi kết. Vào tháng 10, khi Đại hội Đảng lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra và không có dấu hiệu nới lỏng chính sách, họ đã xuống đường.
Các cuộc biểu tình quy mô nhỏ không phải là hiếm thấy ở Trung Quốc. Nhưng cho đến nay, gần như tất cả đều chỉ giới hạn ở các vấn đề địa phương như ô nhiễm hoặc không được trả lương. Ngược lại, các cuộc biểu tình quy tụ lực lượng trong suốt thời gian vừa qua đã diễn ra trên toàn quốc và ngày càng nhắm vào chính ông Tập. Các cuộc biểu tình công khai chống lại các biện pháp hạn chế COVID-19 bắt đầu vào cuối năm 2021 tại Tây An, sau đó lan sang Thượng Hải trong đợt phong tỏa kéo dài của thành phố vào mùa xuân. Và người dân đã ủng hộ các cuộc biểu tình bạo lực vào tuần trước của các nhân viên công nghệ tại một nhà máy sản xuất iPhone khổng lồ ở Trịnh Châu, nơi gần đây đã áp dụng các biện pháp phong tỏa trong bối cảnh điều kiện làm việc khó khăn. Cuối cùng, sau khi mười người ở thành phố phía tây Urumqi [烏魯木齊 Ô Lỗ Mộc Tề / Thủ phủ khu tự trị Tân Cương] thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn ngày 24 tháng 11 — được cho rằng do chính quyền đặt các chính sách chống COVID lên trước tính mạng con người — nhiều người thấy rằng thế là đã quá đủ. Trong vài ngày sau đó, các cuộc biểu tình lan rộng đến hơn chục thành phố trên cả nước.
Tất nhiên, với các công cụ giám sát và kiểm soát mạnh mẽ của Bắc Kinh, có vẻ như những sự kiện này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho chế độ. Tập Cận Bình có thể sẽ nắm quyền thêm năm hoặc mười năm, và thậm chí có thể lâu hơn nữa. Nhưng khi trở thành một thách thức đối với chính phủ, các cuộc biểu tình đã đặt ra những vấn đề sâu rộng về thập kỷ nắm quyền thứ hai của ông Tập sẽ diễn ra như thế nào.
Nếu ông Tập bị suy yếu ở trong nước, liệu có khả năng ông ta sẽ thực hiện các chính sách mạo hiểm ở nước ngoài hay không hay ông chỉ đối mặt với những thách thức trong nước? Liệu ông ấy có bị buộc phải thay đổi không chỉ chiến lược zero COVID mà còn thay đổi cả mô hình kinh tế do nhà nước điều hành? Và liệu các đảng phái có thể tái xuất hiện ở Trung Quốc, có lẽ tập hợp lại xung quanh một nhà lãnh đạo trẻ hơn được coi là thực dụng hơn? Những câu hỏi này sẽ càng cấp bách hơn khi Bắc Kinh hiện đang phải đối mặt với những thách thức khác, từ dân số già đi nhanh chóng đến nền kinh tế đang trì trệ. Đánh giá tâm trạng của Trung Quốc luôn là một điều khó khăn, tuy nhiên không còn nghi ngờ gì nữa, một sự thay đổi đáng kể đã diễn ra với những người thường thờ ơ với chính trị, một sự thay đổi có thể mang lại những hậu quả đáng kể cho Trung Quốc và thế giới.
Đất nước gặp khó khăn
Dựa trên các cuộc khảo sát của tôi về những người thuộc tầng lớp lao động ở Bắc Kinh từ năm 2018 đến nay, cũng như các cuộc trò chuyện tiếp theo mà tôi đã có trong tuần qua, nhiều người Trung Quốc muốn quay trở lại cuộc sống bình thường. Và dường như họ định nghĩa bình thường là thời điểm mà mọi người có thể tự do du lịch khắp đất nước và ra cả nước ngoài trong kỳ nghỉ, thời điểm hộ chiếu được cấp tự động, người nước ngoài là một phần của phong cảnh Trung Quốc và Trung Quốc dường như có quan hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới.
Hãy so sánh sự tương phản giữa Thế vận hội 2008 phấn khích và vui vẻ ở Trung Quốc, và Thế vận hội mùa đông 2022, diễn ra trong điều kiện phong tỏa khắc nghiệt và rất ít du khách nước ngoài có thể tham dự.
Trên thực tế, việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại của Trung Quốc là phần việc dễ. Đảng Cộng sản có thể xoay trục khỏi chiến lược zero COVID bằng cách tiêm chủng lại cho người dân bằng vắc-xin mRNA hiệu quả hơn, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và chuẩn bị cho người dân về thực tế là vi-rút có thể lây lan rộng rãi trong một thời gian và một số cái chết do COVID sẽ xảy ra. Sự thay đổi chính sách này sẽ là một thách thức nhưng không phải là không thể thực hiện đối với Bắc Kinh. Đó là con đường để thoát khỏi zero COVID, nếu ông Tập muốn.
Nhưng vấn đề là sự thay đổi như vậy vẫn sẽ để lại những khó khăn tiềm ẩn chưa được giải quyết về kinh tế và xã hội của Trung Quốc. Được rao giảng bởi chính Bắc Kinh trong nhiều thập kỷ, công chúng kỳ vọng rằng Trung Quốc sẽ không ngừng giàu có và phát triển hơn nữa. Họ muốn quay trở lại với loại hình thịnh vượng ngày càng tăng này. Điều đó khó mà xảy ra ngay cả dưới sự lãnh đạo có năng lực nhất, và đặc biệt khó xảy ra dưới thời Tập Cận Bình.
Đánh mất giới trẻ
Những lo lắng của người dân về tương lai của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện từ những năm 2010. Trong phần lớn thập kỷ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn ở mức đáng nể, nhưng nó đã mất đi sức mạnh mà nó đã duy trì hồi đầu thế kỷ và hiện đang có xu hướng đi xuống.
Riêng đối với những người trẻ tuổi, điều này có nghĩa là sự mất an toàn kinh tế. Hãy xem xét quỹ nhà ở của đất nước. Trong một cuộc khảo sát kéo dài nhiều năm vào cuối những năm 2010 cho một dự án về các nhóm tôn giáo dân gian ở Trung Quốc, nhiều gia đình thuộc tầng lớp lao động cho biết đã qua rồi cái thời con cái họ có thể tìm được một căn hộ của riêng mình. Quay trở lại những năm 1990, nhiều gia đình trong số này đã được hưởng lợi khi nhà nước tư nhân hóa quỹ nhà ở, một số có nhiều căn hộ. Nhưng đó là một lần duy nhất. Hai thập kỷ sau, thật khó để những người trẻ tuổi có thể hình dung ra số tiền khổng lồ mà họ cần có để sở hữu bất cứ thứ gì trong vùng lõi đô thị của hầu hết các thành phố Trung Quốc — cho dù là trong tình trạng thị trường địa ốc đang đóng băng. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 16 đến 24 tuổi của Trung Quốc đã tăng lên hơn 18%.
Những thách thức này đã tăng lên đáng kể kể từ khi đại dịch bắt đầu và trở nên tồi tệ hơn trong năm nay, với dự báo GDP của Trung Quốc cho năm 2022 hiện đã điều chỉnh xuống mức ảm đạm 3,2%, so với mục tiêu chính thức là 5,5%. Bắc Kinh đã đổ lỗi cho tốc độ tăng trưởng chững lại là do đại dịch và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Chính quyền Trung Quốc nhận thức rõ ràng rằng việc phong tỏa của họ đang góp phần đáng kể vào những khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Nhưng họ đã sai khi nghĩ rằng đây là nguyên nhân chính hoặc duy nhất dẫn đến tình trạng xơ cứng của đất nước. Thực tế là sự suy thoái đã bộc lộ những vấn đề cấu trúc sâu xa hơn, việc khắc phục những vấn đề này sẽ đòi hỏi tầm nhìn xa và sự táo bạo của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Mà cả hai phẩm chất này đều thiếu trong chính quyền hiện tại.
Các học giả Trung Quốc và phương Tây đã ghi nhận rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng khiến một bộ phận lớn dân số không được chuẩn bị đầy đủ cho tương lai. Hơn một nửa dân số Trung Quốc đến từ các vùng nông thôn, nơi chỉ có các trường học hạng hai và phần lớn họ không được học đại học. Và nhiều công việc không cần kỹ năng mà những người này từng có thể làm đã bị thay thế bằng tự động hóa hoặc chuyển sang các quốc gia khác.
Các vấn đề cơ cấu khác bao gồm tăng trưởng do nợ nần, dân số già đi thậm chí còn nhanh hơn so với giả định, và nền kinh tế ngày càng do nhà nước kiểm soát, với các doanh nghiệp nhà nước hút một lượng vốn khổng lồ. Trong khi đó, Bắc Kinh đã phóng tay chi rất nhiều tiền cho các hệ thống phòng thủ và các dự án gây thanh thế, chẳng hạn như chương trình không gian, đồng thời thực hiện chính sách công nghiệp tốn kém nhằm làm cho Trung Quốc bớt phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Nói chung, những vấn đề này đã tạo ra một lực cản mạnh mẽ đối với nền kinh tế, điều này ngày càng cản trở sự tiến lên trên nấc thang xã hội của nhiều người Trung Quốc. Tuy nhiên, hầu hết dân chúng có thể không nhìn nhận vấn đề theo cách này, bởi vì nhiều dự án do nhà nước điều hành được chấp nhận như một phần của việc Trung Quốc khẳng định vị trí xứng đáng của mình trong trật tự thế giới. Nhưng mọi người đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các chính sách này vì chúng đang làm chậm lại nền kinh tế.
Sự hỗn loạn đang đến
Đối mặt với thách thức phổ biến lớn nhất chưa từng gặp phải, Tập Cận Bình đứng trước một bước ngoặt quan trọng. Để thực sự đảo ngược quỹ đạo đi xuống của Trung Quốc, chính quyền của Tập rất có thể sẽ phải bắt tay vào một đợt cải cách kinh tế quy mô lớn mới, tương đương với các biện pháp đầy tham vọng đã được đưa ra vào cuối những năm 1990 và thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này bởi nhà lãnh đạo đảng lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân (người đã chết vào ngày 30 tháng 11) và Thủ tướng của ông, Chu Dung Cơ.
Vào thời điểm đó, quá trình tự do hóa kinh tế này đã giúp nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng đúng hướng. Ở nhiều khía cạnh, đất nước Trung Quốc đã sống nhờ những cải cách này kể từ đó, đồng thời sử dụng khoản chi lớn cho cơ sở hạ tầng để duy trì các con số tăng trưởng bề ngoài đáng nể. Nhưng điều đó không còn đủ nữa. Những cải cách cần thiết bao gồm việc trao cho cư dân nông thôn toàn quyền chuyển đến các thành phố và gửi con cái họ đến những trường học tốt hơn. Đất nước này cũng cần có các chính sách ưu đãi doanh nghiệp tư nhân và cải cách thị trường vốn cổ phần để gửi vốn cho các công ty xứng đáng hơn là các công ty được nhà nước bảo hộ. Và Trung Quốc có lẽ cần phải trải qua một vòng phá bỏ độc quyền nhà nước mới để tạo ra nhiều cạnh tranh hơn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, không có gì trong tiểu sử của Tập gợi ý rằng ông ta sẽ áp dụng các biện pháp táo bạo như vậy. Thay vào đó, ông cảm thấy thoải mái hơn nhiều với tư cách là một nhà hoạch định chính sách hiện trạng, người luôn kiểm soát dân chúng thông qua các biện pháp giám sát và ý thức hệ ngày càng gia tăng, đặc biệt là chủ nghĩa dân tộc và kêu gọi các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Chừng nào Trung Quốc còn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đất nước dường như đang đi đúng hướng, thì hầu hết mọi người không quan tâm đến việc Tập thiếu cải cách — điều này không có gì lạ, bởi vì cải cách thường bao hàm những thay đổi đau đớn. Thay vào đó, những người Trung Quốc bình thường cảm thấy hài lòng với công cuộc đàn áp tham nhũng, với chính sách đối ngoại mang tính dân tộc chủ nghĩa và việc hồi sinh các tôn giáo truyền thống của ông Tập. Tuy nhiên, chi phí gia tăng của việc phong tỏa zero COVID dường như đã đánh thức ngày càng nhiều một bộ phận dân số trước những thách thức lớn hơn mà đất nước phải đối mặt và trước những kỳ vọng đang giảm dần của chính họ. Nói cách khác, việc kiểm soát chặt chẽ đại dịch đã trở thành một cơ hội dễ dàng để mọi người giải thích tại sao mức sống đang trì trệ.
Đây là câu hỏi hóc búa dành cho ông Tập. Ngay cả khi ông ấy dỡ bỏ các hạn chế zero COVID, thì nền kinh tế có thể chỉ phục hồi tạm thời. Nếu không chuyển đổi đột ngột sang cải cách, Tập Cận Bình có khả năng nhận thấy rằng quyền lực trong 5, 10 hoặc nhiều năm tiếp theo của ông ta sẽ bị ảnh hưởng bởi sự bất an gia tăng trong dân chúng và các cuộc phản đối bùng phát hơn nữa do các cuộc khủng hoảng khác chắc chắn sẽ phát sinh. Mới tháng trước, ông Tập dường như sẵn sàng để cai trị không bị thách thức trong nhiều năm tới. Nhưng việc ông ấy lãng phí thập kỷ đầu tiên nắm quyền vào các biện pháp kiểm soát thay vì cải cách hướng tới tương lai có nghĩa là các vấn đề của Trung Quốc đã trở nên hữu hình đối với người dân thường. Đây là ý nghĩa thực sự của các cuộc biểu tình vì COVID: chúng không chỉ đơn giản là kêu gọi tự do cá nhân mà còn báo hiệu sự khởi đầu của một kỷ nguyên hỗn loạn hơn trong nền chính trị Trung Quốc.
I.J.
* IAN JOHNSON là Nghiên cứu viên cấp cao của Stephen A. Schwarzman về Nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.