Áp lực gia tăng củng cố quyết tâm của Đài Loan nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc

Thanh Hải

Áp lực gia tăng củng cố quyết tâm của Đài Loan nhằm chống lại các mối đe dọa từ Trung Quốc
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (áo trắng) tham dự Ngày Quốc khánh trước Văn phòng Tổng thống ở Đài Bắc, hôm 10/10/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Theo một báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Úc, việc Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan đã củng cố quyết tâm của hòn đảo tự trị này trong việc chống lại các mối đe dọa của Trung Quốc.

Vào ngày 25/11, Tạp chí Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Úc đã đăng một bài báo có tựa đề “On Chinese Deterrence Thought and Practice Circa 2022” (tạm dịch “Về tư duy và thực tiễn răn đe của Trung Quốc vào khoảng năm 2022). Bài báo đã làm sáng tỏ các khái niệm và thực tiễn cưỡng chế của Trung Quốc, chẳng hạn như các hành vi răn đe và tác động của những hành vi đó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng Đài Loan.

Các tác giả lập luận rằng, các hành động cưỡng chế của Trung Quốc đối với Đài Loan như một phần của “Chính sách Một Trung Quốc”, đã “làm suy yếu động cơ căn bản của lối ngoại giao cưỡng chế”.

Mục đích cốt yếu của ngoại giao cưỡng chế là thuyết phục quốc gia bị ép buộc rằng, “nếu kháng cự họ sẽ chịu thiệt, còn nếu nhượng bộ thì không”. Tuy nhiên, nếu “họ đã chịu đựng bằng mọi giá hoặc họ đã chịu đựng đến mức không chịu khuất phục thì việc cưỡng chế sẽ thất bại”, theo bài báo.

“Ở đây, hành vi hiện tại của Trung Quốc cung cấp cho Đài Loan nhiều bằng chứng cho thấy, cho dù họ kháng cự hay khuất phục trước sự ép buộc của Bắc Kinh, thì họ cũng đều phải gánh chịu hậu quả”.

“Kết quả là, quyết tâm của Đài Loan sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn”, báo cáo cho biết.

Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi (Dân chủ – California) Phát biểu sau khi nhận được Huy chương Khánh Vân, huy chương danh dự dân sự cao nhất của Đài Loan, từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (phải) tại văn phòng tổng thống ở Đài Bắc, Đài Loan, vào ngày 03/08/2022. (Ảnh: Handout/Getty Images)

Báo cáo được đưa ra ba tháng sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ ​​trước đến nay xung quanh Đài Loan, sau chuyến thăm hồi đầu tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. 

Chính phủ Trung Quốc đã bị lên án vì vi phạm lãnh hải và vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. ĐCSTQ đã phóng tên lửa qua hòn đảo và tiến hành các cuộc tập trận phong tỏa xung quanh hòn đảo này.

Bình luận về cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc, đặc phái viên Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim) cho biết, cuộc tập trận đã “thu hút rất nhiều sự chú ý và thiện cảm [của công chúng]” đối với tình hình của Đài Loan; đồng thời thúc đẩy “sự quan tâm lớn hơn bao giờ hết” đối với việc đến thăm hòn đảo này, tờ Reuters đưa tin vào ngày 18/8.

Bà Tiêu cũng nói với đài CBS vào ngày 7/8 rằng, nỗ lực cưỡng chế của Trung Quốc sẽ gia tăng những quyết tâm hơn nữa của hòn đảo nhằm “củng cố hệ thống phòng thủ của chính Đài Loan” cũng như “các dự án mua bán quân sự quốc tế với Hoa Kỳ”.

Các lực lượng Đài Loan tiến hành bắn đạn thật trong cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất vào ngày 25/05/2017, do Tổng thống Thái Anh Văn chủ trì, trong bối cảnh hòn đảo này phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ đối thủ xuyên eo biển là Trung Quốc. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images)

Răn đe mang đặc điểm của Trung Quốc

Báo cáo cũng nói rằng sự răn đe với “đặc điểm Trung Quốc” (tiếng Quan Thoại là “wēi shè”) được coi là “một công cụ để ĐCSTQ đạt được các mục tiêu về chính trị – quân sự hơn là mục tiêu về chính sách. 

Theo đó, sự răn đe này có hai chức năng. Một là sử dụng sự răn đe để ngăn cản đối phương làm những gì họ muốn làm (tức là can ngăn). Hai là sử dụng sự răn đe để thuyết phục bên kia làm những gì họ phải làm (tức là bắt buộc).

Có thể nhận thấy “bản chất kép” trong kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm ngăn cản sự can thiệp của Washington nếu Trung Quốc chọn sử dụng vũ lực ở eo biển Đài Loan; đồng thời thúc đẩy Đài Bắc áp dụng triết lý và mô hình “thống nhất” của Bắc Kinh, theo báo cáo.

“Sau đó, từ quan điểm của Bắc Kinh, các xu hướng chính trị hiện tại – nếu không được kiểm soát – sẽ đe dọa đến kịch bản tồi tệ nhất của họ: một Hoa Kỳ loại bỏ ‘sự mơ hồ chiến lược’ và một Đài Loan thống nhất trong nước với nền độc lập trên thực tế (nếu không muốn nói là hợp pháp)”,o cáo cho biết.

“Vấn đề đối với Bắc Kinh là các xu hướng chính trị hiện tại ở Đài Loan mâu thuẫn với các mục tiêu của họ, khi chính phủ của Tổng thống Thái Anh Văn rời xa bất cứ điều gì giống như quan điểm ‘Một Trung Quốc’, và xã hội Đài Loan nhận thấy sự củng cố về bản sắc dân tộc Đài Loan và từ chối ủng hộ bất kỳ ý tưởng nào về việc ‘thống nhất’ với Trung Quốc đại lục”.

Trực thăng quân sự Trung Quốc bay qua đảo Bình Đàm, một trong những điểm gần Đài Loan nhất của Trung Quốc đại lục, ở tỉnh Phúc Kiến, trước cuộc tập trận quân sự xung quanh Đài Loan, hôm 04/08/2022. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)

Răn đe của Trung Quốc xuyên suốt thời bình – khủng hoảng – chiến tranh 

Báo cáo lưu ý thêm rằng, khả năng răn đe mang đặc điểm Trung Quốc trải dài từ thời bình cho đến khủng hoảng và trong thời chiến.

Trong thời bình, răn đe được định nghĩa là “sự phóng chiếu sức mạnh quân sự quốc gia, kết hợp với các yếu tố chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học, văn hóa và các yếu tố chiến lược khác, nhằm tác động đến sự phát triển của các sự kiện và trì hoãn hoặc ngăn chặn sự bùng nổ xung đột,” theo nghiên cứu.

Điều này có thể nhận thấy qua việc Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại mới đối với Đài Loan và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Úc, sau khi Úc yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc của đại dịch Covid-19; cũng như việc chính phủ Trung Quốc sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok để mở rộng quyền lực mềm và thu thập dữ liệu của công dân.

“Trong tình huống [xảy ra] khủng hoảng, PLA (Quân đội Giải phóng Nhân dân) sẽ triển khai vị thế răn đe cường độ cao để thể hiện quyết tâm chiến đấu mạnh mẽ và sức mạnh to lớn, buộc đối thủ phải nhanh chóng đảo ngược hướng đi”, báo cáo cho biết.

“Việc sử dụng răn đe có thể trì hoãn xung đột và tạo điều kiện cho các chính phủ đưa ra các quyết định chính trị khác để chuẩn bị cho chiến tranh”.

“Nhưng nếu ‘chiến tranh sắp xảy ra’, thì sự răn đe có thể tận dụng cơ hội cuối cùng để ngăn chặn chiến tranh, hoặc giành thế chủ động trong cuộc chiến, đặc biệt là trận chiến đầu tiên, và tạo ra một kịch bản quân sự thuận lợi để bước vào cuộc chiến”.

Tác giả nhấn mạnh rằng các tài liệu trong báo cáo về vị thế răn đe của Trung Quốc đến từ hai ấn phẩm do Học viện Khoa học và Công nghệ Quân sự Trung Quốc xuất bản, bao gồm Sách trắng Quốc phòng và Chiến lược Quân sự của Trung Quốc

Theo The Epoch Times

Thanh Hải biên dịch

Related posts