Tin thế giới trưa thứ Tư: Cảnh sát Ý dừng tuần tra chung với Trung Quốc

Cảnh sát Ý dừng tuần tra chung với Trung Quốc

Cảnh sát Ý dừng tuần tra chung với Trung Quốc

Cảnh sát Ý và cảnh sát Trung Quốc tuần tra chung ở Milan, Ý, năm 2018. (Ảnh: Emanuele Cremaschi/Getty Images)

Hôm 19/12, Bộ trưởng Nội vụ Ý tuyên bố, Ý sẽ không cho phép cảnh sát Trung Quốc tham gia tuần tra chung với cảnh sát Ý trên lãnh thổ nước này. Quyết định này được đưa ra sau khi chính phủ Ý bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ trước các “trạm dịch vụ” bí mật của cảnh sát Trung Quốc được thiết lập tại nhiều thành phố ở Ý.

Vào năm 2015, Ý đã ký một thỏa thuận song phương với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), trong đó cho phép các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc tuần tra chung với cảnh sát Ý ở Rome, Milan, Napoli và nhiều thành phố khác của Ý.

Bộ trưởng Nội vụ Matteo Piantedosi nói với tờ Il Foglio hôm thứ Hai (19/12) rằng, “Tôi có thể nói rằng những hình thức hợp tác đó sẽ không còn được thực hiện hoặc mô phỏng dưới các hình thức khác nữa”.

Ông nói thêm rằng các cuộc tuần tra chung diễn ra từ năm 2016 đến 2019, và đã bị “tạm dừng” do đại dịch Covid-19.

Động thái này của chính phủ Ý diễn ra sau khi xuất hiện các báo cáo của tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders có trụ sở tại Tây Ban Nha, nêu rõ việc chính quyền Trung Quốc bí mật thiết lập các đồn cảnh sát ở hải ngoại. Điều này đã thu hút sự chú ý đáng kể của cộng đồng quốc tế.

Báo cáo (pdf) có tiêu đề “Hệ thống 110 hải ngoại: Chính sách đàn áp xuyên quốc gia của Trung Quốc” (110 Overseas: Chinese Transnational Policing Gone Wild), đã xem xét sáng kiến ​​do mười “tỉnh thí điểm” đưa ra lần đầu tiên vào năm 2018. Các hệ thống này còn được gọi là “hệ thống 110 hải ngoại”, được đặt theo số điện thoại dịch vụ khẩn cấp của cảnh sát nước này.

Ảnh Đại Kỷ Nguyên

Trong báo cáo mới nhất của mình, Safeguard Defenders tuyên bố rằng, họ có bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã thành lập ít nhất 102 “Trạm Dịch vụ Cảnh sát của Trung Quốc ở Hải ngoại” tại 53 quốc gia trên thế giới, chủ yếu ở phương Tây. Trong số đó, 11 trạm được thiết lập trên lãnh thổ nước Ý.

Khi được chất vấn trước Quốc hội Ý vào đầu tháng này, ông Piantedosi nói rằng, thỏa thuận tuần tra chung với Trung Quốc không liên quan gì đến việc thành lập bất kỳ “trạm dịch vụ” nào ở Ý.

Huyền Anh

Mỹ và Trung Quốc chỉ trích lẫn nhau về vấn đề Biển Đông

Hình ảnh các tàu Trung Quốc neo đậu ở một khu vực thuộc Biển Đông ngày 7/3/2021. (Ảnh: Phillipines Coast Guard/National Task Force)

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila hôm 20/12 đã cáo buộc Hoa Kỳ gây chia rẽ giữa Philippines và Bắc Kinh, bày tỏ sự thất vọng trước “những cáo buộc vô căn cứ” của Washington rằng nước này đang kích động và gây rối ở Biển Đông.

Biển Đông đã trở thành một trong nhiều điểm nóng trong mối quan hệ đầy thử thách giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, với việc Washington bác bỏ điều mà họ gọi là yêu sách lãnh thổ phi pháp của Bắc Kinh ở vùng biển giàu tài nguyên.

Ngày 19/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price bày tỏ lo ngại về “đội tàu Trung Quốc ngày càng lớn” trong vùng biển tranh chấp và một sự cố liên quan đến một mảnh tên lửa trôi nổi ở vùng biển này.

Ông Price nhận định, các hành động của Trung Quốc “cho thấy họ tiếp tục coi thường các nước khác ở Biển Đông cũng như các quốc gia hoạt động hợp pháp trong khu vực”. Ông tái khẳng định Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng Philippines trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trong một tuyên bố, Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila cho rằng “các nước láng giềng có sự khác biệt là điều tự nhiên”. Tuyên bố còn có đoạn: “Mỹ không ngừng can thiệp vào các tranh chấp ở Biển Đông, cố gắng chia rẽ các nước trong khu vực, gây căng thẳng và làm tổn hại đến hòa bình và ổn định khu vực.”

“Những gì Hoa Kỳ đã làm không phải để giúp đỡ bất cứ ai mà để phục vụ lợi ích địa chính trị của chính mình.”

Trung Quốc vẫn luôn tuyên bố chủ quyền đối với các vùng rộng lớn ở Biển Đông chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia, Brunei, Indonesia và Philippines. Hàng nghìn tỷ đô la thương mại lưu chuyển qua tuyến đường thủy này, nơi cũng có các ngư trường và mỏ khí đốt phong phú.

Philippines tuần trước đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về “các báo cáo cho thấy” tàu Trung Quốc ở một bãi đá ngầm và bãi cạn bên trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Điều này diễn ra vài ngày sau khi Bộ Ngoại giao Philippines gửi công hàm phản đối về việc một tàu hải cảnh Trung Quốc được cho là đã chặn đường và cắt dây kéo một mảnh tên lửa trôi nổi vốn đang được một tàu Philippines lai dắt ở Biển Đông

Trung Quốc đã phủ nhận việc họ dùng vũ lực để lấy vật thể trôi nổi nói trên. Bắc Kinh hồi tháng trước còn khẳng định vật thể đó là mảnh vỡ từ vỏ bảo vệ phần mũi của một con tàu vũ trụ mà họ phóng và rơi xuống Biển Đông.

Minh Ngọc (Theo Reuters)

Taliban cấm phụ nữ vào các trường đại học ở Afghanistan

Một phát ngôn viên của chính phủ Taliban thông báo hôm 20/12, nữ sinh viên ở Afghanistan sẽ bị cấm vào các trường đại học tư và công. Đây là sắc lệnh mới nhất nhằm vào các quyền và tự do của phụ nữ; sắc lệnh này có hiệu lực ngay lập tức cho đến khi có thông báo mới.

Mặc dù ban đầu chính quyền Taliban đã hứa hẹn về các quy tắc ôn hòa hơn, trong đó tôn trọng quyền phụ nữ và các tộc người thiểu số, tuy nhiên trên thực tế họ đã triển khai luật Hồi giáo, hay Sharia theo cách hiểu của họ một cách rộng rãi.

Chính phủ Taliban đã cấm các bé gái học cấp 2 và cấp 3, không cho phép hầu hết phụ nữ đi làm và bắt buộc họ mặc quần áo kín từ đầu đến chân ở nơi công cộng. Phụ nữ cũng bị cấm đến công viên và phòng tập thể dục.

Taliban đã bị lật đổ vào năm 2001 bởi một liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vì chứa chấp thủ lĩnh al-Qaida Osama bin Laden, tuy nhiên đã trở lại nắm quyền sau đợt rút quân hỗn loạn của Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Quyết định được công bố sau một cuộc họp của chính phủ. Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục Bậc cao Ziaullah Hashmi đã yêu cầu các trường đại học tư thục và công lập thực hiện lệnh cấm càng sớm càng tốt và báo lại cho Bộ ngay khi lệnh cấm được triển khai.

Ông Hashmi đã tweet về bức thư và xác nhận nội dung của nó trong một tin nhắn gửi cho tờ Associated Press mà không cung cấp thêm chi tiết.

Quyết định này chắc chắn sẽ làm tổn hại đến những nỗ lực của Taliban nhằm giành được sự công nhận từ các nhà tài trợ quốc tế tiềm năng, vào thời điểm Afghanistan đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tồi tệ. Cộng đồng quốc tế đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Taliban mở lại trường học và cấp quyền cho phụ nữ đến những nơi công cộng.

Lệnh cấm tại các trường đại học được đưa ra vài tuần sau khi các nữ sinh Afghanistan thi tốt nghiệp trung học, mặc dù họ đã bị cấm đến lớp kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước vào năm ngoái.

“Tôi không thể thực hiện được ước mơ, hy vọng của mình. Mọi thứ đang biến mất trước mắt tôi và tôi không thể làm được gì,” một sinh viên báo chí và truyền thông năm thứ ba tại Đại học Nangarhar chia sẻ. Cô không muốn tiết lộ danh tính vì sợ bị trả thù.

“Là nữ giới có phải là cái tội không? Nếu đúng như vậy, tôi ước mình không phải là con gái. Bố tôi có ước mơ rằng con gái ông sau này sẽ trở thành một nhà báo tài năng. Điều đó bây giờ đã bị hủy hoại. Do đó, các vị hãy nói cho tôi biết, người ta sẽ cảm thấy thế nào trong tình huống này?”

Tuy nhiên sinh viên này khẳng định cô vẫn chưa hết hy vọng.

“Chúa luôn sẵn lòng, tôi sẽ tiếp tục việc học của mình bằng mọi cách. Tôi đang bắt đầu học trực tuyến. Và nếu nó không hiệu quả, tôi sẽ phải rời khỏi đất nước này và đến một quốc gia khác.”

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án quy định này, gọi đây là một “lời hứa thất hứa” khác của Taliban và là một động thái “rất đáng lo ngại”.

“Thật khó để tưởng tượng làm thế nào một quốc gia có thể phát triển, có thể đối phó với tất cả những thách thức mà nó gặp phải nếu không có sự tham gia tích cực của phụ nữ và giáo dục,” ông Guterres phát biểu.

Ông Robert Wood, phó đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc tuyên bố, Taliban không thể mong đợi trở thành thành viên hợp pháp của cộng đồng quốc tế cho đến khi họ tôn trọng quyền của tất cả người dân Afghanistan.

Vị trí của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc vẫn thuộc về chính phủ trước đây do cựu Tổng thống Ashraf Ghani lãnh đạo. Taliban đã yêu cầu đại diện cho Afghanistan tại Liên Hợp Quốc, tuy nhiên yêu cầu này gần đây đã bị hoãn lại.

Đại biện lâm thời của Afghanistan, ông Naseer Ahmed Faiq phát biểu tại Liên Hợp Quốc rằng quy định này “đánh dấu một mức tệ hại mới trong việc vi phạm hầu hết các quyền cơ bản và phổ quát của con người đối với toàn thể nhân loại.”

Vy An (Theo Newsmax)

Ngân hàng Thế giới thông qua gói cứu trợ hơn 600 triệu USD cho Ukraine

Hôm 20/12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đã thông qua gói cứu trợ mới trị giá 610 triệu USD cho Ukraine, nhằm mục đích duy trì các dịch vụ thiết yếu và hỗ trợ các cơ quan y tế của Ukraine trong bối cảnh chiến sự vẫn tiếp diễn, theo hãng tin Reuters.

Khung cảnh đầy tuyết bên ngoài các tòa nhà chung cư bị phá hủy sau cuộc tấn công của Nga ở thị trấn Irpin gần Kyiv, Ukraine, ngày 19 tháng 11/2022 (Ảnh: Karina Curve/Shutterstock)

Cụ thể, theo thông báo của WB, trong ngân sách mới, 500 triệu USD sẽ được cung cấp thông qua một khoản cho vay để hỗ trợ chính phủ Ukraine trang trải chi phí liên quan đến phúc lợi cho trẻ em và hộ gia đình, lương của công viên chức cũng như thanh toán các dịch vụ công thiết yếu.

Theo Ngân hàng Thế giới, việc duy trì những dịch vụ công quan trọng này có ý nghĩa quan trọng nhằm hạn chế tổn thất về người cũng như để tái thiết đất nước và nền kinh tế Ukraine sau xung đột.

Đây là lần thứ 3 mà WB thông qua gói ngân sách hỗ trợ Ukraine trong những tháng gần đây, với mỗi lần đều có giá trị lên tới 4,5 tỷ USD, cũng như một đảm bảo cho vay 530 triệu USD hồi tháng 9.

Hôm 15/12 vừa qua, WB đã công bố gói hỗ trợ trị giá 2 tỷ USD dành cho khu vực tư nhân của Ukraine. Gói hỗ trợ trên do Công ty Tài chính quốc tế (IFC), đơn vị hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tư nhân ở các thị trường mới nổi của WB, triển khai thực hiện. Gói này sẽ bổ sung thêm vào các khoản viện trợ trước đó của WB dành cho Ukraine. Hiện IFC đang triển khai các biện pháp nhằm giúp Ukraine duy trì dòng chảy thương mại cũng như khả năng tiếp cận các nguồn cung thiếu yếu như lương thực và nhiên liệu.

Phan Anh

Related posts