Ký ức cận Giáng Sinh

Trần Cẩm

Mùa giáng sinh năm nay, tiết trời se se lạnh y như ngày xưa (lâu rồi thời tiết thay đổi) Không khí lạnh gợi nhớ nhiều kỷ niệm nằm sâu trong ký ức.

Đầu thập niên 1990, gia đình mình còn sống ở Củ Chi , gần Noel trời rất lạnh . Vườn tràm quanh nhà đến mùa rụng bông , má mình tối ngày gom quét để dành sớm tối đốt lửa sưởi ấm.

Vào một đêm gần giáng sinh như đêm nay, ngoài trời tối đen như mực, gió rét rít từng cơn. Ngồi trong nhà nghe có tiếng người quen thuộc vừa đi vừa nói rổn rảng ngoài đường, mình vội chạy ra. Một ông lão ngoài 70, trong bộ quần áo kaki rách tả tơi, trên vai mang đòn gánh lòn tòn hai đầu là hai giỏ tụng te tua, chả biết trong đó có gì mà lắt la lắt lẻo. Ông lão vừa đi vừa độc thoại oang oang dậy xóm dậy làng chả kể số gì thời tiết và bóng đêm!

Thấy tội, mình mời ông vào nhà tá túc qua đêm cho đỡ lạnh, đến sáng hãy đi tiếp. Hình như cái lạnh cũng thấm nên ông lão ok liền.Cả nhà mình, em út con cái ai cũng vui cứ xúm vào lo cho ông và ‘hóng’ chuyện.

Mình không biết nhà cửa ông ở đâu, nhưng chẳng lạ gì vì hàng ngày ông vẫn thường qua lại trên đường lộ 15 này. Người ta thường gọi là ông Ba Phàn.

Nghe kể rằng ông ở một mình trong túp lều lá giữa cánh đồng Phú Hoà Đông cách đó 3km. Ông có một người con trai ở xã Tân phú Trung. Cứ cách vài bữa ông lại quảy gánh đi bộ từ nhà qua đó thăm con, mà toàn cuốc bộ, không dép giày gì cứ băng tắt theo đường chim bay gần 20km.

Hỏi sao không qua ở luôn với con, ông nói không thích.

Suốt hành trình, cứ vừa đi vừa độc thoại một mình, không thèm để ý để tứ đến ai. Nói chuyện đời chuyện đám có văn có vần xuôi như nước chảy. Thỉnh thoảng ứng khẩu vọt thơ… tục… mà rất hay, kiểu thơ Hồ Xuân Hương. Mấy tên rắn mắt thường ơi ới chọc khều để ông nói bậy nghe chơi. Ông đối lái lại rất thông minh tinh quái mà mặt mày tỉnh khô trong khi thiên hạ cười bò lăn bò càng. Mình có nhớ một số câu mà không dám viết ra đây!

Nhìn bộ dạng ông thì cũng giống Thi sĩ Bùi Giáng nhưng ông tròn trịa và khoẻ mạnh hơn nhiều. Mưa nắng còn sợ ông nữa là ! Nhưng nếu cho rằng ông khùng thì cũng không đúng, vì người khôn lanh có học còn chưa chắc đối lại ông kia mà! Người ta nói ông có tài mà tại trời hành nên như vậy.

Mời được ông vào nhà, mình mừng trong bụng lắm. Mời ăn cơm, mắc mùng trên bộ ván cho ông ngủ đàng hoàng xong đâu đó mới đi chợp mắt.

Nửa đêm về sáng, giật mình thức dậy thăm chừng. Tá hoả, ông lão cùng quang gánh mất tiêu, cửa nhà mở toang gió lùa vô ào ào. Mình vội vàng khoác áo chạy đi tìm vì sợ lỡ có gì…. Đêm hôm, chạy ra mấy sạp chợ không có, vòng đầu trên xóm dưới cuối cùng phát hiện ông lão đang nằm co như con tôm trước cái chòi sửa xe đạp bên vệ đường.

Năn nỉ mấy cũng không trở lại, mà còn nói như vầy: chú không quen giường chiếu khó ngủ lắm!

Thôi đành, cho ông lão vài đồng và từ đó ‘tởn’ luôn không bao giờ tài lanh nữa.

Sau này, dù đang rổn rảng lung tung trên đường nhưng cứ hễ đến ngang nhà mình ông lão nói lớn: Cái nhà này nó đàng quàng* tốt bụng với mình nên tới đây tạm ngưng không dám nói bậy!

Vừa đi qua khỏi lập tức xổ nho lại liền!

Sau này rời Củ Chi, lâu lâu về hỏi thăm nghe đâu ông đã chết rồi một mình trong căn chòi lá ….

Nghĩ mà thương cho một kiếp người. Rất tiếc chẳng có hình ảnh gì lưu lại.

Trần Cẩm

*Đàng quàng: phát âm riêng của người miền nam.

Related posts