Tin thế giới sáng Chủ Nhật: Thượng Hải sẽ thất thủ; Mỹ và WHO yêu cầu minh bạch thông tin

Bệnh viện: Thượng Hải sẽ thất thủ; Mỹ và WHO yêu cầu minh bạch thông tin

Gần đây, dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) bùng phát chưa từng thấy ở Trung Quốc, khiến hệ thống bệnh viện ở những nơi trọng điểm như Thượng Hải bị quá tải, tuy nhiên dữ liệu công khai về dịch bệnh của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khiến cộng đồng quốc tế khó hiểu. Ngày 22/12, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã gọi điện cho người đồng cấp Vương Nghị đề nghị chia sẻ thông tin sự thật về dịch bệnh.

Bệnh viện tư nhân có khoảng 400 nhân viên y tế này cho biết: “Đêm Giáng sinh, Tết Dương lịch và Lễ hội mùa xuân được định sẵn là không an toàn… Đối mặt với tình hình nghiêm trọng và tàn khốc, Đại Thượng Hải sẽ thất thủ; toàn bộ nhân viên y tế các bệnh viện cùng người bệnh nằm viện và người thân đều sẽ bị nhiễm bệnh. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác, chúng ta phải đồng lòng ứng phó, chúng ta không thể thoát khỏi”.

Trước lo ngại tình hình COVID-19 ở Trung Quốc có thể gây biến thể lây lan ra thế giới, hôm thứ Năm (22/12) Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin về đợt bùng phát COVID-19. Ông nói với người đồng cấp Vương Nghị rằng điều quan trọng là phải minh bạch về đợt bùng phát đang gia tăng, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ rằng nhà chức trách cố tình giả mạo số liệu người chết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price đã đưa ra một tuyên bố tại Washington vào tối thứ Năm, nói rằng trong cuộc điện đàm với ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Blinken đã “thảo luận về tình hình COVID-19 hiện nay tại Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch đối với cộng đồng quốc tế”.

Tuy nhiên, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc về cuộc điện đàm không đề cập đến dịch bệnh, mà chỉ nói rằng hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến Ukraine và Đài Loan.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ lo ngại vào đầu tuần này rằng đợt bùng phát ngoài tầm kiểm soát ở Trung Quốc có thể tạo ra các biến thể mới của COVID-19, làm lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới. Ông nói: “Điều hết sức quan trọng đối với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Trung Quốc, chính là tập trung vào tiêm vắc-xin, cung cấp dịch vụ xét nghiệm và điều trị, đồng thời chia sẻ thông tin với thế giới về những gì họ đang trải qua”. “Điều đó có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với toàn thế giới. Vì vậy, chúng tôi hy vọng điều đó [chia sẻ thông tin] sẽ xảy ra,” ông nói thêm.

Ông Blinken cũng nói rằng bất cứ khi nào COVID-19 lây lan đều có khả năng gây ra biến thể mới và chúng sẽ di chuyển xa tấn công các quốc gia khác trên thế giới. Việc Trung Quốc phong tỏa do COVID cũng đã có tác động rõ ràng đến nền kinh tế toàn cầu.

Quan hệ Mỹ-Trung vẫn căng thẳng mặc dù Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đồng ý khởi động lại đối thoại đa phương tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Indonesia vào tháng 11. Gần đây, chính quyền Biden tiếp tục gia tăng sức ép lên Trung Quốc trong cuộc chiến công nghệ, áp đặt các hạn chế đối trong xuất khẩu thiết bị sản xuất chip và chất bán dẫn tiên tiến, tiếp tục bao vây ĐCSTQ.

Tuy nhiên, khi dịch bệnh đang hoành hành ở Trung Quốc, Mỹ đã nhiều lần chìa cành ô liu cho Bắc Kinh. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm rằng Mỹ đã sẵn sàng giúp Trung Quốc đối phó với sự bùng phát nhanh chóng bằng vắc-xin, nhưng lưu ý rằng cho đến nay Bắc Kinh vẫn chưa yêu cầu hỗ trợ. Ông nói: “Chúng tôi muốn thấy Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh. Nhà Trắng đã hai lần công khai bày tỏ sẵn sàng cung cấp viện trợ miễn phí, nhưng đều bị ĐCSTQ từ chối”.

Phát ngôn viên Lưu Bằng Vũ của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết trong một tuyên bố rằng kho dự trữ vắc-xin của Trung Quốc “về cơ bản đáp ứng nhu cầu” và các mũi tiêm nhắc lại đang được triển khai, đồng thời các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm xử lý ổ dịch sẽ duy trì liên lạc với các đối tác Mỹ.

Hôm thứ Sáu (23/12), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết Sản xuất vật tư y tế trong nước của Trung Quốc đang mở rộng và nhìn chung đã đủ dùng rồi.

Bà Mao Ning trong một cuộc họp báo thường kỳ cho biết tình hình phòng chống dịch bệnh ở Trung Quốc nhìn chung đã trong tầm có thể dự đoán và kiểm soát được. Bà đã nhận xét như vậy khi có câu hỏi về vấn đề Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc không yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp vắc-xin.

Bà Mao Ninh cho biết: “Hiện tại, tỷ lệ tiêm chủng của Trung Quốc đang tăng lên, cũng như khả năng điều trị của vắc-xin đối với con người cũng tăng theo.”

Tái diễn kịch bản COVID-19 3 năm trước ở Vũ Hán? WHO yêu cầu dữ liệu thực

Kể từ ngày 7/12 khi chính quyền ĐCSTQ đột ngột bãi bỏ chính sách ‘Zero COVID’ đến nay, nhà chức trách ĐCSTQ công bố chỉ có 8 trường hợp tử vong vì COVID-19. Nhưng dữ liệu của công ty nghiên cứu Airfinity Ltd. có trụ sở tại London cho hay thực tế trường hợp tử vong vì COVID-19 Trung Quốc có thể đến hơn 5.000 người mỗi ngày. Minh chứng từ cộng đồng mạng cũng cho thấy qua các video về các bệnh viện quá tải ở mọi quy mô, các túi thi thể chất đống trong nhà xác bệnh viện, bệnh nhân và xác chết chen chúc nhau trong hành lang bệnh viện…

Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) chỉ ra một biên bản cuộc họp của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm thứ Tư cho thấy, chỉ riêng trong ngày 20/12 Trung Quốc đã có gần 37 triệu ca COVID-19, chiếm 17,56% tổng dân số Trung Quốc Đại Lục.

Tuy nhiên, kể từ khi ĐCSTQ bỏ phong tỏa ‘Zero COVID’ họ đã không gửi bất kỳ dữ liệu nhập viện mới nào cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Một lần nữa ngày 21/12, người đứng đầu bộ phận quản lý khẩn cấp của WHO là ông Ryan cũng đã kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ thông tin về nguồn gốc của COVID-19.

Chỉ trong vòng 2 tuần, các bệnh viện tại các thành phố lớn nhỏ ở Trung Quốc lại một lần nữa hứng chịu thảm cảnh tương tự như dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán 3 năm trước, WHO bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về điều này. Ngày 21/12, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom kêu gọi các cơ quan chức năng Trung Quốc đẩy nhanh việc tiêm phòng cho người già và người ốm yếu, WHO cũng yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin chi tiết về dịch bệnh. Ông Tedros Adhanom nhấn mạnh WHO cần thông tin chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng của bệnh, số người nhập viện và nhu cầu trường hợp chăm sóc đặc biệt để đánh giá rủi ro toàn diện.

Điều này gợi nhớ đến tình huống vào đầu năm 2020 khi WHO ngay lập tức yêu cầu chính quyền Bắc Kinh cung cấp thông tin chi tiết về dịch bệnh, nhưng không thể có được thông tin xác thực. Sau đó tình hình nghiêm trọng diễn ra tại các bệnh viện lớn ở Vũ Hán khiến ĐCSTQ không thể che giấu dịch bệnh được nữa, buộc phải thừa nhận có xảy ra “lây truyền từ người sang người”. Tuy nhiên, ĐCSTQ đã từ chối hợp tác với WHO để điều tra quy mô và nguồn gốc của dịch bệnh. Phải mất hơn một năm, ĐCSTQ mới cho phép đại diện của WHO đến Trung Quốc để tiến hành điều tra (do ĐCSTQ sắp xếp trước), nhưng vấn đề WHO đã thu được bao nhiêu thông tin đáng tin cậy ở Trung Quốc và biết được bao nhiêu về nguồn gốc của COVID-19 vẫn còn là bí ẩn, cũng không thể biết số người Trung Quốc đã chết vì COVID-19.

Nhiều chuyên gia y tế công cộng lo ngại về sự kém hiệu quả của vắc-xin nội địa Trung Quốc. Ông Ryan cho biết: “Mặc dù chúng tôi không tham gia vào việc này, nhưng chúng tôi tin rằng đã có các cuộc thảo luận giữa chính quyền Trung Quốc và ít nhất một nhà sản xuất vắc-xin [bên ngoài] để ủy quyền cho vắc-xin của họ được sản xuất tại Trung Quốc. Vắc-xin do các công ty Moderna và Pfizer của Mỹ sản xuất đã cho thấy tác dụng đáng kể trong việc giảm bệnh nặng và tử vong”.

Mộc Vệ

Thượng Hải yêu cầu cư dân ở nhà dịp Giáng sinh khi dịch bệnh gia tăng

Quá tải y tế ở các bệnh viện tại Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình video)

Chính quyền Thượng Hải kêu gọi người dân đón lễ Giáng sinh ở nhà khi dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) đang hoành hành, theo Reuter đưa tin 24/12. Một chi nhánh của Ủy ban Y tế thành phố Thượng Hải kêu gọi hạn chế tụ tập đông người tránh virus dễ lây lan, nhất là vào thời tiết lạnh.

Biến thể Omicron đang tăng mạnh vài tuần sau khi chính quyền đột ngột chấm dứt chính sách zero-COVID, dỡ bỏ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt và hạn chế đi lại, và Trung Quốc trở thành quốc gia lớn cuối cùng tiến tới chung sống với virus.

Trong khi nhiều người hoan nghênh việc dỡ bỏ phong tỏa, thì các gia đình và hệ thống y tế đã không chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt tình huống số ca nhiễm virus tăng nhanh như hiện nay. Khi bệnh nhân giành giường bệnh và máu ở các bệnh viện, dân chúng giành thuốc men ở các tiệm thuốc, thì chính quyền đang chạy đua để xây dựng các phòng khám.

Nếu vẫn như các năm trước, Thượng Hải sẽ tổ chức một khu chợ lớn theo chủ đề Giáng sinh tại một khu mua sắm sang trọng dọc theo Đường Tây Nam Kinh, đồng thời các nhà hàng và nhà bán lẻ đưa ra các chương trình khuyến mãi để thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Nhưng sự lan rộng của Omicron buộc những hoạt động này phải giảm xuống.

Jacqueline Mocatta, người làm việc trong ngành khách sạn, cho biết nhiều nhà hàng ở Thượng Hải đã hủy các bữa tiệc Giáng sinh thường được tổ chức cho khách quen, và nhiều khách sạn hạn chế đặt trước do thiếu nhân viên làm việc.

“Chúng tôi chỉ có thể chấp nhận một số lượng khách hàng nhất định với tình trạng nhân lực của mình, khi mà phần lớn các thành viên trong nhóm hiện không khỏe,” cô nói.

Mọi người than thở trên mạng xã hội rằng họ sẽ phải ở nhà vì hầu hết bạn bè của họ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

“Tôi vốn định đến Thượng Hải đón Giáng sinh nhưng giờ tôi chỉ có thể nằm trên giường,” một người viết trên Weibo.

Công ty số liệu y tế trụ sở tại Anh, Airfinity, cho biết số ca nhiễm bệnh ở Trung Quốc có thể lên tới hơn một triệu ca mỗi ngày với hơn 5.000 ca tử vong hàng ngày, tức là “trái ngược hoàn toàn” với dữ liệu chính thức do nhà nước Trung Quốc công bố.

Cơ quan y tế quốc gia của Trung Quốc hôm thứ Bảy đã báo cáo 4.128 ca nhiễm mỗi ngày và không có trường hợp tử vong nào trong ngày thứ tư liên tiếp.

Bloomberg News đưa tin hôm thứ Sáu rằng gần 37 triệu người có thể đã bị nhiễm mỗi ngày trong tuần qua.

Đường dây nóng khẩn cấp ở Thái Nguyên thuộc tỉnh Sơn Tây phía bắc đã nhận được hơn 4.000 cuộc gọi mỗi ngày, một phương tiện truyền thông địa phương cho biết hôm thứ Bảy.

Một quan chức y tế ở Thanh Đảo cho biết thành phố cảng đang chứng kiến ​​khoảng 500.000 ca nhiễm bệnh hàng ngày, truyền thông đưa tin hôm thứ Sáu.

Tại Vũ Hán, thành phố đầu tiên phát hiện virus này ba năm trước, phương tiện truyền thông đưa tin hôm thứ Sáu rằng kho lưu trữ máu địa phương chỉ có 4.000 đơn vị, đủ dùng trong hai ngày. Kho kêu gọi mọi người “xắn tay áo hiến máu”.

Thiên Đức

TikTok thừa nhận nhân viên đã theo dõi các nhà báo

TikTok đã thừa nhận rằng họ đã sử dụng ứng dụng của riêng mình để theo dõi các phóng viên như một phần trong nỗ lực truy tìm nguồn tin của các nhà báo. (Ảnh: Getty Images)

Gã khổng lồ mạng xã hội Trung Quốc TikTok thừa nhận đã truy cập dữ liệu riêng tư của 2 nhà báo trong khi họ không hề hay biết.

Theo tờ Metro, hôm thứ Năm (ngày 22/12), công ty mẹ của ứng dụng video phổ biến này cho biết nhân viên của họ đã truy cập trái phép dữ liệu của nhà báo như một phần trong nỗ lực điều tra vụ rò rỉ thông tin của công ty nhưng không thành công.

Các nhân viên đã xem xét địa chỉ IP của các nhà báo đang sử dụng ứng dụng TikTok nhằm tìm hiểu xem họ có ở cùng địa điểm với những nhân viên bị nghi ngờ làm rò rỉ thông tin bí mật hay không.

Thông tin rò rỉ, được New York Times đưa tin trước đó, có thể làm tăng thêm áp lực mà TikTok đang phải đối mặt từ các nhà lập pháp ở Washington và chính quyền Biden về những lo ngại về bảo mật đối với dữ liệu người dùng Hoa Kỳ.

Một người được thông báo về vụ truy cập dữ liệu trái phép cho biết 4 nhân viên ByteDance (công ty mẹ của TikTok) có liên quan đến vụ việc này đã bị sa thải, trong đó có 2 người ở Trung Quốc và 2 người ở Hoa Kỳ. Ngoài ra, các quan chức của công ty cho biết họ đang thực hiện các bước bổ sung để bảo vệ dữ liệu người dùng.

Quốc hội Mỹ đang chuẩn bị thông qua luật để cấm nhân viên chính phủ tải xuống hoặc sử dụng TikTok trên các thiết bị của nhà nước và hơn một chục thống đốc tại Hoa Kỳ đã cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên các thiết bị do nhà nước sở hữu.

Financial Times cho biết trong một tuyên bố rằng “việc theo dõi các phóng viên, can thiệp vào công việc của họ hoặc đe dọa các nguồn tin của họ là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Chúng tôi sẽ điều tra câu chuyện này đầy đủ hơn trước khi quyết định đưa ra phản hồi chính thức”.

Người phát ngôn của BuzzFeed News, Lizzie Grams cho biết công ty vô cùng lo lắng trước báo cáo, nói rằng nó cho thấy “sự coi thường trắng trợn quyền riêng tư và quyền của các nhà báo cũng như người dùng TikTok”.

Vào thứ Năm, Forbes đã báo cáo rằng ByteDance đã theo dõi nhiều nhà báo của tạp chí này, bao gồm một số người trước đây làm việc tại BuzzFeed “như một phần của chiến dịch giám sát bí mật” nhằm khám phá nguồn rò rỉ thông tin.

Randall Lane, giám đốc nội dung của Forbes, gọi đó là “một cuộc tấn công trực tiếp vào ý tưởng về tự do báo chí và vai trò quan trọng của nó trong một nền dân chủ hoạt động”.

Một nền dân chủ hoạt động được xác định bởi nhiều đặc điểm khác nhau, như tự do ngôn luận, bình đẳng, nhân quyền, pháp quyền và nhiều đặc điểm khác.

Theo Reuters, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew đã nói trong một email riêng gửi cho các nhân viên rằng “hành vi sai trái đó hoàn toàn không đại diện cho những gì tôi biết là nguyên tắc của công ty chúng ta”.

Chew cho biết trong 15 tháng qua, công ty đã làm việc để xây dựng bộ phận Bảo mật dữ liệu TikTok US (USDS) để đảm bảo rằng dữ liệu người dùng TikTok Hoa Kỳ vẫn ở trong đất nước này.

Ông viết: “Chúng tôi đang hoàn thành việc di chuyển quản lý dữ liệu người dùng Hoa Kỳ đã được bảo vệ sang bộ phận USDS và đã cắt các điểm truy cập một cách có hệ thống”.

ByteDance cũng cho biết họ đang tái cấu trúc bộ phận Kiểm toán nội bộ và Kiểm soát rủi ro, đồng thời chức năng điều tra toàn cầu cũng sẽ được tách ra và tái cấu trúc.

Trong nhiều tháng, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Hoa Kỳ (CFIUS), một cơ quan an ninh quốc gia của chính phủ Hoa Kỳ, đã tìm cách đạt được thỏa thuận an ninh quốc gia với ByteDance để bảo vệ dữ liệu của hơn 100 triệu người dùng TikTok Hoa Kỳ, nhưng có vẻ như không có thỏa thuận nào sẽ đạt được trước khi kết thúc năm.

Văn Thiện

Related posts