Quang Nhật
Hệ thống ngân hàng thương mại của Trung Quốc dường như đang mắc kẹt với thanh khoản trong những ngày cuối năm 2022 nhiều sự kiện. Trong tuần này, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bơm tới 975 tỷ CNY vào hệ thống, mức bơm tiền nhiều nhất kể từ năm 2019.
Mức tiền bơm ròng cho NHTM trong tuần lớn nhất kể từ 2019
Trong tuần cuối cùng của năm 2022, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, PBOC, đã bơm ròng tổng cộng 975 tỷ CNY, tương đương 140 tỷ USD, vào hệ thống ngân hàng để cứu trợ thanh khoản.
Hôm nay, thứ Sáu, ngày 30/12/2022, PBOC đã bơm tổng cộng 183 tỷ CNY vào hệ thống ngân hàng của mình, thông qua các hoạt động mua lại đảo ngược trong bảy ngày, trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất repo ở mức 2%.
PBOC đã liên tiếp bơm ròng tiền trong tuần này, gần như hàng ngày, ở mức 180 – 216 tỷ CNY mỗi ngày làm việc. Tuần trước, ngân hàng trung ương đã bơm ròng 704 tỷ CNY.
Cả tháng 12/2022, tiền bơm ròng vào NHTM nhiều hơn GDP cả năm của Việt Nam
Theo thống kê của Trading Economics, tính theo tuần, đây là mức bơm ròng tiền vào hệ thống NHTM lớn nhất kể từ năm 2019, năm trước khi đại dịch bùng phát.
Theo số liệu thống kê của NTDVN, tổng số tiền bơm ròng vào ngân hàng thương mại chỉ trong 12 tháng qua của Trung Quốc lên tới 2.329 tỷ CNY, tương đương với 334 tỷ USD, lớn hơn GDP cả năm của Việt Nam.
Có nhiều lý do giải thích cho tình trạng suy giảm thanh khoản ở các NHTM Trung Quốc dù nền kinh tế này đang thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng; một chính sách tiền tệ đi ngược lại với hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu vào thời điểm này.
Cạn thanh khoản vì nợ xấu và vỡ nợ trái phiếu
Trung Quốc đang chứng kiến vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản kỷ lục năm 2022. Từng là lĩnh vực đầu tư được săn lùng chiếm hơn một nửa số vụ phát hành trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao ở châu Á, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đã chứng kiến số vụ vỡ nợ kỷ lục vào năm 2022 đối với các nhà phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu và thậm chí cả một số doanh nghiệp nhà nước.
Từ 1/2022 đến tháng 7/2022, theo số liệu của Bloomberg, tổng số TPDN phát hành ở nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc bị vỡ nợ (đến hạn không trả được nợ như cam kết) lên tới 26 tỷ USD. Nhưng đó là con số thống kê khiêm nhường trên thị trường TPDN phát hành ở nước ngoài.
Thị trường TPDN trong nước lớn hơn nhiều, lên tới 12 nghìn tỷ USD. Trong đó, phần đã là TPDN thuộc ngành bất động sản (BĐS).
Theo Bond Supper Mart, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tâm lý đối với lĩnh vực bất động sản Trung Quốc ngày càng tiêu cực; ngày càng có nhiều nhà phát triển bất động sản ngoài quốc doanh rơi vào khủng hoảng thanh khoản, dẫn đến vỡ nợ trái phiếu hoặc phải đưa ra đề xuất gia hạn cho trái chủ.
Hiện tại, tỷ lệ vỡ nợ (vỡ nợ thực tế cộng với vỡ nợ kỹ thuật) của trái phiếu USD bất động sản Trung Quốc đã tăng lên hơn 50%. Hơn 50% số trái phiếu này đã giảm xuống dưới 30 USD. Đây là tình huống chưa từng có. Chuyên trang về theo dõi trái phiếu doanh nghiệp này để lại bình luận “các nhà đầu tư trái phiếu bất động sản Trung Quốc đều lo lắng và sợ hãi”.
Theo Caixin Global, 200 nhà phát triển BĐS lớn ở Trung Quốc sẽ cần trả các khoản nợ tổng trị giá 175,5 tỷ nhân dân tệ (26 tỷ USD) vào tháng 6 và tháng 7, khoảng 61% tổng số tiền đáo hạn trong nửa cuối năm, theo dữ liệu từ công ty tư vấn BĐS China Real Estate Information Corp (CRIC). Như vậy, có nghĩa là khoảng 42 tỷ USD nợ TPDN quốc tế (phát hành bằng USD) sẽ đến hạn từ nay đến hết năm 2022.
Vậy tại sao trái phiếu BĐS vỡ nợ lại liên quan tới ngân hàng thương mại? Bởi vì cũng khá giống Việt Nam, NHTM là nhà đầu tư nắm giữ một khoản lớn TPDN.
Khi ngân hàng thương mại dùng nguồn huy động ngắn hạn để đầu tư vào TPDN vốn là tài sản dài hạn, mà tài sản này lại không thể thu hồi đúng hạn vì vỡ nợ tràn lan như mô tả ở trên, lúc này cạn kiệt thanh khoản có thể gây ra đổ vỡ hệ thống.
PBOC không còn cách nào khác là duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, bơm tiền nhiều chưa từng có, vượt mức kế hoạch cho hệ thống ngân hàng nhiều rủi ro này.
Quang Nhật