Trung Quốc thực thi chế độ nô lệ thời hiện đại tại các mỏ coban ở Congo

Bảo Nguyên

Ông Dela wa Monga, một thợ khai thác thủ công, cầm một viên đá coban tại mỏ thủ công Shabara gần Kolwezi, Cộng hòa Dân chủ Congo, vào ngày 12/10/2022. (Ảnh: JUNIOR KANNAH/AFP qua Getty Images)

Những tiết lộ trên podcast một lần nữa đã làm sáng tỏ vấn đề nô lệ tại các mỏ coban do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu ở Congo, tính đạo đức giả của những người ủng hộ năng lượng xanh và những sai trái của các công ty công nghệ lớn khi tiếp tục làm ăn với Trung Quốc.

Trong podcast The Joe Rogan Experience, ông Siddharth Kara – tác giả của cuốn sách Cobalt Red: How The Blood of The Congo Powers Our Lives (Coban đỏ: Dòng máu của Congo nuôi dưỡng cuộc sống của chúng ta như thế nào) và là giáo sư thỉnh giảng của đại học Harvard – đã trò chuyện với người dẫn chương trình Joe Rogan về những nghiên cứu và phát hiện của ông sau chuyến thăm các mỏ quặng ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).

Ông Kara giải thích chi tiết cho người dẫn chương trình Rogan về mối liên hệ ‘rùng mình’ giữa các thiết bị chạy bằng pin lithium và nguồn gốc của chúng – các mỏ coban do ĐCSTQ kiểm soát.

Coban (cobalt) là một khoáng chất đất hiếm thiết yếu được sử dụng để sản xuất hầu hết các loại pin sạc, bao gồm pin cho điện thoại, iPad, đồng hồ thông minh, máy tính xách tay và xe điện.

Ông Kara – người có hiểu biết sâu sắc về chế độ nô lệ thời hiện đại, nạn buôn người và lao động trẻ em – cho biết khoảng 72% lượng coban được khai thác trên toàn thế giới là đến từ DRC.

Ông đã viết về cách thức mà lao động nô lệ và lao động trẻ em được sử dụng để vận hành các mỏ coban của ĐCSTQ ở Châu Phi trong những điều kiện kinh khủng.

“Những điều tôi thấy ở đó thật kinh hoàng và đau lòng, và khẩn cấp đến mức tôi phải thay đổi cách tiếp cận của mình,” ông Kara giải thích với ông Rogan, đề cập đến những trải nghiệm đã dẫn đến cuốn sách mới của ông.

Chỉ trích Phong trào Xanh và các Gã khổng lồ công nghệ

Ông Kara đã yêu cầu “Phong trào Xanh” giải thích cho tuyên bố của họ rằng họ đang chiến đấu để “cứu hành tinh” bằng cách buộc hành tinh này phải sử dụng xe điện, điều mà ông ấy cho là đạo đức giả do các vi phạm nhân quyền liên quan.

“Trong toàn bộ lịch sử của chế độ nô lệ… chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại lại có nhiều sự đau khổ sinh ra nhiều lợi nhuận hơn và liên quan đến cuộc sống của nhiều người trên thế giới… hơn những gì đang xảy ra ở Congo lúc này”, ông Kara nói.

“Coban có trong mọi loại pin sạc lithium được sản xuất trên thế giới hiện nay. Mọi điện thoại thông minh, mọi máy tính bảng, mọi máy tính xách tay và đặc biệt là mọi xe điện”.

Ông nói rằng hầu hết người tiêu dùng không biết về những lạm dụng khủng khiếp liên quan đến ngành khai thác coban, ngọn nguồn của các thiết bị được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Vị giáo sư lên án các nhà sản xuất công nghệ lớn như Tesla, Apple và Samsung vì đã tiếp tục làm ăn với ĐCSTQ, mặc dù biết đầy đủ về nguồn gốc xấu xa của chuỗi cung ứng pin lithium.

Tesla và Apple trước đây đã tuyên bố sẽ trấn áp các hành vi vi phạm nhân quyền và chế độ nô lệ trong chuỗi cung ứng coban. Ông Elon Musk của Tesla hứa sẽ chuyển sang sử dụng pin không có coban để cung cấp năng lượng cho ô tô điện của mình.

Nô lệ tại các mỏ Coban của Trung Quốc

Một băng chuyền mang những khối coban thô sau khi trải qua giai đoạn xử lý đầu tiên tại một nhà máy ở Lubumbashi, Cộng hòa Dân chủ Congo, vào ngày 16/02/2018. (Ảnh: Samir Tounsi/AFP qua Getty Images)

Ông Kara chỉ trích ĐCSTQ vì đã bóc lột người dân địa phương châu Phi bằng cách bắt họ lao động trong những điều kiện vô nhân đạo và cực kỳ tệ hại, đồng thời hoàn toàn thờ ơ với hoàn cảnh của người lao động.

Ông Kara nói với ông Rogan: “Trước khi mọi người biết chuyện gì đang xảy ra, [chính phủ] Trung Quốc [và] các công ty khai thác mỏ Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát gần như tất cả các mỏ lớn và người dân địa phương đã phải di dời”.

“Họ vật lộn trong những điều kiện hết sức vô nhân đạo, cực kỳ tệ hại để kiếm một USD mỗi ngày, cung cấp coban cho chuỗi cung ứng của mọi máy điện thoại, máy tính bảng và đặc biệt là ô tô điện”.

“Nói chung, thế giới không biết chuyện gì đang xảy ra… Tôi không nghĩ mọi người nhận thức được tình hình khủng khiếp như thế nào”, ông Kara nói thêm.

Người Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào các mỏ coban ở DRC, nơi cung cấp 60% coban cho Bắc Kinh và 70% nguồn cung toàn cầu, Breitbart đưa tin.

Khoảng 80% quy trình xử lý coban trên thế giới diễn ra ở Trung Quốc trước khi được sử dụng để sản xuất pin lithium ion.

Breitbart cũng lưu ý rằng các đặc vụ của Bộ Công an ĐCSTQ đã có mặt tại quốc gia châu Phi này để đảm bảo lợi ích của ĐCSTQ ở châu Phi và bảo vệ công dân Trung Quốc khỏi người bản xứ.

Các công ty thuộc sở hữu của ĐCSTQ đã chi hàng tỷ USD mua lại quyền sở hữu của các công ty khai thác của Mỹ và châu Âu để giành quyền kiểm soát các mỏ coban của DRC trong thập kỷ qua, nắm quyền kiểm soát 15 trong số 19 mỏ chính của quốc gia này.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa DRC và Trung Quốc gần đây ngày càng căng thẳng, với sự phản đối của người dân địa phương đối với người Trung Quốc bắt đầu gia tăng.

Các lãnh đạo chính quyền khu vực đã đóng cửa các mỏ do Trung Quốc kiểm soát do tranh chấp hợp đồng và thanh toán với chính quyền địa phương.

Mỹ quay trở lại

Sau nhiều năm bị lãng quên, Mỹ hiện đang tìm cách quay trở lại để sở hữu kim loại đất hiếm và các mặt hàng quan trọng khác ở Trung Phi, biến lục địa này thành chiến trường kinh tế giữa hai cường quốc.

Chính quyền Biden đang cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực bằng cách cải thiện quan hệ với các nhà lãnh đạo địa phương.

Ngoại trưởng Mỹ Tony Blinken gần đây đã một biên bản ghi nhớ giữa Mỹ với DRC và Zambia nhằm củng cố mối quan hệ giữa các quốc gia nhằm phát triển hơn nữa chuỗi cung ứng pin điện để theo đuổi kế hoạch về năng lượng xanh của chính quyền Mỹ.

“Nhu cầu toàn cầu đối với các khoáng chất quan trọng sẽ tăng vọt trong những thập kỷ tới”, ông Blinken cho biết. “Kế hoạch phát triển chuỗi cung ứng pin điện mở ra cơ hội cho Mỹ và các khoản đầu tư có cùng chí hướng để giữ được nhiều giá trị gia tăng hơn ở châu Phi”.

“Xe điện giúp giảm lượng khí thải carbon; chúng góp phần vào phản ứng toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng khí hậu”.

Mỹ cũng đã đi đến một thỏa thuận với hai quốc gia châu Phi để giải quyết các hành vi lạm dụng môi trường khác nhau xảy ra ở nước này.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Related posts