Tin VN sáng Chủ Nhật 1/1/2023: 25 người thương vong vì TNGT trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

25 người thương vong vì TNGT trong ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong ngày đầu nghỉ lễ Tết dương lịch, cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, 11 người bị thương. (Ảnh: Gia Kiệm/Facebook)

Ngày 31/12, trên tuyến đường bộ, Cảnh sát giao thông công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 8.365 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 14 tỷ đồng.

Chiều 31/12, Cục Cảnh sát giao thông cho biết trong ngày đầu nghỉ lễ Tết dương lịch, cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm chết 14 người, 11 người bị thương.

So với ngày đầu kỳ nghỉ năm 2022 tăng 5 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương.

Trong đó, trên đường bộ xảy ra 25 vụ, làm chết 13 người, bị thương 11 người; đường sắt xảy ra 1 vụ tại Bình Dương làm chết 1 người; đường thủy không xảy ra tai nạn.

Trên tuyến đường bộ, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 8.365 trường hợp vi phạm; phạt tiền hơn 14 tỷ đồng; tạm giữ 146 xe ôtô, 1.871 xe môtô, 14 phương tiện khác; tước 1.325 giấy phép lái xe các loại.

Trong đó, vi phạm nồng độ cồn 1.252 trường hợp; vi phạm về ma tuý 4 trường hợp; vi phạm về tốc độ 1.304 trường hợp; cơi nới thùng xe, quá khổ, quá tải 258 trường hợp.

Các Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, lập biên bản 76 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 300 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 37 trường hợp; tạm giữ 2 phương tiện.

Trên tuyến đường thủy, Thủy đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông và Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, phát hiện xử lý 117 trường hợp vi phạm, phạt tiền hơn 100 triệu đồng.

Trên tuyến đường sắt, Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã phát hiện, xử lý 11 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 20 triệu đồng…

Minh Long

Chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2022 giảm tới 34% so với mức đỉnh

Chỉ số VN-Index chốt phiên cuối năm với xu hướng lấp lửng, quanh mốc 1.000 điểm. (Ảnh: Đồ thị kỹ thuật/CafeF.vn)

Thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc năm 2022 với xu hướng lấp lửng trong sắc đỏ. Chỉ số đại diện VN-Index đã giảm hơn 500 điểm trong cả năm so với mức đỉnh thiết lập ở mức 1.525 điểm, tương đương giảm tới 34%, đảo lộn mọi dự báo của giới đầu cơ chứng khoán.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/12, chỉ số đại diện thị trường chứng khoán VN-Index giảm 2,2 điểm xuống 1.007 điểm; còn chỉ số HNX-Index giảm 1,23 điểm xuống 205,3 điểm; Upcom-Index giảm nhẹ xuống 70,8 điểm. Thanh khoản giảm mạnh xuống chỉ còn 7.700 tỷ đồng trên 3 sàn, trong đó có hơn 6.730 tỷ đồng trên HoSE.

Mặc dù hầu hết thời gian trong phiên giao dịch 30/12, chỉ số chứng khoán VN-Index vẫn neo được trên sắc xanh tăng điểm, nhưng ngay vào thời điểm gần khép phiên, chỉ số này lại đảo chiều lao dốc xuống sắc đỏ giảm điểm (-2,2 điểm), lùi về quanh ngưỡng 1.000 điểm.

Theo nhận định chung, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một năm thăng trầm, nhiều biến động. Tính chung cả năm 2022, chỉ số VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm.

Trước đó, thị trường tăng bùng nổ trong năm 2021 và tiếp tục đứng quanh mức cao kỷ lục trong quý 1/2022. Tuy vậy, đà tăng không kéo dài được lâu và đảo ngược mọi dự báo, cũng như kỳ vọng của giới đầu cơ chứng khoán.

Cụ thể, giới đầu tư và đầu cơ chứng khoán trong nước bất ngờ trước hàng loạt vụ bắt giữ và phanh phui hành vi thao túng giá chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các lãnh đạo tập đoàn lớn như: ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch FLC), bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát), v.v…

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản bị bán giải chấp khối lượng lớn cổ phiếu, khiến giá lao dốc, nhiều mã mất tới 80 – 90% giá trị. Chỉ số VN-Index tụt về đáy 873,8 điểm trong buổi sáng ngày 16/11.

Những thông tin tiêu cực và lan nhanh đã khiến kỳ vọng phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 như nhận nhiều “gáo nước lạnh”.

Xét yếu tố bên ngoài, thị trường áp lực bởi thông tin từ cuộc chiến Nga – Ukraine, Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero-COVID” khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) thực hiện chính sách “diều hâu” khi liên tục tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát…

Điểm sáng trong cả năm nay, chính là việc khối ngoại mua ròng hơn 29.800 tỷ đồng, trái ngược với cảnh bán ròng ở năm liền trước (-60.600 tỷ đồng), góp phần kìm hãm đà giảm của thị trường, nâng đỡ tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Tính chung 11 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới hơn 2,48 triệu tài khoản, gấp 2,6 lần so với cuối năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt gần 6,8 triệu tài khoản, tăng gần 58% so với cuối năm 2021.

Trong đó bao gồm 6,75 triệu tài khoản nhà đầu tư trong nước (+58%) và 42.458 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài (+7,4%).

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 23/12/2022, giá trị vốn hóa 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM ước đạt hơn 5,2 triệu tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP Việt Nam.

Đức Minh

Gây thiệt hại gần 54 tỷ đồng, cựu giám đốc Bệnh viện Tim bị đề nghị truy tố

Ông Nguyễn Quang Tuấn và bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị truy tố với cáo buộc vi phạm quy định đấu thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước 53,8 tỷ đồng.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận bổ sung, chuyển hồ sơ đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông Nguyễn Quang Tuấn (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội) về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo điều 222 Bộ luật Hình sự. Ông Tuấn bị khởi tố, cho tại ngoại ngày 21/10/2021 và hơn một tháng sau thì bị bắt tạm giam.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị truy tố thêm 11 bị can khác, trong đó có 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (cựu Phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (cựu Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh cùng là cựu Phó phòng phụ trách phòng vật tư.

7 người còn lại bị đề nghị truy tố gồm các cựu lãnh đạo, nhân viên của Công ty Kim Hòa Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư và định giá AIC, Công ty Hoàng Nga.

Kết luận điều tra xác định ông Tuấn quen biết từ trước với Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT, Phó giám đốc Công ty Kim Hòa Phát). Năm 2015, Đạt đặt vấn đề với ông Tuấn về việc cho phép được bán “stent phủ thuốc” cho bệnh viện. Đạt cũng đề nghị ông Tuấn để công ty đề xuất giá bán thiết bị và cho phép được ký gửi stent vào Bệnh viện Tim Hà Nội trước khi đấu thầu.

Biết ông Tuấn đồng ý với những đề nghị của Công ty Kim Hòa Phát, khi lập danh mục mua sắm và dự toán các gói thầu năm 2016, bị can Đoàn Trọng Bình yêu cầu công ty cung cấp thêm ba báo giá của ba đơn vị đối với mặt hàng stent và các mặt hàng can thiệp tim mạch khác.

Trong đó, báo giá của Công ty Kim Hòa Phát được để giá thấp nhất nhằm dễ dàng trúng thầu. Hành vi này bị xác định làm mất tính công bằng, minh bạch của hoạt động đấu thầu.

Hơn nữa, danh mục mua sắm cũng được ông Tuấn sửa lại là 807 mặt hàng với tổng giá trị gần 400 tỷ đồng để phù hợp với kế hoạch chi tiêu năm 2016.

Khi tổ chức xác định giá gói thầu để phục vụ lập kế hoạch đấu thầu, bà Hoàng Thị Ngọc Hưởng cùng đồng phạm theo chỉ đạo của ông Tuấn, thông đồng với Công ty thẩm định giá AIC để hợp thức hồ sơ, chỉ định công ty này là đơn vị thẩm định giá trái quy định.

Lãnh đạo Bệnh viện thông đồng để đơn vị thẩm định giá làm theo “đặt hàng” đúng giá trên danh mục mua sắm do bệnh viện cung cấp.

Các bên còn thông đồng về giá dự toán trong danh mục mua sắm và giá kế hoạch đấu thầu mặt hàng stent, để Công ty Kim Hòa Phát tham gia dự thầu, nâng giá cao hơn thị trường.

Theo quy định, hội đồng mua sắm phải họp, thống nhất, thông qua số lượng, đơn giá, chủng loại, tổng trị giá hàng hóa. Tuy nhiên, bị can Đoàn Trọng Bình chỉ trình cựu giám đốc Nguyễn Quang Tuấn phê duyệt danh mục mua sắm mà không thông qua hội đồng.

Việc sai phạm đấu thầu trên xảy ra ở 4 gói thầu có sự tham gia của Công ty Kim Hòa Phát, trong đó có một gói đấu thầu thầu rộng rãi năm 2016 và ba gói chỉ định thầu năm 2017, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 6,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Tuấn và lãnh đạo Công ty Hoàng Nga cũng thực hiện nhiều chiêu thức thông thầu, gian lận trong đấu thầu tại gói thầu số 5 cung cấp vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch năm 2016 và 4 gói chỉ định thầu rút gọn năm 2017. Hành vi này gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước hơn 47 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số tiền thiệt hại tại các gói thầu có liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Quang Tuấn là hơn 53,8 tỷ đồng.

Ông Tuấn cùng một số người khác trong vụ án được đánh giá đã hợp tác tích cực, chủ động khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Bị can Phan Tuấn Đạt, Nguyễn Thị Dung Hạnh và Công ty AIC đã khắc phục toàn bộ hậu quả gây ra nên được cơ quan điều tra đề nghị cơ quan tố tụng xem xét khi lượng hình.

Ông Nguyễn Quang Tuấn là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021, thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội.

Giữa tháng 5/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia có nghị quyết cho ông rút tên khỏi danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Đầu tháng 11/2022, Ban Thi đua – Khen thưởng (Sở Nội vụ Hà Nội) xem xét việc thu hồi danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” đối với ông Tuấn.

Ông được Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư ngành y năm 2017.

Phạm Toàn

Vụ chuyến bay giải cứu: Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam bị bắt

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân bị bắt vì nhận hối lộ ‘chuyến bay giải cứu’. (Ảnh: bocongan.gov.vn)

Ông Trần Văn Tân bị điều tra về tội Nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Ngày 31/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Tân (SN 1979) – Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam.

Ông Tân bị điều tra về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Việc bắt giữ ông Tân nằm trong việc mở rộng điều tra vụ án “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, liên quan đến chuyến bay giải cứu.

Trước đó, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 cán bộ Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) để điều tra về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó, có Cục trưởng Nguyễn Thị Hương Lan, Phó Cục trưởng Đỗ Hoàng Tùng.

Mở rộng điều tra, tính đến tháng 12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 37 bị can thuộc 8 bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp, để điều tra tội “Nhận hối lộ”, “Đưa hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

8 bộ ngành, địa phương gồm: Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông Vận tải, UBND TP. Hà Nội.

Hai quan chức cao nhất bị khởi tố tính đến nay là hai cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, gồm: ông Tô Anh Dũng và ông Vũ Hồng Nam.

Ngoài ra, những cái tên nổi bật bị khởi tố còn có ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý của Phó thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh); Nguyễn Thanh Hải (Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ); ông Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội)…

Tại buổi họp báo hồi cuối tháng 6/2022, đại diện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết kết quả điều tra bước đầu đã chứng minh các bị can nhận hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD.

Người phát ngôn Bộ Công an cũng cho biết có 2.000 chuyến bay giải cứu đã được thực hiện. Sau khi trừ chi phí, các bị can đã trục lợi mỗi chuyến bay vài tỷ đồng.

Phạm Toàn

Related posts