Minh Đăng
“Trung Hoa mộng” không chỉ của ông Tập Cận Bình, của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đó còn là giấc mộng làm giàu của tư bản phương tây. Đổi lại, các nhà đầu tư, chính phủ, truyền thông im lặng trước cuộc diệt chủng lạnh đẫm máu. Nhưng đại dịch đã khiến không chỉ người Trung Quốc thức tỉnh, quyền lợi của giới tư bản phương tây bị ảnh hưởng. Họ cũng thức tỉnh cùng người Trung Quốc.
‘Trung Hoa mộng’ hay còn gọi là’ Giấc mộng Trung Hoa’ là một học thuyết mới (còn gọi là Tư tưởng Tập Cận Bình) trong rất nhiều tư tưởng, học thuyết tiến lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Năm 2013, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã nêu ra học thuyết “Trung Hoa mộng” tại kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn Quốc. Ông Tập Cận Bình mô tả rằng “Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc”. Theo tạp chí lý luận của ĐCSTQ Cầu Thị, “Trung Hoa mộng” là sự thịnh vượng của Trung Quốc với nỗ lực tập thể, chủ nghĩa xã hội và vinh quang quốc gia.
Dĩ nhiên, “Trung Hoa mộng” cần có tiền để thực thi. Tiền đó đến từ khoản tiết kiệm từ sức lao động cần cù của người Trung Quốc, nhưng nhiều hơn và quan trọng hơn là từ sự ủng hộ của tư bản phương tây. Tư bản phương Tây thèm khát thị trường lao động rẻ và thị trường tiêu dùng khổng lồ của 1,4 tỷ dân, ⅕ dân số toàn cầu. Các rao giảng đạo đức, nhân quyền, dân chủ của phương tây trở thành các tuyên bố sáo rỗng, dòng tiền của tư bản phương Tây ào ào đổ vào Trung Quốc suốt 4 thập kỷ.
Tuy nhiên, với chính sách COVID-19 khắc nghiệt trong gần 3 năm nay đã chạm đến lợi ích của tư bản phương tây. Khi lợi ích không còn thì tình cảm cũng bắt đầu nhạt bớt. Tư bản phương tây và cả tư bản trong nước đang tháo chạy khỏi Trung Quốc theo đúng nghĩa đen. Sau đợt tháo chạy này, nếu không còn lợi ích để ràng buộc, liệu tư bản phương tây còn im lặng trước tội ác nhân quyền vô tiền khoáng hậu của Bắc Kinh nữa không? Rất khó nói. Điều tốt là họ đã thức tỉnh và từ bỏ.
Cả dòng vốn nóng và dài hạn đều đang tháo chạy khỏi Trung Quốc
Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính khoảng 300 tỷ USD trên thị trường vốn tháo chạy khỏi Bắc Kinh năm 2022, tăng từ mức 129 tỷ USD vào năm 2021; một mức cao kỷ lục chưa từng có.
Trong tháng 10, vốn ngoại từ bỏ thị trường cổ phiếu và trái phiếu lên tới 8,8 tỷ USD; mức tăng vọt so với tháng 9 là 7,6 tỷ USD, theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng. Dòng vốn từ bỏ thị trường cổ phiếu, trái phiếu là vốn từ các quỹ, còn được gọi là dòng vốn nóng (ngắn hạn) hoạt động trên thị trường tài chính.
Nhưng vấn đề của Trung Quốc là dòng vốn dài hạn, thứ tạo sức sống cho nền kinh tế, là đầu vào của sản xuất, đang lặng lẽ từ bỏ quốc gia này. Vì vậy, thị trường vốn [dài hạn] nói chung là dài hạn hơn và không bị giới hạn trong thị trường tài chính.
Dòng tiền từ các quỹ tài chính đầu cơ ngắn hạn tháo chạy khỏi nền kinh tế có thể không gây hại quá nhiều cho nền kinh tế, nhưng dòng vốn tháo chạy thì khác. Tuy nhiên, trong thực tế, cả hai không dễ phân biệt khi chỉ đối chiếu trên dữ liệu.
Thảo luận về dòng tiền tháo chạy phải liên quan đến dòng chảy vào trước. Theo định nghĩa, dòng tiền không phải là tiền trong nước được tạo ra mà là tiền từ nơi khác và ở dạng ngoại tệ (chủ yếu là USD) nếu đồng nội tệ không được quốc tế hóa.
Để kiếm được vốn ngoại ngay từ ngày đầu tiên, quốc gia đó phải xuất khẩu một số hàng hóa (hoặc dịch vụ) hoặc có một nền tảng đầu tư (tức là thị trường tài chính) để cho tiền vào. Đây lần lượt là các tài khoản vốn và tài khoản tài chính ở bên nợ của Cán cân thanh toán. Bất kỳ số lượng nào không hiển thị ở đây đều có khả năng là do buôn lậu.
Thay vì hiển thị dữ liệu hàng quý của Cán cân thanh toán, biểu đồ đi kèm đưa ra cán cân thương mại (chỉ đối với hàng hóa) và cán cân ngoại hối (FX) được thanh toán và bán. Sự gia tăng đáng kể trong cán cân thương mại là một chỉ số tốt cho thấy phần lớn xuất khẩu ròng là hàng hóa thay vì dịch vụ kể từ khi bùng phát COVID-19.
Tuy nhiên, số dư ngoại hối thanh toán và bán ra và dự trữ ngoại hối giảm trong những tháng gần đây cho thấy các hoạt động kinh tế đang bị thu hẹp. Đây là một nghịch lý, khi thặng dư thương mại tăng cao nhưng dòng vốn ngoại hối lại suy giảm.
Vì có khả năng cao xảy ra suy thoái toàn cầu trong năm tới, Trung Quốc có thể sẽ trải qua một đợt rút vốn kép—cả về vốn [dài hạn] và tiền nóng, ngắn hạn từ các quỹ đầu tư trên thị trường tài chính.
Gần đây, các quan chức cấp cao của chính phủ đã nhận ra vấn đề và lên kế hoạch nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19. Nhưng điều này đã quá muộn, tương tự như việc nới lỏng chính sách một con. Cơ bản hơn, sự chia tay với các nước phương Tây khiến dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi Trung Quốc là vĩnh viễn và không thể phục hồi.
Doanh nghiệp FDI rời bỏ Trung Quốc với sự hỗ trợ từ chính quyền mẫu quốc
Bằng cách bóp nghẹt nền kinh tế Trung Quốc và bóp chết nhân quyền, Chủ tịch Tập Cận Bình đang nhanh chóng biến Trung Quốc thành một canh bạc tồi tệ đối với các nhà đầu tư phương Tây và các tập đoàn đa quốc gia.
Nhà độc tài của Trung Quốc đã chịu ngày càng nhiều những lời chỉ trích từ các nhân vật cấp cao trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) — bao gồm cả Thủ tướng Lý Khắc Cường — về cuộc đấu tranh tư tưởng của ông Tập để thúc đẩy chủ nghĩa tư bản nhà nước cùng với chính sách Zero-COVID kỳ quặc và ngày càng rắc rối của ông.
Do môi trường pháp lý ngày càng khó khăn của Trung Quốc, UBS, ngân hàng đầu tư tư nhân lớn nhất trên thế giới, đã giảm dự báo tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm nay từ 5,5% xuống còn 3,0% — hầu như toàn bộ thế giới đều không thể nghĩ ra được đây là mức tăng trưởng của Trung Quốc. Ông Lý đã công khai tuyên bố rằng sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng này là không thể chấp nhận được, đặc biệt là khi nền kinh tế đã không chậm lại như vậy kể từ năm 1990.
Trung Quốc không còn là miếng bánh ngon kể từ khi cựu tổng thống Donald J. Trump đánh thuế trừng phạt và đặc biệt sau đại dịch. Nếu việc ông Trump đánh thuế khiến một số doanh nghiệp FDI muốn rời Trung Quốc thì đại dịch thúc đẩy hàng loạt các quốc gia và doanh nghiệp FDI quyết tâm từ bỏ Trung Quốc. Chuỗi cung ứng đứt gãy do Trung Quốc ngăn sông cấm chợ khiến các doanh nghiệp FDI buộc phải rời khỏi Trung Quốc nếu muốn tồn tại chứ chưa nói tới phát triển. Không ai kinh doanh sinh lời được trong một thể chế mà ưu tiên đấu đá chính trị, thanh trừng đảng phái bất chấp tính mạng dân, bất chấp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các cuộc khủng hoảng năng lượng, phong toả khắc nghiệt suốt 3 năm đại dịch làm kiệt quệ hoàn toàn thị trường màu mỡ nhất nhì thế giới này.
Hồi tháng 4/2022, Nhật Bản hỗ trợ bằng tiền mặt cho bất kỳ doanh nghiệp nào của Nhật muốn rời khỏi Trung Quốc; ngân sách cho kế hoạch này lên tới 2,2 tỷ USD. Trong đó 2 tỷ USD cho doanh nghiệp rời Trung Quốc về Nhật Bản và 200 triệu USD hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật chuyển sang nước thứ ba, như Việt Nam, Thái Lan, Indonesia…
Sáng kiến này được đưa ra sau khi hàng loạt hãng xe và công ty Nhật Bản thiếu nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc do đại dịch bùng phát. Một khảo sát hồi tháng 2 của Tokyo Shoko Research cho biết 37% trong số hơn 2.600 doanh nghiệp tham gia trả lời rằng họ đang đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc vì đại dịch.
Mỹ từ lâu cũng đã muốn đưa sản xuất về nước; một chiến lược sản xuất tại Mỹ được chính quyền tiền nhiệm đề xướng và chính quyền mới không phản đối, nhất là khi zero-Covid diễn ra bất thường trong khi cả thế giới đã mở toang cửa.
Một quan chức của Mỹ, trong một bài phỏng vấn với Reuters, đã cho biết “Cả chính phủ đang vào cuộc” [về việc xem xét chính sách thúc đẩy mạnh hơn nữa việc doanh nghiệp Mỹ từ bỏ Trung Quốc]. Mỹ điều tra xem loại hình sản xuất nào là “thiết yếu” và làm cách nào để sản xuất chúng ngoài Trung Quốc. Mỹ cũng tính tới hỗ trợ toàn bộ chi phí cho doanh nghiệp Mỹ từ bỏ Trung Quốc nếu muốn sản xuất tại Mỹ.
Không chỉ muốn các công ty rời Trung Quốc về Mỹ, Washington cũng hài lòng nếu họ chuyển sản xuất đến nước khác thân thiện hơn. “Chúng tôi đã nỗ lực việc này vài năm qua, nhưng giờ đang tăng tốc”, Keith Krach – một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trên Reuters.
Với Đài Loan, động lực thúc đẩy rời khỏi Trung Quốc càng lớn hơn. Rủi ro chính trị, thậm chí là bị quốc hữu hoá, với các doanh nghiệp Đài Loan khi ở Trung Quốc còn lớn hơn bất kỳ quốc gia nào.
Theo một bài báo trên trang web của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kể từ năm 2021 tới 16/4/2022, có tới 180 doanh nghiệp Đài Loan rời khỏi Trung Quốc.
Không chỉ vấn đề trừng phạt thuế và chính quyền Bắc Kinh phong tỏa để thực thi zero-Covid, các chính sách quốc hữu hoá, đưa chi bộ đảng kiểm soát kinh tế tư nhân, ăn cắp thông tin, công nghệ của doanh nghiệp nước ngoài, đưa chi bộ đảng vào can thiệp quyết định kinh doanh của doanh nghiệp có vốn nước ngoài, … tất cả khiến doanh nhân và nhà đầu tư nước ngoài và trong nước đều thấy bất an. Mọi chính sách của ông Tập đang trực tiếp tấn công vào quyền tự do trong kinh doanh và sự thịnh vượng của nền kinh tế.
Ví dụ, Trung Quốc thực hiện luật bảo vệ thông tin cá nhân vào năm 2021, đây là một mối đe dọa đối với các công ty công nghệ hiện đang hoạt động bên trong Trung Quốc. Điều này đã khiến các công ty như Microsoft phải đóng cửa dịch vụ LinkedIn của mình ở đó trong cùng năm, với lý do các yêu cầu tuân thủ.
Việc đóng cửa của LinkedIn sẽ chấm dứt trang web truyền thông xã hội lớn cuối cùng của phương Tây hoạt động ở Trung Quốc, vì các nền tảng truyền thông xã hội lớn khác như Facebook, Twitter, Instagram, Snapchat và WhatsApp đã bị chặn trong nước.
Chủ nghĩa độc tài của ông Tập đang thu hút phản ứng dữ dội ngày càng tăng ở nước ngoài. Nhiều quốc gia phương Tây, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Canada và các quốc gia trong Liên minh châu Âu, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì tội ác diệt chủng đang diễn ra đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, một trong những nơi tập trung nhiều nhất các sắc tộc và tôn giáo thiểu số kể từ Thế chiến thứ hai.
44 quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và hầu hết các nước Tây Âu, đã đưa ra một tuyên bố chung nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh cùng nhau để làm sáng tỏ những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Chúng tôi đoàn kết và kêu gọi công lý cho những người đang đau khổ ở Tân Cương”.
Trong nhiều năm, đã có một cuộc tranh luận không ngừng giữa các tập đoàn đa quốc gia về đạo đức kinh doanh ở Trung Quốc. Điều đó ngày càng trở nên gây tranh cãi hơn khi Trung Quốc đã đưa hơn 1 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ vào các trại lao động cưỡng bức.
Giữa chủ nghĩa độc tài của ông Tập và các chính sách kinh tế mà ông đang đưa cho Trung Quốc hướng tới một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung hơn, việc kinh doanh ở Trung Quốc không còn là vấn đề kinh doanh đạo đức để thu lợi nhuận. Thay vào đó, ngày càng rõ ràng rằng Tập đang giết chết con ngỗng vàng của Trung Quốc và các công ty đa quốc gia cần phải đẩy nhanh các động thái để di chuyển tới các quốc gia ít rủi ro hơn, ít trái đạo đức hơn và ít thù địch hơn về mặt tư tưởng — cho dù là Thái Lan, Mexico hay Kenya, hay trở về nhà ở Hoa Kỳ.
Bán tháo cổ phần chạy trốn khỏi Bắc Kinh
Guangdong DP Co., Jinke Property Group và Country Garden Service Holdings đều thông báo bán tháo cổ phiếu với quy mô lớn trong tháng 11 và tháng 12. Đây là các công ty Trung Quốc mới nhất công bố các đợt bán tháo lớn. Các chuyên gia suy đoán rằng việc bán cổ phiếu là một phần trong xu hướng ngày càng gia tăng của giới siêu giàu Trung Quốc đối với việc rút tiền và rời khỏi đất nước.
Việc bán tháo diễn ra khi chính phủ Trung Quốc đàn áp việc bán cổ phiếu bất hợp pháp. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc đàn áp trong vài năm qua khi ĐCSTQ quay trở lại hệ thống kinh tế do nhà nước kiểm soát.
Các động thái này nhằm chống lại dòng vốn chảy ra ngoại quốc khi nhiều người siêu giàu của đất nước tìm cách rời khỏi Trung Quốc. Chúng là một phần trong vòng luẩn quẩn khi Trung Quốc cố gắng dồn vốn thông qua các khoản tiền phạt, các quy định và các khoản đóng góp cưỡng bức, điều khiến các công ty Trung Quốc càng thêm sợ hãi.
Theo Tân Hoa Xã, phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc, năm nay ít nhất 30 công ty và 60 cổ đông đã bị phạt tiền theo quy định vì đã không tuân thủ quy định trong việc bán cổ phần. Riêng trong tháng 11, 9 công ty niêm yết A-share [thị trường cổ phiếu được niêm yết bằng đồng nhân dân tệ của các công ty Trung Quốc được giao dịch trên thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến] đã thay mặt các cổ đông và giám đốc công bố thông báo xin lỗi vì vi phạm pháp luật. Hầu hết các công ty đều đổ lỗi việc bán bất hợp pháp là do “quản lý yếu kém”.
Trang tin tức kỹ thuật số Trung Quốc The Paper đã trích dẫn tổng cộng 23 công ty niêm yết và các bên liên quan bị Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng tương lai điều tra vào tháng 11, trung bình mỗi ngày có một công ty mới bị điều tra vì tháng chỉ có 22 ngày giao dịch. Hầu hết các cuộc điều tra liên quan đến các vi phạm bị nghi ngờ về công bố thông tin.
Ngược lại, tháng 9 và tháng 10 chứng kiến số lượng công ty bị điều tra ít hơn nhiều: lần lượt là 5 và 3 cuộc điều tra đối với các công ty niêm yết; trong khi tháng 7 có 16 trường hợp được báo cáo.
Cũng trong tháng 11, anh em tỷ phú Paul Xiaoming Lee và Li Xiaohua , Chủ tịch và Phó chủ tịch của Yunnan Energy New Materials Co., Ltd., đã bị quản thúc tại gia chờ điều tra. Từ tháng 08/2020 đến tháng 06/ 2022, gia đình anh em tỷ phú trên đã giảm cổ phần nắm giữ tại Yunnan Energy khoảng 54 triệu cổ phiếu, trị giá khoảng 549 triệu USD.
Bán cổ phần và tháo chạy khỏi Trung Quốc là lựa chọn duy nhất của giới nhà giàu Trung Quốc; họ không còn hy vọng và cũng có thể là họ đã thức tỉnh.
Làn sóng tháo chạy khỏi tổ quốc khối doanh nhân
Tờ Lianhe Zaobao của Singapore đưa tin, Henley & Partners, một công ty tư vấn đầu tư và di dân ở London, chỉ ra rằng trong năm nay, ước tính có khoảng 10.000 người giàu ở Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội di cư sang các nước khác. Trung bình, mỗi người sẽ mang theo khoảng 4,8 triệu USD (hơn 112 tỷ VNĐ). Do đó, ước tính có tới 48 tỷ USD (hơn 1,12 triệu tỷ VNĐ) tài sản chảy ra khỏi Trung Quốc.
Trong số 10.000 cá nhân này, có khoảng 4.200 người đã di cư ra nước ngoài từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay. Theo lựa chọn của những trường hợp đã di cư trước đó, quốc gia ưa thích của họ là Hoa Kỳ, tiếp theo là Canada, Úc, Vương quốc Anh và Singapore.
Công ty Henley & Partners tiết lộ, “Mặc dù chúng tôi không chắc chắn về số lượng chính xác những người Trung Quốc có giá trị tài sản ròng cao sẽ chuyển đến Singapore trong năm nay, nhưng con số của cả năm sẽ là hơn 500 người”. Ước tính số tài sản họ mang theo là ít nhất 2,4 tỷ USD (hơn 56 nghìn tỷ VNĐ).
Huttons Group, một công ty môi giới bất động sản ở Singapore, cho biết doanh số bán căn hộ cao cấp của quý II đã tăng 64% so với quý trước, các yêu cầu tư vấn từ người mua nhà nước ngoài cũng tăng lên. Gần đây, khu căn hộ cao cấp The Nassim ở Singapore đã bán thành công một căn hộ 4 phòng ngủ với giá 20 triệu đô-la Singapore (hơn 338 tỷ VNĐ), người mua được cho là một người Trung Quốc.
Ngoài ra, vào tháng 6, một khách hàng đến từ Trung Quốc đã mua một lúc 20 căn của dự án Canning Hill Piers tọa lạc tại Fort Canning, Singapore. Tất cả đều là căn lớn có 3 phòng ngủ hoặc 4 phòng ngủ, tổng giá trị giao dịch ước tính là hơn 85 triệu đô-la Singapore (hơn 1,4 nghìn tỷ VNĐ). Các nguồn tin vào thời điểm đó cho biết, người mua nhà đó còn có thể mua thêm 10 căn nữa, nâng tổng giá trị giao dịch lên hơn 100 triệu đô-la Singapore (khoảng 1,7 nghìn tỷ VNĐ), đóng góp khoảng 30 triệu đô-la Singapore (khoảng 508 tỷ VNĐ) tiền thuế trước bạ cho chính phủ Singapore.
Minh Đăng – Quang Nhật tổng hợp