Trước làn sóng đổ về quê ăn Tết, nông thôn Trung Quốc không đủ sức để ứng phó dịch bệnh

Đông Phương

Trước làn sóng đổ về quê ăn Tết, nông thôn Trung Quốc không đủ sức để ứng phó dịch bệnh
Nông thôn ở một vùng phía bắc Trung Quốc chuẩn bị cho dịch bệnh sau đợt bùng phát tháng 12/2022. (Ảnh chụp màn hình)

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ bỏ chính sách Zero Covid, Tết Nguyên đán năm nay sẽ mở ra làn sóng “về quê trả thù”, chuyên gia cảnh báo sẽ có một làn sóng lây nhiễm đỉnh điểm khác ở các vùng nông thôn. Chính quyền nước này đang kêu gọi tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh ở các vùng nông thôn, nhưng nhiều vùng nông thôn đơn giản là không đủ sức để ứng phó.

Vào ngày 5/1, ông Chu Kiện (Zhou Jian), Phó Chủ nhiệm Trung tâm Thông tin của Viện nghiên cứu Khoa học thuộc Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, đã dự đoán trong một cuộc phỏng vấn với The Beijing News rằng, sẽ có ít nhất 2,02 tỷ lượt người di chuyển trong năm mới 2023. Tính toán dựa trên tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, ngành giao thông vận tải Trung Quốc có thể sẽ vận chuyển ít nhất 1,61 tỷ lượt khách trong đợt Tết sắp tới.

Tại cuộc họp báo của Quốc vụ viện vào ngày 6/1, ông Từ Thành Quang (Xu Chengguang), Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc, đã nâng dự báo lưu lượng hành khách trong năm mới lên 2,095 tỷ lượt người. Đồng thời, ông cho biết dự kiến luồng người thăm thân chiếm khoảng 55%, luồng lao động di cư là khoảng 24%, luồng đi du lịch và công tác chiếm khoảng 10%. Vị quan chức này cũng nói rằng, hiện tại giai đoạn đặt vé cao điểm là từ ngày 18/1 đến ngày 20/1.

Trung Quốc thông báo rằng, trong thời gian nghỉ lễ năm mới sẽ thực hiện các biện pháp như sắp xếp thời gian về quê và quay trở lại trường học, công ty cho người đi học, đi làm để tránh giai đoạn cao điểm. Tuy vậy, vẫn sẽ có làn sóng du lịch trước và sau dịp Tết Nguyên đán cũng như sau Tết Nguyên tiêu.

Nhiều chuyên gia dự đoán, đợt di chuyển ồ ạt này sẽ gây ra một đợt bùng phát mạnh khác, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

So với khu vực thành thị, nguồn lực y tế ở các vùng nông thôn của Trung Quốc khan hiếm hơn. Sau đợt bùng phát này, hầu hết các thành phố đều xuất hiện tình trạng hệ thống y tế sụp đổ và một lượng lớn bệnh nhân tử vong. Thế giới bên ngoài lo ngại rằng, đỉnh điểm của dịch bệnh ở nông thôn Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng bi thảm hơn.

Hôm 31/12/2022, giới chức Trung Quốc đã ban hành một văn bản yêu cầu các bệnh viện cấp huyện tăng cường xây dựng nguồn lực y tế để ứng phó với bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh nặng. Nhưng tại những vùng nông thôn xa xôi, những chính sách này dường như không nhận được sự hưởng ứng.

Vào ngày 5/1, Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn lời một bác sĩ từ Trung tâm Y tế thị trấn Đồng Cổ, huyện Vinh Xương, thành phố Trùng Khánh, cho biết địa phương này đang thiếu trầm trọng các loại thuốc chống dịch, hiện chỉ còn các loại thuốc uống kháng virus. Một bác sĩ ở Quảng Châu cũng tiết lộ rằng, các bệnh viện địa phương ở cấp xã, thị trấn không được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với dịch bệnh, nhiều nơi thậm chí còn không có thuốc tiêm tĩnh mạch giúp hạ sốt.

Một bác sĩ tại Trung tâm Y tế thị trấn Cao Bình, tỉnh Hồ Nam cho biết, sau khi dịch bệnh bùng phát tại địa phương này, trung tâm y tế đã thiếu giường trầm trọng, nhân viên y tế không đủ, những nhân viên bị dương tính nhưng có triệu chứng nhẹ vẫn phải đi làm, họ đã không được nghỉ ngơi trong nửa tháng nay. Hiện nay cơ sở y tế này đã vận hành tới ngưỡng giới hạn, nếu lại có một đợt dịch bệnh ập đến, họ chỉ có thể chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên.

Đứng trước dịch bệnh, phản ứng của nông dân Trung Quốc khá là bình thản, thậm chí có phần tê liệt.

Ông Đường Lý Long (Tang Lilong), một nông dân ở huyện Bình Thuận, thành phố Trường Dã, tỉnh Sơn Tây, thậm chí còn nói “Không sao cả” khi được RFA hỏi về tình hình dịch bệnh tại địa phương. Nhưng khi phóng viên hỏi chính quyền địa phương đã thực hiện những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nào, ông đáp rằng “Không có”.

Ông Vương Triệu Khánh (Wang Zhaoqing), một nông dân ở thành phố Lai Tây thuộc Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, lại tiết lộ rằng, mọi người trong gia đình ông đều bị nhiễm bệnh nhưng họ không uống thuốc và nằm gắng gượng ở nhà. Khi được hỏi chính quyền địa phương có thực hiện biện pháp gì không, ông cũng nói “Không có”.

Một người đàn ông làm việc lâu năm trong lĩnh vực y tế Trung Quốc trả lời phỏng vấn cho biết, thực ra cư dân ở các vùng nông thôn Trung Quốc mới là những người càng tuyệt vọng hơn, họ xem nhẹ việc sống chết, chẳng ai khóc lóc kêu than gì.

Ông nói, chính quyền các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đều đã hết tiền, và cái gọi là hỗ trợ phòng chống dịch bệnh ở nông thôn đều là lời nói suông.

Related posts