Nhà virus học nổi tiếng chỉ trích việc ĐCSTQ che đậy dữ liệu COVID

Nhà virus học nổi tiếng chỉ trích việc ĐCSTQ che đậy dữ liệu COVID
Tiến sĩ Lại Minh Chiếu (Michael Ming-Chiao Lai), một viện sĩ ưu tú của Viện Hàn lâm Nghiên cứu Trung ương (hay Viện Hàn lâm Khoa học) của Đài Loan và được biết đến như là người dẫn đầu trong nghiên cứu virus corona ở Đài Loan. (Ảnh: The Epoch Times) Trung Quốc

Ông cho rằng chủng virus này có thể đã đột biến ở Trung Quốc

Các chuyên gia từ bên ngoài Trung Quốc đã yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp thêm thông tin về tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc trong bối cảnh đợt bùng phát vẫn đang tiếp diễn căng thẳng.

CDC Trung Quốc đã công bố tổng số 72,596 ca tử vong tính đến hôm 19/01, kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng Mười Hai năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng quá tải của các bệnh viện và lò hỏa táng trên khắp đất nước cho thấy số người tử vong cao hơn nhiều. Một báo cáo của công ty phân tích Airfinity có trụ sở tại Vương quốc Anh ước tính số ca tử vong hàng ngày là 33,900 và tổng số ca tử vong tính từ ngày 01/12/2022 là 708,000.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 17/01, Giáo sư Tiến sĩ Lại Minh Chiếu (Michael Ming-Chiao Lai), một nhà vi sinh vật học nổi tiếng của Đài Loan, cho biết: “Với số người tử vong [do COVID] quá nhiều như vậy, thì chúng ta có thể thấy rằng đợt bùng phát dịch bệnh lần này hẳn phải là rất nghiêm trọng.”

Ông Lại là một nhà virus học nổi tiếng được kính trọng trên toàn cầu, đồng thời được mệnh danh là “cha đẻ của virus corona” vì đã đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với sự bùng phát dịch SARS (Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nghiêm trọng) vào năm 2003. Ông đã đạt được nhiều danh hiệu vinh dự, trong đó có Giải thưởng Thành tựu Trọn đời của Khoa (Lifetime Achievement Award Faculty) từ trường Đại học South California (USC) năm 2008, và Giải thưởng Thành tựu Trọn đời của Học hội các Nhà khoa học Sinh vật Người Hoa ở Mỹ Châu (SCBA) năm 2009 vì những thành tựu xuất sắc của ông trong quá trình nghiên cứu virus học phân tử, đặc biệt là bệnh viêm gan và virus corona cũng như tác động của những loại virus này đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm đa dạng trên người, cũng như ung thư, và các liệu pháp điều trị.

Ông Lại chỉ trích ĐCSTQ vì đã che đậy thông tin về chủng virus này.

“Có khả năng đợt bùng phát ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới,” ông Lại nói, “Chúng ta phải ngăn chặn một biến thể virus gây ra một đợt bùng phát toàn cầu.”

Theo ông Lại, chìa khóa để ngăn chặn một đợt bùng phát toàn cầu như vậy là xác định được chủng virus nào đang hoành hành hoặc các biến thể phụ của chủng virus này.

Ông Lại cho hay, “Chúng ta cần biết biến thể phụ nào đang chiếm ưu thế [ở Trung Quốc]. Nếu đó là một biến thể phụ mới, thì khả năng miễn dịch trước đó không thể bảo vệ hoàn toàn cho con người.”

Các nhà nghiên cứu Đài Loan đã tìm thấy một đột biến mới trong protein S thuộc dòng phụ BA.2.3.7 của Omicron. (Ảnh: Lightspring/Shutterstock)
Các nhà nghiên cứu Đài Loan đã tìm thấy một đột biến mới trong protein S thuộc dòng phụ BA.2.3.7 của Omicron. (Ảnh: Lightspring/Shutterstock)

Ông Lại nói, “Giả sử chủng virus đang chiếm ưu thế ở Trung Quốc có khả năng lây lan ra thế giới, thì chúng ta chỉ [có thể] hy vọng rằng tác động của biến thể này sẽ không mạnh như vậy.”

Các đột biến tiềm năng ở Trung Quốc

BA.5.2 và BF.7 — các biến thể chiếm ưu thế hiện tại của Omicron — chỉ gây nhiễm trùng đường hô hấp trên, vốn nhẹ hơn, như được tìm thấy ở các quốc gia khác bên ngoài Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, các quan chức y tế của ĐCSTQ đã tuyên bố hôm 13/01 rằng hai biến thể phụ này chiếm 97% trong tổng số 19 nhánh biến thể phụ của Omicron được phát hiện ở quốc gia này.

Ông Lại cho rằng dữ liệu của ĐCSTQ là không đáng tin cậy vì “thông tin của Trung Quốc lúc nào cũng không rõ ràng và không công khai.”

“Điểm quan trọng nhất là không biết biến thể đang phổ biến ở Trung Quốc là hai biến thể phụ kia hay là một biến thể khác,” ông Lại nói trong cuộc phỏng vấn, “vấn đề là chúng ta không có đủ dữ liệu để đưa ra phán đoán cuối cùng về việc này.”

“Dù là như vậy, nhưng rất có thể các chủng đột biến ở Trung Quốc hơi khác một chút,” ông Lại nói, nhấn mạnh một lần nữa rằng các nhà khoa học cần thêm thông tin xác thực từ Trung Quốc.

Ông Lại giải thích, “Các biến thể khác nhau của virus gây ra các triệu chứng khác nhau. Một thay đổi nhỏ trong trình tự gene và amino acid trong virus cũng sẽ làm thay đổi đặc tính miễn dịch của virus và khiến nó trở thành một chủng đột biến mới, mà hệ thống miễn dịch trước sẽ không thể đánh bại. Một số biến thể của virus có thể gây ra các triệu chứng nặng hơn.”

Những nhận định của ông Lai tương đồng với nhận định của Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng (Yan Limeng), người từng là thành viên của Phòng thí nghiệm Quy chiếu Cúm H5 trong mạng lưới các phòng thí nghiệm của WHO tại Trường Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Hồng Kông. Cô đã đào thoát sang Hoa Kỳ sau khi đặt câu hỏi về nguồn gốc của virus COVID-19.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, cô Diêm nói rằng thật vô lý khi các biến thể của Omicron là giống nhau mà đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc lại nghiêm trọng hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới.

Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, người tố cáo tình hình dịch COVID-19. (Ảnh: The Epoch Times)
Tiến sĩ Diêm Lệ Mộng, người tố cáo tình hình dịch COVID-19. (Ảnh: The Epoch Times)

Hôm 10/01, cô nói với The Epoch Times rằng nhóm của cô đã tìm thấy “một sự thay đổi nhỏ” trong các biến thể phụ của Omicron mà du khách Trung Quốc đến Ý mang theo, có thể dẫn đến tình trạng né tránh miễn dịch và gây nhiều tổn hại hơn cho cơ thể con người.

Cô Diêm cũng lên án ĐCSTQ vì đã che đậy dữ liệu về đại dịch ở Trung Quốc. Cô nói rằng nhóm của cô đã nghiên cứu xem liệu khả năng né tránh miễn dịch này là một hiện tượng tự nhiên hay là do con người tạo ra. Họ cần “nhiều thời gian và nhiều cơ hội hơn để tìm thêm bằng chứng” vì việc tiếp cận với dữ liệu thực tế về đại dịch ở Trung Quốc là rất khó khăn.

‘Đi ngược lại đạo đức y khoa’

Ông Lại cho biết việc ĐCSTQ đột ngột thay đổi các chính sách zero COVID đặc trưng của mình là “đi ngược lại đạo đức y khoa”.

“Tôi không đồng ý với các chính sách cách ly lâu dài,” ông Lại chia sẻ, và nói thêm rằng việc ‘xóa sổ’ các loại virus là bất khả thi và mọi người phải học cách chung sống với những con siêu vi khuẩn này. Các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID nghiêm ngặt của ĐCSTQ đã gây thiệt hại lớn cho xã hội Trung Quốc, bao gồm cả nền kinh tế, giáo dục, và các hoạt động kinh doanh của người dân.

Kể từ tháng Mười Hai năm ngoái, ĐCSTQ đã mở cửa để lây nhiễm tràn lan trong một nỗ lực nhằm nhanh chóng đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, thế nhưng họ đã không chuẩn bị đầy đủ nguồn lực y tế cho người dân, do đó đã gây ra nhiều ca tử vong ở Trung Quốc. Con số tử vong thực sự vẫn chưa được tiết lộ.

Ông Lại cũng không đồng tình với biện pháp cực đoan này.

Ông chỉ trích cách làm của ĐCSTQ: “Biện pháp [lây nhiễm hàng loạt] này là hy sinh người này để bảo vệ cho người kia, điều này xét về mặt đạo đức là không thể chấp nhận được.”

“Không nên có ý tưởng bảo vệ một số người bằng cách hy sinh những người khác, điều này đi ngược lại đạo đức [y khoa]. Chúng ta phải bảo vệ tất cả mọi người,” ông Lại nhấn mạnh.

Sophia Lam

Hồng Ân biên dịch

Related posts