Tin thế giới trưa thứ Hai

Nga ra lệnh huấn luyện quân sự bắt buộc đối với học sinh cấp 2

Các tân binh của Quân đội Nga cầm vũ khí trong một cuộc huấn luyện quân sự (ảnh: AP).

Truyền thông Mỹ Washingtontimes loan tin, Các học sinh trung học cơ sở của Nga sẽ phải tham gia khóa huấn luyện quân sự bắt buộc như một phần chương trình học của họ.

Thông tin trên được các quan chức tình báo quân đội Anh tiết lộ ngày 29/1, theo đó nêu bật tình trạng quân sự hóa của Nga, gần 1 năm sau khi nước này phát động cuộc xâm lược Ukraina.

Trong một báo cáo tình báo cập nhật, các quan chức Anh cho biết Bộ Giáo dục Nga gần đây đã công bố chi tiết về khóa học quân sự, dự kiến sẽ trở thành khóa học bắt buộc kể từ tháng 9 tới.

Khóa học “Những điều cơ bản về an toàn tính mạng” sẽ bao gồm huấn luyện sử dụng súng trường AK và lựu đạn cầm tay, diễn tập quân sự, cũng như cách sử dụng thiết bị bảo vệ cá nhân.

Theo Washingtontimes, Vào tháng 12/2022, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Nga cũng đã công bố một chương trình huấn luyện quân sự bắt buộc tương tự cho sinh viên đại học.

Trước kia, việc huấn luyện như vậy cũng được thực hiện tại các trường học ở Nga cho đến năm 1993.

Liên Thành

Maher: Tiktok ‘làm thối não của trẻ em Mỹ’

Trong chương trình “Real time” của HBO được phát sóng vào thứ Sáu (28/01), người dẫn chương trình Bill Maher đã tuyên bố rằng, Trung Quốc đã cung cấp cho Mỹ một ứng dụng “làm mục nát bộ não của trẻ em Hoa Kỳ” và có vẻ như Hoa Kỳ đang thử nghiệm trên bộ não của những người trẻ tuổi.

Cựu nhân viên của Facebook, ông Frances Haugen, cho biết: “Mỗi video bổ sung mà quý vị xem…họ sẽ kiếm được nhiều tiền hơn khi họ giữ quý vị ở đó lâu hơn, đó là lý do tại sao ở Trung Quốc, thực sự giới hạn tỷ lệ về thời lượng trẻ em có thể xem video mỗi ngày, chẳng hạn như chỉ 40 phút mỗi ngày.”

Ông Maher sau đó nói, “Tuy nhiên, đó là một ứng dụng của Trung Quốc. Vì vậy, họ đưa cho chúng ta thứ làm mục nát bộ não của con em chúng ta, đúng không?”

Ông Haugen trả lời: “Vì vậy, họ không làm gì khi một đứa trẻ ở Hoa Kỳ sử dụng nền tảng này trung bình 100 phút mỗi ngày. Và mỗi năm, con số đó tăng lên theo thứ tự từ 7 đến 10 phút. Và như thế, câu hỏi đặt ra là chuyện gì đang xảy ra khi Trung Quốc tuyên bố thứ gì đó quá có hại cho trẻ em Trung Quốc sử dụng nhưng trẻ em Mỹ lại được phép sử dụng?”

Tiktok hiện đang phải đối mặt với việc bị cấm trên khắp Hoa Kỳ bởi một dự luật mới được thúc đẩy bởi Thượng Nghị sĩ Josh Hawley. Ông Hawley cho biết, “Trung Quốc đang thâm nhập vào cuộc sống của người dân Mỹ thông qua Tiktok. Nền tảng này đe dọa quyền riêng tư và sức khỏe tinh thần của con em chúng ta.” 

“Tháng trước, Quốc hội đã cấm ứng dụng này trên tất cả các thiết bị của chính phủ. Bây giờ tôi sẽ đưa ra luật để cấm ứng dụng này trên toàn quốc.” Ông cũng trích dẫn một số lo ngại về an ninh quốc gia như là một trong những lý do để đưa ra dự luật trên.

Tạ Linh

Tổng thư ký NATO đến Hàn Quốc để thắt chặt mối bang giao với châu Á

Tổng thư ký NATO đến Hàn Quốc để thắt chặt mối bang giao với châu Á
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 25/11/2022. (Ảnh: Kenzo Tribouillard/AFP/Getty Images)

Hôm Chủ nhật (29/1), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến Hàn Quốc, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nhằm mục đích thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh của Hoa Kỳ bao gồm cả Nhật Bản, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga – Ukraine đang leo thang và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Ông Stoltenberg đã gặp Ngoại trưởng Park Jin tại Seoul và dự kiến sẽ gặp Tổng thống Yoon Suk-yeol cùng Bộ trưởng Quốc phòng Lee Jong-Sup, theo hãng tin Reuters.h

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ lo ngại về các vụ thử tên lửa và chương trình vũ khí hạt nhân “liều lĩnh” của Triều Tiên, cũng như việc cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây ra những hậu quả đối với châu Á, ông Stoltenberg nói với Ngoại trưởng Park khi bắt đầu cuộc họp. Lãnh đạo NATO viện dẫn những nghi ngờ rằng Triều Tiên đang cung cấp hỗ trợ quân sự cho nỗ lực chiến tranh của Nga.

Cả hai quan chức đều trích dẫn “các giá trị chung” giữa các nước thành viên của liên minh quân sự NATO với Hàn Quốc.

“Trước những thách thức toàn cầu chưa từng có ngày nay, chúng tôi tin rằng sự đoàn kết giữa các quốc gia chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền là quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Park nói.

Hôm thứ Hai (30/1), ông Stoltenberg sẽ bay tới Tokyo để tiến hành các cuộc họp theo lịch trình với Thủ tướng Fumio Kishida và các quan chức Nhật Bản khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông cho hay, mặc dù NATO vẫn sẽ tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ nhưng các thành viên của liên minh quân sự này vẫn bị ảnh hưởng bởi các vấn đề trên toàn cầu.

Ông nói: “Chúng ta cần giải quyết các mối đe dọa và thách thức toàn cầu này, bao gồm cả những thách thức đến từ Trung Quốc. Có một cách để làm điều đó, chính là hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon và Thủ tướng Nhật Bản Kishida đã trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của hai quốc gia này tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách quan sát viên vào năm ngoái.

Sau hội nghị thượng đỉnh, Hàn Quốc đã mở phái đoàn ngoại giao đầu tiên tới NATO, cam kết tăng cường hợp tác về không phổ biến vũ khí hạt nhân, phòng thủ mạng, chống khủng bố, ứng phó thảm họa và các lĩnh vực an ninh khác.

Đáp lại, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã cảnh báo việc Hàn Quốc và Nhật Bản tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO, đồng thời chỉ trích quan hệ đối tác ngày càng mở rộng của liên minh này ở châu Á.

Triều Tiên cho rằng sự hiện diện của NATO vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ dẫn đến cuộc xung đột đang hoành hành ở châu Âu.

Cả Triều Tiên và Nga đều bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Triều Tiên đang cung cấp vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine.

Lam Giang tổng hợp

Related posts